Kỳ họp lưỡng hội khóa 14 Trung Quốc: Liệu một quốc hội ‘bù nhìn’ có thể giải cứu nền kinh tế?

Phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào ngày 4/3/2023
Chụp lại hình ảnh,Dự kiến hàng ngàn đại biểu Quốc hội Trung Quốc sẽ tham gia kỳ họp tại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Ảnh phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào ngày 4/3/2023

  • Tác giả,Stephen McDonell
  • Vai trò,BBC News, Bắc Kinh
  • 4 tháng 3 2024

Chính phủ Trung Quốc đang đối mặt với áp lực vô cùng to lớn để tìm ra những giải pháp cho nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Vì thế mọi người sẽ theo dõi liệu Quốc hội Trung Quốc sẽ mang lại giải pháp gì khi kỳ họp Quốc hội Trung Quốc bắt đầu diễn ra từ thứ Ba 5/3.

Gần 3.000 đại biểu quốc hội sẽ tham dự kỳ họp thường niên, kéo dài trong thời gian một tuần, tại Đại lễ đường Nhân dân rộng lớn ở Bắc Kinh, để thông qua các luật, phê chuẩn những thay đổi về mặt nhân sự và phân công hoạt động của chính phủ cho các nhóm làm việc nhỏ hơn, vốn sẽ nhóm họp xuyên suốt cả năm.

Kỳ họp này, phần lớn, là một màn trình diễn chính trị mang tính thủ tục suông cho những quyết định đã được thông qua sau cánh cửa đóng kín.

Mặc dù các thông điệp được truyền tải đã được hoạch định kỹ lưỡng bởi những người nắm quyền, các nhà phân tích vẫn sẽ theo dõi xem có bất kỳ thay đổi nào trong đường hướng chính thức của Đảng và điều đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc và thế giới.

Ví dụ, một cụm từ mới nhất định có thể báo hiệu sự thay đổi trong chính sách công nghiệp hoặc một bộ luật tiềm năng mới liên quan đến quy định đầu tư.

Quan trọng nhất là, tất cả những vấn đề này được đặt trong quan điểm rằng không có gì quan trọng hơn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc là đảm bảo sự trường tồn về vai trò lãnh đạo của đảng. Đối với nhà lãnh đạo hiện nay, Tập Cận Bình, điều này hoàn toàn giữ vai trò tối thượng trong mọi mặt của đời sống.

Trong những thập kỷ gần đây, điều này dường như không phải là một thách thức lớn, khi nền kinh tế bùng nổ và mức sống của hầu hết người dân được cải thiện hàng năm.

Nhưng hiện nay cỗ máy phát triển của châu Á này đang bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng bất động sản khiến tiền tiết kiệm cả đời của nhiều hộ gia đình đổ vào cho các căn hộ không bao giờ được bàn giao; Trung Quốc có một lực lượng đông đảo những sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không thể tìm được việc làm tốt và chịu gánh nặng lớn về những khoản nợ của chính quyền địa phương, điều này đã tước đoạt khả năng của các nhà làm luật về việc bơm thêm nguồn vốn vào cơ sở hạ tầng như họ đã từng có thể thực hiện, bất kỳ lúc nào rơi vào thời khắc khó khăn.

Trước đây, một dự án đường mới, hoặc một loạt cầu có thể giải quyết được nhiều vấn đề như thất nghiệp, nguồn thép không sử dụng và nguồn bê tông thừa thãi. Nhưng hiện nay là giai đoạn có nhiều bất ổn hơn rất nhiều.

“Năm nay, kỳ họp Quốc hội Trung Quốc sẽ diễn ra vào một thời điểm của xáo động và bất ổn, đặc biệt liên quan đến vấn đề chính sách kinh tế,” Richard McGregor, tác giả của sách ‘The Party’, có nội dung chuyên về các cấu trúc chính phủ của Trung Quốc.

Trả lời BBC, ông nói rằng có “những đồn đoán xung quanh việc chính phủ đang tìm kiếm một tuyên bố lớn lao hơn theo một cách nào đó để phục hồi niềm tin và gia tăng mức độ tăng trưởng. Có một sự bất mãn lan rộng về tình trạng nền kinh tế, và từ đó là về định hướng mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra cho đất nước”.

Trong quá khứ, khi những thay đổi khổng lồ tạo nên mối quan ngại to lớn như lũ lụt tại toàn các khu vực lịch sử từ con đập thủy điện Tạm Hiệp – đã có các cuộc bỏ phiếu chống tại Quốc hội.

Nhưng phải có một thành viên Đảng Cộng sản có lòng dũng cảm đặc biệt để thực hiện điều này dưới thời Tập Cận Bình.

Ông McGregor cho biết ông không kỳ vọng có những lời lên án lãnh đạo trong kỳ Đại hội này, vì “tất cả các đại biểu đều đã học cách tuân theo lập trường”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “ngay cả những tiếng lầm bầm chỉ trích cũng sẽ có ý nghĩa đáng kể”.

Giáo sư Ann Lee từ Đại học New York nói phiên họp này có thể cho thấy luật pháp đang mang hỗ trợ thêm cho lĩnh vực tư nhân.

“Đây là một sự gợi ý ngầm rằng nền kinh tế của Trung Quốc cần có thêm các khoản đầu tư doanh nghiệp để đáp ứng những mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao của ông Tập,” bà cho biết.

‘Lực lượng sản xuất mới’

Một cụm từ mà ông Tập đã sử dụng từ cuối năm ngoái liên quan đến định hướng của quốc gia đó là “lực lượng sản xuất mới”. Điều này có lẽ cũng sẽ được nêu trong các bài phát biểu trong những tuần tới.

Nhưng điều này có nghĩa gì?

Tiến sĩ Jon Taylor từ Đại học Texas at San Antonio cho biết ông Tập đang đề cập đến “nhấn mạnh về phát triển và thương mại hóa công nghệ và khoa học, số hóa, và tập trung sản xuất cao cấp về những lĩnh vực công nghệ thông minh và thân thiện với sinh thái”.

Ông cho biết thêm, khi đây là “một cụm từ nổi bật khá thú vị”, sẽ phải mất thời gian để những dạng công nghiệp này ‘cất cánh’, bởi vì một phần vì “những lĩnh vực này trong nền kinh tế Trung Quốc là tương đối nhỏ”, và “vấn đề là Trung Quốc đang đối diện với một số thách thức nghiêm trọng, vì nền kinh tế không đạt năng suất”.

Ông cho biết sự nhấn mạnh liên quan đến cải tiến công nghệ có thể mang lại kết quả tốt đẹp trong thời gian dài hạn, nhưng “trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách chi tiêu cơ sở hạ tầng và thị trường bất động sản đầy biến động”.

Người dân mua sắm tại Bắc Kinh
Chụp lại hình ảnh,Kỳ họp lưỡng hội khóa 14 Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh đang xảy ra một cuộc khủng hoảng bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ

Một khía cạnh thú vị về “các lực lượng sản xuất mới” của ông Tập là khi ông phát biểu trước Bộ Chính trị hồi tháng Giêng là các lực lượng như vậy sẽ được “giải phóng khỏi mô hình tăng trưởng kinh tế và lộ trình phát triển sản xuất truyền thống”, dường như cho thấy những đột phá công nghệ cao tới đây có thể được tổ chức bởi và cho Đảng Cộng sản.

Theo George Magnus, cựu kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS, “điều này nhấn mạnh đến sự lãnh đạo, kiểm soát và năng lực tạo ra ‘lực lượng sản xuất mới’ của Đảng Cộng sản vì công tác tư tưởng. Theo đó, điều này đồng nghĩa chính sách công nghiệp để phục vụ cho việc củng cố sức thống trị của Đảng Cộng sản trong những không gian khoa học và kỹ thuật số trọng yếu”.

Giáo sư Lee cũng nhận thấy việc sử dụng cụm từ này là quan trọng bởi vì điều này cho thấy “ông Tập quyết tâm chấn hưng nền kinh tế Trung Quốc sau những vấn đề từ lĩnh vực bất động sản và những căng thẳng thương mại hiện nay với Phương Tây” và tuyên bố cụm từ này “có thể là một chỉ dấu về một bước ngoặt”

Những câu hỏi được vạch trước, và những ‘núi’ từ lóng

Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ bắt đầu với một bài phát biểu dài từ Thủ tướng Trung Quốc. Ông sẽ đọc Báo cáo Công tác của Chính phủ, tóm tắt – theo một cách rất mang tính công thức – về việc Trung Quốc đã thể hiện ra sao trong 12 tháng qua trong một loạt các lĩnh vực gồm: kinh tế, môi trường, nông nghiệp…

Sau đó sẽ đến tới phần kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm sau là gì. Đây là một phần quan trọng để xem có bất kỳ chuyển biến nào liên quan đến suy nghĩ của chính phủ hay không, nhưng một chiếc kính lúp có thể cần phải có để phát hiện ra trong số một ‘núi’ từ lóng.

Trong kỳ họp Quốc hội, sẽ cũng có một loạt những cuộc họp báo được lên kế hoạch kỹ lưỡng mà theo đó chỉ có những câu hỏi được sàng lọc trước mới được phép và hầu như mọi câu trả lời đều đã được tập dợt trước.

Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bố trí những phóng viên nước ngoài giả mạo vào tham dự các cuộc họp báo, những người trông có vẻ đại diện cho truyền thông quốc tế nhưng lại thật sự từ những công ty bình phong được đặt ở nước ngoài và do Bắc Kinh kiểm soát.

“Những ngày có các cuộc họp báo tương đối chất lượng với sự tham gia của những phái đoàn bộ ngành và thuộc tỉnh bên lề cuộc họp Quốc hội hầu như không còn nữa,” ông McGregor nói.

Cuộc họp quy mô lớn này có thể là một buổi phô diễn có chủ đích – với những đại biểu trung thành cúi mặt đọc những báo cáo chán ngắt – nhưng không có nghĩa là không bao hàm những diễn tiến quan trọng.

Theo Tiến sĩ Taylor, “trong khi kỳ họp Quốc hội Trung Quốc dường như là một buổi diễn tập mang tính độc đoán phô diễn một cách có chủ quyết, cũng nổi lên trong đó là những thành tố về sự cải tiến về mặt chính sách và thông báo chính thức”.

Đây cũng là những lần thử nghiệm cho Trung Quốc, ông nói.

Quốc gia này “đối mặt với một số thách thức mà họ sẽ phải tiếp tục chống chọi trong năm nay: khuyến khích nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khi phải đảo ngược, giải quyết mang tính hệ thống nợ của chính quyền địa phương, phục hồi niềm tin đối với lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân, phát triển nội lực mạnh mẽ hơn về khoa học và công nghệ, và tăng cường nhu cầu tiêu dùng”.

Đây là những vấn đề quan trọng mà siêu cường này đang phải đối mặt và thời khắc nào cho những lời giải đáp phụ thuộc vào chính Trung Quốc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment