Tại châu Phi, « cách thức làm việc của Trung Quốc và Nga khác nhau »

Diễn đàn Trung-Phi về an ninh lần thứ ba, được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 28/08 đến 02/09/2023, với sự tham dự của các quan  chức quốc phòng đến từ năm chục nước « phương Nam », trong bối cảnh Trung Quốc tìm mọi cách mở rộng sự hiện diện tại châu Phi. Nhân dịp này, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde đã phỏng vấn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste Hồng Kông.

Đăng ngày: 31/08/2023

Ảnh minh họa: Sự thèm khát châu Phi của Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ.
Ảnh minh họa: Sự thèm khát châu Phi của Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ. AFP/Simon Maina

Đức Tâm

RFI: Mục đích của Bắc Kinh là gì khi tổ chức diễn đàn an ninh Trung-Phi?

Jean-Pierre Cabestan : Trong bối cảnh tranh đua với Mỹ, Trung Quốc đứng ra như một đối tác không thể thiếu vắng, thậm chí như là thủ lĩnh của các nước phương Nam. Đối với Bắc Kinh, cần thể hiện rõ tham vọng của mình về an ninh, để nói rằng Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng về hợp tác quân sự cũng như trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Diễn đàn này được tổ chức sau các sáng kiến mà Tập Cận Bình khởi xướng năm 2021 và 2022 liên quan đến phát triển toàn cầu và an ninh toàn cầu. Các sáng kiến này đi xa hơn dự án Một vành đai Một con đường, đưa thêm vế an ninh vào dự án Con đường tơ lụa và nhất là các sáng kiến này đưa Trung Quốc lên hàng quốc gia cung ứng vấn đề an ninh cho các nước phương Nam nói chung và các nước châu Phi nói riêng.

Trong mọi trường hợp, thông điệp mà chủ tịch Trung Quốc muốn gửi tới toàn thế giới như sau: các nước phát triển, nhất là Hoa Kỳ, không thể bảo đảm an ninh cho các vị nữa. Trung Quốc sẽ đóng góp vào lĩnh vực an ninh cho các vị trong bối cảnh diễn ra sự phản đối vai trò thủ lĩnh của Hoa Kỳ cũng như là việc chối bỏ sự hiện diện quân sự của Pháp tại vùng Sahel.

Phải chăng việc Pháp lùi bước tại châu Phi đã để trống thị trường vũ khí cho Trung Quốc?

Đúng vậy. Việc Pháp bị một số nước châu Phi phản đối, nhất là Mali, Burkina Fasso và giờ đây là Niger, đã mở cửa cho Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh. Bắc Kinh đã nắm bắt thời cơ để đề xuất một loại trợ giúp quân sự khác. Cách thức hành động của Trung Quốc và Nga không giống nhau. Trung Quốc không đưa lính đánh thuê sang, cũng không điều các đơn vị quân đội đến. Để bảo đảm an ninh cho các lợi ích, của các công dân và doanh nghiệp của mình, Trung Quốc thường sử dụng các công ty bảo vệ an ninh tư nhân. Sau đó là những tuyên bố ngoại giao, bởi vì, Trung Quốc không có ý định đóng góp vào việc bảm đảm an ninh qua việc huy động lực lượng quân đội, ví dụ, không giống như Pháp thực hiện chiến dịch Barkhane.

Ngược lại, đối với các chế độ ở châu Phi, nhất là những chế độ đang có khó khăn với Pháp, tôi nghĩ tới Trung Phi, Bắc Kinh hỗ trợ thiết bị, huấn luyện, rồi các thiết bị an ninh như camera, các hệ thống tin học và viễn thông. Trung Quốc có kỹ năng chuyên môn thực sự trong các lĩnh vực này. Các thiết bị và vũ khí này kém hấp dẫn hơn vũ khí Nga hoặc phương Tây. Các vũ khí này không thường xuyên có hiệu quả cao. Thế nhưng, ngoại giao quân sự Trung Quốc vào lúc này nhắm trước tiên tới việc bảo đảm sự hiện diện của Trung Quốc và phát triển quan hệ với quân đội nước sở tại. Trung Quốc cũng tham gia vào việc hiện đại hóa các trung tâm chỉ huy và đóng vai trò bổ sung cho vai trò của Nga trong lĩnh vực này.

Ẩn số lớn nhất hiện nay là mối quan hệ giữa người Trung Quốc và các nhóm chiến binh Wagner, công ty lính đánh thuê phụ thuộc trực tiếp vào Putin và an ninh quân đội Nga. Cho dù ở Mali, Burkina Faso hay tại Trung Phi, mối quan hệ này rất mờ ám.

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố:«Trung Quốc mong muốn đóng góp thêm sự chắc chắn, ổn định và năng lượng tích cực vào một thế giới biến động». Nhưng đồng thời, ngoại giao Trung Quốc nhắc lại rằng họ chống lại mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Phải chăng là mâu thuẫn?

Trung Quốc trình diện như một cường quốc ổn định, hòa bình nhưng ở đây, trước hết là vấn đề phô trương, thể hiện ra bên ngoài. Trung Quốc mang lại hai điều cơ bản cho các nước châu Phi: hỗ trợ vật chất, được thể hiện qua lĩnh vực quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng – binh xá, tổng hành dinh và cung cấp các thiết bị quân sự, thông tin cho lực lượng vũ trang châu Phi. Trung Quốc cũng tham gia huấn luyện quân sự nhưng không phải lúc nào cũng được giới sĩ quan các nước phương Nam đánh giá cao, nhưng lại cho phép Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và duy trì quan hệ với nhiều nước.

Sau đó, Trung Quốc hoạt động dưới bóng Liên Hiệp Quốc, thông qua các cam kết đa phương và cam kết của quân đội Trung Quốc trong khuôn khổ các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, trước đây tại Mali, hiện nay còn ở Nam Sudan. Trung Quốc đóng góp đáng kể vào ngân sách của Liên Hiệp Quốc cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình, đứng hàng thứ hai, dưới Hoa Kỳ và trên Nhật Bản. Ngoại giao Trung Quốc cũng đề cao chiến lược bảo đảm an ninh qua phát triển. Đây cũng là ý tưởng của Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) của Tập Cận Bình, cho dù sáng kiến này còn tương đối mơ hồ.

Lập trường của Trung Quốc về Niger như thế nào?

Trên thực tế, người ta không thấy rõ Bắc Kinh nhận định vấn đề Niger thực sự ra sao. Trung Quốc khó xử: điều mà Bắc Kinh không chấp nhận là sự can thiệp của các nước phương Bắc, nhất là Pháp. Phần còn lại, Trung Quốc không biết nên có lập trường như thế nào. Trung Quốc không muốn để các nước châu Phi chống lại mình, thế nhưng các nước châu Phi lại chia rẽ trong vấn đề này. Về vấn đề can thiệp nội bộ, Trung Quốc khẳng định làm tất cả mọi việc tùy theo ý muốn của chính phủ sở tại. Do vậy, đối với Bắc Kinh, không có chuyện can thiệp vào Niger.

Vấn đề là làm thế nào khi không có chính phủ ở đó hoặc khi chính phủ không có tính chính đáng? Trung Quốc chưa chắc có câu trả lời. Và đó chính là hạn chế của Trung Quốc trong việc đóng góp vào lĩnh vực an ninh. Trung Quốc bảo vệ mạnh mẽ nguyên trạng và các chế độ đang tồn tại. Trung Quốc không thích các thay đổi và nếu xẩy ra thay đổi thì Trung Quốc điều chỉnh thích ứng. Ngoại giao Trung Quốc rất thực dụng, nhưng hiếm khi chú ý tới phe đối lập và xã hội dân sự, do vậy, Trung Quốc có tầm nhìn ngắn hạn trong lĩnh vực an ninh của các nước phương Nam.

Bài Liên Quan

Leave a Comment