Xuân Tắm Hồ Sen, Hạ Tắm Ao.

Chuly sưu tầm

Xuân Tắm Hồ Sen, Hạ Tắm Ao.
Written by Lê Bình/Calitoday

Mùa Thu đang qua và sắp tàn, mùa Đông đang đến cho nên vì vậy mà khí hậu trở lạnh nhiều.

Lá ngoài vườn đã rụng gần hết, hồ nuôi cá muốn đóng tuyết, những con cá vàng được chuyển vào trong nhà….Ông Mười nhìn góc vườn nhà ông rồi thở ra. Mùa lạnh nào cũng vậy, cứ đến mùa Thu sang Đông là cơ thể của ông rêm rêm nhức mỏi…mấy người bạn khuyên ông “Những người bị đau, nhức mỏi không nên ăn măng tre, cà tím, rau muống, rau nhút, đậu bắp….” Ông Mười cứ cười hoài. Ông nói “Mấy ông nầy ở Mỹ rồi mà còn thuốc Nam với Đông Y….cứ như còn ở Việt Nam hổng bằng.”. Ông Tư thợ tiện còn đốc vô “Người tỳ vị hàn hoặc đang dưỡng bệnh không nên dùng măng tre vì nó khó tiêu; còn người bị bệnh sốt rét ăn măng tre dễ bị tái phát. Ngoài ra, không nên dùng măng tre đã phơi khô lâu ngày hoặc măng ngâm chua, đóng hộp…“. Ông Mười đưa hai tay lên trời, la chói lói “Thiệt tình mấy ông chơi ác. Cũng một vừa hai phải thôi chớ. Biết tui khoái ăn măng các ông chơi tui mà.”

Mấy người bạn cười. “Nói thiệt chớ hổng phải nói chơi.”

Bữa nay Thu tàn Đông đến, bà nhà ông Mười làm nồi thịt kho măng. Ôi! Nó ngon dàn trời mây…Ông Mười nói vậy. Măng kho thịt, mà kho cho đúng độ đó nha…ăn măng ngon hơn ăn thịt bà con ơi. Ông Mười nói thiệt. Và ai cũng phải công nhận măng kho thịt rất ngon. Những cục thịt đùi xắt vuông hơi to một chút, kho với những miếng măng vàng nghệ. Cục thịt thấm măng, măng thấm mỡ, nước thịt sóng sánh màu nâu nâu củ ấu…Những miếng măng nhai kêu sần sật, miếng thịt vừa béo vừa bùi thơm mùi măng tre. Nước thịt kho chan với cơm ăn quên no.

“Mấy ông mà nói vậy thì tui mất miếng ngon rồi. Sống bao lăm hơi nữa mà cử với kiêng hả mấy ông? Mấy ông hổng nghe cụ Trạng nói à?

“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Mùa Thu mà ăn măng trúc, măng le…chà! chà!.

Ông Mười chặt lưỡi, liếm mép thèm thuồng. Ông Tư thợ tiện cười cái miệng toang hoát, cười thoải mái:

– Nói thì nói vậy chớ…anh Mười ăn nhiêu thì cứ việc ăn. Chỉ có cái là…anh ăn được nhiêu đó mà ham!

Ông Tư an ủi anh chủ nhà. Ông nói theo sách vở thì măng cũng có công dụng ăn nên thuốc. Ông kể sơ sơ như vầy:

Chữa mụn nhọt, đầu đinh: 20 g măng tre mới nhú, 10 g bồ công anh , 5g gừng , tất cả xắt nhỏ, phơi khô, sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống một lần trong ngày.

Chữa sốt cao: 30 g măng tre mới mọc chừng 10-20 cm đã lột bỏ lớp mo nang, rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ, ép cùng với gừng tươi 10 g, lấy nước uống làm một lần. Ngày uống hai lần.

Chữa ho: 20 g măng tre , 20 g me chua đất hoa vàng , 10 g rễ dâu (chỉ lấy phần vỏ trắng ở trong, tẩm mật, sao vàng), 8g gừng. Tất cả giã nát, thêm ít đường hoặc mật ong, hấp cơm 10-15 phút. Lấy ra, để nguội, uống.

Chữa hen suyễn, thấp khớp: 40 g măng tre giã nát, ép lấy nước. Ốc sên (còn có tên là ốc ma, loại ốc to, có vỏ dày bóng, màu vàng nâu đen, miệng không có vảy, thường phá hoại cây cỏ, rau), lấy 2 con, đập bỏ vỏ ruột, chỉ lấy phần thịt xát với muối và phèn chua, rửa sạch cho hết nhớt, nướng vàng, xắt nhỏ, rồi nấu lấy nước đặc. Trộn hai nước 1 thuốc, uống làm 1-2 lần trong ngày. Dùng trong thời gian dài.

Theo y học cổ truyền, măng tre (tre gai và tre mỡ) vị ngọt, hơi đắng, tính mát bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, giải khát, tiêu đờm, nhuận táo, chống co thắt. (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Ở Việt Nam mình, người nhà quê đâu có sẵn thuốc Tây, thuốc Tàu; đâu có nhà thương, trạm y tế…nên ông bà mình dùng thực phẩm, cây cỏ…làm thuốc. Ở Việt Nam có khoảng gần một trăm loại tre trúc nứa khác nhau, và bao nhiêu loại thì cũng có bấy nhiêu măng. Ở rừng có măng giang, lồ ô, nứa…, đồng bằng có măng tre, măng le, mạnh tông… Măng là một loại rau có thể ăn tươi, làm dưa chua, hoặc phơi khô để dành dùng quanh năm.

Măng có thể xem là loại rau dễ hòa hợp được với nhiều loại thực phẩm khác, những loại có mùi tanh hoặc nồng như cá, vịt, hoặc chim chóc rừng rú như cò hay ếch nhái…đều có thể nấu với măng và ăn ngon. Thử nấu với một vài mụt măng non tươi xắt mỏng với vài ba con cá, kêu bằng nấu ngót…thử coi…bắt nồi canh xuống, rắc tiêu, thêm hành ngò…mùi thơm điếc mũi, ăn sạch rồi trôi rế hổng hay.

Tuy nhiên, mùi của măng rất mạnh nên nấu với măng có thể làm mất mùi những loại thực phẩm nấu chung, cho nên món ăn có măng thường ít khi nhận ra các mùi thực phẩm khác.

Chiều đã xuống thật thấp, mới hơn 5 giờ mà trời đã chập choạng đi vào tối. Ánh đèn trong căn nhà mát trống trải sơ sài ngập gió, cái máy sưởi chạy bằng gaz tỏa hơi ấm khắp phòng. Bữa ăn tối sau ngày lễ tạ ơn vẫn còn rộn ràng lắm.
Ông Mười gật gù ngâm nga:

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”

Những ông bạn quanh bàn cùng cười ngất:

-Ao đâu mà tắm cha?
-Hổng có ao thì mình tắm hồ…
-Cũng chẳng có ao, hồ hay sen, súng gì ráo. Đừng có mơ ngủ ông thần nước mặn.
-Có ai đóng thuế đâu mà sợ chớ! Mấy người ở đây thường bị cao máu, dư mỡ…rồi bịnh tật lu bù…ăn sung mặc sướng mà sao bịnh rề rề hoài vậy?

Ông Mười ngưng một chút, rồi tiếp. Có phải tại dzì cái tinh thần nó bì nó quyện, nó u ám…cho nên con người ta dễ sanh bịnh, dễ bị…cái mà người ta gọi là “xì trết” đó. Ứ! Trầm cảm, “đì-pờ-rết”. Các ông hổng biết sao? Theo một nghiên cứu mới đây thì sự giàu sang, danh vọng và nhan sắc có thể chỉ đem lại lo âu hơn là hạnh phúc. Cái nầy hổng phải là tui nói đâu nha.

-Ông hổng nói thì rượu nói.

-Phá hoài. Thiệt mà, các nhà tâm lý học thuộc Đai học Rochester đã phân tích các kết quả trên 147 sinh viên mới tốt nghiệp trong một thời gian là hai năm vể các thành tựu và mức độ hạnh phúc của họ…thì mục đích của con người có thể chia làm hai loại: hướng ngoại–extrinsic-(nhằm vào sự giàu sang, danh vọng, hình thức bên ngoài) và hướng nội–intrinsic-(tỉ như các mối tình cảm tốt đẹp, sức khoẻ và sự phát triển bản thân) Kết quả cho thấy, thực hiện được các mục đích hướng nội sẽ đem lại nhiểu tự tin hơn, và hạnh phúc hơn. Nhưng đạt được các mục đích hướng ngoại (giàu sang và danh vọng) chỉ mang lại những lo âu và làm mất hạnh phúc.

Thựa tế cho thấy, con người càng đạt đựợc nhiểu mục tiêu hướng ngoại bao nhiêu thì lại càng giống như một con chốt trên bàn cờ, dường như họ phải chạy tới không ngừng, giống như một người chạy theo đà kéo của máy chạy bộ (treadmill) và họ thật sự không làm chủ đươc mình Giáo sư Edward Deci, một thành viên của nhóm nghiên cứu nói: ” Những người này bỏ lỡ nhiều điều quan trong”.

Bảng kết quả nghiên cứu cho thấy ít ra trong nhóm các sinh viên tốt nghiệp trẻ tuổi nói trên, những ai chú tâm vào một mục tiêu thì đểu có thể đạt tới được. Theo các kết quả nghiên cứu trước đây thì khi đạt được muc tiêu người ta sẽ hạnh phúc hơn, và do đó các sinh viên này sẽ mỗi ngày phải được hạnh phúc hơn? Nhưng nghiên cứu này lại chứng tỏ thêm một điều là lựa chọn cho đúng loại mục tiêu mới là quan hệ (having the right kind of goals is what matters). Ông Leaf Van Boven, một nhà tâm lý học thuộc Đại học Colorado nói ”Trên căn bản đó là kết quả vững chắc và quan trong đem lại do sự hiểu biết về mối liên hệ giữa các muc tiêu của đời sống và hạnh phúc‘ (Theo Happiness Has Nothing to Do with Wealth- LiveScience-06/02/2009)

Ông Mười ngó hết bạn bè và cười:

-Thấy chưa? Cụ Trạng nhà mình đã phán chắc như Sấm….là

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao”

Mọi người cười sảng khoái…rồi một ông khề khà.

-Nhưng phải đợi khi về hưu, vô quốc tịch, lãnh tiền già…nhà cửa nợ nần phải trả hết rồi mới….nhìn xem phú quí tựa chiêm bao được cha nội.

-Nói vậy thì nói làm chi. Chán các ông quá đi. Thôi dzô một cái cho ngọt coi. Mấy cha cứ vậy hoài cho nên lúc nào cũng khổ, cũng than dư mỡ, cao máu, high cholesterol.

Mệt!

Bài Liên Quan

Leave a Comment