Ông Phùng Xuân Nhạ bị cảnh cáo: Nhìn lại những bê bối giáo dục

\"Ông
Chụp lại hình ảnh,Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo thời kỳ 2016-2021

25 tháng 10 2022

Ban Bí thư do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 và nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong cuộc họp ngày 24/10.

Ông Nhạ hiện là Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

Trang VNexpress viết:

\”Ban Bí thư nhận thấy, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo.\”

Đáng lưu ý, những hậu quả mà báo chí nêu ra dưới thời ông Phùng Xuân Nhạ giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo là rất nhiều khía cạnh, từ mức độ cá nhân đến tập thể:

\”Vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tổ chức cán bộ; xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; thực hiện một số dự án đầu tư công; xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 và 2021 xảy ra nhiều vi phạm. Một số cán bộ ngành giáo dục bị kỷ luật, xử lý hình sự.\”

Với tư cách là người đứng đầu, ông Phùng Xuân Nhạ phải chịu trách nhiệm chính với những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bị tố đạo văn

Ngày 18/2/2018, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp đã gửi một báo cáo đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam, đưa ra bằng chứng cho thấy ông Phùng Xuân Nhạ “tự đạo văn”.

Bản báo cáo của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng đưa ra bằng chứng là bộ trưởng giáo dục và đào tạo đương nhiệm \”tự đạo văn\” và \”trích dẫn khống\” trong hai bài báo \”Deficiency in Investment in Early Education: The Second-Best Optimal Levels of Investment in Later Education and Human Capital\” và \”Response of Vietnamese Private Enterprises’ Leader under Global Financial Crisis: From Theorical to Empirical Approach.

\”Tự đạo văn\” hiểu nôm na là việc sao chép bài viết hoặc báo cáo cũ của bản thân đã từng công bố chính thức, nay giả vờ là mới.

Thẩm định của nhóm GS Dũng với phần mềm tra cứu Turnitin cho thấy có 48% nội dung của bài năm 2013 được sao chép lại y nguyên vào bài năm 2014.

Nhưng nếu tính cả những chỗ được viết lại, vẫn cùng nội dung nhưng dùng câu chữ khác đi để ngụy trang, có thể nói hai bài giống nhau gần 100%, báo cáo do GS Dũng công bố cho hay.

Bản báo cáo 10 trang nêu trên với cáo buộc \”sự giả khoa học\” cũng như \”thiếu cả về đạo đức và trình độ\” cũng được công bố trên mạng, dẫn đến những lời kêu gọi vị bộ trưởng từ chức.

Ông Huy Đức, tác giả cuốn Bên Thắng cuộc viết trên Facebook vào thời điểm sự việc đạo văn nổ ra:

\”Ông Phùng Xuân Nhạ từ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục là cách duy nhất để cứu vãn uy tín, vốn đã rách tả tơi, của ngành Giáo dục.

\”Có thể trong một môi trường chính trị cả nể và trong một nền giáo dục xuê xoa, nhiều người sẽ cho rằng sai phạm của ông Nhạ là \”không đáng kể\”. Nhưng, như GS Nguyễn Tiến Dũng đã phân tích, \”đạo văn\” trong bất cứ nhà trường có giáo dục nào cũng đều bị xếp vào phạm trù đạo đức,\” ông Huy Đức phân tích.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng và Giáo sư Hoàng Tụy cũng kêu gọi ông Nhạ bãi chức giáo sư và từ chức Bộ trưởng

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 28/2/2018, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng nói: \”Vấn đề của ông Nhạ là nhờ những chức danh không xứng đáng mà ông ấy lên chức danh bộ trưởng.\”

\”Và một khi đã xác định được ông Nhạ là nhà khoa học giả thì không nên để ông ấy tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo giáo dục-khoa học được vì sẽ làm cho Việt Nam thành trò cười cho thế giới,\” ông Dũng nêu lý do công bố bản báo cáo.

\"\"/
Lưu lại audio,Ông Vũ Minh Giang nói về Phùng Xuân Nhạ

Bê bối giáo dục dưới thời ông Nhạ

Ngoài nghi vấn đạo văn, dưới thời ông Nhạ giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, nhiều vụ bê bối về giáo dục đã xảy ra.

+ Tháng 11/2016, 21 giáo viên nữ bị chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh điều đi tiếp khách tại nhà hàng.  Phản ứng trước sự việc, ông Nhạ cũng chia sẻ: Đây là hoạt động đáng tiếc, cần rút kinh nghiệm. Để xã hội nóng lên vì vấn đề này là không được. Trong trường hợp này tôi cũng nhận trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các cô.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đã chất vấn ngược lại Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ở nghị trường: \”Tôi muốn tranh luận, mặc dù Bộ trưởng nhận trách nhiệm, nhưng Bộ trưởng lại nói rằng chỉ vui vẻ thôi. Với góc độ là phụ nữ, đặc biệt là nữ đại biểu, tôi không biết Bộ trưởng có đau lòng hay không.\”

Tháng 10/2018,Bộ GD&ĐT ra văn bản Dự thảo Quy chế công tác học sinh sinh viên, trong đó có quy định \”sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học\”. Dù Bộ GD-ĐT sau đó đã rút dự thảo này xuống khỏi website của bộ và thừa nhận có điểm chưa hợp lý của dự thảo, trong đó có quy định về hành vi vi phạm hoạt động mại dâm, thì theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hình thức kỷ luật này từng được áp dụng cho sinh viên đại học chính quy tất cả các ngành đào tạo từ năm 2016.

Năm 2018, Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã xảy ra một loạt vụ gian lận tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Vụ án đã được khởi tố và nhiều cán bộ về hưu lẫn đương nhiệm trong ngành giáo dục rơi vào vòng lao lý.

Ông Nhạ cũng bị quy trách nhiệm nặng về vụ gian lận điểm thi THPT 2018 gây chấn động .xảy ra ở ba tỉnh thành trên.

Hôm 8/9/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông cáo nói Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm.

“Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ; xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; thực hiện một số dự án đầu tư công; trong biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 và năm 2021, một số cán bộ, đảng viên trong ngành bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.”

\"\"/
Lưu lại audio,GS Vũ Minh Giang, thành viên Hội đồng nhà nước về Giáo sư, Phó Giáo sư nói về \’tự đạo văn\’

Tiểu sử ông Phùng Xuân Nhạ  

Sinh năm 1963 và vào Đảng Cộng sản cuối năm 1997, ông Phùng Xuân Nhạ từng đi học sau đại học tại Trường Đại học Tổng hợp Manchester, Vương quốc Anh năm 1993-94. 

Sau khi về nước, ông là giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2002-03, ông lại đi làm Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Georgetown, Mỹ. 

Giai đoạn 2005-07, ông là Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển.

Từ 2007 tới 2010, ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ 2010 tới 2013, ông là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.Từ tháng 02/2013 đến đầu năm 2016, ông giữ chức vụ Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngày 9/4/2016, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn ông Nhạ làm Bộ trưởng Giáo dục, thay cho ông Phạm Vũ Luận.

Năm 2011, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII (tháng 01/2016), ông Nhạ được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Đại hội Đảng XIII tháng Giêng 2021, ông Phùng Xuân Nhạ là thành viên Chính phủ duy nhất dù được Trung ương khóa XII đề cử vào Trung ương khóa XIII nhưng đã không trúng cử.

Tháng 4/2021, ông Nhạ rời Bộ Giáo dục, giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Bài Liên Quan

Leave a Comment