Lần thứ hai chỉ trong vòng 6 tháng, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran huy động tên lửa trực tiếp tấn công Israel, « cường quốc quân sự của khu vực » và cũng là cánh tay nối dài của Mỹ ở Cận Đông. Sau nhiều thập niên tránh để xảy ra xung đột vũ trang trên lãnh thổ Iran, giáo chủ Ali Khamenei tính toán những gì và có thể trông cậy vào ai trong kịch bản phải đương đầu với « Nhà Nước Do Thái và Quỷ Satan là Mỹ » ?
Đăng ngày: 03/10/2024
Trong loạt tấn công trong đêm 01/10/2024, gần 200 tên lửa của Iran -kể cả tên lửa siêu thanh, đã được bắn vào lãnh thổ Israel. Con số này và mức độ nguy hiểm « cao gấp đôi » so với hồi tháng 4/2024 khi Teheran trực tiếp thách thức chính quyền của thủ tướng Benjamin Netanyahu. Vào tháng 4, Iran chủ yếu tấn công Israel bằng drone và trước khi ra tay đã liên tục báo động để cho đối phương có thời gian chuẩn bị, triển khai vòm sắt, nhằm giới hạn tối đa những thiệt hại về nhân mạng và vật chất. Ngay sau đợt tấn công đó, Iran « dừng lại » các đòn trả đũa nhắm vào Israel, như thể Teheran chỉ muốn thị uy và muốn tránh phải lao vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Israel.
Lần này thì khác. Iran đem « vũ khí hạng nặng » ra để răn đe và chỉ thông báo trước cho các bên liên quan 12 phút trước khi ra tay.
Giới quan sát ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy Teheran dường như bị « đẩy vào chân tường » và chấp nhận rủi ro bị Israel đáp trả đích đáng, đe dọa trực tiếp đến những « quyền lợi sống còn của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran ».
Clément Therme, chuyên gia về Iran tại đại học Montpellier và trường Khoa Học Chính Trị Paris, giải thích « Iran bắt buộc phải cứu vãn thể diện » vào lúc mà hai tổ chức vũ trang được Teheran yểm trợ như rắn không đầu. Trong vài tuần lễ các thủ lĩnh của lực lượng Hồi Giáo ở Liban – Hezbollah và của phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas ở Gaza bị Israel tiêu diệt. Hezbollah và Hamas là hai trong số 4 lực lượng của « trục kháng chiến » bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ ở Teheran.
Sau những đòn ngoạn mục tiêu diệt lãnh đạo các phong trào Hezbollah và Hamas thực hiện trên lãnh thổ Liban, tại Syria và thậm chí là ngay trên lãnh thổ Iran, thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trực tiếp thách thức Teheran khi tuyên bố « không một địa điểm nào trên lãnh thổ Iran tình báo Israel không với tới ». Cũng thủ tướng Israel gián tiếp nói với người dân Iran đang phẫn nộ với chế độ ở Teheran, rằng Israel đang « sát cánh » với họ. Một nhà phân tích tại Beyrouth ngầm hiểu đây không hơn không kém là một lời kêu gọi người dân Iran vùng lên, lật đổ chế độ trong tay các giáo sĩ Hồi Giáo
Nhà nghiên cứu người Canada Thomas Juneau, thuộc cơ quan phân tích chiến lược NSA –Network for Strategic Analysis, ghi nhận một sự thay đổi trong thái độ của Iran giữa hai cuộc đọ sức với Nhà nước Do Thái : Qua đợt tấn công đêm 01/10/2024, chính quyền của giáo chủ Khamenei mạnh tay hơn và đã đánh cược là thể nào Mỹ cũng sẽ phải kềm chế đồng minh Israel. Nhưng có lẽ đây là một nước cờ mạo hiểm, bởi chưa chắc tiếng nói của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden còn có trọng lượng đối với ông Netanyahu. Một số nhà quan sát tại Washington cũng cho rằng giờ đây, thủ tướng Israel mới là người đang « làm chủ cuộc chơi ».
Thái độ dứt khoát của Iran cũng có thể hiểu như là Teheran thất vọng vì sự yếu đuối của Washington trước một đồng minh « bất kham » là Benjamin Netanyahu. Cuối tháng 7/2024 ,sau vụ một thủ lĩnh của Hezbollah bị giết tại Beyrouth, qua các kênh không chính thức, Hoa Kỳ có hứa với Iran sẽ gây sức ép với Israel để đạt đến một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Đây chính là chìa khóa cho phép hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực và giảm thiểu nguy cơ Israel mở thêm mặt trận ở Liban, nhắm vào tổ chức Hezbollah được Iran yểm trợ.
Sau loạt vụ nổ máy nhắn tin và máy bộ đàm hồi tuần trước, những tính toán của Iran tan thành mây khói. Hơn thế nữa, nhiều nguồn tin chính thức của Israel không che giấu mục tiêu sẽ còn « tấn công cả vào các cơ sở hạt nhân và dầu hỏa của Iran ». Đó là lý do vì sao Teheran bị đẩy vào chân tường và đã không còn do dự để « trả đũa đích đáng ».
Nhưng trong bài toán này, Teheran vẫn có một chút hy vọng : ngay trong trường hợp xung đột leo thang và phải đương đầu với Israel thì chế độ của các giáo chủ Iran vẫn có thể trông cậy vào hai đối tác nặng ký là Nga và Trung Quốc vào lúc Matxcơva liên tục được cung cấp drone và có thể là cả tên lửa của Iran trên chiến trường Ukraina, còn Bắc Kinh thì là điểm tựa của Iran để phá vỡ trật tự thế giới trong tay Âu Mỹ.
Về phía Israel, nhiều nguồn tin chính thức không che giấu mục tiêu sẽ « tấn công cả vào các cơ sở hạt nhân và dầu hỏa của Iran ». Đó là lý do vì sao Teheran đã liều lĩnh huy động gần 200 tên lửa nhắm vào Israel trong đêm 01/10 vừa qua.
Một nhà phân tích tại Liban được báo La Croix trích dẫn không mấy lạc quan cho rằng, các bên đang tiến sâu thêm vào một « cuộc chơi càng lúc càng nguy hiểm ».
Ai cũng biết, Israel không thể đánh sâu vào lãnh thổ Iran hay phá hủy các cơ sở hạt nhân của nước này nếu không có vũ khí và sự đồng thuận của Mỹ. Về phía Teheran, giáo chủ Khamenei ý thức được là kinh tế đang kiệt quệ và các phong trào chống đối chế độ vẫn âm ỉ, để nổ ra xung đột trên lãnh thổ Iran có thể là hồi kết của chế độ.
Trước mắt dường như « những lằn ranh đỏ tránh dẫn tới chiến tranh lần lượt bị vượt qua » mà chưa thấy Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ, ngoài tuyên bố không đồng ý cho Nhà nước Do Thái « tấn công cơ sở hạt nhân của Iran ».