Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt gói bán phụ tùng máy bay phản lực F-16 và radar cho Đài Loan, trị giá ước tính là 385 triệu USD.
Lầu Năm Góc đã thông báo điều này vào thứ Sáu 29/11, một ngày trước khi Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức bắt đầu chuyến công du Thái Bình Dương nhạy cảm, theo Reuters.
Theo luật pháp Mỹ, nước này có nghĩa vụ phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ, mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức giữa Washington và Đài Bắc. Điều này luôn khiến Trung Quốc tức giận vì họ coi Đài Loan là một phần của mình.
Đài Loan – một hòn đảo dân chủ – bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Trung Quốc đã tăng cường áp lực quân sự đối với Đài Loan, bao gồm hai đợt tập trận trong năm nay.
Các nguồn tin an ninh đã nói với Reuters rằng Bắc Kinh có thể sẽ tổ chức nhiều hơn các đợt tập trận như vậy trong thời gian diễn ra chuyến công du Thái Bình Dương của ông Lại Thanh Đức.
Chuyến đi của ông Lại lần này sẽ bao gồm các điểm dừng chân ở Hawaii và Guam, một lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc cho biết thương vụ nói trên bao gồm 320 triệu USD phụ tùng thay thế và hỗ trợ cho máy bay chiến đấu F-16 và radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) cùng các thiết bị liên quan.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã chấp thuận việc bán cho Đài Loan hệ thống trang thiết bị thông tin liên lạc di động phục vụ mục đích quân sự với giá ước tính 65 triệu USD, Lầu Năm Góc cho biết. Nhà thầu chính cho đợt bán trị giá 65 triệu USD này là General Dynamics.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ kỳ vọng thương vụ này sẽ “có hiệu lực” trong vòng một tháng và các thiết bị trên sẽ giúp duy trì sự sẵn sàng chiến đấu của đội F-16 và “xây dựng một lực lượng phòng thủ đáng tin cậy”.
“Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác an ninh và hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,” tuyên bố của Bộ Quốc phòng Đài Loan nêu.
Tháng trước, Hoa Kỳ đã công bố một gói bán vũ khí trị giá 2 tỷ USD cho Đài Loan, bao gồm việc lần đầu tiên chuyển giao cho hòn đảo này một hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến đã được thử nghiệm thực chiến ở Ukraine.
Ông Lại lên đường đến Hawaii vào thứ Bảy (30/11), sau đó đến Quần đảo Marshall, Tuvalu và Palau, ba trong số 12 quốc gia vẫn giữ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc. Ông cũng sẽ dừng chân tại Guam.
Hawaii và Guam là nơi có các căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ.
Hôm thứ Sáu, Trung Quốc đã thúc giục Hoa Kỳ “cực kỳ thận trọng” trong quan hệ với Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi chuyến đi của ông Lại là riêng tư, thường lệ và không chính thức, và rằng không có lý do gì để lấy đó làm cái cớ cho sự khiêu khích.