- Tác giả,Mỹ Hằng
- Vai trò,BBC News Tiếng Việt
- 26 tháng 1 2024
Tổng Giám mục Marek Zalewski, đại diện thường trú đầu tiên của Vatican tại Việt Nam kể từ sau năm 1975, dự kiến sẽ có mặt tại Hà Nội từ 31/1/2024 để đảm nhận nhiệm vụ.
Vị đại diện thường trú này dự kiến sẽ ‘tạm trú’ tại khách sạn Pan Pacific tại Hà Nội, trong khi chờ chính quyền Việt Nam quyết định nơi mà Tòa thánh sẽ chính thức đặt văn phòng đại diện.
Trong khi đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt giữa hai chính phủ Việt Nam và Vatican, vai trò của ông Marek Zalewski được cho là khá thách thức trong bối cảnh Việt Nam liên tiếp bị đưa vào danh sách ‘theo dõi đặc biệt’ của Mỹ về tự do tôn giáo.
Dù không thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao, ông Marek Zalewski được kỳ vọng sẽ là sợi dây kết nối các hội thánh địa phương tại Việt Nam với Giáo hoàng. Ông cũng được kỳ vọng sẽ lên tiếng mạnh mẽ vì quyền lợi của giáo dân bị bức hại.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt rằng đây là một thành công trong quan hệ đối ngoại, cho thấy cái nhìn của nhà nước cho tôn giáo đã tích cực hơn.
Trong khi đó, linh mục Trương Hoàng Vũ thuộc dòng Chúa cứu thế Sài Gòn nói với BBC rằng thiện chí của chính phủ Việt Nam tới đâu còn cần thể hiện ở việc họ có trả lại những gì đã ‘mượn’ của người Công giáo hay không.
‘Của Ceasar trả lại cho Ceasar’
Theo linh mục Trương Hoàng Vũ, nếu Việt Nam có thiện chí thì cần ngay lập tức trả lại Tòa Khâm sứ ở Hà Nội cho Giáo hội để làm nơi ở cho Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski.
Vụ Tòa Khâm sứ ở 42 Nhà Chung, Hà Nội – nay là Thư viện quận Hoàn Kiếm – là chủ đề nóng nhiều năm giữa chính quyền và giáo dân Việt Nam. Có thời điểm sự việc trở nên căng thẳng, như năm 2008, khi hàng ngàn giáo dân cầu nguyện trước cổng Tòa Khâm sứ để đòi chính quyền trả lại tòa nhà.
“Từ 2008, nếu Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt không lên tiếng đòi lại thì Tòa Khâm sứ ấy có còn hay không? Thời điểm ấy ông lên tiếng vì nơi thánh thiêng ấy bị nhà nước biến thành nơi ăn chơi buôn bán, thành vũ trường, quán bar, nhà hàng và đã có dự định chia lô nền để bán.
“Tòa Khâm sứ là một chứng tích lịch sử cho thấy đã có một vị đại diện của Tòa Thánh từng ở trong căn nhà đó. Vị đại diện ấy đã bị trục xuất ra khỏi Hà Nội và khi vào Sài Gòn thì bị trục xuất lần nữa,” linh mục Trương Hoàng Vũ cho hay.
Bên cạnh đó, rất nhiều các cơ sở tôn giáo khác, như các trường học Công giáo, sau năm 1975 đã bị chính phủ Việt Nam ‘mượn’ và tới giờ không trả lại, vẫn theo linh mục Vũ.
Ví dụ thì có nhiều.
Tu viện Dòng Chúa cứu thế Thái Hà được nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ‘mượn’ và dùng làm Bệnh viện Đống Đa Hà Nội cho tới nay.
Tu viện Dòng Chúa cứu thế Đà Lạt xây dựng năm 1949 trên đồi thông, trước là học viện đào tạo linh mục, được chính phủ Việt Nam ‘mượn’ làm Viện Sinh học Tây Nguyên cho tới nay.
Tu viện Thủ Đức, một cơ sở đào tạo của Dòng Chúa cứu thế, đã trở thành Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức ngày nay. Các tài liệu của Công giáo Việt Nam còn ghi lại sự kiện đầu năm 1978 khi chính quyền Việt Nam cho công an đến cưỡng chế, trục xuất các linh mục và tu sĩ đang sinh sống, học tập tại đây.
“Nếu nhà nước có thiện chí thì bây giờ là thời điểm tốt nhất để họ trả lại những công trình này cho chúng tôi, sao cứ ‘mượn’ hoài vậy. Chứng tích các tu viện vẫn còn đó. Chẳng hạn Tu viện ở Đà Lạt vẫn còn một cây thánh giá nằm ở bên trên với hàng chữ tiếng Latinh “Copiosa apud eum redemptio”, nghĩa là ‘Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa’ cùng huy hiệu nhà dòng nằm ngay ở mặt tiền nhà dòng.
“Sao không để Giáo hội có quyền cộng tác với chính quyền trong việc giáo dục hay những việc công ích chung của xã hội như mở trường, mở bệnh viện như trước năm 1975? Những việc đó chính quyền Việt Nam hiện nay chưa mở ra với giáo hội Công giáo.”
‘Của Ceasar thì hãy trả lại cho Ceasar,’ linh mục Trương Hoàng Vũ nói với BBC.
Hiểu đường lối người cộng sản
Cộng đồng dân tin Chúa ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi như thế nào từ việc có một đại diện thường trú của Vatican thì còn phải chờ xem, nhưng chắc chắn vị đại diện này sẽ nắm vững tình hình đời sống của tín hữu ở Việt Nam hơn so với trước đây, theo linh mục Trương Hoàng Vũ.
Bên cạnh đó, linh mục Vũ nhận định rằng Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski “sẽ hiểu các vấn đề của Việt Nam vì ngài sinh trưởng và lớn lên tại Ba Lan”.
“Ngài sinh trưởng và lớn lên tại Ba Lan – một nước Cộng sản cũ, từng chịu áp bức dưới chế độ Cộng sản nên ngài sẽ hiểu đường lối của người Cộng sản là như thế nào.”
Theo đó, linh mục Vũ, người bị công an Việt Nam cấm xuất cảnh từ năm 2019 khi đang chuẩn bị sang Mỹ gây quỹ cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, nói rằng vẫn còn một số nơi ở miền núi, người dân tộc thiểu số bị cấm cản xây dựng nhà thờ, nhà nguyện.
Linh mục Vũ nói rằng cùng với đó, nhà nước vẫn nhúng tay vào ‘việc của nhà Chúa’, chẳng hạn trong việc bổ nhiệm linh mục chánh sứ. Cha giám tỉnh phải hỏi ý kiến nhà nước về danh sách đưa lên. Nếu nhà nước không chấp nhận vị này thì buộc lòng cha chánh sứ tỉnh phải bổ nhiệm một người khác. Đôi khi hai bên giới thiệu ứng cử viên vài lần mà vẫn chưa chọn được ai.
“Giờ có một vị đại diện thì ý kiến của ngài có thể giúp cho việc lựa chọn một giám mục chánh tòa, đây là một khởi sắc cho tình hình tôn giáo tại Việt Nam,” linh mục Vũ nói.
Trước đó, sau chuyến thăm Vatican của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, vào ngày 23/12/2023, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.
Chưa có vị giáo hoàng nào từng thăm chính thức Việt Nam, nơi có 7% dân số là người Công giáo.
Hồi đầu năm nay, Ngoại trưởng Vatican, Tổng Giám mục Paul Gallagher, nói rằng Giáo hoàng muốn thăm Hà Nội nhân dịp hai bên nâng cấp quan hệ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Giáo hoàng Francis tiếp đoàn chính khách của ĐCSVN tại Vatican, theo Reuters.
Ông Paul Gallagher còn nói thêm rằng cuộc họp nói trên “thể hiện một sự đổi mới hoàn toàn trong thái độ” của ĐCSVN “đối với cộng đồng quốc tế, đối với Giáo hội.”
Ông “hi vọng sẽ khuyến khích” ĐCSVN “cải thiện vấn đề tự do tôn giáo mà họ đề cập trong hiến pháp và hi vọng họ sẽ thực hiện điều đó”, nhưng bổ sung rằng “rõ ràng việc này vẫn chưa xong.”
Việt Nam cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi Cộng sản tiếp quản một Việt Nam thống nhất khi chiến tranh với Mỹ chấm dứt vào năm 1975. Chính quyền Cộng sản Việt Nam lúc đó coi Giáo hội Công giáo ở Việt Nam có lịch sử quá thân thiết với Pháp – cường quốc thực dân cũ, theo Reuters.