Nga cạn kiệt vũ khí, phải dùng xe tăng « cổ lỗ » T-54 để chiến đấu ở Ukraina

Đăng ngày: 01/04/2023

Nga tiêu hao thiết bị quân sự, phải dùng xe tăng cũ thời Liên Xô ở Ukraina. Tranh cãi ở Liên Hiệp Châu Âu: Hạt nhân có phải là năng lượng xanh hay không ? Bạo lực ở Pháp: Cảnh sát ngăn đội cứu hộ cứu người biểu tình. Dân số Trung Quốc theo xu hướng giảm. Cháy trại giam người nhập cư ở biên giới Hoa Kỳ. Trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.

\"\"
\"\"
Xe tăng T-54 ở Saint-Peterbourg, Nga, ngày 28/01/2023. AFP – OLGA MALTSEVA

Về chiến tranh Ukraina, gần đây, một số thước phim ghi hình những chiếc xe tăng cũ kỹ T-54 và T-55, sản xuất dưới thời Liên Xô, được cho là để gửi đến chiến trường ở Ukraina bởi quân đội Nga, đã đặt ra câu hỏi về những thiệt hại về nguồn lực chiến đấu của Matxcơva ở Ukraina.

Xe tăng T-54 được sản xuất kể từ năm 1946 khi Joseph Stalin nắm quyền. Đến cuối những năm 1950, loại xe này đã trở thành xe tăng chiến đấu chủ lực cho các đơn vị thiết giáp của quân đội Liên Xô. Theo AFP, T-54 và T-55 là một trong những loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử quân sự, lên đến 100.000 chiếc. Được đưa vào sử dụng trong quân đội Liên Xô từ năm 1948, sau đó là trong quân đội của các nước thành viên Hiệp ước Vacsava, loại xe tăng này cũng được Liên Xô xuất khẩu rộng rãi vào những năm 1950, và được sản xuất ở Ba Lan và Tiệp Khắc cho đến năm 1983.

Trang RFI Tiếng Pháp cho biết, những chiếc xe tăng T-54 hiện được cất vào kệ « đồ cổ » của quân đội Nga. Lý do là vì chúng không được trang bị thiết bị điện tử, và chỉ có một khẩu súng 100 mm lỗi thời, tốc độ không vượt quá 50km/h và đã không được sản xuất trong nhiều thập kỷ.

Nhà nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế (Ifri), Léo Periat cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang thực sự cạn kiệt kho vũ khí : « Chúng ta phải đối mặt với những thiết bị thô sơ, rẻ tiền và đặc biệt là khả năng tự bảo vệ lại cực kỳ thấp. Khi phải đối mặt với loại xe tăng này, lính Ukraina không cần phải sử dụng đến tên lửa Javelin đắt đỏ và hiệu quả tốt mà chỉ cần sử dụng các thiết bị khá cơ bản và rẻ tiền hơn để loại bỏ chúng. »

Tranh cãi ở Liên Hiệp Châu Âu : Hạt nhân có phải là năng lượng xanh ?

Hôm thứ Tư 29/03, các cuộc tranh luận căng thẳng khiến Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ, liên quan đến việc có nên thừa nhận năng lượng hạt nhân là năng lượng xanh hay không. Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet cho biết cụ thể :

« Ngay từ lúc chưa bắt đầu, các cuộc đàm phán giữa 3 định chế châu Âu đã gặp trở ngại. Thoạt đầu là với nhận xét của chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh trước đó: Bà Ursula Von Der Leyen đã đánh giá rằng hạt nhân không phải là nhân tố mang tính chiến lược cho tương lai. Kế đến là sự kết tụ của hai quan điểm đối nghịch nhau nhân cuộc họp của các bộ trường năng lượng vào thứ Ba (28/03).

Hai nhóm nước đã tổ chức những cuộc họp cạnh tranh nhau vào buổi sáng. Một bên là những nước như Áo, Luxembourg hoặc là Đức, muốn dành riêng diện năng lượng xanh cho các loại năng lượng tái tạo đúng theo nghĩa đen, tức là năng lượng từ gió, từ mặt trời và từ nước, nhưng không phải là năng lượng hạt nhân. Bên kia, là Pháp, Phần Lan, Ba Lan, những nước muốn xếp vào diện năng lượng xanh tất cả các nguồn năng lượng được gọi là « không carbon » hoặc « phát thải carbon thấp »Điều đó có nghĩa là bao gồm cả hạt nhân, vốn không sản xuất ra khí CO2. 

Tuy nhiên, bản chỉ thị đang được đàm phán phải dẫn đến việc thay thế khí đốt tự nhiên bằng khi hydrogen, và nhóm nước thứ hai kế trên cho rằng khí hydrogen được sản xuất bằng điện hạt nhân phải được xếp vào diện được hưởng tất cả các nguồn tài trợ mà chỉ thị này sẽ cho phép đưa ra. »  

Bạo lực ở Pháp : Cảnh sát ngăn đội cứu hộ cứu người biểu tình

Trong tuần vừa qua, vấn đề bạo lực trong các cuộc biểu tình tại Pháp thu hút sự quan tâm của công luận. Ngoài các cuộc biểu tình phản đối cải cách chế độ hưu trí, cuộc biểu tình mà bạo lực lên đến đỉnh điểm xảy ra tại Saint-Soline, Deux-Sèvres, miền tây nước Pháp hôm 25/03, vì một dự án xây hồ trữ nước ngọt.

Trong số những người biểu tình, 200 người đã bị thương, 40 người bị thương nặng, chủ yếu là do mảnh lựu đạn cay và đạn cao su. Hai người hiện vẫn đang bị hôn mê, tiên lượng mong manh. Về phía cảnh sát, có 47 người bị thương, một số xe cảnh sát bị đốt cháy. Trang mạng đài France Info cho biết lực lượng an ninh đã sử dụng 4000 lựu đạn cay, gây tiếng nổ lớn, trong đó có loại GM2L, và các loại đạn cao su (LBD), những loại thiết bị được xếp vào « vũ khí chiến tranh ». Cơ quan thanh tra của Hiến Binh Pháp (IGGN) đã mở điều tra và xác định xem việc sử dụng các loại vũ khí này xuất phát từ tình trạng tự vệ chính đáng hay đó là hành vi không phù hợp. 

Một điều khác khiến công luận Pháp xôn xao đó là việc đội cứu hộ được cho bị lực lượng an ninh ngăn cấm tiếp cận để sơ cứu những người bị thương. Điều tra của trang Mediapart và Le Monde đã đưa ra một đoạn băng ghi âm chứng minh điều này. Về vụ việc này, tỉnh trưởng của vùng Deux-Sèvres đã đăng một thông cáo được báo Le Monde trích dẫn, chỉ ra rằng trong các cuộc đụng độ bạo lực, lực lượng an ninh sẽ là bên quyết định xem liệu can thiệp của đội cứu hộ có an toàn cho chính nhân viên cứu hộ hay không.

Trả lời trên đài phát thanh France Info, Patrick Baudouin, chủ tịch Liên Đoàn Nhân Quyền bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực trong các phong trào xã hội ở Pháp : « Đây là điều thực sự đáng lo ngại vì chúng ta có cảm giác là tình hình không được kiểm soát và không thể kiểm soát. Không ai biết sẽ đi theo hướng nào. Chúng ta đang ở trong một tình huống đáng báo động cho nền dân chủ. Hơn nữa, đó là bạo lực từ phía cảnh sát. Điều này chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. »

Cháy trại giam người nhập cư ở biên giới Hoa Kỳ

Nhìn sang châu Mỹ, trong tuần vừa qua, một sự kiện đáng chú ý đó là vụ cháy trại giam xảy ra vào đêm thứ Hai sáng thứ Ba 28/03, ở Ciudad Juarez, phía Bắc Mêhicô, gần biên giới Hoa Kỳ, khiến 39 người thiệt mạng. Nạn nhân chủ yếu là người di cư từ Honduras, Venezuela hay Guatemala, đã cố gắng tìm cách vượt biên vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ hỏa hoạn nhưng thảm kịch này đã nêu lên những bất cập trong chính sách nhập cư của Hoa Kỳ, trục xuất tự động người di cư, để mặc cho phía Mêhicô xử lý.

Từ Houston, thông tín viên RFI Thomas Harms cho biết thêm thông tin :

« Nạn nhân là những người đã bị từ chối nhập cảnh trước đó vào buổi sáng ở biên giới Hoa Kỳ. Họ đã nhanh chóng bị trục xuất về phía Mêhicô. Theo nhà báo James Frederick, chuyên đưa tin về chính sách nhập cư, thảm kịch xảy ra là từ điều luật 42, một chính sách trục xuất tự động được triển khai dưới thời tổng thống Donald Trump.

Tất cả đã bắt đầu với điều luật 42 và chính sách Hoa Kỳ. Vì những người di cư nhanh chóng bị trục xuất, do vậy đã tạo ra những đường vòng mà nhiều người cố gắng vượt qua. Các thành phố biên giới như là Ciudad Juarez là nơi tập trung hàng ngàn người di cư.

Theo giám mục Công Giáo Mark Seitz thuộc giáo xứ El Paso, bi kịch này phải được xem như lời kêu gọi cứu giúp những người di cư đang gặp nạn ở biên giới. Dân biểu đảng Dân Chủ của thành phố Veroniac Escobar đã kêu gọi cứu những người tị nạn, những người đang liều mạng trên mọi nẻo đường để đến được Hoa Kỳ.

Điều 42 sẽ hết hiệu lực vào ngày 11/05 nhưng chính quyền Dân Chủ không có ý định mở rộng cánh cửa nước Mỹ.

Một quy định mới, được tổng thống Joe Biden trình bày vào tháng Giêng, yêu cầu những người di cư phải lấy hẹn qua một ứng dụng. Bất cứ ai không tuân theo thủ tục này sẽ tự động bị trục xuất và cấm nhập cảnh trở lại vào lãnh thổ Hoa Kỳ. »

Hôm thứ Tư 29/3, theo AFP, chính quyền Mêhicô đã mở một cuộc điều tra về tội sát nhân. Tám người bị tình nghi là đã không có hành động can thiệp để cứu những di dân xấu số này. Trong cùng ngày, lực lượng biên phòng Hoa Kỳ cho biết khoảng 1.000 di dân đã cố vượt biên vào Mỹ từ ngả Mêhicô và những người này sẽ bị trục xuất. Sau thảm kịch ở Ciudad Juarez nói trên, có tin đồn được loan truyền theo đó Mỹ sẵn sàng tiếp nhận một số di dân vì lý do nhân đạo.

Khuynh hướng dân số giảm ở Trung Quốc

Chuyển sang khu vực châu Á, trung tâm tài chính của Trung Quốc, siêu đô thị Thượng Hải lần đầu tiên từ 5 năm qua ghi nhận tình trạng dân số giảm, theo số liệu được công bố hôm 28/03. Trước đó, vào tháng Giêng, cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố tình trạng dân số giảm lần đầu tiên từ 60 năm qua. Trung Quốc đã mất đi 850.000 người vào năm 2022, trong khi mà chính quyền đã đưa ra chính sách nới lỏng hạn chế sinh con.

Kể từ nay, dân số giảm trở thành xu hướng chung, xuất hiện ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde, tường trình từ Bắc Kinh :

« Sau Bắc Kinh, đến lượt Thượng Hải phải đối mặt với tình trạng dân số giảm. Trung tâm tài chính của Trung Quốc ghi nhận khoảng 24,76 triệu dân vào năm 2022, trong khi mà vào năm 2021, con số này là 24,89 triệu người. Có thể thấy rằng đợt phong tỏa vào mùa xuân vừa qua đã không giúp ích gì. Vì các hạn chế dịch tễ nghiêm ngặt, nhiều người Thượng Hải phải ở nhà trong hơn hai tháng, thêm vào đó là các nhà máy bị đình trệ, lối vào thành phố bị phong toả, 250.000 lao động nhập cư đã rời khỏi Thượng Hải.

Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, dân số giảm tại siêu đô thị tại đồng bằng sông Dương Tử. Những lý do để giải thích hiện tượng này mang tính chất vừa tình huống, vừa cấu trúc. Giống như nhiều nơi khác ở Trung Quốc, người dân Thượng Hải không muốn có con, hoặc chỉ muốn có một con vì lý do chi phí giáo dục, giữ trẻ cao, hay nói chung là vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong các thành phố tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. »

Chi Phương

Đọc thêm cùng chủ đề:

Bài Liên Quan

Leave a Comment