- Tác giả,Hyojung Kim
- Vai trò,BBC Tiếng Hàn
- 9 giờ trước
“Tại sao người ăn xin nước ngoài lại đến đây?” – đây là phản ứng lần đầu tiên của Kang Ji-hyun khi cô lần đầu thấy có người mặc quần jeans rách.
Khi đó, Kang chỉ mới 15 tuổi, đang cùng với cha mình ở gần Hồ Thiên Đường trên núi Paektu (còn được gọi là Cheonji trong tiếng Hàn) tại Triều Tiên.
Kang và cha của cô đã nhìn thấy một nhóm khách du lịch và một số người mặc quần jeans rách.
Được rao giảng rằng quần jeans là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và người mặc quần áo rách rưới là người nghèo, Kang cảm thấy sốc trước những gì mình chứng kiến.
“Không thể nào một khách du lịch nước ngoài lại là một người ăn xin, có lẽ đó là thời trang chăng?” cha của cô nói.
Trải nghiệm đầu tiên với chiếc quần jeans rách khiến Kang nhận ra ý nghĩa của sự tự do, cô nói với BBC News Tiếng Hàn:
“Đó là khoảnh khắc đã thay đổi cuộc đời tôi”.
‘Ngọn gió vàng’
Việc Triều Tiên siết chặt kiểm soát đối với thông tin và văn hóa nước ngoài không có gì xa lạ. Tuy nhiên, Kang vẫn có thể nhìn thấy được các kiểu quần áo khác nhau lúc còn nhỏ. Cô lớn lên trong thời kỳ mà sự đàn áp không gay gắt như những năm gần đây.
Vào giữa những năm 1990, mẹ cô bắt đầu mua quần áo lậu từ Trung Quốc và Nhật Bản ở biên giới và đem ra chợ bán để kiếm sống trong ‘Tháng Ba gian khổ’ – một từ dùng để mô tả thời kỳ xảy ra nạn đói và khủng hoảng kinh tế.
Kang có thể mặc áo hoodie (áo khoác) khi ra đường hoặc những chiếc áo có bèo nữ tính làm từ ren.
“Chính quyền không soi kỹ những gì chúng tôi mặc nhưng tình hình bắt đầu thay đổi vào giữa những năm 2000.
“Chúng tôi bắt đầu nghe thấy từ ‘gió vàng’ rất nhiều và xảy ra nhiều cuộc đàn áp hơn.”
‘Gió vàng’ là thuật ngữ mà các quan chức Triều Tiên sử dụng để chỉ một ‘xu hướng thô tục và suy đồi’, đặc biệt là liên quan đến nền văn hóa tư bản.
“Có những thanh sát viên chính thức tiến hành trấn áp. Khi họ phát hiện bạn mặc quần jeans, họ sẽ dùng kéo cắt bỏ phần dưới. Hoặc yêu cầu phải giao nộp chiếc quần jeans”, Kang nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp, Kang có một thời gian làm kế toán rồi trở thành thủ thư nhưng điều cô thực sự muốn, đó là trở thành một nhà thiết kế thời trang.
Cuối cùng, cô đến Trung Quốc, nơi những chiếc quần rách và chiếc đầm sát nách là sản phẩm phổ biến.
“Lúc đầu, tôi chỉ muốn thử điều gì đó khác biệt, chứ không có ý định đào tẩu. Nhưng sau một thời gian, tôi bắt đầu có suy nghĩ rằng mình phải đến Hàn Quốc để thực hiện ước mơ.”
Năm 2009, khi ở tuổi 20, Kang đã vĩnh viễn rời khỏi Triều Tiên.
“Tôi muốn có được sự tự do và niềm vui từ quần áo.”
Bị bắt giam vì mặc quần ống loe
“Thân thể tôi ở Triều Tiên nhưng con tim và tâm trí tôi lại ở nơi khác.”
Kwon Bom mô tả với BBC News Tiếng Hàn về những bộ phim cô xem trên DVD thời niên thiếu đã khiến cô đặt câu hỏi về cuộc sống bên ngoài Triều Tiên khác với đất nước cô đang sống như thế nào.
“Ông của tôi là tù nhân chiến tranh ở Hàn Quốc. Chính vì lý do này, cha tôi chưa bao giờ có được một công việc tử tế ở Triều Tiên.”
Mẹ của Kwon đã may mắn xoay xở để gia đình sống tốt với sự giúp đỡ của họ hàng của bà ở Trung Quốc. Gia đình của cô có thể mua một đầu đọc DVD, cũng là chiếc duy nhất trong làng của cô.
“Những người hàng xóm sau đó mang phim Hàn Quốc đến nhà tôi xem. Chúng tôi kéo rèm dày và đắm chìm vào những bộ phim như ‘Nấc thang lên thiên đường’, ‘Bản tình ca mùa đông’…
“Tôi vào lúc đó cũng tưởng tượng bản thân mặc trang phục giống các nhân vật chính trong phim.”
Một nhóm các thanh sát viên đã chặn cô lại và hỏi tại sao cô lại mặc những bộ quần áo đó.
Kwon bị giam giữ trong ba ngày. Rồi cô được thả ra sau khi cha mẹ cô nộp phạt.
Nhưng đó chỉ là một trong nhiều lần Kwon bị thẩm vấn vì quần áo của mình.
Năm 17 tuổi, cô bỏ trốn, ban đầu là vượt sông Đồ Môn để vào Trung Quốc, sau đó là hành trình dài và khó khăn đến Đông Nam Á, rồi từ đó đi đến Hàn Quốc vào năm 2012.
“Cuối cùng, tôi đã đến được nơi mà bản thân có thể thể hiện niềm đam mê của mình.”
Giảm bớt thành kiến đối với người đào tẩu
Giờ đây Kang Ji-hyun đang quản lý thương hiệu thời trang riêng của mình là ‘ISTORY’ tại Hàn Quốc, sau khi tốt nghiệp ngành thời trang tại Đại học Hanyang và làm việc trong lĩnh vực này.
Cô hợp tác với các nhà thiết kế có cùng xuất xứ như mình và đóng góp một phần lợi nhuận của thương hiệu để giúp đỡ những người đào tẩu Triều Tiên.
“Người Triều Tiên thường được miêu tả là những người cộng sản máu lạnh hoặc [trong] hình ảnh không tách rời với chế độ Triều Tiên”, theo như trang web của cô, “rất nhiều người đào tẩu không muốn tiết lộ danh tính của mình và họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi với xã hội Hàn Quốc”.
Kang muốn sử dụng thời trang để phát đi thông điệp rằng những người như cô không khác gì những người dân Hàn Quốc.
“Tôi thấy mình bắt đầu tham gia vào các khái niệm như quyền con người khi làm việc.”
Kwon Bom hiện đang làm nhà thiết kế chính cho một thương hiệu quần áo. Ngoài ra, cô đã cho ra mắt thương hiệu riêng của mình ‘GB (Giyeokbi-eup)’, cách điệu trang phục truyền thống Hàn Quốc ‘hanbok’ thành những bộ trang phục hiện đại ngày nay.
Siết chặt kiểm soát
Triều Tiên đã cấm quần jeans từ những năm 1990 nhưng trong những năm gần đây, khi quốc gia này tăng cường đàn áp văn hóa nước ngoài, quy định này đã được siết chặt trở lại.
Năm 2020, Triều Tiên đã ban hành “Luật chống tư tưởng và văn hóa phản động” trong đó bất kỳ ai phát tán văn hóa phẩm từ nước ngoài sẽ bị lãnh án tử hình.
Hồi đầu năm nay, có thông tin về một thiếu niên Triều Tiên bị kết án 12 năm lao động khổ sai vì xem và phát tán phim truyền hình Hàn Quốc.
Và một người dân Triều Tiên, 22 tuổi, đã bị tử hình công khai vì xem và chia sẻ phim ảnh và nhạc Hàn Quốc, theo Báo cáo năm 2024 về tình hình nhân quyền của Triều Tiên do Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố vào tháng 6.
Kwon cho biết mẹ cô, hiện vẫn ở Triều Tiên, đã trở nên thận trọng hơn nhiều khi nói chuyện với cô qua điện thoại trong thời gian này, vì lo lắng có thể bị nghe lén hoặc gặp rắc rối.
Các chuyên gia cho rằng chế độ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung-un đang ra sức ngăn chặn văn hóa phương Tây và Hàn Quốc xâm nhập vào xã hội Triều Tiên.
“Chế độ này đang phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài vì ủng hộ Nga,” Jeon Young-sun, giáo sư nghiên cứu tại Viện Nhân văn Thống nhất thuộc Đại học Konkuk, cho biết, “còn trong nước, nền kinh tế đang trì trệ, vì vậy chế độ này đang trong tình trạng nguy cấp”.
“Ảnh hưởng văn hóa nước ngoài có thể tạo nên mối đe dọa đối với hệ tư tưởng đòi hỏi người dân Triều Tiên phải trung thành tuyệt đối của triều đại nhà Kim”.
“Vì vậy, tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ tốt hơn thời điểm hiện tại”.
Đối với Kang và Kwon, có những giấc mơ mới đang thành hình.
“Tôi hy vọng một ngày nào đó mẹ tôi có thể mặc những bộ quần áo do tôi thiết kế và khoe với hàng xóm của bà,” Kang nói.
Kwon muốn tạo ra một xu hướng toàn cầu mới có bao gồm những thiết kế trang phục truyền thống của Hàn Quốc.
“Tôi đang có suy nghĩ, nếu tôi trở thành một người có ảnh hưởng, liệu tiếng nói của mình có được lắng nghe nhiều hơn hay không?”