Gruzia : Cảnh sát dùng hơi cay, vòi rồng trấn áp biểu tình ủng hộ Liên Âu

Tối 29/11/2024, ngày thứ hai liên tiếp, vài chục nghìn người Gruzia tập trung biểu tình trước trụ sở Quốc Hội ở trung tâm thủ đô Tbilissi để phản đối quyết định của chính phủ lùi đàm phán gia nhập Liên Hiệp Châu Âu đến năm 2028. Cảnh sát chống bạo động được huy động đông đảo và sử dụng hơi cay, vòi rồng để giải tán đám đông và bắt giữ 107 người biểu tình.

Đăng ngày: 30/11/2024

A protester waves an European Union flag during a rally outside the parliament to protest the government's decision to suspend negotiations on joining the European Union for four years in Tbilisi, Geo
Biểu tình chống chính sách xa rời Liên Âu của chính phủ tại thủ đô Tbilisi, Gruzia, ngày 30/11/2024. AP – Zurab Tsertsvadze

Thu Hằng

Tổng thống Salome Zourabichvili, thân phương Tây, khẳng định ủng hộ « phong trào kháng chiến ». Hội Đồng Châu Âu « lên án mạnh mẽ » vụ trấn áp, còn Pháp kêu gọi « quyền được biểu tình ôn hòa ».

Đất nước ở vùng Kavkaz, nằm sát Azerbaijan và Armenia, rơi vào vòng xoáy khủng hoảng sau cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 26/10 với chiến thắng của dảng thân Nga « Giấc mơ Gruzia » nhưng bị phe đối lập và tổng thống cáo buộc có « nhiều bất hợp lệ ».

Thông tín viên RFI Régis Genté tại Tbilissi giải thích thêm :

« Từ tháng 3/2024 vừa qua, Gruzia gần như luôn trong tình trạng khủng hoảng, trước tiên là vào mùa xuân, để phản đối luật « tác nhân nước ngoài », vẫn được gọi là luật Nga, sau đó là phản đối kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 26/10, và bây giờ là phản đối quyết định của chính phủ đình chỉ tiến trình mở đàm phán gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Về cơ bản, tất cả những sự kiện này đều xảy ra trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraina. Nga muốn có ảnh hưởng đặc quyền ở các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong khi đa số người dân Gruzia lại khao khát trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu vì sự thịnh vượng, Nhà nước pháp quyền và tự do.

Chính quyền Gruzia, hoàn toàn nằm dưới ảnh hưởng của nhà tài phiệt Bidzina Ivanichvili, đôi khi khẳng định chính sách của mình là thận trọng, để biện minh cho xu hướng chống phương Tây nhằm không chọc giận điện Kremlin. Nhưng thực ra họ bác bỏ phương Tây cùng với những giá trị tự do. Hiện giờ có thể thấy sự phân cực rõ ràng trong đời sống chính trị Gruzia, nơi tâm lý lo sợ chiến tranh và mất ổn định là điều có thật, nhưng cũng đang bị thao túng.

Với những gì có thể thấy trong đêm qua khi cảnh sát mạnh tay trấn áp, nguy cơ bùng nổ bạo lực cũng rất lớn như trường hợp Ukraina vào cuối năm 2013 – đầu 2014. Dưới áp lực của Matxcơva, tổng thống lúc đó là Viktor Yanykovych đã quyết định từ bỏ việc ký kết thỏa thuận gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, dẫn tới cuộc cách mạng Maidan, tổng thống Yanykovych bị lật đổ, sau đó là cuộc xâm lược của Nga.

Người ta thấy một kịch bản tương tự ở Gruzia với việc Nga gây áp lực mạnh thông qua nhà tỉ phú Bidzina Ivanichvili, người làm giàu ở Nga. Còn bên kia là khát vọng sâu sắc của người dân được trở thành thành viên Liên Âu trong bối cảnh cường quốc đô hộ trước đây bị bác bỏ mạnh mẽ. Và đây là những quan điểm không thể dung hòa ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment