Ukraina chủ trương mở rộng « chiến tranh du kích » để đẩy xung đột sang lãnh thổ Nga. Bị sa lầy trên chiến trường, chênh lệch tương quan lực lượng, Kiev chuyển hướng sang chiến lược « 1.000 vết cứa », tấn công sâu trong lãnh thổ Nga. Hiệu quả có thể không làm thay đổi được cục diện nhưng « làm tiêu hao và làm xáo trộn khả năng giúp Nga trụ được lâu dài », theo nhận định một sĩ quan Pháp.
Đăng ngày: 27/03/2024
Được triển khai từ đầu năm 2024, một trong những hành động nổi bật nhất của chiến lược « 1.000 vết cứa » là các vụ xâm nhập, tấn công trên lãnh thổ Nga từ ngày 12/03 do nhiều chiến binh Nga thân Ukraina tiến hành. Cờ Ukraina được cắm trên nhiều tòa nhà hành chính, giống như Nga làm tại các vùng chiếm đóng ở miền đông và nam Ukraina. Tuy nhiên, đối với tổng thống Putin, đây là một sự sỉ nhục không thể chấp nhận được và chính quyền trung ương không thể tiếp tục khăng khăng là bảo vệ được người dân.
Vẫn theo nguồn tin quân sự Pháp, được nhật báo Le Monde trích dẫn ngày 23/03, dù không mang lại hiệu quả quân sự trực tiếp nhưng những vụ thâm nhập « cắm thêm những cú dao » trong chiến lược « nghìn vết cứa ». Ukraina chưa chắc đã có ý định xâm chiếm Nga. Các vụ tấn công gây hệ quả tâm lý nhiều hơn là quân sự. Một mặt, Kiev muốn cho người dân Nga ở vùng biên giới thấy rằng chiến tranh cũng xảy ra với họ, làm xáo trộn hoạt động cung ứng hậu cần cho mặt trận. Mặt khác, do phải phải điều quân đến bảo vệ những khu vực này nên Nga giảm bớt lực lượng ở mặt trận Donbass, nhờ đó quân đội Ukraina bớt được sức ép. Ông Stéphane Audrand, cố vấn về rủi ro quốc tế, cho rằng « những vụ thâm nhập vào lãnh thổ Nga còn có mục đích duy trì tinh thần cho các quân và dân » Ukraina.
Nhát cắt tiếp theo là tấn công vào các nhà máy lọc dầu Nga. Khoảng 15 nhà máy lọc dầu ở 9 vùng của Nga đã bị tấn công, phá hủy khoảng 11% khả năng lọc dầu, nhiều nhà máy nằm cách Ukraina đến 800 km. Thành công này cho thấy lợi thế về drone của Ukraina, hiện đã tự sản xuất đại trà, với giá thành hợp lý. Francisco-Serra-Martins, tổng giám đốc của nhà sản xuất drone Ukraina Terminal Autonomy, giải thích với Bloomberg ngày 20/03, rằng « Nga là một trạm xăng có vũ trang và chúng tôi có ý định phá hủy nó ». Chiến lược của Ukraina không chỉ làm rối loạn hoạt động cung ứng nhiên liệu cho chiến trường mà còn nhằm giảm nguồn thu xuất khẩu của điện Kremlin.
Ngoài tấn công tin học, Ukraina cũng chứng tỏ lợi thế về drone khi « đánh du kích » Hạm đội Hắc Hải. Lực lượng hùng mạnh của Nga hiện diện tại Hắc Hải từ năm 1783 « đã bị tê liệt » trên thực tế, theo nhận định ngày 24/03 của bộ trưởng Quốc Phòng Anh. Khác với Nga phải nhập khẩu drone Shahed của Iran, chính quyền Kiev đã để cho doanh nghiệp tư nhân sản xuất và tăng ngân sách để ký hợp đồng.
Giới phân tích cho rằng Ukraina không còn giải pháp nào khác ngoài tiến hành chiến tranh du kích trong bối cảnh tương quan lực lượng bất cân xứng, nhà viện trợ lớn nhất là Mỹ vẫn bị bế tắc nội bộ. « Chiến lược gián tiếp » này buộc Nga phải phân tán lực lượng, nguồn lực để đối phó với thách thức trên mọi mặt trận và khiến cuộc tấn công của Nga tốn kém hơn.
Chiến lược « 1.000 lát cắt » có thể không mang lại hiệu quả ấn tượng nhưng về lâu dài có thể đóng vai trò quyết định. Michael Kofman, nhà nghiên cứu tại Viện Carnegie, nhận định trên mạng X ngày 20/03, « nếu Ukraina có thể trụ được trong năm 2024, chưa chắc lợi thế hiện nay của Nga trong cuộc chiến sẽ gia tăng mà có thể suy giảm theo thời gian ».
Tuy nhiên, để giữ được lợi thế này, Kiev phải được rảnh tay hành động. Theo nhật báo Anh Financial Times, dường như Mỹ đã cảnh báo Ukraina ngừng tấn công các công trình hạ tầng năng lượng trên lãnh thổ Nga, một mặt do lo giá xăng dầu tăng, mặt khác do sợ rằng Nga trả đũa vào những đường ống dẫn dầu khí quan trọng đối với phương Tây, ví dụ đường Caspian Pipeline Consortium dẫn dầu từ Kazakhstan đi qua Nga. Thay vì bình luận cụ thể, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby chỉ nói « Chúng tôi không khuyến khích, cũng không cho phép Ukraina tấn công trên lãnh thổ Nga ».