Trung Đoàn 40 Bộ Binh VNCH & Trung Đoàn 8 Bộ Binh Hoa Kỳ Kịch Chiến Với Cộng Quân Ở Bồng Sơn

Trung Đoàn 40 Bộ Binh VNCH & Trung Đoàn 8 Bộ Binh Hoa Kỳ Kịch Chiến Với Cộng Quân Ở Bồng Sơn

Thứ Sáu, 04 Tháng Chín 20204:00 CH

\"8461286522_abf705cc01_z\"
Sư đoàn 22 Bộ Binh VNCH, Sư đoàn 1 Không Kỵ và chiến dịch truy lùng CSBV:
Trong số trước, chúng tôi đã trình bày về cuộc hành quân của 3 Sư đoàn Việt-Mỹ-Hàn (22 Bộ binh VNCH, 1 Không Kỵ Hoa Kỳ, Mãnh Hổ Đại Hàn) tại tỉnh Bình Định trong tháng 1/1967. Tiếp theo cuộc hành quân hỗn hợp nói trên, vào ngày 12 tháng 2/1967, bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 BB phối hợp với Sư đoàn 1 Không kỵ Hoa Kỳ khởi động chiến dịch truy lùng địch trên toàn tỉnh Bình Định. Ngoài thành phần bộ chiến của hai sư đoàn, có còn sự tham dự của 1 chiến đoàn Cảnh sát Dã chiến đang hoạt động khu vực Duyên hải Trung nguyên Trung phần. Buổi xuất quân được tổ chức trọng thể với tiếng kèn vang dội của đội quân nhạc, với sự tháp tùng của các đoàn ký giả, phóng viên truyền hình, phát thanh trong nước và quốc tế theo các đơn vị ra chiến trường.

Từ tháng 2 đến tháng 11/1967, các đơn vị của Sư đoàn 22 Bộ binh đã nhiều lần đụng độ với Cộng quân ở cấp đại đội, tiểu đoàn tại ba quận phía Bắc tỉnh Bình Định nhưng mức độ giao tranh không khốc liệt như trận chiến trong tháng 1/1967. Về phía Sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ, trong suốt thời gian nói trên, các tiểu đoàn bộ chiến thuộc trung đoàn 7 và trung đoàn 8 đã tung các thành phần Trinh sát xâm nhập vào nhiều vị trí được ghi nhận có Cộng quân, tuy nhiên không có các cuộc chạm súng lớn.
Gần cuối năm 1967, cuộc đụng độ lớn nhất của chiến dịch xảy ra khi trung đoàn 40/Sư đoàn 22 BB và ba tiểu đoàn của Sư đoàn 1 Không kỵ được yểm trợ bởi tiểu đoàn 1/sư đoàn 5 Bộ binh Cơ giới Hoa Kỳ đụng độ với 2 trung đoàn 18 và 22 Cộng quân dọc theo khu vực đồng bằng cận duyên Bồng Sơn, khu vực mà CQ đã tiến hành nhiều cuộc tấn công cường tập vào các đơn vị trú phòng VNCH trong hai năm 1965 và 1966 nhưng đều bị đánh bật.

\"23372363474_d3c44d0582_z\"/

* Trận kịch chiến ở Bồng Sơn:
Theo tài liệu của Trung tâm Quân sử Hoa Kỳ, hồi ký của đại tướng Westmoreland, bài viết về Sư đoàn 1 Không Kỵ của cựu trung tá Nguyễn Minh Tánh, đối chiếu với các bản tin chiến sự do Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL/VNCH phổ biến cho báo chí, diễn tiến của trận đánh được ghi nhận như sau:
Trận chiến khởi sự bùng nổ vào ngày 6 tháng 12/1967 khi một trực thăng trinh sát của tiểu đoàn 1/9 Không kỵ phát hiện một trụ ăng ten ở một cụm ấp cách thị trấn Bồng Sơn 15 km về hướng Tây Bắc, gần Tam Quan, cụm ấp này nổi lên giữa đồng trống bao quanh bởi các cánh đồng ruộng lúa phì nhiêu. Bị đạn liên thanh từ dưới bắn lên, trực thăng quan sát bay ra khỏi vùng và gọi phi đội ứng chiến chở 1 trung đội khinh binh bộ chiến thuộc đại đội A tiểu đoàn 1/9 đến. Khi các chiến binh của trung đội này vừa mới đến bìa rừng thì bị Cộng quân cầm chân bởi hỏa lực ác liệt dầy dặc của đối phương từ các hầm trú ẩn tác xạ dữ dội. Một trung đội thứ hai được trực thăng vận ngay sau đó nhảy xuống cánh đồng ruộng gần bên nhưng cũng bị hỏa lực đối phương kiềm giữ khi trung đội này cố liên lạc với trung đội bạn.

Đến đêm, đại tá Rattan-lữ đoàn trưởng lữ đoàn 1 điều động lực lượng trừ bị phản ứng cấp thời nhập trận để cứu viện các trung đội trinh sát của tiểu đoàn 1/9 đang bị cô lập. Đại đội B tiểu đoàn 1 trung đoàn 8 là nỗ lực chính của lực lượng tiếp ứng. Lần này, Cộng quân đợi các chiến binh Hoa Kỳ đến gần hàng rào cây cối và lùm cây đã che dấu vị trí hầm hố của địch, sau đó mới khai hỏa với đủ loại súng. Các trận cận chiến ác liệt bắt đầu. Từng toán Cộng quân nhảy lên khỏi hầm hố và nhào đến cướp đoạt vũ khí từ các thương binh Hoa Kỳ.

Trong khi giao tranh đang diễn ra, 4 thiết quân vận thuộc đại đội A của tiểu đoàn 1 Cơ giới/Sư đoàn 5 Bộ binh Hoa Kỳ tiến nhanh đến trận địa, đoàn xe chỉ ngừng lại khi đụng một bờ đê tại rìa làng. Sau khi một Thiết quân vận bị trúng đạn M 40, ba chiếc còn lại lui ra và hợp với các chiến binh thuộc đại đội B bố trí phòng thủ tạm thời. Suốt đêm, đèn rọi từ phi cơ và các trái hỏa châu chiếu sáng rực cả vòm trời Tam Quan, trong khi các trực thăng võ trang và Pháo binh liên tục nã đạn vào các cụm hầm hố của Cộng quân. Tận dụng hỏa lực yễm trợ, các thiết quân vận của lực lượng tiếp ứng khuấy động cả cánh đồng ruộng và giải cứu các toán quân của tiểu đoàn 1/9 Không Kỵ đang bị bao vây.
Sáng ngày hôm sau, để tiếp ứng cho đơn vị Hoa Kỳ, bộ tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh VNCH đã điều động một thành phần của trung đoàn 40 Bộ binh tăng viện. Các đại đội thuộc trung đoàn đã khai triển đội hình tổ chức bố trí các nút chận quanh khu vực chính, cùng với sự phối trí của đơn vị VNCH, thành phần còn lại của tiểu đoàn 1 trung đoàn 8 Bộ binh Không Kỵ di chuển đến tăng cường cho đại đội B.

Đến 9 giờ sáng ngày 7 tháng 12, tiểu đoàn 1/8 Hoa Kỳ được 4 chiến xa có thiết trí đại bác 40mm ghép đôi (“self-propelled” pháo tự hành “Duster”) yểm trợ phối hợp với chi đội Thiết quân vận mở cuộc tái tấn công vào khu vực Tam Quan. Trong khi mở cuộc tấn công thông qua con đường băng qua vùng lầy lội do các toán Công binh trên các xe ủi thuộc tiểu đoàn 8 Công binh thiết lập, đơn vị 1/8 Bộ binh Hoa Kỳ lại đụng phải một hàng rào hỏa lực khủng khiếp của đối phương với đủ loại đạn: súng liên thanh, phóng lựu, hỏa tiễn từ các công sự phòng thủ đan chéo nhau của địch.

Tổn thất nhân mạng tăng lên khi các tổ bắn sẻ của CQ chú trọng nhắm vào các thiết quân vận, làm tê liệt các chiếc xe này khi sát hại các trưởng xa và tài xế. Nhận xét về cách đánh này, cựu trung tá Nguyễn Minh Tánh-nguyên thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 (năm 1974), từng chỉ huy 1 đơn vị Thiết giáp hành quân tại các quận phía Bắc tỉnh Bình Định, đã ghi nhận như sau: VC vùng Tam quan là thầy về nghề bắn lén này. Tuy nhiên các đơn vị Mỹ thiếu kinh nghiệm, chứ các đơn vị thuộc Thiết đoàn 3 Kỵ binh VNCH hành quân vùng này thì trước khi đến khu vườn dừa đều gửi lên các ngọn cây vài tràng đạn 50, nhờ thế nên đã vô hiệu hóa hoạt động bắn sẻ của CQ một phần nào, phương cách đề phòng này đã rút từ kinh nghiệm đau thương là đã có 1 chi đoàn trưởng và 1 chi đoàn phó bị trúng đạn do địch quân bắn sẻ.


Trở lại với trận đánh của tiểu đoàn 1/8 và chi đội chiến xa thuộc tiểu đoàn 1 Cơ giới Hoa Kỳ, sau khi bị buộc lùi lại, tiểu đoàn trưởng 1/8 đã gọi xin phi pháo yểm trợ, sau đó tập trung chiến xa và các thành phần tùng thiết lại để tổ chức đợt xung phong lần thứ hai. Cuộc tiến quân lần này bị tổn thất nặng hơn lần trước, khi 20 chiến sĩ từ đại đội B bị hy sinh khi vượt qua hàng rào cây cách nơi xuất phát của đại đội này không đến 100 mét. Đến giữa trưa thì có chiến binh Hoa Kỳ bị thương vong, tử trận, bộ chỉ huy hành quân phải điều động 12 trực thăng để tản thương binh. Dù bị tổn thất nặng, tiểu đoàn 1/8 tung ra cuộc tấn công thứ ba theo đội hình hàng ngang, các trung đội đi sau các chiến xa và xe phun lửa. Bị trúng các loại đại bác không giật và đạn hỏa tiển B 40, một thiết quân vận bị nổ tung và một chiếc khác bị bất động. Thiết xa phun lửa trả đũa lại bằng cách tiêu diệt tổ chống chiến xa của địch. Một thời gian ngắn sau đó, ba thiết vận xa còn lại bất thần tiến nhanh với tốc độ tối đa, cán lên đường hào phòng tuyến của địch quân. Bị tấn công bất ngờ, nhiều CQ bỏ chạy.

Trước tình hình nguy kịch, các CQ khác đã nhào lên các thiết quân vận đang di chuyển để rồi bị nghiền dưới xích sắt hoặc bị bắn hạ bởi các xạ thủ của các xa đội này. Cùng lúc đó, các kinh binh bộ chiến nhanh chóng tiến lên sau các thiết quân vận và trước khi trời tối, tuyến phòng chính của CQ đã nằm trong tay đơn vị Hoa Kỳ.
Ngày hôm sau, tiểu đoàn 1/8 Bộ binh của Sư đoàn 1 Không kỵ lại tiếp tục cuộc tấn công, dù rằng đã có dấu hiệu chứng tỏ sự chống cự của CQ bị suy yếu đáng kể. Tuy thế các cuộc chạm súng dữ dội vẫn tiếp tục 10 ngày sau khi các lực lượng Bộ binh, Thiết giáp và Công binh của Liên quân Việt Mỹ phối hợp để đẩy lui trung đoàn 22 CSBV khỏi các khu vực phụ cận. Cũng cần ghi nhận rằng chính trung đoàn CSBV này đã tung ra một cuộc đột kích vào căn cứ hỏa lực pháo binh của Sư đoàn 1 Không Kỵ tại bãi đáp Bird vào ngày 27 tháng 12. Mở đầu cuộc đột kích, biệt đội đặc công của trung đoàn 22 CSBV đã bò qua các lớp hàng rào của căn cứ, sau khi đã âm thầm cắt các dây mìn chiếu sáng và các mìn claymore bảo vệ vòng đai phòng thủ, Cộng quân xông vào doanh trại với lưỡi lê tuốt trần, và tràn ngập khống chế các binh sĩ khẩu đội đại bác. Chỉ nhờ hai quả đạn tổ ong có hiệu quả sát hại khủng khiếp mà đơn vị trú phòng đã ngăn chận địch tràn ngập toàn căn cứ, đây là một loại đạn chài gồm hàng ngàn mũi tên bằng thép để tác xạ gần đối phó với các cuộc tấn công biển người của đối phương. Dù đã chận đứng được trận tấn công cường tập của địch, nhưng đơn vị Hoa Kỳ cũng bị tổn thất khá nặng: 58 binh sĩ tử thương, 77 bị thương, về phía địch quân có 266 CQ bỏ xác tại trận trong đó có hơn 30 đặc công chết trần truồng. (Đặc công của CQ thường không mặc quần áo để khỏi vướng víu và gây tiếng sột soạt trong đêm khuya khi bò qua hàng rào của các căn cứ).

Ngày 20 tháng 12/1967, trận chiến Tam Quan kết thúc, phía các đơn vị Hoa Kỳ có 58 tử trận, 250 bị thương, trong khi tổn thất của địch được đếm xác tại chỗ lên đến hơn 600 CQ.
Tổn thất của toàn Sư đoàn 1 Không Kỵ trong chiến dịch kéo dài 11 tháng được ghi nhận như sau: 850 tử trận, 4,119 bị thương, 22 mất tích, đổi lại Sư đoàn này đã hạ sát hơn 5,300 CQ, bắt làm tù binh 2,323 binh sĩ và cán bộ CQ, vô hiệu hóa 50% cán bộ chính trị và hành chánh nằm vùng của VC tại tỉnh Bình Định không còn hoạt động được.

Kỳ sau: Trận chiến tại Quảng Ngãi của liên quân Việt Mỹ trong năm 1967.

Nguồn: https://vietbao.com/a49918/trg-don-40bb-vnch-8-hoa-ky-kich-chien-voi-cq-o-bong-son

Bài Liên Quan

Leave a Comment