Tai nạn tàu hỏa ở Odisha: Hơn 80 thi thể chưa được nhận dạng sau vụ đâm tàu ở Ấn Độ

Geeta Pandey và Subrat Kumar Pati

BBC News, Delhi và Bhubaneswar

\"Vụ
Chụp lại hình ảnh,Vụ tai nạn chết người này là thảm họa đường sắt tồi tệ nhất của Ấn Độ trong thế kỷ này.

Năm ngày sau vụ đâm ba tàu hỏa chết người khiến 288 người thiệt mạng ở Ấn Độ, hơn 80 thi thể vẫn chưa có người nhận.

Vụ tai nạn vào tối thứ Sáu ở bang Odisha xảy ra với hai đoàn tàu chở khách và một đoàn tàu chở hàng.

Hơn 1.000 người bị thương đã được đưa tới các bệnh viện để điều trị. Nhiều gia đình cho biết họ vẫn đang tìm kiếm người thân.

Vụ tai nạn chết người này là thảm họa đường sắt tồi tệ nhất của Ấn Độ trong thế kỷ này.

Hôm thứ Ba, chính quyền Odisha cho biết số người chết chính thức đã tăng lên 288 so với con số 275 trước đó trong khi 83 thi thể vẫn chưa được xác định danh tính.

Vụ tai nạn khiến một đoàn tàu chở khách trật bánh sau khi đi nhầm vào đường vòng bên cạnh tuyến chính và va chạm với một đoàn tàu chở hàng đang đỗ ở đó.

Các toa bị trật bánh của nó sau đó đâm vào các toa phía sau của một đoàn tàu chở khách thứ hai đang đi ngược chiều.

Hơn 3.000 hành khách được cho là đã đi trên hai chuyến tàu, với tin cho hay cả hai đoàn tàu đều chật cứng người.

Người nhà các gia đình nạn nhân từ Odisha và các bang khác đã đến bệnh viện đông đúc, tìm kiếm thông tin về người thân của họ. Nhưng trong một số trường hợp, việc nhận dạng thi thể là một thách thức thực sự.

Tại bệnh viện quận Balasore ở Odisha, Muhammad Nizamuddin không thể nhận dạng thi thể của các cháu trai mình.

Tafsir Ansari, 16 tuổi và anh trai, Tausif, 13 tuổi, đang đi trên tàu Coromandel Express cùng cha thì gặp tai nạn.

Trong khi người cha vẫn mất tích, ảnh của các thiếu niên, cùng với ảnh của một số nạn nhân khác, được chiếu lên bức tường trong bệnh viện – Tafsir được đánh số 20 và Tausif 169 – để người nhà nhận dạng.

Khuôn mặt của các cậu bé bị biến dạng do vết thương, nhưng ông nội của các em nói rằng ông đã nhận ra các em.

Vì vậy, ông quyết định tìm đường đến thủ phủ Bhubaneshwar của bang – nơi có gần 100 thi thể vô thừa nhận được quàn trong bốn bệnh viện – nhưng một quan chức ở đó đã ngăn ông lại.

Giới chức thông báo với ông rằng thi thể của Tafsir đã được một gia đình khác đến nhận nhưng vẫn chưa được bàn giao cho họ.

\”Làm sao điều này có thể xảy ra được? Ý người ta là tôi sẽ không nhận ra các cháu của mình hay sao,\” ông Nizamuddin nói với BBC trong tâm trạng hết sức đau buồn và bực tức.

Hiện ông đã được yêu cầu liên lạc với giới chức dân sự ở Bhubaneshwar, những người được giao nhiệm vụ kiểm tra các yêu cầu, giấy tờ tùy thân và thực hiện các biện pháp để đảm bảo thi thể được giao cho đúng gia đình.

\”Nếu bạn xem qua cơ sở dữ liệu ảnh, bạn sẽ thấy nhiều thi thể bị hư đến mức không thể nhận dạng được. Hiện các thi thể này cũng đang trong quá trình phân hủy,\” Giám đốc Tổng công ty Thành phố Bhubaneshwar Vijay Amruta Kulange nói với BBC.

\"Người
Chụp lại hình ảnh,Người nhà đang tìm kiếm người thân của họ tại bệnh viện sau vụ tai nạn tàu hỏa.

Trong trường hợp có nhiều gia đình nhận thi thể, xét nghiệm DNA sẽ được thực hiện để giúp các gia đình nhận dạng, ông nói thêm rằng \”các thi thể không xác định được danh tính sẽ được lưu giữ tại nhà xác bệnh viện trong 10 ngày tới\” và rằng \” chính phủ sẽ không vội vàng hỏa táng hoặc chôn cất\” họ.

Vào cuối tuần, Thủ tướng Narendra Modi đã đến thị sát hiện trường vụ tai nạn và thề rằng bất kỳ ai bị kết tội sẽ bị \”trừng phạt nghiêm khắc\”.

Công việc cứu hộ đã hoàn thành vào thứ Bảy và đường ray đã được dọn sạch đống đổ nát. Giao thông đường sắt đã được khôi phục trên một trong các tuyến và các quan chức cho biết các tuyến còn lại cũng sẽ được khôi phục và mở lại vào thứ Tư.

Ấn Độ có một trong những mạng lưới xe lửa lớn nhất trên thế giới. Hệ thốn này chạy hơn 12.000 chuyến tàu chở khách mỗi ngày, được hàng tỷ hành khách sử dụng để đi lại khắp đất nước hàng năm – nhưng rất nhiều cơ sở hạ tầng đường sắt cần được cải thiện.

Các chuyến tàu thường đông đúc vào thời điểm này trong năm, với số lượng người đi ngày càng tăng trong những ngày nghỉ học.

Thảm họa đường sắt tồi tệ nhất của đất nước là vào năm 1981, khi một đoàn tàu chở khách quá đông bị cuốn văng khỏi đường ray và lao xuống sông trong một cơn lốc xoáy ở bang Bihar, khiến khoảng 800 người thiệt mạng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment