Chảo lửa Iran-Israel « chưa bén » đến các giếng dầu Trung Đông

Đăng ngày: 23/04/2024

Thị trường dầu hỏa thế giới vẫn ổn định trước mối đe dọa chưa hoàn toàn được dập tắt về một cuộc chiến giữa Israel và Iran. Ưu tiên của Teheran là bảo vệ các giếng dầu cho dù Trung Đông không còn là nguồn cung cấp duy nhất cho thế giới. Vì những tính toán chính trị trước bầu cử tổng thống Mỹ, Washington là « tấm bia đỡ đạn » cho các cơ sở năng lượng của Iran, tránh để khủng hoảng về dầu lửa tái diễn đánh vào túi tiền của cử tri Hoa Kỳ.

In this Dec. 22, 2014 file photo, an Iranian oil worker makes his way through Tehran's oil refinery south of the capital Tehran, Iran.
(Ảnh minh họa) – Một công nhân dầu mỏ của Iran đang đi qua nhà máy lọc dầu của Teheran, phía nam thủ đô Iran, ngày 22/12/2014. AP – Vahid Salemi

Đành rằng giá dầu trên thế giới tăng lên thêm 17 % trong 4 tháng đầu nhưng kể từ khi Israel và Iran trực tiếp khiêu khích lẫn nhau từ đầu tháng 4/2024, thị trường dầu hỏa được coi là vẫn « ổn định ». Giá một thùng dầu vẫn được giữ ở ngưỡng trên dưới 90 đô la một thùng cho đến ngày 23/04/2024.

Xung đột Israel-Hamas tại Gaza từ tháng 10/2023, rồi các đợt tấn công nhắm vào tàu chở hàng trong vùng Hồng Hải do quân nổi dậy Yemen – Houthi tiến hành đã thổi bùng viễn cảnh Trung Đông, giếng dầu của thế giới, bị đẩy gần hơn vào cái bẫy chiến tranh. Căng thẳng trên thị trường năng lượng đã tăng thêm một nấc trước những dấu hiệu xung đột lan rộng khi mà những quyền lợi trực tiếp của Iran bị tổn thương.

Israel oanh tạc tòa đại sứ Iran ở Damas, thủ đô Syria hôm 01/04/2024, rồi hơn một chục ngày sau, Teheran đáp trả « đích đáng » trong đêm 13/04/2024 nhắm vào Israel. Cộng đồng quốc tế lại hồi hộp đợi chính quyền Benjamin Netanyahu « trả đũa » vào lúc ông bị công luận Israel mạnh mẽ chỉ trích « sa lầy ở Gaza ». Một phần thế giới quy trách nhiệm cho Israel về thảm họa nhân đạo nhắm vào hơn 2 triệu người Palestine ở Gaza.

Những yếu tố đe dọa dầu hỏa Trung Đông

Tất cả các nhà quan sát đồng loạt cho rằng, « vì những lý do đối nội, cả Iran lẫn Israel cũng bị dồn vào chân tường ». Trả lời đài phát thanh France Culture hôm 17/04/2024, chuyên gia về dầu hỏa, Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, giải thích về tầm mức « chiến lược của Trung Đông trên bàn cờ năng lượng quốc tế », qua đó một phần chìa khóa tăng trưởng của thế giới đang được đặt trong tay mỗi đối tác tại khu vực này :

« Trung Đông là một khu vực chủ chốt trên bàn cờ dầu hỏa và khí đốt của thế giới. Đây là nơi cất giữ 50 % trữ lượng dầu đã được chứng minh và 40 % khí đốt trên trái đất. Trung Đông cũng là nơi sản xuất và xuất khẩu một phần lớn năng lượng cho nhân loại. Năm ông khổng lồ dầu hỏa trên thế giới đều tập trung cả ở khu vực này, theo thứ tự là Ả Rập Xê Út, Iran, Irak, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Koweit. Hai nguồn cung khí đốt lớn nhất là Iran và Qatar cũng ở cả Trung Đông. Do vậy, nếu như xảy ra căng thẳng trong khu vực, đương nhiên là thị trường dầu hỏa rất dễ bị khuấy động ».

Song có nhiều khác biệt ở thời điểm hiện nay so với thập niên 1970-1980 : Trung Đông không còn độc quyền cung cấp dầu hỏa cho thế giới và cỗ máy công nghiệp của các nước phát triển nhất bớt lệ thuộc vào vàng đen. Francis Perrin, viện nghiên cứu Pháp IRIS : 

« Nhờ có dầu và khí đá phiến mà Hoa Kỳ nay đã trở thành nguồn xuất khẩu số 1 trên thế giới, cả về dầu hỏa lẫn khí đốt. Tức là Mỹ đã qua mặt cả Ả Rập Xê Út và Nga để thống lĩnh hai thị trường này. Đây là một thay đổi chưa từng có. Ở thời kỳ chiến tranh Kippour những năm 1973-1974 nhân loại chưa biết khai thác dầu và khí đá phiến. Ngoài ra, giờ đây Canada cũng đã trở thành một nguồn cung cấp quan trọng của thế giới, đứng hạng thứ tư. Thành thử thế giới có những nguồn cung cấp khác và không còn bị phụ thuộc vào một mình Trung Đông. Dù vậy thế cân bằng trên thị trường năng lượng tùy thuộc vào Trung Đông. Đương nhiên là nếu tình hình trong vùng xấu đi và tác động trực tiếp đến các hoạt động trong ngành dầu khí, thì lập tức giá dầu hỏa và khí đốt bị biến động… »   

Tính toán khôn ngoan của Teheran

Trong cuộc chiến giữa các nước Ả Rập và Nhà nước Do Thái – Chiến tranh Kippour hồi năm 1973, nhiều nước Ả Rập đã manh tay ngừng xuất khẩu dầu cho phương Tây, nền công nghiệp số 1 toàn cầu khi đó là Hoa Kỳ khốn đốn. Trong thời gian từ tháng 10/1973 đến tháng 1/1974, giá dầu đã nhân lên gấp 4 lần. 

Đến những năm 1979-1980, sau cuộc cách mạng Hồi Giáo Iran, thêm vào đó là 8 năm chiến tranh Iran-Irak (1980-1988), nhiều tàu dầu đã bị tấn công trong vùng Vịnh … giá dầu lại bị đẩy lên cao.

Hai « cơn sốt dầu hỏa » thập niên 1970-1980 khép lại thời kỳ vàng son của các nền công nghiệp trên thế giới vốn rất phụ thuộc vào « vàng đen » của Trung Đông. Kinh nghiệm đó vẫn còn ám ánh chính giới hiện nay. Francis Perrin viện IRIS của Pháp phân tích :

« Điều rõ ràng là ở thời điểm 2024, Trung Đông vẫn chiếm một vi trí then chốt thị trường dầu khí. Khu vực này đang phải đối mặt với ba cuộc xung đột khác nhau : ở Syria từ 2011, ở Yemen từ 2015 và gần đây nhất là tại Gaza. Đương nhiên là giới giao dịch trên thị trường, chính giới và các nhà ngoại giao không ai muốn một cuộc xung đột thứ tư nổ ra trong vùng. Nếu như xảy ra xung đột giữa Israel và Iran thì cuộc chiến này sẽ nguy hiểm hơn cả ba cuộc xung đột hiện nay rất nhiều ».

Thêm một lo ngại khác liên quan đến nguy cơ eo biển Ormuz bị phong tỏa, bị một trong các bên giao tranh « quân sự hóa ». Eo biển này là cửa ngõ đưa 20 -30 % dầu hỏa và khí đốt của Trung Đông ra thế giới. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn về năng lượng Rapidan Energy của Mỹ, eo biển Ormuz bị rối loạn, « giá dầu lập tức tăng thêm 10 % ».

Nhưng không lo Iran đóng cửa eo biển Ormuz vì tháng 3/2024 Teheran thông báo đầu tư 13 tỷ đô la trong thập niên sắp tới vào 6 mỏ dầu ở các khu vực phía nam và tây nam, để nâng cao sản xuất, vị trí then chốt của Iran trên bàn cờ năng lượng. Francis Perrin viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp :

« Syrie chỉ là một chú lùn về dầu hỏa, Yemen cho đến trước chiến tranh, tuy có sản xuất dầu và xuất khẩu khí đốt nhưng cũng không đáng kể. Gaza và Israel cùng không xuất khẩu dầu. Thế nhưng Iran là một cường quốc cả về dầu hỏa lẫn khí đốt. Đành rằng từ năm 2018 chính quyền Trump đã siết chặt thêm cấm vận dầu không cho Teheran xuất khẩu để thu vào ngoại tệ. Mỹ muốn bóp nghẹt kinh tế Iran, nhưng các biện pháp trừng phạt đó chưa bao giờ được áp dụng nghiêm ngặt. Chính quyền Biden từ năm 2021 vẫn duy trì các biện pháp cấm vận dầu của Iran, nhưng cũng không quá sốt sắng trong việc giám sát các hoạt động mua bán dầu của Teheran. Thành thử trong thời gian qua, Iran vẫn thu về ngoại tệ nhờ xuất khẩu dầu hỏa cho một số đối tác. Do vậy nếu xảy ra xung đột với Israel, Iran sẽ mất mát nhiều ».

Washington, lá bùa hộ mạng cho các giếng dầu Iran

Vì quyền lợi của chính mình, Iran sẽ không dại lao vào một cuộc đối đầu vũ trang quyết liệt với Israel hay đóng cửa eo biển Ormuz. Nhưng về phía Tel Aviv, giới quan sát cho rằng giải pháp quân sự ở Gaza hay với « kẻ thù không đội trời chung » Iran là lá bùa hộ mạng cho sự nghiệp chính trị của thủ tướng Benjamin Netanyahu. Do vậy, lo ngại thứ ba là nếu như Israel tấn công các cơ sở công nghiệp dầu khí của Iran thì có thể đẩy giá dầu lên cao. Nhưng trước mắt, kịch bản này đã không xảy ra nhờ áp lực của Mỹ. 

Iran có khối lượng dự trữ dầu lớn thứ ba trên thế giới, và bất chấp các lệnh trừng phạt liên tiếp của Hoa Kỳ năm 2022, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, đứng hàng thứ 7 trong số các nguồn cung cấp dầu, bảo đảm 3 % nhu cầu tiêu thụ cho thế giới. Francis Perrin, viện IRIS, nhấn mạnh đến yếu tố Hoa Kỳ trong năm bầu cử tổng thống vào lúc mà giá một gallon xăng ở Mỹ hiện vẫn còn đắt hơn đến 60 % so với hồi năm 2020 : 

« Chính quyền Biden không muốn trông thấy giá dầu bị đẩy lên cao, vì như vậy có nghĩa là người Mỹ sẽ phải chi ra nhiều tiền để mua xăng. Ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden biết là sẽ gặp khó khăn trong trường hợp này và công luận Mỹ dễ bị ảnh hưởng vì giá xăng dầu. Nhà Trắng không muốn Israel tấn công vào các cơ sở năng lượng của Iran, nhưng tại Israel và Mỹ thì một số tiếng nói lại muốn kịch bản đó xảy ra ».

Đe dọa thị trường tiêu thụ bão hòa 

Cho đến ngày 23/04/2024, có thể nói là thị trường dầu hỏa thế giới đã « không bùng cháy » sau khi Iran lẫn Israel đều đã « trả đũa đối phương » và cùng có dấu hiệu muốn dừng lại, tránh đẩy Trung Đông vào thế nguy hiểm hơn. 

Đương nhiên, giới trong ngành cho rằng trên thị trường dầu hỏa « ngọn lửa có thể được thổi bùng lên bất cứ lúc nào ». Các nhà môi giới tạm an tâm trước một số những « chốt an toàn » : một là Mỹ đã trở thành nguồn sản xuất dầu số 1 thế giới, hơn cả Ả Rập Xê Út hay Nga ; hai là Teheran hiểu ý của Hoa Kỳ nên đang tận dụng thời cơ phát triển ngành công nghiệp dầu hỏa. Thứ ba là bản thân các « ông lớn trên bàn cờ năng lượng Trung Đông, từ Ả Rập Xê Út đến Qatar hay Các Tiểu Vương Ả Rập Thống Nhất đều muốn tập trung phát triển kinh tế ».

Các quốc gia này biết là không còn độc quyền và Mỹ đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh « rất lợi hại ». Cuối cùng, điều khiến giới trong ngành, từ các cơ quan môi giới trên thị trường, đến các nhà sản xuất ở Trung Đông lo ngại hơn cả hiện nay, có lẽ là viễn cảnh tăng trưởng của Trung Quốc, của Liên Hiệp Châu Âu bị chựng lại, và những chuyển biến trên thị trường quốc tế từ chiến tranh Ukraina gây nên.

Nhìn đến nước Nga, một cột trụ khác trên thị trường năng lượng, dầu khí của Nga đang bị cấm vận, giảm mạnh lượng xuất khẩu sang châu Âu nên các tập đoàn dầu khí của Nga đã lao vào một cuộc chạy đua đi tìm những thị trường mới… và Matxcơva là một thành viên khá độc lập trong khối OPEP mở rộng. Tựu chung, một trong những lý do vì sao thị trường dầu hỏa chưa lên cơn sốt, là các nguồn cung thì nhiều, mà không chắc là mức cầu sẽ vững mạnh trong ngắn hạn.    

Thanh Hà

Bài Liên Quan

Leave a Comment