Chiến lược của Zelensky để thuyết phục Trump không bỏ rơi Ukraina

Trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump nhắc đi nhắc lại là sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraina « trong vòng 24 giờ » để Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Kiev. Chính quyền tổng thống Volodymyr Zelensky chưa hẳn đã thất vọng khi thấy tổng thống thứ 47 của Mỹ là người chủ trương « Nước Mỹ trên hết », mà dường như ngay từ tháng 09/2024, Kiev đã chuẩn bị chiến lược thuyết phục ông Trump không bỏ rơi Ukraina.

Đăng ngày: 08/11/2024

FILE - Republican presidential nominee former President Donald Trump, right, and Ukraine's President Volodymyr Zelenskyy shake hands during their meeting at Trump Tower, on Sept. 27, 2024, in New York
Tổng thống Volodymyr Zelensky (T) và ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa Donald Trump tại New York, Hoa Kỳ, ngày 27/09/2024. AP – Julia Demaree Nikhinson

Thu Hằng

Ngay ngày 06/11, ông Volodymyr Zelensky là một trong những lãnh đạo đầu tiên chúc mừng chiến thắng của tổng thống tân cử Mỹ, nước viện trợ quân sự chính cho Ukraina với 175 tỉ đô la từ năm 2022. Ông cũng không quên nhấn mạnh đến những lợi ích mà Washington có từ việc tiếp tục hỗ trợ cho Kiev, vì « Ukraina là một trong những nước có sức mạnh quân sự ở châu Âu và trong cộng đồng xuyên Đại Tây Dương, với sự hỗ trợ của các đồng minh ».

Ukraina đã lường khả năng Trump trở lại Nhà Trắng

Theo trang L’Express ngày 08/11, đề xuất này được trích từ « Kế hoạch Hòa bình » được tổng thống Zelensky trình bày vào tháng 9 ở Mỹ, kể cả với ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump và đội ngũ thân cận. Nói cách khác, một nước Ukraina độc lập, vững mạnh sẽ có lợi cho kế hoạch của Hoa Kỳ giảm sự can thiệp và hiện diện ở châu Âu trong khuôn khổ NATO để đối phó với Nga.

Khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ lần đầu, ông Zelensky cũng đã là nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên chúc mừng. « Zelenky rất quan tâm và dành sự tôn trọng nhất định cho Trump », theo nhận định của nhà chính trị học Volodymyr Fessenko, được trang Le Temp của Thụy Sĩ trích dẫn ngày 08/11. Còn giáo sư Olexiy Haran, Đại học Mohyla ở Kiev, nhắc lại cũng chính « Donald Trump là người cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina » (tên lửa chống tăng Javelin) vào năm 2019.

Có lẽ mối liên hệ khá tốt giữa hai nhà lãnh đạo sẽ được chính quyền Kiev khai thác trong chiến lược thuyết phục tổng thống thứ 47 của Mỹ không bỏ rơi Ukraina. Ngoài ra, cả một ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ, kể cả tại những bang bầu cho ứng viên Cộng Hòa (Arkansas, Alabama, Florida), được tăng tốc để đáp ứng nhu cầu viện trợ quân sự cho Ukraina với khoản đầu tư lên đến 50 tỉ đô la. Trang L’Express cho rằng nền kinh tế địa phương sẽ bị tác động nặng nề nếu kế hoạch sản xuất vũ khí cho Ukraina bị đình chỉ ngay lập tức.

Vận động để tạo thuận lợi trong trường hợp đàm phán

Cựu ngoại trưởng Ukraina Pavlo Klimkim lưu ý « ông Donald Trump không phải là người ủng hộ một tiến trình dài hạn. Đa số đảng Cộng Hòa, kể cả ông Trump, không sẵn sàng viện trợ cho một cuộc chiến tiêu hao ». Lời tuyên bố giải quyết chiến tranh Ukraina « trong vòng 24 giờ » hiện không được coi là nghiêm túc, vì chủ yếu nhằm mục đích thắng cử, nhưng trước mắt, có nhiều khả năng hai bên tham chiến sẽ bị gây sức ép để ngồi vào bàn đàm phán.

Nhà chính trị học Volodymyr Fessenko cho rằng « Nếu Ukraina từ chối một thỏa thuận hòa bình theo điều khoản của ông Trump, Hoa Kỳ có thể đe dọa cắt viện trợ quân sự cho Ukraina. Và nếu ông Putin từ chối một thỏa hiệp hòa bình, Mỹ sẽ đe dọa điện Kremlin là sẽ gia tăng hỗ trợ cho Ukraina ». Có thể thấy, « với Donald Trump, sẽ có nhiều nguy cơ hơn nhưng cũng có cơ may hơn », theo cựu ngoại trưởng Ukraina.

Và dường như kịch bản chuyển giao quyền lực ở Mỹ đã được Kiev chuẩn bị từ lâu, theo nhận định của ông Oleksandr Kraiev, giám đốc chương trình Bắc Mỹ của tổ chức Ukrainian Prisme ở Kiev: « Donald Trump, người không thể đoán trước được, có thể trao cho chúng ta (Ukraina) tất cả những gì chúng ta cần nếu chúng ta chấp nhận đàm phán. Ông cũng có thể ngừng giao vũ khí nếu ông bỗng nhiên quên mất chúng ta là ai ».

Do đó, Kiev phải tìm một cách tiếp cận khác, chấp nhận phương thức hoạt động của tổng thống thứ 47 của Mỹ. Phát biểu trong buổi họp báo tại Budapest, bên lề thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu, tổng thống Zelensky không chấp nhận ngừng bắn bây giờ và nhượng lãnh thổ cho Nga, nhưng không loại trừ khả năng « sẽ xem xét sau này ». Có lẽ đó sẽ là quãng thời gian để Kiev vận động tân tổng thống Mỹ, thuyết phục ông thực hiện cam kết chấm dứt chiến tranh « trong vòng 24 giờ » nhưng theo hướng có lợi cho người dân Ukraina.

Bài Liên Quan

Leave a Comment