RFA
2024.10.24
Chân dung 39 nạn nhân chết trong thùng container năm 2019
Cảnh sát hạt Essex của Anh vừa có bài viết đánh dấu đúng 5 năm thảm cảnh 39 người Việt nhập cư lậu từ Pháp vào Anh bị chết ngạt trong thùng xe container.
Theo đó, cuộc điều tra của cảnh sát Anh được được tiến hành cùng với nhiều đối tác công, tư và quốc tế, đã có phạm vi rộng và đã phát hiện ra một âm mưu buôn người xuyên lục địa, cuối cùng dẫn đến việc kết án 11 người ở Vương quốc Anh với gần 120 năm tù và 18 người bị kết án tại Pháp vào năm ngoái.
Thanh tra trưởng Stuart Hooper, người chỉ huy cuộc điều tra của Cảnh sát Essex cho biết, phái đoàn gần đây đã đến Việt Nam để trả lại tài sản cá nhân của các nạn nhân cho gia đình họ và được phía Việt Nam bày tỏ: “Cảnh sát Essex sẽ luôn có một vị trí đặc biệt tại Việt Nam.”
Ông Hopper hy vọng “sẽ không có cuộc điều tra nào như thế này diễn ra nữa.”
Ngày 23/10/2019, cả thế giới bàng hoàng khi tin tức về vụ 39 người nhập cư chết trong thùng container lạnh ở Anh được loan ra, tin tức ban đầu họ là người Trung Quốc.
Mãi đến đầu tháng 11, cảnh sát Anh mới xác nhận tất cả nạn nhân gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều là người Việt Nam ở các tỉnh thành như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hải Dương, Thừa Thiên Huế.
Ông K. (giấu danh tính vì lý do an ninh-PV), một người đang xin quy chế tị nạn ở Anh Quốc, cho biết dòng người từ Việt Nam vẫn tiếp tục đổ vào quốc gia này bất chấp thảm cảnh 5 năm trước. Ông K. nói với RFA trong sáng 24/10:
“Họ đi bằng thuyền với lại bằng xe tải, xe container nhưng phương án đi nhiều nhất vẫn là thuyền hơi, đi từ Pháp sang Anh qua eo biển Manche. Người đi bằng container thì đi bằng nhiều đường, một là đi từ Pháp, hai là đi từ Bỉ.”
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Anh, từ đầu năm đến tháng 6 năm nay, đã có 3,031 người Việt đến Anh Quốc bằng thuyền hơi, sau các nhóm người đến từ Afganistan và Iran. Không thấy bộ này đưa ra con số người Việt vào Anh bằng container, dù theo ông K., số người Việt đi theo con đường này không ít.
Theo ông, việc người Việt Nam tiếp tục đi lậu vào Anh Quốc bất chấp những rủi ro và cái chết, phản ánh một thực tế đau lòng về sự khát khao tìm kiếm cơ hội sống tốt hơn và thoát khỏi những khó khăn trong cuộc sống ở quê hương.