Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ chỉ đạo cải cách thế nào?

Bình luận của Doãn An Nhiên
2024.11.23

Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ chỉ đạo cải cách thế nào?

Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/10/2024

 Nhac NGUYEN / AFP

Trong phần ba (III) tập trung vào vai trò của người đứng đầu chế độ đảng trị trong vận hành cơ chế cũng như trong cải cách nói chung và ở Việt Nam nói riêng, hàm ý cho cuộc cải cách hiện nay để bước vào “kỷ nguyên mới.” Câu hỏi ai là “kiến trúc sư” của cuộc cải cách được giải đáp, nhưng quan trọng hơn là làm rõ liệu tân Tổng bí thư Tô Lâm có là người phù hợp cho cuộc cải cách lần này hay không và sẽ chỉ đạo cải cách thế nào?

Sau gần 40 năm Đổi mới, từ Đại hội 6 Đảng CS năm 1986 đến nay, với quá trình chuyển giao qua các thế hệ Tổng bí thư: Nguyễn Văn Linh (1986-1991); Đỗ Mười (1991-1997); Lê Khả Phiêu (1997-2001); Nông Đức Mạnh (2001-2010); Nguyễn Phú Trọng (2011- 2024); Tô Lâm (8/2024 – ). Riêng ông Tô Lâm là người “tiếp quản” cương vị Tổng bí thư đảng theo một cách  ‘đặc biệt’ khi người tiền nhiệm qua đời giữa nhiệm kỳ mà ‘chưa tìm được’ người kế vị ‘xứng đáng”, chẳng hạn phải tuân theo một trong những tiêu chuẩn là “phải có lý luận” hay ưu tiên những cán bộ xuất thân và được thử thách từ hoạt động chuyên trách đảng, đoàn…

000_364V3MX.jpg
Tô Lâm tại lễ tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 25/7/2024. Phạm Trung Kiên / Vietnam News Agency / AFP

Phần một (I) của bài viết ‘hé lộ’ tân Tổng bí thư Tô Lâm dường như có sự chuẩn bị “tinh thần” trước, cụ thể là đã “trăn trở” về sự cấp thiết phải cải cách thể chế, bởi vậy việc ông “tiếp quản” cương vị này từ người tiền nhiệm có thể đã gây ra những suy đoán về “sự tiếm quyền” hay “sự hoang tưởng” của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những năm tháng cuối đời… Lưu ý một số diễn biến chính sau đây. Ngày 19/7/2024 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Trước đó, trong vòng hơn một năm, từ đầu năm 2023 đã xảy ra sự biến động nhân sự chóp bu “chưa từng thấy, chính trường chứng kiến bốn chủ tịch nước tuyên thệ, bảy uỷ viên Bộ Chính trị bị thay thế, hàng trăm quan chức ‘chóp bu’, cấp cao phải ‘từ nhiệm’, kỷ luật, luân chuyển hay nghỉ công tác… Ngày 20/7 ông Tô Lâm, lúc đó là chủ tịch nước, được phân công “tạm quyền” cho đến 3/8/2024 được bầu bởi Ban Chấp hành Trung ương khoá 13. Từ đó đến nay ông Tô Lâm thể hiện vai trò ‘nổi bật’ của người đứng đầu trong quá trình khẳng định tính chính danh, cả ở trong và ngoài nước, từ việc thiết lập ekip quyền lực mới để củng cố vị trí, công du một loạt các nước, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp… đến việc thúc đẩy chương trình nghị sự theo quy định của đảng nhưng biến “bình thường” thành “bất thường”, nhanh chóng và đạt mục tiêu. Đồng thời, thông qua những bài viết, thể hiện phong cách cá nhân, ông Tô Lâm đề xuất một loạt vấn đề cấp thiết và quan trọng cho cải cách, trong đó nhấn mạnh về  “kỷ nguyên mới” khởi đầu cho thời kỳ cầm quyền của mình…. Khái quát lại những ‘quyết định’, những động thái và qua các bài viết mang tính chỉ đạo của vị tân Tổng bí thư thể hiện ông ấy là nhà lãnh đạo thực tế và hành động, đủ bản lĩnh cho kỷ nguyên mới. Những thách thức và kỳ vọng được trình bày trong phần hai (II) cho thấy ông ấy đang “cưỡi trên lưng hổ” để tiến hành cuộc cải cách “từ bên trên”, “từ bên trong.”

Như đã biết, tại Đại hội lần thứ 6 Đảng CS VN năm 1986 đường lối đổi mới được chính thức công bố và ông Nguyễn Văn Linh được bầu giữ chức Tổng bí thư Đảng và, dường như đương nhiên, mọi người công nhận ông ấy là “kiến trúc sư” của Đổi mới. Tuy nhiên, sau này các nhà viết sử ghi lại ‘những sóng gió’ bàn thảo trong nội bộ giới lãnh đạo Đảng để có đồng thuận “đổi mới” lúc bấy giờ, trong đó cố Tổng bí thư Trường Chinh (1907 – 1988) có vai trò quyết định.[1] Hiện nay, trong dư luận xã hội xuất hiện luồng ý kiến rằng “Kỷ nguyên mới” cần một lãnh đạo Đảng đủ bản lĩnh, thực tế và quyết đoán, Tổng Bí thư Tô Lâm là người “phù hợp.”

Tuy nhiên, việc ông Tô Lâm nắm quyền tối cao, từ cách thức đến xuất thân, của chế độ đảng trị đã tạo ra sự khác biệt với các thế hệ tiền nhiệm. Liệu đây có là biểu hiện của xu hướng thay đổi chung của các nhà độc tài ‘thế hệ mới’ thành cái gọi là những “nhà độc tài xoay chuyển” (Spin Dictators)[2] như các nhà nghiên cứu Sergei Guriev và Daniel Treisman giải thích về sự trỗi dậy của họ trong thế kỷ 21. Trong thế kỷ 20, Hitler, Stalin và Mao cai trị bằng bạo lực, sợ hãi và hệ tư tưởng gắn liền với khái niệm “kinh viện” về chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism), chế độ toàn trị (totalitarian regime). Đó là “một hệ thống chính trị, một hình thức chính phủ cấm các đảng phái chính trị đối lập, coi thường các yêu sách chính trị của cá nhân và nhóm đối lập với nhà nước…” và “sử dụng hệ tư tưởng để kiểm soát hầu hết các khía cạnh của cuộc sống con người.”[3] Chủ nghĩa toàn trị là hình thức cực đoan của chủ nghĩa độc tài, trong đó mọi quyền lực chính trị xã hội đều do một nhà độc tài nắm giữ, người này cũng kiểm soát chính trị quốc gia và người dân…”[4] Ngoài ra, các nhà độc tài của thế kỷ 20 thường biểu hiện hai mặt, một mặt, lý tưởng buộc họ rèn luyện tinh thần cách mạng và, mặt khác lại theo đuổi quyền lực “tuyệt đối” để có thể cai trị suốt đời và được sùng bái… Nghĩa là, việc trở thành nhà “lãnh đạo cách mạng” là thử thách nhưng một khi đã giành được thì sự tha hoá là khó tránh khỏi.

Xin nêu một điển hình. J. Stalin (1878-1953), người kế nhiệm V. Lênin, có nguồn gốc xuất thân phức tạp, được mô tả là “người Gruzia theo sắc tộc, người Nga theo sự trung thành, người quốc tế chủ nghĩa theo ý thức hệ, người Liên Xô theo quyền công dân.” (Tên khai sinh là Ioseb Besarionis dze Jughashvili; Riêng cái tên Joseph “Stalin” do ông tự đặt và sử dụng chính thức từ năm 1912 trở đi, vốn bắt nguồn từ từ “thép” trong tiếng Nga, và nó thường được dịch giải là “Người đàn ông thép”.) Stalin đã cầm quyền trong gần 30 năm cho đến khi chết và được “sùng bái” ngang hàng với những nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản…

000_364K8EV.jpg
Khách hàng đứng cạnh các con búp bê truyền thống của Nga với hình của các lãnh đạo quốc gia như Tập Cận Bình, Putin, Stalin tại một cửa hàng ở Moscow hôm 22/7/2024. Alexander NEMENOV / AFP

Quá trình giành quyền lực và lãnh đạo chế độ toàn trị của Mao Trạch Đông cũng tương tự về bản chất. Tuy nhiên, chế độ đảng toàn trị kiểu cũ dần thoái hoá, rơi vào khủng hoảng. Sau “Perestroika and Glasnost” (Cải tổ và Minh bạch) ở Liên Xô thất bại, hệ thống các nước XHCN tan rã năm 1991. Trung Quốc, sau cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976, thực hiện “Cải cách và Mở cửa” với thế giới để trở thành mô hình khác… Các thế hệ lãnh đạo chế độ Đảng toàn trị đã thay đổi “thực dụng” hơn. Và, trong những thập kỷ gần đây, thế hệ “độc tài mới” đã sử dụng truyền thông để thiết kế lại chế độ độc tài cho một thế giới tinh vi hơn, kết nối toàn cầu. Hệ tư tưởng đã được “làm mới”, việc đàn áp “thế lực phản động, thù địch” được nhân danh “pháp trị” và việc kiểm soát công dân bằng cách tuyên truyền bóp méo thông tin và mô phỏng các thủ tục dân chủ. Nghĩa là, xoay chuyển tình hình trong nền dân chủ, họ xoay chuyển tin tức để tạo ra sự ủng hộ…

Tân Tổng bí thư Tô Lâm khi lên cầm quyền đã thể hiện, bước đầu, là lãnh đạo “thực tế”, ông đã nhận biết và khai thác các cơ hội cải cách, không nhắc nhiều về di sản của người tiền nhiệm mà tập trung vào hành động, đã tỏ ra “quyết đoán”, nhanh chóng xây dựng  êkip để bảo vệ quyền lực… Ông sử dụng quyền lực tuyệt đổi để thúc giục cả hệ thống chính trị “vừa chạy vừa xếp hàng” để bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, “kỷ nguyên mới” là tương lai và, trước mắt, ông ấy vẫn phải đối diện nhiều thách thức. Hiển nhiên, không thể một mình cai trị, ông ấy phải giành được sự tin tưởng và sự “đồng cảm” của giới lãnh đạo, trong đó có khoảng “một phần ba” chống đối cải cách,”[5]  cố bảo vệ “lợi ích nhóm” hoặc bị níu kéo bởi di sản “tiền nhiệm.” Ngoài ra, ông Tô Lâm cần phải “thuyết phục” giới tinh hoa bằng những quyết sách và chương trình cải cách rõ ràng để “nhân dân ủng hộ”, nhưng liệu ông ấy có tiến hành ghép những mảnh ghép “quản trị quốc gia”, “thị trường” và “dân chủ” trong trò ghép hình “thể chế bao trùm” cho “kỷ nguyên mới”, kỷ nguyên phát triển bền vững thì còn phải chờ xem.

Bài Liên Quan

Leave a Comment