25 tháng 10 2024
Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đang có chuyến thăm chính thức lần đầu tiên đến Việt Nam từ ngày 24 đến 26/10/2024.
Tại cuộc hội đàm, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam xem phát triển quan hệ với Trung Quốc là “yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam”.
Ông Giang nói rằng cả hai nước cùng “sát cánh kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình mỗi nước, hướng tới Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
Cũng theo ông Giang, quan hệ quốc phòng hai nước “luôn được xác định là một trong những trụ cột quan trọng”.
Tại cuộc gặp, ông Phan Văn Giang đề nghị hai bên đẩy mạnh tiếp xúc cấp cao thường xuyên, giao lưu biên giới; đường dây nóng giữa hai bộ quốc phòng, hải quân; đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng/phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp hai nước…
Ông Giang đề nghị hai bên hợp tác công tác đảng, công tác chính trị; giao lưu sĩ quan trẻ, nghiên cứu, thúc đẩy tăng cường hợp tác về công nghiệp quốc phòng, thương mại quân sự.
Thượng tướng Trương Hựu Hiệp cũng có cuộc gặp với Tổng Bí thư Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm, vào ngày 24/10. Trong cuộc gặp, ông Tô Lâm đã đề nghị quân đội hai nước cần “thúc đẩy tin cậy chính trị cao hơn”.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ông Phạm Văn Giang một lần nữa nhắc đến việc cần sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vốn đã qua nhiều lần lỗi hẹn sau hơn 10 năm đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN.
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã ký kết các văn kiện: Ý định thư giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc về tăng cường hợp tác quốc phòng; Thoả thuận hợp tác Biên phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Đại tướng Phan Văn Giang, ông Trương Hựu Hiệp đã đến thăm Trung đoàn 102 thuộc Sư đoàn 308, Quân đoàn 12.
Ngoại giao cây tre khi Biển Đông dậy sóng
Đường lối ngoại giao Việt Nam gần đây đã liên tục có những bước đi được đánh giá là cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, dù vẫn tiếp tục có căng thẳng trên Biển Đông với Bắc Kinh.
Vào ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã có cuộc gặp với Thượng tướng Đổng Quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tại Bắc Kinh.
Sau đó, ông Phan Văn Giang đã thăm Philippines, một đồng minh hiệp ước của Mỹ, vào ngày 30/8 và ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro Jr.
Sau Philippines, ông Phan Văn Giang lần đầu tiên thăm Mỹ từ ngày 6 đến 11/9 theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
“Chúng ta đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết và việc chúng ta cùng thúc đẩy những mục tiêu chung vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực là quan trọng hơn bao giờ hết,” ông Austin nói trong cuộc gặp, theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Dù nỗ lực đối thoại để kiềm chế xung đột và giải tỏa bất đồng, Việt Nam và Trung Quốc vẫn chứng kiến nhiều căng thẳng trên Biển Đông, gần nhất là vào vụ tàu Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vào ngày 29/9/2024.
Mộtbáo cáo của viện nghiên cứu Chatham House (Anh) vào ngày 17/10 cho thấy đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa đang trở thành một trong những căn cứ do thám chính của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định với BBC News Tiếng Việt vào ngày thứ Sáu 25/10:
“Cho đến nay, tình hình kể từ năm 2019 giữa Việt Nam và Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhờ vào mối quan hệ song phương được cải thiện và ngày càng trở nên sâu sắc, cả giữa chính quyền với chính quyền (ở cấp trung ương và địa phương) và quan trọng nhất là giữa đảng với đảng.”
Theo Tiến sĩ Collin Koh, cả hai nước đều nhất trí “quản lý phù hợp” các tranh chấp trên Biển Đông và điều này dường như ngụ ý giữ các vấn đề ở mức thấp và kiềm chế “ngoại giao loa phóng thanh” (tức làm lớn chuyện).
Ông đánh giá Việt Nam đã “khéo léo quản lý tình hình”, bao gồm cả việc các lực lượng Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình xung quanh các mỏ dầu khí quan trọng ngoài khơi và hiếm khi chỉ trích công khai đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Vụ việc ngư dân Việt Nam bị lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc đối xử thô bạo, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm – nhiều vụ việc như vậy, một số vụ thậm chí còn bạo lực hơn, đã xảy ra nhưng không phải tất cả đều được thông tin. Người ta hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng cách tiếp cận này, một phần không nhỏ cũng được thúc đẩy bởi mong muốn duy trì mối quan hệ chính trị và đặc biệt là kinh tế hữu hảo với Trung Quốc,” Tiến sĩ Collin đánh giá.
Liên quan đến nỗ lực hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hồi giữa tháng 10 đã thể hiện sự hoài nghi, nói ông không thấy được sự chân thành từ phía Bắc Kinh.
Cùng lúc đó, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước có các yêu sách chồng lấn trên Biển Đông tiếp tục căng thẳng.
Mới đây, tàu hải cảnh Trung Quốc đã hai lần bị xua đuổi khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, tổ chức phi chính phủ Bakamla dẫn thông tin từ Cơ quan An ninh hàng hải của Indonesia cho hay hôm thứ Năm 24/10.
Trước đó, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiến hành cản trở hoạt động thăm dò của công ty dầu khí nhà nước của Indonesia.
Trong một diễn biến khác, hồi giữa tháng 10, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố công ty Petronas thuộc sở hữu nhà nước sẽ tiếp tục khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc.