Việt Nam \’đa phương\’ nên bị cả Nga, Trung Quốc và Mỹ gây sức ép?

  • Trần Hiếu Chân
  • Gửi bài tới BBC News Tiếng Việt từ TP HCM

19 tháng 7 2022

\"Getty
Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong một hình tư liệu. Nay, khi ông Biden đã làm tổng thống, các khác biệt chính sách hai nước ngày càng lớn

Trong thế giới chia rẽ sâu sắc, chính sách ngoại giao đa phương, ký \’đối tác chiến lược\’ hoặc \’đối tác toàn diện\’ với các đại cường có quyền lợi xung khắc nhau đang khiến Việt Nam gặp khó khăn, như bài của độc giả BBC, Trần Hiếu Chân gửi tới từ TP HCM:

Chỉ trong vòng một tuần lễ, các đại cường đều ép Hà Nội \”can dự\” sâu hơn vào chiến lược của mỗi bên. Nói nhại theo ý người xưa: \’Thân này ví xẻ làm ba được…\’ và nay thì tình cảnh của Việt Nam đúng như thế.

Nga \”rủ\” Việt Nam chống Mỹ cấm vận (7/7), Ngoại trưởng Bliken hủy chuyến thăm Việt Nam (dự định 9 – 10/7) và Trung Quốc \”nghiêm dụ\”, đã đến lúc Hà Nội và Bắc Kinh cần xây dựng một \”cộng đồng vận mệnh chung\” (ngày 13/7).

Chúng ta hãy nhìn vào từng mối quan hệ.

Ngày 13/7/2022, tại TP. Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), Phó Thủ tướng VN Phạm Bình Minh cùng Ngoại trưởng TQ Vương Nghị đồng chủ trì phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của chính sách ngoại giao Việt Nam, và rằng \”quan hệ hữu hảo với Trung Quốc cũng là lựa chọn chiến lược của Việt Nam\”, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đài phát thanh CRI của nước này dịch sang tiếng Việt.

Về phía Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng trước những nguy cơ, thách thức trên chặng đường phía trước và những nhiệm vụ gian khổ của công cuộc đổi mới và phát triển, \”chúng ta cần kế thừa và phát huy tình hữu nghị đặc biệt, củng cố đoàn kết, tin cậy lẫn nhau, hợp tác sâu rộng cùng có lợi.

Thách thức từ GSI, CSF hay CCD

Theo trang mạng The Diplomat, việc cổ súy để xây dựng một \”cộng đồng chung vận mệnh\” (community of common destiny /CCD) là động lực thúc đẩy chính sách đối ngoại hiện nay và tương lai của Trung Quốc. Báo cáo của Lầu năm góc chỉ rõ, Trung Quốc từng tuyên bố sẽ phục hưng dân tộc bằng cách thay đổi trật tự quốc tế hiện thời bằng việc xây dựng CCD.

Ngoại trưởng Vương Nghị đã \”lên Bắc, xuống Nam\” giữa các thủ đô ASEAN để quảng bá cho mô thức \”cộng đồng chung vận mệnh\” này.

Theo bản tin vỏn vẹn chỉ có 277 từ của Tân Hoa Xã về phiên họp ngày 13/7 nói trên, ông Vương Nghị đã hai lần nói với ông Phạm Bình Minh rằng, Trung Quốc và Việt Nam đã đến lúc phải cùng nhau nâng cấp quan hệ \”đối tác chiến lược toàn diện\” lên CCD, mà bản tiếng Anh được chuyển ngữ thành \”community with a shared future/ CSF\”.

\"Phó
Chụp lại hình ảnh,Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris gặp Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm 48 tiếng năm 2021

CCD hay CSF đề cập trong văn cảnh này đều có thể cắt nghĩa như là các nỗ lực của Bắc Kinh để xây dựng trật tự thế giới mới có nguồn gốc từ \”Sáng kiến an ninh toàn cầu\” (GSI) – nền tảng các nguyên tắc về các vấn đề quốc tế và ngoại giao của Bắc Kinh, mà thực chất là nhằm thay thế chiến lược \”Vành đai con đường\” (BRI) đang phá sản.

Tuy nhiên, thông cáo báo chí mà Việt Nam công bố cũng như trên hệ thống truyền thông của Hà Nội, tuyệt đối không hề đề cập một từ nào về GSI, CFS hay CCD cả. Điều này cho thấy Việt Nam đã không tuân theo \”nghiệm dụ của Thiên triều\”.

Phải chăng việc Việt Nam không tỏ ra mặn mà đối với CCD nên bang giao Trung – Việt từ sau Đại hội 13 ĐCSVN đến nay có nhiều biểu hiện của việc \”cơm không lành, canh không ngọt\”?

Trái với thông lệ, từ sau Đại hội chưa hề có một chuyến thăm cấp cao nào giữa hai đảng cộng sản và hai nhà nước. Trong năm lời khuyên của Vương Nghị (five pieces of advice) đưa ra tại phiên họp 12 – 13/7, Hà Nội chỉ nhấn mạnh đến hai khuyến nghị sau cùng, liên quan đến ngoại giao công chúng và hợp tác về biến đổi khí hậu, phát triển xanh, quang điện và năng lượng sạch. Thông cáo từ Hà Nội đã chi tiết hóa các kiến nghị của Phạm Bình Minh trong phiên họp.

Ông Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, nhất là đối với hoa quả mùa vụ, nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; thiết lập \”luồng xanh\” rút ngắn thời gian kiểm dịch và thông quan; tiếp tục mở cửa thị trường đối với các loại hoa quả của Việt Nam, theo báo chính phủ VN.

Trước hôm ông Minh bay sang Nam Ninh, tờ Quốc tế (Bộ Ngoại giao) không ngần ngại nhắc tới bình luận của ông Phạm Sao Mai, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc: \”Tình hình trên Biển Đông xuất hiện một số nhân tố phức tạp mới…\”

Trái với những lời lẽ đẹp đẽ về quan hệ hữu hảo, một số báo Việt Nam được Ban Tuyên giáo cho phép phê phán hành vi gây hấn của Bắc Kinh. Tờ \”Thanh Niên\” hôm 10/7 tố cáo Trung Quốc xây dựng các \”cấu trúc bí ẩn\” trên đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã cưỡng chiếm từ lâu nay.

Báo này dẫn nguồn từ chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải châu Á (AMTI) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết, từ cuối năm 2019 đến năm 2021, Trung Quốc đã dựng lên một loạt cấu trúc lớn có mái che màu xanh trên những thực thể mà nước này chiếm đóng ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Bài báo cũng nhắc lại hồi tháng 3/2022, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Mỹ), cho biết Bắc Kinh đã quân sự hóa \”hoàn toàn\” ít nhất ba trong số bảy bãi đá mà nước này, biến thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

Ông Lavrov gây khó cho Việt Nam

Chuyến thăm Hà Nội hai ngày 6 – 7/7 của Ngoại trưởng Nga đã gây khó cho Việt Nam. Ngay trong buổi họp báo chiều 6/7, Ngoại trưởng Lavrov đã lớn tiếng đe dọa Mỹ và châu Âu – vốn là các quốc gia được Hà Nội tuyên bố đó là những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam:

\”Chúng tôi đã bàn về các thách thức kinh tế toàn cầu do các nước phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ gây ra\”. Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga và Việt Nam biết cách tiếp tục quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư trong môi trường hiện tại sao cho không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đơn phương và phi pháp do Hoa Kỳ, EU và các đồng minh của họ trong khu vực công bố.

Hẳn nhiên nội dung này chỉ có tìm thấy trên các bản tin của Thông tấn xã Nga – TASS. Truyền thông Việt Nam hầu như \”bỏ qua\” phát biểu này của Lavrov.

Chỉ có một trang mạng đã công khai nêu rõ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng \”lắng nghe quan điểm của Ngoại trưởng Lavrov về Ukraine\”. \”Lắng nghe\” không trao đổi lại có phải là hưởng ứng không? Giới phân tích đã nêu ra câu hỏi ấy.

Ngày ông Sergei Lavrov rời Hà Nội (7/7), tạp chí Asia Times đăng bài phân tích khá dài với tựa đề \”Tại sao Việt Nam không thể và sẽ không rời bỏ Nga\”.

Theo đó, ông Lavrov, trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đã bày tỏ sự đánh giá cao đối với Việt Nam, vì đã từ chối tham gia vào hệ thống trừng phạt quốc tế \”bất hợp pháp\” do Mỹ cầm đầu. Bất chấp sự thật là cuộc chiến tranh tàn khốc do Nga đang tiến hành tại Ukraine, Ngoại trưởng Lavrov kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế (?!).

Ông còn sử dụng hai ngày thăm Hà Nội để đả kích Hoa Kỳ, phương Tây và chính phủ Ukraine, rằng sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine tương đương với tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố nhà nước (?).

Nhiều điều Lavrov tuyên bố trong họp báo khiến Ngoại giao Việt Nam rơi vào thế kẹt. Bởi vì Việt Nam đã không tỏ ra có bất cứ phản ứng hay đính chính gì. Điều chọc tức Washington là khả năng Việt Nam và Nga sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung vào cuối năm, như tin đưa từ hồi tháng 4. Đến nay, Việt Nam không xác nhận mà cũng không phủ nhận rằng các cuộc tập trận sẽ diễn ra hay không. Có thể cuộc tập trận sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, triển vọng của nó vẫn khiến Washington có thể tính toán lại nhiều chuyện.

\’Đối tác chiến lược\’với Mỹ còn chờ đến bao giờ?

\"Trợ
Chụp lại hình ảnh,Trợ lý Ngoại Trưởng Wendy Sherman gặp gỡ Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Hà Kim Ngọc tại Washington DC ngày 13/05/2022

Theo đánh giá của riêng tôi, không loại trừ khả năng một hệ quả có thể có liên quan đến lịch trình Hà Nội của ông Lavrov là, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy chuyến thăm Việt Nam vốn đã lên kế hoạch vào hai ngày mồng 9 và 10/7, sau Hội nghị G20.

Chuyến đi Việt Nam của Ngoại trưởng Blinken vốn đã được hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hoa Kỳ bắt tay chuẩn bị ngay sau khi Thứ trưởng Wendy Sherman đã kết thúc các cuộc hội đàm hồi giữa tháng 6/2022. Dường như cả Hà Nội lẫn Washington đạt được một thỏa thuận quan trọng, Hà Nội thuyết phục được bà Thứ trưởng cam kết sẽ phối hợp thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden trong năm 2022 này, đồng thời việc nâng tầm quan hệ đối tác song phương lên mức cao hơn cũng đã được hai bên \”chốt hạ\”.

\"BBC\"/

Thế nhưng hiện nay việc ông Blinken \”quay xe\” vào giờ chót chưa biết sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thỏa thuận ở Hà Nội của Thứ trưởng Sherman.

Hy vọng, nhân dịp Hội nghị các Ngoại trưởng Đông Á tháng 8/2022 tới đây, Ngoại trưởng Blinken có thể trở lại Việt Nam, tuy điều này hiện nay chưa có gì bảo đảm. Trong trường hợp ông Blinken không quay lại, \”đối tác chiến lược Việt – Mỹ\” sẽ bị \”treo giò\” đến bao giờ?

Chục năm có lẻ, Mỹ đã nhiều lần chủ động đề nghị Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương. Tháng 8/2021, tại Hà Nội, Phó Tổng thống Kamala Harris đề xuất nâng quan hệ \”đối tác toàn diện\” lên \”đối tác chiến lược\” (SP). Nhưng rồi Việt Nam vẫn chưa thể hồi đáp.

Tháng 4/2021, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel J. Kritenbrink đã giãi bày về bang giao song phương: \”Chúng ta tập trung vào nội dung và mức độ hợp tác giữa hai nước. Tính chất chiến lược trong mối quan hệ Mỹ – Việt được phản ánh qua cách chúng ta tiếp cận thế giới và qua quá trình cộng tác cùng nhau. Do đó, không nên quá câu nệ về vấn đề tên gọi\”.

Câu chuyện Đại sứ Kritenbrink không kể hôm chia tay là, tại sao bang giao Việt – Mỹ quan trọng nhường ấy, mà trải qua bao đời các đại sứ Mỹ từ trước tới nay đã không thành tựu nổi một \”đứa con tinh thần\” của các chiến lược gia từ các cơ quan hoạch định chính sách ở cả hai nước.

Vâng, có thể không nên quá câu nệ về tên gọi, nhưng người Việt lại thường nghĩ \”danh có chính thì ngôn mới thuận\”.

Một trong nhiều \”bí mật công khai\” của việc \”đối tác chiến lược Việt – Mỹ\” chưa thành tựu là do sức ép nhiều lúc đến nghẹt thở của Trung Quốc đối với Việt Nam. Sống cạnh Trung Quốc cả ngàn năm có lẻ, người nông dân Việt ngày nay càng ngấm đòn, miếng cơm manh áo của mình phụ thuộc vào Trung Quốc đến nhường nào.

Đài báo Bắc Kinh không nói gì nhiều về chuyện hàng hóa Việt Nam bị ách tắc trên các cửa khẩu biên giới. Nhưng Trung Quốc lại đưa \”tin vui\” về việc thông tuyến tàu liên vận và hàng vạn tấn sản phẩm Trung Quốc vẫn qua được cửa khẩu. Hoá ra chỉ tắc một chiều, phía ngược lại vẫn \”trống dong cờ mở\”.

Nhưng thiệt hại do những ứ đọng ấy chưa nguy hiểm và tai hại bằng việc, nếu như Hà Nội lại phải tuân thủ \”nghiêm dụ\” xây dựng \”cộng đồng chung vận mệnh\” (CCD) để bảo vệ \”chủ nghĩa xã hội thế giới\”.

Ngoài ra, phụ thuộc về điện, nước và các mặt hàng phụ trợ cũng chưa thâm độc bằng việc, thông qua \”các đồng chí chưa bị lộ\”, Bắc Kinh rất thành công trong quá trình biến sức ép đối với Việt Nam thành sức cản từ nội lực, như là một vấn đề nội bộ của Việt Nam, theo phân tích của GS. Trương Giang Long.

Thay kết luận

Thế \”giăng mắc\” nói trên chưa kể đến phản ứng của Mỹ và Liên Âu dưới ảnh hưởng tiêu cực do Lavrov \”rủ\” Việt Nam chống lại lệnh trừng phạt của mấy nước này đối với Nga. Thế lưỡng nan ấy cũng chưa tính đến tình huống khá nguy hiểm cho Việt Nam trước sự toa rập Nga – Trung \”không giới hạn\” như Putin và Tập Cận Bình đã ra Tuyên bố chung trước ngày Nga tấn công Ukraine.

Hẳn nhiên, trong cục diện \”hậu Uktaine\” hiện nay, mỗi đại cường bao giờ cũng thao túng chính sách theo cách của họ, theo lợi ích quốc gia – dân tộc họ. Vậy, Việt Nam nên làm gì? Giờ là lúc Việt Nam nên tuyên bố công khai trước bàn dân thiên hạ lập trường của Việt Nam về các vấn đề sát sườn đối với mình.

Để làm được điều đó, theo tôi Ban lãnh đạo Việt Nam phải gấp rút:

i) Thoát khỏi hiệu ứng \”bóng đè\” của Hội nghị Thành Đô và

ii)Từ bỏ chạy theo theo mô hình quản trị xã hội – kinh tế của Trung Quốc.

Việt Nam cần trở lại càng sớm càng tốt cái gốc của chính sách đối ngoại \”dân tộc và dân chủ\”, và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết mọi thứ lợi ích khác. Có thế thì chính đảng cầm quyền hiện nay mới thoát khỏi thế bí, tạo đà cho quốc gia có những vận hội mới.

Bài thể hiện quan điểm riêng của bạn đọc Trần Hiếu Chân từ TP HCM.

Bài Liên Quan

Leave a Comment