- Tác giả,Laura Bicker
- Vai trò,Phóng viên ở Trung Quốc
- 20 tháng 11 2024
Tại một công viên thể thao giáp với những bức tường đỏ và tấm lát màu xanh bóng chạy vòng quanh Thiên Đàn ở Bắc Kinh, một nhóm hưu trí đang tập thể dục.
“Tôi đã 74 tuổi và hy vọng việc này sẽ giúp tôi sống thọ,” một người đàn ông chia sẻ khi vừa hoàn thành bài kéo xà. Một cơn gió lạnh thổi bay những chiếc lá của một cây trắc bách diệp, làm gián đoạn bài tập trồng cây chuối bằng đầu của một người đàn ông khác.
Những người phụ nữ gần đó đeo găng tay và trùm áo len đợi tới lượt đu người trên một khung xà.
Những vị hoàng đế Trung Quốc từng tới nơi là thánh địa của nhà Minh này để cầu cho mùa màng tươi tốt.
Bây giờ công viên này là nơi người dân địa phương tận hưởng quãng thời gian nghỉ hưu sau hàng chục năm đóng góp vào nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc của Trung Quốc.
Họ đã chứng kiến đất nước của mình mở cửa với thế giới và việc những nhà máy thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc bám đuổi sát rạt nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ.
Nhưng một số người lo sợ về tác động của những lời hứa của Tổng thống đắc cử Donald Trump – áp thuế mạnh lên hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc – tới nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Trung Quốc.
Quan điểm của người dân về ông Trump
Với nhiều người Trung Quốc, ông Trump là một người vui vẻ và những hình ảnh vui về điệu nhảy của Trump trên nền nhạc YMCA được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Những người khác lại lo về sự khó đoán của ông.
“Tôi thích Trump, nhưng ông ấy không ổn định. Chẳng ai biết chắc được ông ấy sẽ làm gì,” người đàn ông 74 tuổi nói với điều kiện ẩn danh.
Một số lựa chọn nội các của ông Trump – được công bố dần dần từ khi ông thắng cử – càng làm người ta thêm lo.
Ông Marco Rubio, lựa chọn cho chức ngoại trưởng Mỹ, từng gọi Bắc Kinh là “mối đe dọa sẽ định hình thế kỷ này”.
Ông ta cũng từng phải chịu lệnh trừng phạt của Bắc Kinh.
Trước đó trong tháng này, ông Mike Walz, lựa chọn cho chức cố vấn an ninh quốc gia, đã viết rằng Mỹ nên “gấp rút” chấm dứt những xung đột ở Ukraine và Trung Đông để “rốt cuộc có thể hướng sự tập trung chiến lược vào đúng chỗ: đối chọi với mối đe dọa lớn hơn từ Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Nhưng Trung Quốc đã chuẩn bị cho một nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, theo bà Jie Yue, nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh ở London.
Mặc cho những lo ngại của dư luận, bà nói rằng Bắc Kinh “không ngạc nhiên” trước việc ông Trump tái đắc cử, nhưng cũng cảnh báo rằng thế giới vẫn nên chuẩn bị cho “một mối quan hệ lên xuống liên tục” khi ông Trump nhậm chức vào tháng Một.
Bắc Kinh cảnh báo Washington về ‘chiến tranh lạnh’
Cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia lâu nay vẫn ngày càng khốc liệt, rất lâu trước khi ông Trump thắng cử.
Mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên đặc biệt căng thẳng dưới thời chính quyền ông Biden do những vấn đề về thuế quan và bất đồng địa chính trị, từ việc Nga xâm lược Ukraine tới tương lai của Đài Loan.
Nhưng vẫn có đối thoại, với việc một vài quan chức cấp cao của Mỹ tới Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng sẽ hợp tác với chính quyền tới đây của ông Trump, nhưng cũng tận dụng cuộc gặp cuối cùng với Tổng thống Joe Biden để cảnh báo Washington rằng một “cuộc chiến tranh lạnh mới không nên nổ ra và sẽ không có ai chiến thắng”.
Ông nói thêm rằng “việc kiềm chế Trung Quốc là không khôn ngoan, không thể chấp nhận được và chắc chắn sẽ thất bại”.
Bắc Kinh lâu nay cáo buộc Mỹ và các quốc gia đồng minh cố gắng kiềm chế Trung Quốc – họ coi thuế quan nhằm tới hàng nhập khẩu được sản xuất ở Trung Quốc, những luật hạn chế khả năng Trung Quốc tiếp cận chip AI tiên tiến, những liên minh quân sự ở Biển Đông, cũng như ở những nơi khác, là những phần của chiến lược này.
Việc ông Trump chọn ông Rubio và ông Waltz cũng cho thấy chính quyền của ông sẽ “có cách tiếp cận cứng rắn và thô bạo hơn nhiều đối với Trung Quốc,” theo bà Lyle Morris từ Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Hội Á châu.
“Dù nhìn nhận kết nối cá nhân giữa mình với ông Tập Cận Bình là một kênh đàm phán, ông Trump có lẽ sẽ dựa vào ông Waltz và ông Rubio trong việc xây dựng một chính sách cứng rắn hơn, không nhân nhượng với Trung Quốc.”
Nhiều người khác ở Washington cũng coi Trung Quốc là mối đe dọa tới nền kinh tế và an ninh của Mỹ – quan điểm khiến người dân ở Bắc Kinh ngạc nhiên.
“Sống ở đây giờ tốt hơn ở Mỹ nhiều,” người đàn ông 74 tuổi nói trước khi đi giãn cơ.
Từ cáo buộc Covid tới cạnh tranh hạt nhân
Nằm không xa về phía bắc của Thiên Đàn là Tử Cấm Thành, nơi ở của các vị hoàng đế Trung Quốc trong gần 500 năm.
Ông Tập đã tiếp đón ông Trump tại đó vào năm 2017 và trao cho vị khách của mình một vinh dự chưa có vị tổng thống Mỹ nào được nhận được kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập.
Ông Tập đã cho phong tỏa toàn bộ khu vực và đích thân dẫn ông Trump đi tham quan các khu nội cung, mọi khoảnh khắc đều được phát trực tiếp trên truyền hình nhà nước.
Ông Trump được chiêu đãi món gà Cung Bảo trong bữa tối. Đáp lại, ông khoe đoạn video cô cháu gái Arabella Kushner hát một ca khúc tiếng Trung mà sau đó nổi như cồn trên mạng.
Cả hai quốc gia gọi đó là đỉnh cao của quan hệ Mỹ-Trung, nhưng mọi chuyện xấu đi nhanh chóng sau khi Đại dịch Covid bùng phát ở Vũ Hán vào năm 2019 và lan ra khắp thế giới vào năm 2020.
Ông Trump đã nhiều lần gọi đó là “vi rút Trung Quốc” và quy trách nhiệm cho Bắc Kinh về sự bùng phát của dịch.
Ông Trump cũng đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng giữa hai quốc gia, với các mức thuế hiện vẫn đang được áp dụng lên hơn 300 tỷ USD hàng hóa.
Khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump sẽ đối đầu với một ông Tập quyền lực hơn sau khi củng cố địa vị của mình trong nhiệm kỳ thứ ba vô tiền khoáng hậu – và khả năng tại vị trọn đời.
Do Trung Quốc có lục quân và hải quân hùng hậu nhất thế giới, Washington quan ngại việc Bắc Kinh đang xây dựng một kho vũ khí hạt nhân lớn hơn.
Ngay trong lúc ông Trump đang lựa chọn nội các, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát các video quay cuộc triển lãm hàng không lớn nhất của nước này và cảnh tiêm kích tàng hình mới J35-A bay thẳng đứng và lộn ngược.
Trung Quốc là quốc gia thứ hai khoe về hai dòng máy bay chiến đấu tàng hình có trong kho vũ khí.
Quốc gia còn lại là Mỹ.
Máy bay chiến đấu tàng hình hai chỗ ngồi đầu tiên trên thế giới, J20-S, cũng xuất hiện trong cuộc triển lãm.
Tuần trước, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California đã phát hiện ra hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang phát triển động cơ hạt nhân cho một tàu sân bay mới.
Những nghiên cứu này “đã dấy lên những lo ngại sâu sắc về khả năng Bắc Kinh áp dụng chiến lược phủ đầu và tăng cường các mối đe dọa hạt nhân, từ đó thúc đẩy sự ủng hộ đáng kể cho việc tăng cường mạnh mẽ năng lực hạt nhân của Mỹ nhằm đáp trả,” ông Tong Zhao từ Viện nghiên cứu chính sách Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đánh giá.
“Trừ khi ông Trump đích thân can thiệp, điều khó có thể xảy ra, có vẻ như hai quốc gia đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc cạnh tranh hạt nhân gay gắt hơn nhiều, với những tác động sâu rộng đến tình hình ổn định quốc tế,” ông nói thêm.
Vấn đề Đài Loan
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập những năm qua, Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn trong những yêu sách chủ quyền về Đài Loan và Biển Đông.
Một mối lo ngại là việc Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự để chuẩn bị tấn công Đài Loan, vốn được Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai và sẽ sớm trở lại dưới sự kiểm soát của mình.
Dưới thời ông Trump và nội các mới, liệu Mỹ có sẵn sàng bảo vệ Đài Loan?
Đó là câu hỏi mà mọi tổng thống Mỹ phải trả lời.
Ông Trump đã né tránh một câu trả lời trực tiếp, chỉ nói rằng ông sẽ không cần phải sử dụng vũ lực để ngăn chặn Trung Quốc chiếm Đài Loan vì ông Tập biết ông “điên rồ” và sẽ áp thuế gây tê liệt hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Trung Quốc làm vậy.
Dù ông Trump không sẵn lòng can dự vào các cuộc chiến tranh ở nước ngoài, phần lớn các chuyên gia cho rằng Washington sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Đài Loan.
Một là, Mỹ bị pháp luật ràng buộc phải bán vũ khí phòng thủ cho hòn đảo này.
Hai là, chính quyền Trump từng bán vũ khí cho Đài Loan nhiều hơn bất kỳ chính quyền nào khác.
“Có một sự ủng hộ lưỡng đảng mạnh mẽ cho việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Đài Loan. Tôi không nghĩ chính sách bán vũ khí cho Đài Loan sẽ bị ông Trump thay đổi quá nhiều,” ông Morris nói.
Ông Trump thực sự nghĩ gì về ông Tập
Bỏ qua những khác biệt trên, ông Trump dường như vẫn ngưỡng mộ hình ảnh nhà lãnh đạo cứng rắn của ông Tập.
Vào năm 2020, ông tuyên bố rằng ông và ông Tập “yêu quý nhau”, ngay khi Mỹ đang có một cuộc chiến thương mại căng thẳng với Trung Quốc.
“Tôi có mối quan hệ rất tốt với ông ấy,” ông Trump khẳng định trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Wall Street Journal.
Khó có thể biết được quan điểm từ phía ông Tập – ông rất ít khi nói về mối quan hệ giữa họ và hiếm khi nhắc đích danh ông Trump.
Vào năm 2018, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN trực tiếp nhắm vào ông Trump bằng một video chế giễu với nhan đề mỉa mai: “Cảm ơn ông Trump, ông thật tuyệt!”
Video này sau đó đã bị các nhà kiểm duyệt gỡ bỏ.
Điều có thể thấy rõ là việc cả hai nhà lãnh đạo đều thể hiện chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ.
Trong khi ông Tập mơ tới “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”, ông Trump tin rằng mình là người duy nhất có thể “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Cả hai đều hứa rằng họ đang hướng tới một thời đại hoàng kim mới cho đất nước.
Đối với ông Trump, “thời đại hoàng kim” của Mỹ bao gồm cả mức thuế 60% đánh lên hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không muốn có một cuộc chiến tranh thương mại thứ hai. Họ đang có những vấn đề của riêng mình.
Một nền kinh tế trì trệ đối đầu nhân tố Elon Musk
Giấc mơ về một Trung Quốc phồn thịnh của ông Tập đang lâm nguy.
Nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, khu vực bất động sản đang trên đà suy thoái, gần 20% người trẻ nhọc nhằn tìm việc và nước này có tốc độ già hóa dân số thuộc diện nhanh nhất thế giới.
Một phần của khó khăn kinh tế hiện diện rõ rệt ở Thiên Đàn.
Chúng tôi hòa vào đoàn du khách Trung Quốc bước qua những cổng đá cẩm thạch trắng.
Hiện tại, mốt ăn mặc là các trang phục truyền thống thời nhà Thanh, dù cho những chiếc áo lụa dài không thể giấu được một xu hướng ăn mặc khác – những đôi giày to bản màu trắng.
Hàng chục nhóm học sinh tham quan đang chăm chú lắng nghe các hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử đa sắc màu của thành phố.
Nhiều người tập trung quanh một bàn thờ để cầu nguyện.
Tôi quan sát một người phụ nữ trung niên mặc đồ đen bước tới cầu nguyện.
Bà ấy xoay ba vòng, vỗ tay, nhắm mắt và ngửa mặt lên trời. Sau đó, chúng tôi đã hỏi điều ước của bà là gì.
Bà nói nhiều người tới đây để cầu cho con cái họ tìm được việc làm hoặc vào được một ngôi trường tốt.
“Chúng tôi cầu nguyện có được một cuộc sống ấm no sung túc,” bà chia sẻ.
Trong khi Trung Quốc tuyên bố rằng đã thành công xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực, hàng triệu người lao động và công nhân trong các nhà máy trên khắp đất nước, những người đã đóng góp cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, vẫn lo lắng về những gì sắp xảy đến.
Có lẽ tương lai của người phụ nữ này và của nền kinh tế Trung Quốc một phần sẽ phụ thuộc vào sự nghiêm túc của ông Trump đối với những tuyên bố thuế quan.
Lần này, Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị, theo bà Yu Jie.
“Trung Quốc đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp (đặc biệt là từ Brazil, Argentina và Nga) và tăng lượng xuất khẩu sang các quốc gia không phải đồng minh của Mỹ.
Ở trong nước, việc tái cấp vốn cho các khoản nợ của chính quyền địa phương gần đây cũng đang mở đường cho việc giảm bớt tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại có thể xảy ra với chính quyền Trump.”
Bắc Kinh cũng có một tia hy vọng khác.
Tỷ phú Elon Musk có vẻ có khả năng thuyết phục ông Trump.
Tesla, doanh nghiệp của ông Musk, phụ thuộc vào Trung Quốc cho khâu sản xuất – khoảng một nửa số xe điện của hãng được sản xuất tại nước này.
Quan chức Trung Quốc có thể yêu cầu ông Musk giúp kiềm chế những quyết định thương mại bốc đồng của ông Trump.
Nhưng cuộc cạnh tranh quyền lực lớn của thế kỷ 21 không chỉ xoay quanh thương mại.
Giấc mộng của ông Tập còn bao gồm việc đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị thế giới.
Một số chuyên gia tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể cho Trung Quốc một cơ hội.
Vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ xoáy mạnh vào diễn ngôn rằng Mỹ là nguồn cơn duy nhất và rối loạn nhất của bất ổn toàn cầu, đồng thời mô tả Trung Quốc là một cường quốc tự tin và có trách nhiệm,” bà Yu Jie nói.
Ông Biden đã dành bốn năm để xây dựng quan hệ hữu nghị ở khắp châu Á với các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam – tất cả là để nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Trong quá khứ, học thuyết “nước Mỹ trước hết” của ông Trump đã cô lập nước Mỹ và khiến những đồng minh này suy yếu.
Ông lựa chọn các khoản giao kèo thay vì phương thức ngoại giao tinh tế và thường ra một mức giá cho tình bạn của Mỹ.
Ví dụ, vào năm 2018, ông yêu cầu Hàn Quốc trả thêm tiền để Mỹ tiếp tục duy trì quân đội của mình tại quốc gia này.
Bắc Kinh đã tiến hành xây dựng liên minh với các nền kinh tế đang lên.
Trong khi hàn gắn quan hệ với Anh và châu Âu, Trung Quốc cũng đang tìm cách hóa giải những bất hòa lịch sử với các quốc gia châu Á láng giềng, như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nếu tầm ảnh hưởng của Mỹ lên thế giới suy yếu, đó có thể là một chiến thắng cho ông Tập.
Trở lại công viên, khi chúng tôi đang thảo luận về kết quả bầu cử Mỹ, một người đàn ông giơ bốn ngón tay lên.
“Ông ấy chỉ có bốn năm thôi,” người này nói.
“Mỹ luôn thay đổi lãnh đạo. Chúng tôi có nhiều thời gian hơn ở Trung Quốc.”
Thời gian rõ ràng là đứng về phía ông Tập. Ông Tập có thể làm chủ tịch Trung Quốc cả đời – vậy nên có thể có những bước tiến chậm mà chắc hướng tới những mục tiêu của mình.
Ngay cả khi ông Trump đứng ra cản đường thì cũng sẽ không được lâu.