Chiến tranh Ukraina : Nga chơi ván bài « câu giờ » và trông chờ vào « vị tướng mùa đông »

Đăng ngày: 06/09/2022

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa : Các chiến binh Ukraina chuẩn bị tấn công các vị trí Nga bằng lựu pháo M777 của Mỹ tại Kharkov, ngày 14/07/2022. AP – Evgeniy Maloletka

Thùy Dương

Hai tháng qua, bất chấp những tuyên bố hùng hồn của cả Kiev và Matxcơva, trên chiến trường Ukraina, đặc biệt ở miền đông và miền nam, tình hình vẫn không có nhiều thay đổi. Quân Nga cũng như các lực lượng Ukraina đều không tiến được nhiều. Nga không chiếm được toàn bộ Donbass mà Ukraina cũng chưa đánh đuổi được hết quân Nga khỏi Kherson như mục tiêu được đề ra.

Một câu hỏi vẫn luôn được đặt ra : Cuộc xung đột sẽ tiếp diễn theo chiều hướng nào ? Le Figaro ngày 26/08 dựa trên quan điểm của tướng Olivier Kempf, giám đốc cơ quan tư vấn chiến lược La Vigie, và Benoist Bihan, nhà nghiên cứu chiến lược và sử gia, giới thiệu 8 kịch bản : chẳng hạn đến mùa xuân 2023, Kiev sẽ đánh bật quân Nga khỏi Kherson nhưng lại để mất Donbass vào tay quân Nga ; hay Kiev và Matxcơva ký được thỏa thuận theo đó bán đảo Crimée thuộc về Nga nhưng Donbass vẫn là của Ukraina …

Trong khi đó, trên L\’Express ngày 29/08/2022, cựu đại tá lực lượng Hải Quân Pháp, Michel Goya, khẳng định Matxcơva đang tính đến việc phương Tây chán nản, buông rơi khiến Ukraina phải cúi đầu chịu thua quân Nga. Theo suy luận của Michel Goya, dư luận phương Tây chính là « mắt xích yếu » trong cuộc xung đột Ukraina. RFI Tiếng Việt giới thiệu bài phỏng vấn Michel Goya.

Sáu tháng sau khi Nga xâm lược Ukraina, cuộc xung đột đã chuyển sang giai đoạn nào ?

Michel Goya : Không còn nhiều biến động ở chiến trường. Tháng 8 vừa qua là tháng có ít phần lãnh thổ bị bên này hay bên kia chinh phục nhất. Cuộc chiến đang bước vào một giai đoạn mà các chiến dịch như đông cứng lại. Điều này cũng thường xảy ra trong các cuộc chiến tranh. Nếu giai đoạn có sự điều động quân lớn không thành công thì sẽ dẫn đến tình trạng mọi chuyện bị đình lại và giai đoạn này có thể kéo dài đến nhiều năm trời. Hiện giờ tình hình có vẻ giống như hồi năm 1915 (1 năm sau khi Đệ nhất thế chiến bùng nổ).

Liệu chúng ta có nên hiểu rằng quân đội Ukraina và Nga hiện giờ đang có sức mạnh ngang ngửa nhau ?

Michel Goya : Có thể nói rằng họ không còn đủ khả năng tấn công để gây bất ngờ. Chẳng hạn, ở khu vực Kherson, địa hình bằng phẳng, với những ngôi làng nhỏ, nếu Ukraina muốn thực hiện một cuộc phản công, họ phải chuyển pháo đến. Tất cả những chuyện đó đều có thể bị drone phát hiện, dẫn đến việc quân đội Nga khai hỏa tấn công. Đạn pháo của Nga có khả năng bắn ở cự ly 20 km, thậm chí 30 km, và các hệ thống phóng roc-ket có thể bắn xa tới 80 km.

Trong những điều kiện này, các cuộc tấn công oanh kích có còn hữu ích nữa hay không ?

Michel Goya : Có. Đó là những cuộc tấn công dồn dập. Các bên đều nỗ lực đánh phá và làm kiệt sức đối phương, bằng cách phá hủy nguồn lực của đối thủ. Đây là chiến lược của phía Nga ngay từ đầu cuộc chiến. Nhờ đó, họ đã đạt được 2 chiến thắng : quân Nga đã chiếm được Mariupol và khu vực Severodonetsk và Lyssytchansk. Trong suốt 5 tháng mà Nga chỉ đạt được vài chiến thắng đó là khá ít ỏi, nhất là nếu họ muốn chiếm đóng được vùng Donbass, thì mục tiêu cũng phải là đánh chiếm được Sloviansk và Kramatovsk. Quân Nga đang vô cùng bối rối về chiến lược của Ukraina, dựa vào việc bắn phá một cách có hệ thống các kho đạn dược của quân Nga.

Khả năng tiếp đạn dược của quân đội Nga có khiến ông bất ngờ ?

Michel Goya : Đây là một trong những ẩn số lớn của chiến tranh. Chúng ta biết rằng Nga dựa vào kho đạn dược khổng lồ từ thời Liên Xô. Điều khiến tôi ngạc nhiên là quân đội Nga chiến đấu như cách nay 40-50 năm. Họ bắn rất nhiều, nhưng không rõ quân Nga còn lại được bao nhiêu đạn.

Nga có thể cầm cự được bao lâu nữa ?

Michel Goya : Không thể biết được. Nhưng Nga vẫn gặp vấn đề về binh lính, cả về số lượng và chất lượng. Một số sĩ quan cấp cao của Nga đã bị Ukraina tiêu diệt, đẩy đội quân Nga vào tình trạng mất tổ chức. Về quân số, Ukraina có thể có 700.000 người, so với 40.000-50.000 quân Nga tại Ukraina. Nga đang tuyển quân, càng nhiều càng tốt, nhưng cũng sẽ vẫn là không đủ. Việc Nga không tổng động viên cũng có thể gây ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy cuộc chiến tranh mà chế độ độc tài không dám huy động dân chúng tham gia cuộc chiến. Điều này cho thấy chính quyền Nga vẫn dè chừng người dân và cố giữ khoảng cánh giữa người dân và cuộc chiến. Vì thế, có thể suy luận rằng đến một lúc nào đó, những thất bại trong cuộc chiến có thể là thảm họa cho chế độ.

Nói chung, các chế độ Nga không thực sự thích thua trận, chỉ cần nhìn lại sự kiện năm 1917 là thấy. Điều này cũng rất dễ hiểu : Dân chúng chỉ chấp nhận hy sinh nếu nhận ra sự hy sinh đó có ý nghĩa. Nhìn chung, có ba giai đoạn trong cảm nhận của người dân. Khi mới bắt đầu, những mất mát gắn kết dân chúng mạnh mẽ hơn, người ta thường nghĩ đến chiến thắng. Đến giai đoạn hai, có thể là như tình hình hiện nay mà chúng ra biết : dân chúng bắt đầu nghi ngờ nhưng vẫn phải tiếp tục dấn sâu hơn bởi vì họ không muốn trả giá một cách vô nghĩa. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn sụp đổ, khi mọi người nhận ra rằng những mất mát đó chỉ là vô ích. Đó là điều mà Vladimir Putin muốn tránh.

Với 700.000 quân, tại sao quân đội Ukraina lại không đẩy lùi được quân Nga ?

Michel Goya : Quân đội Ukraina có tiềm lực lớn, nhưng thiếu sự huấn luyện. Có các đội quân vô tổ chức, trang bị yếu, chỉ huy kém, thì cũng chẳng để làm gì. Nếu muốn giành lại ưu thế trong cán cân lực lượng với Nga, Ukraina cần đầu tư nhiều vào việc đào tạo, huấn luyện quân đội. Phương Tây có thể đảm trách việc huấn luyện quân cho Ukraina. Danh chính ngôn thuận thì Pháp không hiện diện ở Ukraina, nhưng việc huấn luyện có thể được tiến hành ở một nước láng giềng của Ukraina.

Cuộc chiến tiêu hao này có thể kéo dài bao lâu nữa ?

Michel Goya : Nhiều năm ! Các bên tham chiến sẽ chỉ sử dụng kênh ngoại giao khi nào mỗi bên đều tin rằng không còn có thể tiến lên được nữa. Nhưng giờ vẫn chưa phải lúc. Đồng thời, khôi phục lực lượng tấn công cho phép họ chiếm ưu thế hơn đối phương. Sẽ mất thời gian nếu không còn có yếu tố gây bất ngờ. Xét tình hình quân đội của cả đôi bên, tôi không nghĩ rằng sẽ có những biến động lớn trước khi bước sang năm 2023. Nga phần nào đang chơi ván bài thời gian, mơ có được sự trợ giúp của « vị tướng mùa đông » : Trước mối lo ngại bị Nga cắt giảm năng lượng hoặc tăng giá năng lượng, dư luận phương Tây sẽ yêu cầu cắt giảm viện trợ cho Ukraina.

Mắt xích yếu không phải nằm ở phía Ukraina mà chính là từ chúng ta. Khi tôi nói « chúng ta », trước hết là bởi Mỹ cung cấp tới 70% viện trợ quân sự cho Ukraina. Hãy thử tưởng tượng, nếu đảng Cộng Hòa trở lại nắm quyền trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ trong hai năm nữa, liệu Washington khi đó có còn tiếp tục viện trợ cho Ukraina nữa hay không. Đó là điều mà người Nga đang hy vọng.

Về phần mình, Ukraina có thể thử làm điều mà Croatia đã từng làm vào năm 1995, tại Kranija. Trước đó, Serbia đã chiếm được một số điểm và một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết vào năm 1994. Người Mỹ đã bí mật giúp đỡ Croatia, nhất là thông qua các công ty an ninh tư nhân, dần dần cấp phương tiện để cho Croatia tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng vào đầu tháng 8 năm 1995, đánh bật Serbia. Nga nhớ rất rõ câu chuyện này.

Trả lời tuần báo L\’Express, Volodymyr Zelensky có nói đến việc Ukraina sắp « phản công ». Có nên tin vào điều đó không?

Michel Goya : Có thể nói là ông ấy tìm cách gây ấn tượng. Cho đến nay, không có cuộc phản công nào của Ukraina thực sự hiệu quả. Điều mà tổng thống Zelensky biết là các lực lượng Ukraina được khôi phục một cách chậm chạp. Việc họ có thể thực hiện một chiến dịch quy mô lớn không phải là ngay trong nay mai.

Liên quan đến Pháp, chúng ta không thể giúp Ukraina nhiều hơn nữa ? Chỉ có 18 đại bác Caesar được chuyển cho Kiev, như thế chưa phải là nhiều.

Michel Goya : Về lý thuyết, Pháp có thể viện trợ cho Ukraina các vũ khí khác, nhất là các bệ phóng tên lửa đa nòng, có thể bắn xa tới 80 km. Nhưng chắc chắn là Pháp không muốn bị thiếu hụt vũ khí, nhất là khi tình hình cho thấy Pháp có những giới hạn về trang bị vũ khí. Nếu chúng ta muốn tạo được ảnh hưởng, cần phải quay trở lại sản xuất vũ khí, nhưng điều này cũng đòi hỏi nhiều thời gian.

Nếu không có sự trợ giúp của Phương Tây, liệu Ukraina có bị đè bẹp ?

Chắc chắn rằng nếu không có viện trợ quân sự từ phương Tây, tình hình ở chiến trường sẽ khác xa.

Trên báo L\’Express, Volodymyr Zelensky đề nghị các nước phương Tây giúp ông « kiểm soát » bầu trời Ukraina. Việc thiết lập vùng cấm bay có lợi ích gì không ?

Michel Goya : Theo tôi, đó không phải là điều tất yếu. Một mặt, máy bay Nga không bay trên bầu trời Ukraina. Đây là một trong những điều bất ngờ của cuộc chiến tranh này. Nga vẫn thận trọng, ở phía sau chiến tuyến. Trái lại, Ukraina cần có tên lửa phòng không, nhưng để sử dụng được thì cần phải có thời gian. Mặt khác, làm như vậy cũng có nghĩa là NATO tham chiến, hoặc gần như vậy. Mà theo quy tắc vàng được tất cả nhất trí, thì các cường quốc hạt nhân không nên đối đầu với nhau.

Bài Liên Quan

Leave a Comment