November 26, 2024
Elon Musk, tỷ phú công nghệ kiêm cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đã gây chú ý khi lên tiếng chỉ trích dòng tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Ông gọi đây là “thiết kế tệ hại” và cho rằng việc tiếp tục chế tạo máy bay có người lái là “lỗi thời” trong kỷ nguyên của máy bay không người lái (drone).
Trong bài đăng ngày 24/11 trên mạng xã hội X, Musk chia sẻ video trình diễn khả năng phối hợp của các drone trong một đội hình bay thông minh. Ông mỉa mai: “Trong khi đó, một số kẻ ngốc vẫn chế tạo tiêm kích có người lái như F-35”, kèm biểu tượng thùng rác để thể hiện thái độ chê bai.
Khi được phản hồi rằng F-35 vượt trội hơn drone về tốc độ, tầm bay và khả năng mang vũ khí, Musk lập tức chỉ ra những hạn chế cơ bản của dự án này. Ông cho rằng: “F-35 không thể xuất sắc trong bất kỳ vai trò cụ thể nào do phải đáp ứng quá nhiều yêu cầu từ các nhánh quân đội khác nhau. Điều này làm nó trở nên phức tạp, đắt đỏ, và kém hiệu quả. Tiêm kích có người lái như F-35 đang trở nên lỗi thời và gây nguy hiểm cho tính mạng phi công trong thời đại drone vũ trang có thể đảm nhận hầu hết nhiệm vụ.”
Musk nhấn mạnh rằng drone không chỉ thực hiện tốt các nhiệm vụ như thả bom hay phóng tên lửa mà còn loại bỏ rủi ro về sinh mạng phi công trong những nhiệm vụ nguy hiểm.
Lockheed Martin, nhà sản xuất F-35, bảo vệ chương trình này với tuyên bố rằng đây là “mẫu tiêm kích hiện đại nhất thế giới”. Theo hãng, F-35 mang lại lợi thế vượt trội về khả năng sống sót, tàng hình, kết nối chiến trường và đảm bảo ưu thế trong các cuộc chiến hiện đại.
Lầu Năm Góc cũng bác bỏ chỉ trích của Musk, cho rằng F-35 đang hoạt động rất hiệu quả trước những mối đe dọa mà nó được thiết kế để đối phó. Các phi công cũng liên tục khẳng định F-35 là dòng tiêm kích họ tin tưởng khi tham gia chiến đấu.
Chuyên gia Mauro Gilli từ Đại học ETH Zurich nhận định rằng một số phê bình của Musk về F-35 là chính xác, đặc biệt liên quan đến chi phí đội giá và các vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, ông cho rằng các vấn đề này không liên quan đến việc đây là tiêm kích có người lái, mà xuất phát từ sự phức tạp trong thiết kế điện tử và phần mềm.
Chương trình F-35, với tổng chi phí phát triển khoảng 485 tỷ USD, đã trở thành dự án quân sự tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ. Để duy trì và vận hành 3.000 chiếc F-35 dự kiến sản xuất đến năm 2088, Mỹ sẽ cần chi tới 2.000 tỷ USD.
Một trong những nguyên nhân khiến F-35 đội giá là các cải tiến không ngừng về công nghệ. Hệ thống cảm biến tiên tiến, kết nối bảo mật tốc độ cao, và khả năng tàng hình giúp F-35 hoạt động sâu trong vùng không phận đối phương và truyền thông tin chiến trường về tuyến sau. Ngoài ra, các tính năng độc đáo như hiển thị thông tin trên mũ phi công và hệ thống dẫn bắn quang-điện tử (EOTS) càng làm tăng tính phức tạp.
Musk nhiều lần đề xuất Mỹ cần chuyển hướng sang phát triển máy bay không người lái (UAV) để duy trì tính cạnh tranh và tiết kiệm chi phí. Ông lập luận rằng drone không chỉ rẻ hơn mà còn phù hợp với các yêu cầu của chiến tranh hiện đại, nơi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đóng vai trò then chốt.
Mặc dù chưa rõ Musk có dự định tác động tới kinh phí của chương trình F-35 hay không, vai trò lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ của ông cho phép ông tham gia vào các kế hoạch cải tổ quy định và chi tiêu liên bang, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng.
Bất chấp những chỉ trích, F-35 vẫn là một trong những tiêm kích quan trọng nhất của Mỹ và đồng minh, với khả năng duy trì hoạt động trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, sự nổi lên của công nghệ drone đã đặt ra câu hỏi về tương lai của tiêm kích có người lái.