15 tháng 11 2024
Một số quyết định bổ nhiệm và phân công nhân sự cấp cao gần đây của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vi phạm quy định do Đảng ban hành, khi các cá nhân chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn vẫn được thăng tiến.
Nhân sự cấp cao và chủ chốt khóa 13 của Đảng đã chứng kiến nhiều biến động nhất từ trước đến nay, với việc bảy ủy viên Bộ Chính trị mất chức, trong đó có hai chủ tịch nước, một chủ tịch Quốc hội là những nhân vật chủ chốt thuộc nhóm Tứ Trụ.
Vì sự thiếu hụt nhân lực, Đảng đã chọn người lấp vào những chỗ trống một cách nhanh chóng để ổn định tình hình chính trị trong nước và chuẩn bị Đại hội 14 dự kiến diễn ra tháng 1/2026.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo cấp cao và chủ chốt được thăng tiến gần đây chưa thực sự hội đủ tiêu chuẩn theo Quy định 214 được ban hành năm 2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trong bài viết này, BBC News Tiếng Việt tổng hợp một số trường hợp lãnh đạo cấp cao thăng tiến sai quy định nói trên.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo chủ chốt tuy không trái với quy định nhưng vẫn chưa hội đủ tiêu chuẩn và được xét diện trường hợp đặc biệt.
Các tướng công an, quân đội
Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều quy định về công tác Đảng, đặc biệt là công tác nhân sự cấp cao của Đảng, đã được ban hành và ông là người đã ký Quy định 214.
Quy định này có thể được coi là sợi chỉ đỏ về tiêu chuẩn dành cho các chức vụ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý – nghĩa là gồm Tứ Trụ, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương, các chức danh khối cơ quan Đảng ở Trung ương, cơ quan Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước,…
Các bộ tiêu chuẩn này kết hợp các yếu tố định tính (đạo đức, yêu nước, bản lĩnh chính trị…) với các yếu tố định lượng (thời gian công tác, các chức vụ đã đảm trách…).
Có một số trường hợp các tướng lĩnh quân đội, công an gần đây được bầu vào Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư không đúng với Quy định 214, gồm: Đại tướng, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Thượng tướng Công an Nguyễn Duy Ngọc – Chánh văn phòng Trung ương Đảng và Thượng tướng quân đội Trịnh Văn Quyết – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Trong Quy định 214, tiêu chuẩn chức danh đối với ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban Bí thư được quy định chung trong một mục (2.2).
Trong đó, bên cạnh các tiêu chuẩn mang tính định tính (bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ…) thì có các tiêu chuẩn có thể định lượng cụ thể như sau:
- Đã là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên
- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch UBND, HĐND của tỉnh, thành phố), trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương (bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban trực thuộc Chính phủ, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh…).
Quy định 214 chỉ nêu trường hợp đặc biệt cho Tứ Trụ và thường trực Ban Bí thư. Các chức danh còn lại, bao gồm ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, đều không nói đến trường hợp ngoại lệ nên có thể hiểu là các điều kiện, tiêu chuẩn (chẳng hạn: Đã là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên) là tiêu chuẩn “cứng” bắt buộc phải đáp ứng.
Vì vậy, những lãnh đạo chưa thỏa mãn các yêu cầu mà vẫn được bầu, bổ nhiệm là không đúng quy định.
Trường hợp Bộ trưởng Lương Tam Quang
Bộ trưởng Lương Tam Quang được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị vào ngày 16/8/2024 trong khi ông chưa làm trọn một nhiệm kỳ Trung ương Đảng vì khóa 13 là nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Bên cạnh đó, dù công tác hơn chục năm trong Bộ Công an nhưng vị trí “trưởng các ban, bộ, ngành” đầu tiên mà ông nắm là bộ trưởng Bộ Công an. Ông bắt đầu đảm nhiệm chức vụ này vào ngày 6/6/2024, kế nhiệm Đại tướng Tô Lâm sau khi ông Tô Lâm trở thành chủ tịch nước.
Như vậy, thời gian ông Quang làm vị trí “trưởng các ban, bộ, ngành” – cụ thể là chức bộ trưởng Công an – chỉ mới tầm hai tháng trước khi ông được bầu vào Bộ Chính trị. Với hai tháng, không rõ liệu chừng đó đã đủ để có thể được đánh giá là “đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ” hay chưa.
Nhưng dù “đã kinh qua và hoàn thành tốt” rồi thì Bộ trưởng Lương Tam Quang vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu “là ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên”.
Việc ông Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị được dự đoán là chuyện sớm muộn vì bộ trưởng Bộ Công an là chức danh quyền lực, nếu không có chân trong Bộ Chính trị thì sẽ không thể tham gia các cuộc họp quan trọng của nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Chẳng hạn khi Bộ Chính trị họp bàn về các đại án, các án trọng điểm mà thiếu vắng bộ trưởng Bộ Công an là điều bất tiện. Chưa kể, việc cơ cấu đại diện của Bộ Công an (thuộc lĩnh vực trọng yếu) vào Bộ Chính trị và Trung ương Đảng là điều đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý khi chuẩn bị cho Đại hội khóa 13.
Tuy nhiên, một số người cho rằng ông Quang sẽ được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội 14 (dự kiến diễn ra tháng 1/2026). Hoặc nếu ông được bầu vào giữa khóa 13 thì Ban Chấp hành Trung ương sẽ phải biểu quyết sửa đổi Quy định 214 để việc bầu này không trái với quy định do Bộ Chính trị ban hành.
Theo thông lệ, các đời bộ trưởng Bộ Công an từ sau 1975 tới nay đều có một đặc thù là tất cả đều đã được bầu vào Bộ Chính trị trước, sau đó mới lên làm bộ trưởng Công an.
Còn Bộ trưởng Lương Tam Quang thì ngược lại, ông được lên làm bộ trưởng trước rồi bầu bổ sung vào Bộ Chính trị sau.
Bên cạnh đó, việc ông được tấn thăng từ thượng tướng lên đại tướng chỉ trong vòng hơn hai năm cũng là một trường hợp đặc biệt.
Theo khoản 1 Điều 22 Luật Công an nhân dân 2018 quy định về đối tượng xét phong cấp bậc hàm trong Công an nhân dân thì “thời hạn thăng mỗi cấp bậc hàm cấp tướng tối thiểu là 04 năm”.
Việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn (tức trước khoảng thời gian tối thiểu bốn năm) thì khi cá nhân “lập những thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng Công an nhân dân, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập”.
Bên cạnh thành tích thì chủ tịch nước là nhân vật “quyết định việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm cấp tướng.”
Một ngày trước khi rời cương vị chủ tịch nước – tức vào 20/10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trao quyết định thăng quân hàm từ thượng tướng lên đại tướng đối với Bộ trưởng Lương Tam Quang.
Nghị định số 57/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2023 đã bổ sung thêm quy định về xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân nêu rõ:
“Thời gian thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn không quá 12 tháng và do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi xem xét các trường hợp cụ thể căn cứ mức độ thành tích, phạm vi ảnh hưởng của các hình thức khen thưởng để quyết định thời gian thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn cho phù hợp.”
Ông Quang được thăng từ trung tướng lên thượng tướng vào ngày 6/1/2022, tới 20/10/2024, ông lên bậc đại tướng, như vậy việc thăng cấp bậc đối với ông đã trước thời hạn hơn 12 tháng.
Ông sinh năm 1965, với độ tuổi hiện tại, dự kiến ông Quang sẽ tiếp tục thăng tiến và được vào Bộ Chính trị khóa 14.
Trường hợp tướng Nguyễn Duy Ngọc
Bên cạnh trường hợp ông Lương Tam Quang thì việc Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc được phân công làm chánh văn phòng Trung ương Đảng và sau đó được bầu vào Ban Bí thư cũng là trường hợp không đúng với Quy định 214.
Theo quy định này, để đảm nhận vị trí chánh văn phòng Trung ương Đảng, cá nhân phải “tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên, đồng thời kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc phó trưởng ban đảng Trung ương hoặc cấp thứ trưởng và tương đương”.
Tương tự ông Lương Tam Quang, ông Nguyễn Duy Ngọc là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, tức đến nay chưa làm trọn một nhiệm kỳ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Chiếu theo Quy định 241 thì ông Ngọc không thỏa mãn tiêu chuẩn cho vị trí Chánh văn phòng Trung ương Đảng cũng như không đạt yêu cầu để vào Ban Bí thư, vì ít nhất thì ông chưa “là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên”.
Theo thông lệ, người đảm trách chức vụ chánh văn phòng Trung ương Đảng thường là ủy viên Ban Bí thư vì tính chất đòi hỏi của công việc.
Vì vậy, thời điểm ông Ngọc được phân công làm chánh văn phòng Trung ương Đảng khi chưa vào Ban Bí thư cũng là một điều trái ngược với thông lệ, giống như Thượng tướng Lương Tam Quang chưa vào Bộ Chính trị đã làm Bộ trưởng Công an.
Ông Ngọc sinh năm 1964 – năm nay 60 tuổi và ông còn trong độ tuổi để thăng tiến tiếp. Vì thế, một số ý kiến cho rằng Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc làm chánh văn phòng trung ương Đảng là một cơ hội tốt để ông có thể thăng tiến xa hơn nữa, chắc chắn ông sẽ được tái ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 và dọn đường cho ông vào Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư khóa 14.
Trước ông Ngọc, một số nhân vật giữ chức vụ này là ông Lê Minh Hưng (2020-2024), ông Nguyễn Văn Nên (2016-2020) và ông Trần Quốc Vượng (2011-2016). Những nhân vật này sau đó đều vào Bộ Chính trị.
Việc ông Quang và ông Ngọc lần lượt được bổ sung vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư cho thấy sự cần thiết của việc bổ sung nhân sự, nhưng thực tế cả hai vị tướng công an đều không đủ tiêu chuẩn theo Quy định 214.
Trường hợp tướng Trịnh Văn Quyết
Bên cạnh Bộ trưởng Lương Tam Quang và Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc thì Thượng tướng Trịnh Văn Quyết cũng thuộc trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được thăng tiến.
Theo tiểu sử trên trang của chính phủ, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 vào tháng 1/2021 và đây là nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Do đó, tương tự ông Quang và ông Ngọc, ông Quyết cũng chưa đạt tiêu chuẩn “là ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên”.
Do đó, việc ông Quyết được bầu vào Ban Bí thư là chưa đúng với Quy định 214 của Bộ Chính trị.
Tướng Quyết sinh năm 1966 và thuộc diện trẻ so với dàn lãnh đạo đa phần đã ngoài 65 nên việc ông vào Ban Bí thư sẽ là cơ hội giúp ông thăng tiến trong tương lai.
Ông giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày 1/6/2024 thay cho Đại tướng Lương Cường. Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện, nên vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị trong quân đội luôn đặc biệt quan trọng.
Một số người nắm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có cấp bậc quân hàm cao nhất là đại tướng và thậm chí có khả năng thăng tiến lên chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vào Bộ Chính trị – nhóm những nhân vật quyền lực nhất.
Trong lịch sử, có Đại tướng Ngô Xuân Lịch (nhiệm kỳ 2016-2021) là người đã thăng tiến lên làm bộ trưởng Quốc phòng từ vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Như vậy, việc Thượng tướng Trịnh Văn Quyết được bầu vào Ban Bí thư cho thấy sự nghiệp chính trị của ông sẽ còn rộng mở.
Từ những phân tích trên, có thể thấy việc bầu, bổ nhiệm hai tướng công an Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc cùng một tướng quân đội Trịnh Văn Quyết là chưa đúng tiêu chuẩn của Quy định 214 vì quy định này không nêu trường hợp đặc biệt cho các chức danh này.
Đây có thể là hệ quả của tình trạng thiếu hụt nhân sự khi Bộ Chính trị khóa 13 đã mất tới 7 ủy viên – cao nhất từ trước đến nay. Thêm vào đó, sự ra đi của Tổng Bí thư lâu năm Nguyễn Phú Trọng đã gây nên nhiều biến động trong bộ máy nhân sự chủ chốt và cấp cao.
Ngoài ra, việc bầu, bổ nhiệm những nhân sự chưa đủ tiêu chuẩn có thể cũng là một giải pháp tình thế, khi Đảng mong muốn nhanh chóng ổn định bộ máy để giải quyết các vấn đề cấp bách về kinh tế, xã hội và chuẩn bị cho Đại hội 14.
Nhưng dù vì lý do gì thì một điều có thể chắc chắn là Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Trịnh Văn Quyết là những người sẽ nằm trong quy hoạch nhân sự vào Đại hội 14. Khả năng cao ông Quang sẽ tiếp tục vào Bộ Chính trị còn ông Ngọc, ông Quyết sẽ tiếp tục nằm trong Ban Bí thư.
Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành một loạt quy định về tiêu chuẩn cán bộ, bầu cử trong đảng, kỷ luật cán bộ… Việc ban hành này được đánh giá là nhằm làm cho công tác đảng ngày một chặt chẽ và minh bạch nhất có thể.
Tuy nhiên, việc các quy định thường có điều khoản “trường hợp đặc biệt” cho thấy Đảng vẫn dành quyền tùy nghi quyết định các vấn đề trọng đại cho một cơ quan, chẳng hạn Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương.
Thêm vào đó, việc có nhiều quyết định bổ nhiệm, bầu nhân sự trái với quy định cho thấy ngay chính bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chưa thực sự tuân thủ luật chơi do chính Đảng đề ra và các quy định này có thể cũng còn nhiều chỗ bất cập.
Sinh thời, chính bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã ba lần áp dụng “trường hợp đặc biệt” cho mình để tiếp tục duy trì sự lãnh đạo, trong đó việc ông nắm giữ chức tổng bí thư ở nhiệm kỳ thứ ba (liên tiếp) là trái với Điều lệ Đảng, quy định nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam.