Tổng thống Nga Vladimir Putin quả quyết có quyền cung cấp vũ khí cho các nước “đồng minh” để họ nhắm vào “các lợi ích chiến lược” của phương Tây. Theo ông, đây là một cách để đáp trả việc các nước phương Tây cho phép Ukraina sử dụng vũ khí được họ cung cấp để tấn công vào Nga. Nhưng những đe dọa này thực chất chỉ có phạm vi rất hạn chế. RFI tóm lược một số ý kiến phân tích của các chuyên gia được France 24 phỏng vấn.
Đăng ngày: 11/06/2024
Ăn miếng trả miếng ? Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5 tháng 6 đe dọa cung cấp “thiết bị quân sự” cho các nước “thù địch” với phương Tây để họ có thể tấn công “các mục tiêu chiến lược” của Hoa Kỳ và đồng minh của họ.
Người đứng đầu điện Kremlin đưa ra lời đe dọa này như một phản ứng trước việc một số nước phương Tây cho phép Ukraina sử dụng vũ khí được viện trợ để nhắm vào các mục tiêu ở Nga. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố : “Nếu ai đó nghĩ rằng họ có thể cung cấp vũ khí như vậy vào vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ của chúng tôi, thì tại sao chúng tôi không có quyền trang bị vũ khí cho các quốc gia ở những nơi trên thế giới mà họ có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở nhạy cảm (của phương Tây)”.
Đe dọa dồn dập
Chưa hết, các quan chức Mỹ xác nhận Nga đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tập trận hải quân… ở Caribe vào mùa hè này. Các cuộc diễn tập quân sự sẽ được phối hợp với Cuba và Venezuela, hai quốc gia Mỹ Latinh, kể từ năm 2022, đã rõ ràng ủng hộ cuộc chiến do Matxcơva tiến hành ở Ukraina.
Nói cách khác, Matxcơva dường như “nhân lên các mối đe dọa mở rộng xung đột ở Ukraina sang những chân trời khác và gây nhiễu loạn về nguy cơ phổ biến vũ khí ở những nước kẻ thù của Washington“, Jeff Hawn, chuyên gia về Nga tại Trường Kinh tế Luân Đôn, nhận định.
Joseph Moses, chuyên gia về chiến lược quân sự tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế (ITSS) Verona, khẳng định rằng trong tuyên bố của Vladimir Putin “tuy nhiên chi tiết của những mối đe dọa này vẫn còn rất mơ hồ”.
Những quốc gia nào liên quan? Những vũ khí này sẽ là gì? Thực ra, Vladimir Putin vẫn cố ý tạo mơ hồ, theo các chuyên gia được France 24 phỏng vấn. Jeff Hawn tin rằng mục đích đầu tiên vẫn là “hù dọa các nhà lãnh đạo phương Tây và cổ vũ các ý kiến của những người muốn ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraina”. Bằng cách càng mơ hồ càng tốt, tổng thống Nga cho phép mỗi người giải thích những lời đe dọa của ông tùy theo mối lo sợ của chính họ, đặc biệt là nỗi sợ hãi của dư luận phương Tây.
Thực ra với Nga, việc lựa chọn các quốc gia để cung cấp vũ khí còn hạn chế. Joseph Moses giải thích, những lời đe dọa của Vladimir Putin “ có thể có nghĩa là Matxcơva sẵn sàng gửi thêm vũ khí tới Belarus (đồng minh chính của Nga ở châu Âu), hoặc tới một số quốc gia châu Phi gần đây đã quay lưng với Tây Âu hoặc Hoa Kỳ”. Chuyên gia này nhắc lại, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa kết thúc chuyến công du châu Phi, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm Burkina Faso và lần đầu tiên tới Cộng hòa Tchad. Những chuyến thăm như vậy có thể báo trước sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn.
Joseph Moses bảo đảm rằng “ có thể nhất là người ta sẽ thấy gia tăng cung cấp vũ khí cho các nước Trung Phi”. Nga và Cộng hòa Dân chủ Congo đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự vào tháng 3. Các chuyên gia được phỏng vấn thừa nhận rằng khu vực này không phải là nơi đóng những cơ sở chiến lược nhất của các nước phương Tây, nhưng trong bối cảnh khu vực bất ổn, dòng vũ khí mới của Nga tràn vào có thể là một yếu tố gây bất ổn thêm.
Cung cấp vũ khí, nhưng cho ai ?
Veronika Poniscjakova, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế và chiến tranh ở Ukraina thuộc Đại học Portsmouth, cho rằng “Iran và Triều Tiên là những quốc gia khác mà Nga có thể cung cấp thêm thiết bị quân sự”. Càng không chắc chắn Nga có thể cung cấp thêm vũ khí cho các đồng minh của mình ở Mỹ Latinh, như Venezuela và Cuba, mà không hề hấn gì.
Sau khi nhận vũ khí, các quốc gia đó sẽ phải đồng ý tấn công “các lợi ích chiến lược” của phương Tây. Không có gì bảo đảm việc này. Belarus là trường hợp điển hình về một “đồng minh” không muốn mạo hiểm đi quá xa trên con đường gây chiến với phương Tây. Chuyên gia Jeff Hawn khẳng định: “Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko không bỏ lỡ cơ hội ủng hộ Nga trong lời nói của mình, nhưng về hành động, ông ấy cố gắng không để bị cuốn vào cuộc chiến ở Ukraina”. Chuyên gia này thêm rằng Venezuela và Cuba vẫn ngầm “thừa nhận Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là cường quốc thống trị trong khu vực”.
Chưa hết, Nga cũng khó có khả năng cung cấp vũ khí tràn ngập thế giới để xuất khẩu cuộc chiến Ukraina sang các vùng trời khác. Joseph Moses thừa nhận đúng là Nga “ có dự trữ tên lửa đạn đạo, drone hay đơn giản là đạn pháo”. Nhưng Veronika Poniscjakova cho rằng, “với nhu cầu của Nga ở Ukraina, họ chắc chắn sẽ không gửi vũ khí ‘tốt’ của mình sang các nước khác”..
Do đó, nguy cơ “rất thấp khi việc chuyển giao vũ khí của Nga có thể gây ra mối nguy hiểm đáng kể cho lợi ích chiến lược của Mỹ hoặc phương Tây”, Joseph Moses khẳng định. Đặc biệt là vì hầu hết các địa điểm phương Tây đều “được bảo vệ tốt trước cả những loại vũ khí hiện đại nhất”, Jeff Hawn lưu ý.
Chiến dịch truyền thông
Do đó, những lời đe dọa của Nga dựa trên quan điểm ăn miếng trả miếng “về cơ bản là vô nghĩa”, Veronika Poniscjakova quả quyết. Đối với các chuyên gia được France 24 phỏng vấn, “trên hết đây là chiến dịch tuyên truyền cho sức mạnh Nga”. Veronika Poniscjakova cho biết: “Sau những tuyên bố của Mỹ và Đức liên quan đến việc sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, Vladimir Putin cảm thấy buộc phải phản ứng”.
Các cuộc tập trận hải quân sắp tới ở Caribe là một ví dụ điển hình về việc tuyên truyền chiến tranh «theo kiểu Matxcơva”. Việc này sẽ gây nhiều ồn ào không đáng có. Jeff Hawn nhận định : “Sẽ rất ngạc nhiên nếu xét đến hiện trạng của hạm đội Nga nếu có hơn ba hoặc bốn tàu được gửi đến vùng biển Caribe”.
Hơn nữa, đây không phải là điều chưa từng có. Nga đã tham gia các cuộc tập trận hải quân ở Caribe vào năm 2008. Và gần đây hơn, hạm đội Nga “đã tiến hành tập luyện với Iran và Trung Quốc (trong Vịnh Oman)”, Veronika Poniscjakova nhắc lại.
Trên thực tế, những lần ra khơi như thế này là những cơ hội để Matxcơvao “cố gắng thuyết phục các đồng minh của mình rằng bất chấp hai năm chiến tranh ở Ukraina, Nga vẫn có khả năng triển khai sức mạnh quân sự của mình ở khắp mọi nơi trên thế giới”, chuyên gia Veronika Poniscjakova kết luận.