Ngày 30/05/2024, lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát, tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraina sử dụng vũ khí Mỹ để đánh các mục tiêu tại Nga. Nếu như thông báo đưa ra cho thấy Washington từ bỏ một phần học thuyết mà Mỹ duy trì từ đầu cuộc chiến, những hạn chế kèm theo còn nhằm đề phòng nguy cơ leo thang quân sự với Nga.
Đăng ngày: 04/06/2024
Trong thông cáo Nhà Trắng nêu rõ « Ukraina có thể sử dụng vũ khí Mỹ để phản công tại vùng Kharkiv nhằm đáp trả các cuộc tấn công của quân đội Nga hay chuẩn bị tấn công họ ». Nói một cách khác, sự cho phép này là rất hạn chế và Mỹ không thay đổi lập trường đối với lệnh cấm sử dụng tên lửa tầm xa, đặc biệt là loại hệ thống tên lửa ATACMS, cũng như là đánh sâu vào lãnh thổ Nga.
Theo giới quan sát được France 24 trích dẫn, thì lập trường mới của Mỹ « có những đường nét khá mơ hồ ». Người ta chỉ có thể diễn giải điều đó rằng Ukraina chỉ có thể đánh các mục tiêu quân sự của Nga tới gần vùng Belgorod, cách biên giới Ukraina tầm 40 km và nhất là trong thế phòng thủ. Điều đó có nghĩa là Kiev không thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để hỗ trợ các chiến dịch phá hoại tại vùng Belgorod.
Sự cho phép có hạn chế này không gây ngạc nhiên. Tổng thống Biden là một « môn đồ » của chủ trương phi leo thang xung đột với Nga. Ông hy vọng cách tiếp cận này có thể sẽ không gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Matxcơva.
Khi quyết định bật đèn xanh, nguyên thủ Mỹ phần nào đáp ứng các mong mỏi từ Kiev, rất muốn sử dụng vũ khí Mỹ để đánh sâu vào lãnh thổ Nga, và đây cũng là đòi hỏi từ nhiều nước đồng minh trong khối NATO mà Anh Quốc là nước mở màn, theo sau là Pháp và Đức.
Sự hạn chế này của Mỹ còn được diễn giải ở việc tổng thống Joe Biden còn phải chăm chút cho chương trình nghị sự chính trị cá nhân của ông. Nguyên thủ Mỹ không mong muốn Nga giành được chuỗi thắng lợi vang dội tại Ukraina trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2024. Với học thuyết mới này, Joe Biden hy vọng có thể cho phép chặn đứng đà tiến quân Nga, đồng thời bắn đi tín hiệu rằng Ukraina « sẽ có những phương tiện đáp trả bằng cách đánh vào lãnh thổ Nga », theo nhận định từ ông Patrick René Haasler, nhà phân tích chính trị chuyên về không gian hậu Xô Viết tại International Team For the Study of Security (ITS) Verona.
Nhìn chung, « đèn xanh » hạn chế này sẽ không làm thay đổi « một cách cơ bản thế tương quan lực lượng » trên thực địa. Trên thực tế, mọi việc phụ thuộc vào loại vũ khí mà Ukraina có thể sử dụng. Hệ thống phòng thủ Patriot – một con át chủ bài khác trong hệ thống vũ khí Mỹ – có thể được dùng để đối phó với những chiến đấu cơ nào của Nga tìm cách tiến đến gần phía bên kia biên giới.
Nhưng việc lắp đặt loại vũ khí này trong vùng Kharkiv là đầy rủi ro. Hệ thống này chỉ có thể hoạt động một cách hiệu quả khi được bố trí rất gần biên giới nhưng lại có nguy cơ biến thành « mồi ngon » cho hỏa lực Nga.
Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, điều Ukraina cần là đạn pháo, để có thể nhắm vào các mục tiêu ở bên kia biên giới, khu vực mà lực lượng Nga cho đến hiện tại có thể tập hợp mà không lo sợ « một trận bão lửa ». Thế nên, quyết định của Hoa Kỳ đưa ra trước hết là vấn đề số lượng hơn là chất lượng vũ khí mà Kiev có thể sử dụng để nhắm vào các mục tiêu tại Nga.
Ông Patrick René Haasler, tóm tắt như sau : « Những loại vũ khí mới được cung cấp để tấn công Nga giống như « vũ khí thần kỳ » của phương Tây, từng được cho là có thể thay đổi cục diện cuộc chiến, thì hệ quả chính của chúng ngày nay là kéo dài thời gian chiến tranh cũng như là khả năng phòng thủ của Ukraina ».
Một khả năng khán cự lớn và có thể giáng nhiều tổn thất hơn trên lãnh thổ Nga là các yếu tố có thể « đóng một vai trò có lợi cho Ukraina, nếu một ngày nào đó, đàm phán hòa bình được mở ra giữa hai phe ». Nếu tình hình trên thực địa tiếp tục tồi tệ, Hoa Kỳ có thể để Ukraina đánh sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Điều có lợi là phải giữ thế mập mờ và mang lại một phạm vi hoạt động cho Ukraina. Nhưng điều đó cũng cho phép Mỹ ấn định những giới hạn với Ukraina nhằm tránh Ukraina đi quá đà dẫn đến leo thang xung đột !