Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm nay, 05/11/2024, được dự báo là rất sát sao, đồng thời có nhiều khả năng là phải nhiều ngày sau, thậm chí nhiều tuần sau mới biết chắc chắn ai là người thắng cử, Kamala Harris hay Donald Trump.
Đăng ngày: 05/11/2024
Sau một chiến dịch tranh cử đầy những bất ngờ và căng thẳng cao độ, trong một đất nước bị chia rẽ nặng nề, không ai có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra sau ngày bầu cử hôm nay. Một điều chắc chắn là dù kết quả như thế nào thì ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump sẽ lại cáo buộc phe Dân Chủ gian lận phiếu. Đó là cáo buộc ông đã đưa ra năm 2020 sau khi thua Joe Biden và cũng là điều ông đã khẳng định vào năm 2016 cho dù đã đắc cử tổng thống. Trong cuộc bầu cử năm nay, chưa gì Trump đã lại tố cáo phe Dân Chủ gian lận phiếu. Nếu thất cử lần nữa, chắc là nhà tỷ phú sẽ lại kiện ra tòa như đã làm vào năm 2020.
Trong bối cảnh đó, tờ nhật báo Mỹ Los Angeles Times nêu lên 4 kịch bản có thể xảy ra sau ngày bầu cử.
Kịch bản thứ nhất là các thẩm phán sẽ can thiệp vào tiến trình bầu cử. Tờ báo trích lời giáo sư luật Rick Hasen, Đại học California, Los Angeles : “Nếu kết quả chung cuộc tại một bang chủ chốt cho thấy hai ứng cử viên chỉ cách biệt nhau vài ngàn phiếu, hai bên sẽ kiện cáo nhau và sẽ tranh đấu đến cùng”. Phe Cộng Hòa đã nộp hàng trăm đơn kiện về quy định bầu cử ở nhiều bang để tối đa hóa cơ may thắng kiện sau này.
Kịch bản thứ hai, đó là các quan chức địa phương từ chối chứng nhận những kết quả bầu cử không đúng với mong muốn của cá nhân họ. Các tòa án chắc là sẽ không chấp nhận hành động đó, nhưng việc xét xử sẽ dằng dai, gây trễ nải cho việc công bố kết quả và có thể gây căng thẳng.
Kịch bản thứ ba là bạo động bùng phát, bởi vì càng kiện cáo nhau về kết quả bầu cử thì nguy cơ bạo loạn càng tăng, như ta đã thấy sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Nhưng theo các chuyên gia về luật được Los Angeles Times trích dẫn, bạo lực nếu có xảy ra cũng sẽ không làm thay đổi kết quả bầu cử, như đã thấy trong vụ tấn công đồi Capitol ngày 06/01/2021, ngay lúc Quốc Hội chuẩn bị xác nhận ông Joe Biden đắc cử tổng thống.
Kịch bản thứ tư là Quốc Hội Hoa Kỳ đóng vai trò trọng tài. Theo Hiến pháp nước Mỹ, Quốc Hội là cơ quan chính thức kiểm số phiếu đại cử tri vào ngày 06/01 năm tới để xác nhận người thắng cử. Trên nguyên tắc, đây chỉ là một thủ tục mang tính hình thức, nhưng vào năm 2021, ông Trump lại yêu cầu phe Cộng Hòa trong Quốc Hội phản đối kết quả kiểm phiếu đại cử tri ở các bang gây tranh chấp nhiều nhất. Theo Los Angeles Times, kịch bản này ít có khả năng tái diễn, bởi vì vào năm 2022, Quốc Hội Mỹ đã thông qua một luật khiến cho rất khó phản đối lá phiếu của các đại cử tri. Luật này cũng quy định là phó tổng thống không được quyền tác động đến kết quả chung cuộc.
Tuy nhiên, nếu 1/5 số nghị sĩ của hai viện Quốc Hội phản đối phiếu bầu của các đại cử tri, thì hai viện sẽ phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu để chấp nhận hoặc bác bỏ phản đối đó. Nếu sau cuộc bầu cử lập pháp (diễn ra cùng lúc với bầu cử tổng thống hôm nay), cả hai viện của Quốc Hội đều nằm trong tay Đảng Cộng Hòa, thì mọi chuyện có thể sẽ phụ thuộc vào một số ít nghị sĩ Cộng Hòa ôn hòa.
Ngoài 4 kịch bản nói trên, còn có một kịch bản khó xảy ra nhất, nhưng không thể loại trừ, đó là kết quả cho thấy hai ứng cử viên có số phiếu đại cử tri ngang bằng nhau, tức là mỗi bên đều có 269 đại cử tri. Trong trường hợp đó, Hạ Viện sẽ bầu tân tổng thống theo một quy định có lợi cho đảng Cộng Hòa hiện nay. Thay vì tính theo phiếu bầu của mỗi nghị sĩ, kết quả sẽ dựa trên phiếu của phái đoàn các bang, mỗi phái đoàn là một lá phiếu.
Hiện giờ, phe Cộng Hòa chiếm đa số trong phái đoàn của 26 bang, còn phe Dân Chủ chỉ chiếm đa số trong phái đoàn của 22 bang (Trong phái đoàn của hai bang còn lại, Cộng Hòa và Dân Chủ ngang nhau). Kịch bản này đã không xảy ra kể từ năm 1800, khi Thomas Jefferson hòa với Aaron Burr và cuối cùng được Quốc Hội bầu làm tổng thống. Xác suất xảy ra kịch bản như vậy ngày nay là 4%.