Nhật Bản: Di sản ngoại giao “chống” Trung Quốc của thủ tướng Shinzo Abe

Nhật Bản: Di sản ngoại giao “chống” Trung Quốc của thủ tướng Shinzo Abe

Đăng ngày: 05/09/2020

\"Hình
Hình ảnh buổi họp báo ngày 28/08/2020 của thủ tướng Nhật Bản để loan báo quyết định từ chức, được truyền qua màn hình rộng tại Tokyo (Nhật Bản). REUTERS – KIM KYUNG-HOON

Trọng Nghĩa12 phút

Không hẹn mà gặp, hai tuần báo Courrier International (Pháp) và The Economist (Anh) phát hành đầu tháng 9/2020 này đều chú ý đến sự kiện thủ tướng Nhật Bản bất ngờ loan báo quyết định từ chức. Trang bìa Courrier International tuy nhiên được dành cho “văn hóa phá bỏ – cancel culture”, còn The Economist nêu bật sắc thái xấu xí của cuộc bầu cử Mỹ đang có nguy cơ nặng nề thêm.

Các tuần báo còn lại tập trung vào các đề tài liên quan đến Pháp: Trong lúc L’Express trở lại vấn đề Hồi Giáo cực đoan đe dọa quyền tự do ngôn luận, thì L’Obs chú ý đến tiếng nói của cựu thủ tướng Lionel Jospin. Riêng Le Point ra số đặc biệt về rượu vang Pháp.

Về quyết định từ chức của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, điểm lý thú là trong lúc Courrier International thở phào nhẹ nhõm khi thấy ông Shinzo Abe ra đi, thì The Economist lại hết sức ca ngợi một chính khách đã làm được rất nhiều điều tốt cho nước Nhật.

Shinzo Abe ra đi là “cơ may” cho Nhật Bản?

Courrier International đã trích dịch một bài báo trên tờ Ashi Shimbun xuất bản tại Tokyo cho rằng việc “Ông Shinzo Abe rời bỏ chức vụ là một cơ may cho nền dân chủ Nhật Bản”.

Đối với tờ báo trung tả Nhật Bản, người vừa loan báo từ chức hôm 28/08 vừa qua đã ngự trị trên sân khấu chính trị nước Nhật trong gần 8 năm. Với đa số áp đảo tại Nghị Viện, ông Shinzo Abe đã phạm phải nhiều sai lầm đáng lo ngại và gây chia rẽ trong nước.

Việc ông từ chức vì lý do sức khỏe, theo tờ báo, sẽ cho phép nền dân chủ Nhật bắt đầu một tiến trình hàn gắn những tổn thương mà nhiệm kỳ dài dằng dặc của ông Abe đã gây ra.

Di sản đầy ấn tượng của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Trái với đồng nghiệp Nhật Bản, tuần báo Anh The Economist đã hết lời ca ngợi vị thủ tướng vừa quyết định từ chức.

Trong bài viết mang tựa đề “Di sản của ông Shinzo để lại nhiều ấn tượng hơn là việc ông lẳng lặng ra đi”, The Economist ghi nhận là nhiều người đã xem việc ông Abe từ chức là một sự thừa nhận thất bại.

Nền kinh tế mà ông đã ra sức vực dậy sau nhiều thập kỷ thiếu sinh khí, lại đang chới với vì đại dịch Covid-19. Cố gắng của ông nhằm sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa của Nhật Bản để cung cấp cho các lực lượng vũ trang một cơ sở pháp lý thích hợp đã không đi đến đâu. Đỉnh cao của sự nghiệp mà ông chờ mong là Thế Vận Hội Tokyo, lẽ ra phải được tổ chức vào mùa hè này, có thể sẽ không bao giờ diễn ra. Chỉ số được lòng dân của ông đã xuống rất thấp.

Người đặt nền móng cho các cải cách tương lai ở Nhật

Thế nhưng, theo The Economist, trong gần 8 năm lãnh đạo nước Nhật, ông Shinzo Abe không những đã thành công trong việc định hình lại nền kinh tế và ngoại giao của Nhật Bản, mà lại còn đặt được nền móng cho những cải cách trong tương lai.

Thành công ngoài mong đợi của ông chính là đường lối ngoại giao vừa năng động vừa cứng rắn. Là một người theo chủ nghĩa dân tộc, ông Shinzo Abe từng gây lo ngại là sẽ châm ngòi cho hàng loạt những vụ xung đột với Trung Quốc, và xa rời các đồng minh truyền thống của Nhật Bản.

Quả đúng là ông vẫn vướng vào một cuộc tranh chấp vô nghĩa với Hàn Quốc trên vấn đề lịch sử, tuy nhiên, về đại thể, ông đã tập hợp được các chính phủ có cùng chí hướng trong khu vực để chống lại sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc mà không kích động Bắc Kinh một cách thái quá.

Người khéo huy động lực lượng chống bành trướng Trung Quốc

Theo The Economist, một trong những điểm son của thủ tướng Shinzo Abe chính là cách đối phó khéo léo với Trung Quốc.

Khi ông nhậm chức, hai nước đã gần xảy ra xung đột về các đảo tranh chấp. Bất chấp việc Trung Quốc liên tục khiêu khích, ông vẫn kiên quyết trong vấn đề bảo vệ chủ quyền trên một số đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông bị Bắc Kinh dòm ngó.

Sau khi Mỹ rút ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một cơ chế được tạo ra để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, chính ông Abe là người đã giữ cho dự án tồn tại.

Ông đồng thời tăng cường hợp tác quân sự với các nền dân chủ khác, khuyến khích các láng giềng đứng lên chống lại Trung Quốc. Dưới ngọn cờ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Nhật Bản đã cố gắng duy trì quyền tự do hàng hải ở các vùng biển châu Á và các nguyên tắc tự do giao thương ở châu Á. Ông đã xây dựng mối quan hệ an ninh với Úc, Ấn Độ và các nước ở Đông Nam Á.

Âm thầm lập kế hoach chống Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc

Ông Shinzo Abe còn tạo ra một chiến lược để liên kết các dự án viện trợ vốn rất phân tán của Nhật Bản, âm thầm thúc đẩy đề án “cơ sở hạ tầng chất lượng” như một giải pháp thay thế cho Sáng Kiến ​​Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc.

Ông cũng đã duy trì được quan hệ hữu hảo với tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng đồng thời cũng có quan hệ tốt với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn từng dự trù đến thăm Nhật Bản vào tháng 4 vừa qua, trước khi kế hoạch bị dịch Covid-19 phá hỏng.

Miyake Kunihiko, một nhà ngoại giao, cho biết: “Không có chính trị gia [Nhật Bản] nào khác có giác quan thứ sáu như vậy trong chính sách đối ngoại”.

Hiến Pháp Nhật Bản có thể sẽ không thay đổi như ông từng mong muốn, nhưng dù sao thì ông Abe cũng đã biến Nhật Bản trở thành một thế lực đáng tin cậy hơn trên trường quốc tế. Ông đã tăng chi tiêu cho các lực lượng vũ trang và thúc đẩy các thay đổi pháp lý cho phép họ tham gia vào các hiệp ước phòng thủ chung và các sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở nước ngoài.

Bài Liên Quan

Leave a Comment