Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã căng thẳng từ lâu. Đâu là nguồn cơn của tình trạng này?
Trung Quốc vừa tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan lần thứ hai trong năm, mô phỏng một cuộc tấn công toàn diện lên hòn đảo – chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức lần đầu tiên có bài phát biểu kỷ niệm Ngày Quốc khánh Đài Loan.
Sự kiện lần này diễn ra vài tháng sau khi Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận bao vây vào ngày 23/5 – chỉ ba ngày sau khi ông Lại Thanh Đức nhậm chức.
Các cuộc tập trận này cho thấy trọng tâm của vấn đề: Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hòn đảo tự trị Đài Loan.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai mà rốt cuộc sẽ quay trở lại là một phần của Trung Quốc, và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực nhằm đạt được điều đó.
Nhiều người dân Đài Loan coi bản thân mình thuộc về một quốc gia tách biệt – nhưng phần lớn ủng hộ Đài Loan giữ nguyên hiện trạng, tức không tuyên bố độc lập hoặc thống nhất với Trung Quốc.
Lịch sử giữa Trung Quốc và Đài Loan
Những người định cư đầu tiên được biết đến của Đài Loan là một tộc người Nam Đảo (Austronesia), được cho là đến từ khu vực ngày nay là miền nam Trung Quốc.
Các ghi chép của Trung Quốc dường như đã nhắc tới Đài Loan lần đầu tiên vào năm 239 Công nguyên. Thời bấy giờ, một vị hoàng đế đã cử quân viễn chinh tới hòn đảo này – một dữ liệu mà Trung Quốc sử dụng để củng cố yêu sách lãnh thổ của mình. (Đoạn này nhắc tới ghi chép: Thời Tam Quốc, nhà Đông Ngô đã điều quân tới một vùng đất gọi là Di Châu mà nhiều thuyết cho rằng là Đài Loan.)
Sau khoảng thời gian tương đối ngắn là thuộc địa của Hà Lan, Đài Loan nằm dưới sự cai trị của nhà Thanh, rồi được nhượng cho Nhật Bản sau khi Nhật Bản giành chiến thắng trong Chiến tranh Nhật – Thanh.
Sau Thế chiến II, Nhật Bản đầu hàng và từ bỏ quyền kiểm soát các lãnh thổ đã chiếm từ Trung Quốc.
Sau đó, Đài Loan chính thức được coi là bị Trung Hoa Dân Quốc (ROC) chiếm đóng, sau khi ROC nhận được sự đồng thuận từ hai đồng minh là Mỹ và Anh.
Trong vài năm sau đó, một cuộc nội chiến đã nổ ra ở Trung Quốc và quân của lãnh đạo lúc bấy giờ là Tưởng Giới Thạch đã bại trận trước quân đội Cộng sản của Mao Trạch Đông.
Vào năm 1949, Tưởng Giới Thạch, tàn dư chính phủ Quốc Dân Đảng (KMT) của ông và những người ủng hộ – khoảng 1,5 triệu người – chạy qua Đài Loan.
Tại đây, Tưởng Giới Thạch đã thiết lập chế độ độc tài và cai trị Đài Loan cho đến những năm 1980.
Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời, Đài Loan dần chuyển sang chế độ dân chủ và có cuộc bầu cử đầu tiên vào năm 1996.
Nước nào công nhận Đài Loan?
Có bất đồng về tư cách của Đài Loan.
Hòn đảo này có hiến pháp riêng, lãnh đạo được bầu cử dân chủ và khoảng 300.000 quân thường trực trong các lực lượng vũ trang.
Chính phủ lưu vong ROC của Tưởng Giới Thạch, với ý định tái chiếm Trung Quốc, ban đầu đã tuyên bố mình đại diện cho toàn Trung Hoa.
Lúc bấy giờ, chính phủ này nắm giữ ghế của Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và được nhiều quốc gia phương Tây công nhận là chính phủ duy nhất của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tới những năm 1970, một số quốc gia bắt đầu lập luận rằng chính quyền Đài Loan không thể tiếp tục được coi là một thực thể phù hợp để đại diện cho những người sống ở Trung Quốc đại lục.
Vào năm 1971, Liên Hợp Quốc chuyển sự công nhận ngoại giao sang Bắc Kinh.
Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào năm 1978, Mỹ nhìn ra cơ hội thương mại và có nhu cầu thiết lập quan hệ.
Hai quốc gia này chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979.
Kể từ đó, số quốc gia công nhận chính phủ ROC giảm mạnh, hiện chỉ còn 12 nước công nhận hòn đảo này.
Trung Quốc hiện vẫn gây áp lực ngoại giao mạnh mẽ để các quốc gia không công nhận Đài Loan là quốc gia.
Quan hệ Trung Quốc – Đài Loan thế nào?
Mối quan hệ bắt đầu trở nên tốt hơn vào những năm 1980 khi Đài Loan nới lỏng những luật liên quan tới việc di chuyển tới và đầu tư vào Trung Quốc.
Vào năm 1991, ROC tuyên bố rằng cuộc chiến với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã kết thúc.
Trung Quốc đề xuất phương án được gọi là “một quốc gia, hai chế độ”, nói rằng điều này sẽ đem tới cho Đài Loan quyền tự trị đáng kể nếu chấp nhận nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Hệ thống này tạo ra nền tảng cho sự trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997 và là cách mà Hong Kong được quản lý cho tới thời gian gần đây, khi mà Bắc Kinh tìm cách gia tăng ảnh hưởng.
Đài Loan đã từ chối đề xuất nói trên, khiến Bắc Kinh khẳng định chính phủ ROC của Đài Loan là không hợp pháp.
Tuy nhiên, đại diện không chính thức của Trung Quốc và Đài Loan vẫn có những cuộc đàm phán hạn chế.
Tới năm 2000, Đài Loan bầu ông Trần Thủy Biển làm tổng thống, điều khiến Bắc Kinh quan ngại.
Ông Trần Thủy Biển và Đảng Dân Tiến (DPP) của mình đã công khai ủng hộ một Đài Loan “độc lập”.
Chỉ một năm sau khi ông Trần Thủy Biển tái đắc cử vào năm 2004, Trung Quốc đã thông qua cái gọi là đạo luật chống ly khai, tuyên bố Trung Quốc có quyền sử dụng “biện pháp phi hòa bình” đối với Đài Loan nếu hòn đảo này cố gắng “ly khai” khỏi Trung Quốc.
Kế nhiệm ông Trần Thủy Biển là Quốc Dân Đảng (KMT), chính đảng ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với PRC.
Vào năm 2016, bà Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến được bầu làm tổng thống.
Dưới thời của bà, mối quan hệ xuyên eo biển đã xấu đi.
Trung Quốc cũng cắt đứt liên lạc chính thức với Đài Loan sau khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền, cho biết nguyên nhân là vì bà từ chối ủng hộ khái niệm một quốc gia Trung Quốc.
Bà Thái Anh Văn chưa từng nói sẽ chính thức tuyên bố Đài Loan độc lập, nhấn mạnh rằng hòn đảo này vốn đã độc lập rồi.
Nhiệm kỳ của bà Thái Anh Văn trùng với nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình, thời kỳ mà các yêu sách của Trung Quốc đã trở nên hung hãn hơn.
Ông Tập đã nhiều lần nhắc lại thông điệp Trung Quốc “chắc chắn sẽ tái thống nhất” Đài Loan và ấn định năm 2049 là lúc để “đạt được giấc mộng Trung Hoa”.
Vào tháng 1/2024, Đài Loan bầu ông Lại Thanh Đức, khi đó là phó tổng thống, làm tổng thống – người mà Trung Quốc gọi là “kẻ ly khai”.
Các cuộc tập trận của Trung Quốc, có tên gọi là Joint Sword 2024A (Liên hiệp Lợi kiếm 2024A), đã diễn ra trong tuần đầu nhiệm kỳ của ông Lại Thanh Đức.
Trung Quốc tuyên bố rằng đó là “hình phạt nặng” đối với “hành vi ly khai”. Họ cũng gọi ông Lại Thanh Đức là tổng thống DPP “tệ nhất” từ trước đến giờ.
Các cuộc tập trận lần này, có tên là Joint Sword 2024B (Liên hiệp Lợi kiếm 2024B), diễn ra vài ngày sau khi ông Lại Thanh Đức tuyên bố duy trì trạng thái tự chủ của Đài Loan trong bài phát biểu mừng quốc khánh vào hôm 10/10.
Mỹ liên quan gì tới quan hệ Trung Quốc – Đài Loan?
Mỹ giữ quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh, công nhận đó là chính quyền duy nhất theo “chính sách Một Trung Quốc” – nhưng vẫn là quốc gia quan trọng nhất ủng hộ Đài Loan trên trường quốc tế.
Luật pháp buộc Washington phải cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan. Tổng thống Joe Biden từng nói sẽ bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự – phá vỡ lập trường được gọi là mơ hồ chiến lược trước đó.
Lâu nay, Đài Loan là vấn đề gây tranh cãi nhất trong mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc, với việc Bắc Kinh lên án bất kỳ động thái nào được cho là ủng hộ Đài Loan của Washington.
Vào năm 2022, sau chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, khi đó là chủ tịch Hạ viện Mỹ, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách phô trương sức mạnh chưa từng có tiền lệ bằng cách thực hiện các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng “chiến thuật vùng xám” – điều động số lượng kỷ lục máy bay chiến đấu của Trung Quốc tới gần Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận quân sự để phản ứng trước những trao đổi ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan.
Vào năm 2022, số lượng máy bay chiến đấu của Trung Quốc xâm phạm vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan tăng gần gấp đôi.
Kết quả bầu cử của Mỹ sắp tới sẽ định hình mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Ai là người chiến thắng cũng sẽ có tác động không thể xóa nhòa tới mối quan hệ nhạy cảm giữa Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan.