Liên hoan phim Cannes: Ukraina và Nga cùng một tiếng nói chống chiến tranh

Đăng ngày: 19/05/2022

\"\"
\"\"
Đạo diễn Litva Mantas Kvedaravicius, tác giả bộ phim tài liệu Mariupolis 2 dự Liên hoan điện ảnh Cannes; Đạo diễn Mantas Kvedaravicius bị sát hại ngày 2/4/2022 tại thành phố Mariupol, Ukraina. © Wikimedia

Thanh Hà

Liên hoan phim quốc tế Cannes dành hai buổi chiếu phim Mariupolis 2 do đạo diễn người Litva Mantas Kvedaravicius thực hiện. Nhà làm phim này đã tử thương trong lúc thực hiện một phim tài liệu về tội ác của quân đội Nga tại thành phố cảng Mariupol.

Mariupolis 2 ra mắt công chúng Cannes trong hai suất chiếu, hôm nay và ngày mai (19 và 20/05/2022). Ban tổ chức đã đưa thêm tác phẩm này vào chương trình Festival. Đạo diễn người Litva Mantas Kvedaravicius, 45 tuổi, đã bị bắt và bị quân Nga sát hại chính ngay tại Mariupol hôm 02/04/2022 trong lúc đang thực hiện bộ phim tài liệu về tội ác chiến tranh của quân đội Nga trong cuộc chiến Ukraina. Vị hôn thê của ông, Hanna Bilobrova, cũng có mặt tại hiện trường, đã thoát thân và cô mang về những hình ảnh đã thu được vào ống kính.

Trong cuốn sổ tay Mantas Kvedaravicius viết : Điều kỳ diệu nhất ở Mariupol « là không ai sợ chết, cho dù cái bóng tử thần phủ lên khắp nơi. Không ai muốn chết một cách vô nghĩa (…) Cuộc đời quá ngắn ngủi để nghĩ về tiền bạc. Mỗi người hài lòng với những gì đang có và cố gắng vượt qua cơn hoạn nạn. Nơi đây là thiên đường giữa địa ngục, nơi những cánh bướm nhẹ nhàng tiến đến gần, nơi có mùi của thần chết bốc lên trong sự trần trụi (…) nhưng ở nơi này vẫn tràn đầy nhựa sống ». Đây chính là lời mở đầu giới thiệu Mariupolis 2 với khán giả Liên hoan Cannes.

Festival Cannes hôm qua cũng đã trở thành một diễn đàn để « nói không » với chiến tranh Ukraina. Sau buổi công chiếu bộ phim Người Vợ của Tchaikovski – Zhena Chaikovskogo do đạo diễn Nga, Kirill Serebrennikov thực hiện, trước cử tọa của cung liên hoan và ống kính truyền hình thế giới, tác giả tuyên bố : « Nói không với chiến tranh (…) tôi tuyệt đối tin tưởng là những người có văn hóa có thể dừng cỗ máy chiến tranh. Hồi kết đó rồi sẽ đến và chúng ta sẽ sống trong hòa bình ».

Phim về người vợ bị lãng quên của Tchaikovski

Không phải tình cờ mà Liên hoan Cannes mời đạo diễn người Nga này mở màn cuộc tranh tài năm nay. Ông đến Cannes lần này với tác phẩm Người Vợ của Tchaikovski – Zhena Chaikovskogo.

Antonina Milioukova là ai ? Một nửa thế kỷ sau hai bộ phim nói về cuộc đời nhạc sĩ nổi tiếng người Nga Tchaikovski, đến lượt đạo diễn Kirill Serebrennikov “tấn công” vào một tượng đài nghệ thuật quốc gia với tác phẩm Người Vợ của Tchaikovski – Zhena Chaikovskogo, bộ phim đầu tiên tranh Cành Cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes 2022.

Trong tác phẩm này, đạo diễn Serebrennikov giới thiệu với công chúng nhạc sĩ Piotr Ilitch Tchaikovski qua cái nhìn của người đàn bà mà Tchaikovski đã cưới, để che mắt xã hội về giới tính thực của mình. Trong cuộc hôn nhân ngắn ngủi 6 tuần lễ, Antonina Milioukova là tấm bình phong để công luận không dị nghị Tchaikovski chỉ yêu thích nam giới. Antonina đã “im lặng suốt cuộc đời” còn lại để diễn một vở tuồng mà người ta đã soạn sẵn cho bà. Antonina Milioukova sống trong sự giả dối của xã hội, của gia đình và đã tự lừa dối mình. Người vợ bị lãng quên của nhạc sĩ Tchaikovski đã sống những ngày cuối đời trong một bệnh viện tâm thần.

Trả lời báo chí, đạo diễn Kirill Serebrennikov giải thích cho đến tận ngày hôm nay tại Nga, người ta đã thần thánh hóa Piotr Ilitch Tchaikovski, như thể ông không có đời sống cá nhân. Trong khi đó, chính Tchaikovski trong rất nhiều những lá thư gửi cho bằng hữu đã không che giấu thất bại trong cuộc hôn nhân giả với một người đàn bà, để “khóa miệng” thiên hạ. Nhưng rồi cũng chính Tchaikovski đã nhận ra rằng đấy là một “sai lầm lớn”. Nhạc sĩ đã toan tự vẫn để không phải đụng chạm với người vợ mà ông không ngần ngại gọi là một “con rắn độc”. Tại Nga dưới thời đại của Vladimir Putin, đồng tính vẫn còn là điều cấm kỵ. Cuộc đời thầm kín của Tchaikovski và những cây đại thụ trong làng văn học Nga từ Tchekov đến Dostoievski hay Tolstoi vẫn còn là một  “chiếc hộp đen”.       

Bài Liên Quan

Leave a Comment