Một bản dự thảo hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa đã được các đại diện từ hơn 170 quốc gia đưa ra vào thứ Sáu, 29/11/2024 trong Hội nghị quốc tế chống rác thải nhựa tại Busan, Hàn Quốc. Tuy nhiên, nội dung trong bản dự thảo vẫn còn nhiều điểm chưa được giải quyết, khiến các nhà hoạt động môi trường thất vọng.
Đăng ngày: 30/11/2024
Chỉ còn lại hơn một ngày để các bên đạt được sự đồng thuận nhằm đúc kết một cơ chế kiểm soát sản lượng nhựa toàn cầu, nhưng tình hình dường như vẫn không mấy khả quan. Theo hãng tin AFP, văn bản dự thảo không đưa ra danh sách các hóa chất nào được cho là nguy hiểm đối với sức khỏe con người, thay vào đó vấn đề này được hoãn lại để bàn thảo tại các hội nghị COP trong tương lai. Hơn nữa, văn bản này đã khiến các nhà hoạt động môi trường bất bình vì thiếu tính ràng buộc trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của nhựa với con người và hệ sinh thái, đối với các quốc gia và doanh nghiệp.
Có mặt tại hội nghị, thông tín viên RFI Celio Fioretti gửi về bài phỏng vấn với bà Mercier-Bonin, nhà nghiên cứu về tác hại của nhựa với sức khỏe con người :
“Nhựa có ở khắp mọi nơi, ngay cả trong cơ thể chúng ta. Mỗi ngày có hàng trăm hạt nhựa siêu nhỏ đi vào cơ thể của chúng ta thông qua việc ăn uống. Bà Muriel Mercier-Bonin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Inrae, cho biết “Cho đến nay, các nhà khoa học đã tìm thấy 16.000 chất hóa học trong nhựa và một phần tư trong số đó, tức là 4.000 hợp chất đã được xác định, có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người”.
Vậy còn 12.000 hợp chất còn lại, bà có dữ liệu gì về chúng?
“Trên thực tế, trong quy trình sản xuất nhựa có những công thức phức tạp, không hoàn toàn minh bạch đối với những gì được cho vào nhựa. Vì vậy, đây là lý do tại sao hiện tại chúng tôi vẫn cần chứng minh thêm về tất cả các chất hóa học có trong các loại nhựa này.”
Các chất hóa học có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc với chúng. “Chúng ta đã nói rất nhiều về hóa chất bisphenolate, BPA, phthalates có thể gây ra các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể và cả bệnh ung thư. Và ta cần phải nhớ rằng những tác hại này sẽ ảnh hưởng đến chúng ta cả đời.”
Bà Muriel Mercier-Bonin, có mặt tại Busan, là thành viên của phái đoàn khoa học giúp các quốc gia hiểu rõ các vấn đề sức khỏe mà nhựa gây ra để đưa vào hiệp ước hiện đang được soạn thảo.”
Greenpeace biểu tình chống rác thải nhựa trên tàu Hàn Quốc
Ngoài ra, để kêu gọi chống rác thải nhựa, hôm nay các nhà hoạt động môi trường của tổ chức Greenpeace đã lên một con tàu hóa dầu ngoài khơi Hàn Quốc và giăng biểu ngữ yêu cầu một “hiệp ước mạnh mẽ về đồ nhựa”. Tuy nhiên, bà Angelica Pago, phát ngôn viên của Greenpeace, khẳng định “các nhà hoạt động đã lên tàu một cách hòa bình và không gặp phải sự phản đối nào từ phía các thủy thủ đoàn”.