Biển Đông: Malaysia gửi công thư phàn nàn việc Việt Nam mở rộng Bãi Thuyền Chài

Bãi Thuyền Chài
Chụp lại hình ảnh,Bãi Thuyền Chài

5 tháng 11 2024

Malaysia đã gửi một thư phàn nàn tới chính phủ Việt Nam về việc Hà Nội bị cáo buộc là đã mở rộng một rạn san hô ở Biển Đông, nơi cả hai nước đều khẳng định chủ quyền, nguồn tin của Reuters cho hay.

Đây là một động thái leo thang song phương hiếm hoi ở Trường Sa mà không liên quan đến Trung Quốc.

Động thái trên đã thêm vào vào hàng loạt các cuộc tranh chấp trên tuyến đường biển chiến lược này, nơi Trung Quốc tuyên bố phần lớn chủ quyền và thường xuyên có các cuộc va chạm với Philippines cũng như một số cuộc tranh cãi với Việt Nam.

Các thực thể có nhiều tranh chấp nhất là xung quanh quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền và các mức độ kiểm soát khác nhau.

Công thư đã được Malaysia gửi tới Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đầu tháng 10 nhưng đến nay chưa được hồi âm, hai quan chức giấu tên nói với Reuters.

Thư phàn nàn này liên quan đến cáo buộc Việt Nam đã bồi đắp để mở rộng Bãi Thuyền Chài, một rạn san hô ở Trường Sa nơi Việt Nam xây dựng hàng loạt công trình, theo các hình ảnh vệ tinh được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington phân tích và công bố tháng trước.

Bãi Thuyền Chài là thực thể lớn thứ tư tại quần đảo Trường Sa và lớn nhất trong số các thực thể đang do Việt Nam quản lý tại quần đảo này.

Đây là một bãi đá. Ngoài bãi đá chính, còn có ba tiền đồn được xây dựng trên rạn san hô. Việt Nam lần đầu tiên chiếm giữ bãi đá này vào năm 1987, theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc CSIS.

Bộ Ngoại giao Việt Nam và Malaysia đã không hồi âm đề nghị bình luận của Reuters về thư phàn nàn nói trên.

Bức thư của Bộ Ngoại giao Malaysia chỉ chỉ trích việc mở rộng rạn san hô, chứ không đề cập tới việc xây dựng các công trình, một quan chức cho hay.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều hoạt động xây dựng diễn ra tại các đảo nhỏ ở Trường Sa, khi các nước nỗ lực khẳng định chủ quyền lãnh thổ và chứng tỏ rằng họ có thể đưa người tới ở tại hàng loạt đảo và các thực thể nhỏ tại đây.

Các hoạt động của Trung Quốc gây chú ý nhiều nhất, khi nước này đắp bảy đảo trên các rạn san hô nổi, một số được có đường băng, cảng biển, tháp canh và bệ phóng tên lửa.

Dù các khiếu nại giữa Malaysia và Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ khá hiếm, Malaysia thường lên tiếng về hành vi mà nước này nói là sự xâm phạm của các ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, dẫn đến vụ bắt giữ một số nhóm thuyên viên.

Trung Quốc cũng bị cáo buộc đã thực hiện một số vụ trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam. Vụ việc mới nhất liên quan đến 10 ngư dân Việt Nam được cho là bị hải cảnh Trung Quốc bắt ở khu vực đảo Hải Nam.

Trước đó là vụ ngư dân trên tàu cá QNg 95739TS của tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc khống chế, đánh đập và tịch thu tài sản.

Việt Nam sau đó đã lên tiếng “quan ngại”, “bất bình” và “kiên quyết phản đối việc bắt giữ của Trung Quốc và yêu cầu thả ngư dân đồng thời bồi thường.”

Trong khi đó, vào ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các tàu thuyền Việt Nam đã đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng biển Hoàng Sa mà không có sự cho phép của chính quyền Trung Quốc và rằng Trung Quốc đã có biện pháp ngăn chặn họ và “không có thương tích nào được phát hiện,” theo Reuters.

Đường băng mới và các công trình khác

Phần phía tây của đảo Phan Vinh (Pearson Reef) đã được mở rộng nhanh chóng trong những tháng gần đây, theo AMTI
Chụp lại hình ảnh,Phần phía tây của đảo Phan Vinh (Pearson Reef) đã được mở rộng nhanh chóng trong những tháng gần đây, theo AMTI

Việt Nam đang tăng cường bồi đắp mở rộng các điểm đảo do mình quản lý trong thời gian gần đây.

Ngoài sân bay tại đảo Trường Sa Lớn, Việt Nam có vẻ đang xây dựng thêm hai đường băng nữa trên các thực thể được bồi đắp mở rộng trong thời gian qua.

Một báo cáo do AMTI công bố hôm 30/10 cho biết phần phía tây của đảo Phan Vinh (Pearson Reef), vốn trước đây chỉ có một cấu trúc hình chữ Y nhỏ bằng bê tông, đã được mở rộng rất nhiều trong những tháng gần đây, đạt chiều dài gần 2.500 mét.

AMTI cho rằng sẽ “không ngạc nhiên” nếu sắp tới xuất hiện một đường băng trên đảo Phan Vinh. Nếu có, đây sẽ là đường băng thứ ba của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Trước đó, Bãi Thuyền Chài được cho là nơi Việt Nam đang xây một đường băng mới. Đây cũng là thực thể mà Việt Nam đã bồi đắp ồ ạt trong thời gian qua.

Một báo cáo của AMTI vào ngày 17/10 cho biết chỉ trong năm 2024, Việt Nam đã bồi đắp Bãi Thuyền Chài từ 96,31 hécta lên 166,73 hécta, bằng 75% diện tích công quốc Monaco.

Thông tin về đường băng trên Bãi Thuyền Chài được trang Radio Free Asia đưa vào ngày 25/10.

Theo đó, đường băng tại đây có chiều dài khoảng gần 2.500 mét, gấp đôi chiều dài đường băng đã có từ lâu trên đảo Trường Sa Lớn (Spratly Island). Với chiều dài này, đường băng trên Bãi Thuyền Chài có thể cho phép hầu hết các loại máy bay cất và hạ cánh ở độ cao ngang mực nước biển.

AMTI cũng lưu ý rằng chiều dài gần 2.500 mét này có thể còn được nâng lên nữa, vì phần diện tích nhân tạo trên bãi Thuyền Chài hiện đã hơn 4.300 mét.

AMTI nhận định rằng đường băng này có thể giúp Việt Nam có thêm lựa chọn trong việc triển khai máy bay chiến đấu tới quần đảo Trường Sa.

Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy mỏm đá ngầm Đá Lát (Ladd Reef) đã được bồi đắp mở rộng trong những tháng gần đây, nâng chiều dài lên gần 2.500 mét.

Tuy nhiên, không giống đảo Phan Vinh, các cấu trúc hiện hữu ở phần trung tâm ở Đá Lát dường như không cho phép làm một đường băng liên tục chạy dọc theo chiều dài thực thể này. Nhưng xét quy mô và hình dạng của vùng đất đang được bồi đắp, AMTI cho rằng cần tiếp tục theo dõi.

Ảnh chụp đảo Nam Yết từ vệ tinh vào ngày 22/8/2024
Chụp lại hình ảnh,Ảnh chụp đảo Nam Yết từ vệ tinh vào ngày 22/8/2024

Báo cáo của AMTI còn cho biết có dấu hiệu xuất hiện các cấu trúc quân sự trên một số thực thể tại quần đảo Trường Sa.

Các cấu trúc vành đai đắp cao bao bọc sáu khu vực được bảo vệ có thể thấy qua hình ảnh vệ tinh chụp Bãi Thuyền Chài, đảo Trường Sa Đông, đá Tiên Nữ, đảo Nam Yết, Đá Nam và Đá Lát.

Theo AMTI, các hệ thống tên lửa hoặc pháo chống hạm có thể được đặt tại những cấu trúc đó.

Việc bồi đắp mở rộng cũng đã được thực hiện tại đá Tiên Nữ, Đá Nam và đá Tốc Tan. Trong đó, đá Tiên Nữ có tiềm năng để mở một đường băng dài 3.000 mét.

“Ba năm kể từ khi bắt đầu, Việt Nam vẫn làm giới quan sát ngạc nhiên với quy mô bồi đắp chưa từng có tại quần đảo Trường Sa. Tốc độ trong vòng năm tháng qua đã cho thấy Hà Nội quyết tâm trong việc tối đa hóa tiềm năng chiến lược đối với các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát,” báo cáo của AMTI viết.

Cũng theo tổ chức này, do việc nạo vét, bồi đắp ở các rạn san hô mới vẫn tiếp tục được triển khai, cộng với hoạt động bồi đắp ở các điểm đảo hiện tại, vẫn khó để biết được khi nào việc mở rộng đảo sẽ kết thúc và Việt Nam sẽ trang bị thêm những năng lực nào nữa.

Hồi tháng 6, AMTI nhận định năm 2024 là năm bồi đắp đảo kỷ lục của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Khi đó, AMTI cho rằng Bãi Thuyền Chài vẫn là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam.

Bài Liên Quan

Leave a Comment