Ngoại trưởng Mỹ: ‘Chúng tôi rất tôn trọng nhân dân Việt Nam và chủ quyền của quý vị’

Ngoại trưởng Mỹ: ‘Chúng tôi rất tôn trọng nhân dân Việt Nam và chủ quyền của quý vị’

30/10/2020


\"Ngoại
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Hà Nội, ngày 30/10/2020.

Hôm 30/10, tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông bày tỏ lòng tôn trọng đối với nhân dân và chủ quyền của Việt Nam, cũng như mong muốn thiết lập mối quan hệ tốt hơn với Hà Nội để đảm bảo an ninh cho khu vực.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói:

“Chúng tôi rất tôn trọng nhân dân Việt Nam và chủ quyền của đất nước quý vị.”

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc cùng nhau để xây dựng mối quan hệ của chúng ta và làm cho khu vực — khắp Đông Nam Á, Châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương — an toàn, hòa bình và thịnh vượng,” ông nói thêm.

Trước đó, Thủ tướng Phúc nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam “là những người bạn tốt của nhau,” “tin cậy và cùng phát triển vì hòa bình khu vực và thế giới.”

\"Ngoại
Ngoại trưởng Mike Pompeo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 30/10/2020.

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ dù không đề cập đến Trung Quốc trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhưng theo giới quan sát, rõ ràng ông Pompeo muốn chuyển tải thông điệp ngăn chặn sự bá quyền của Bắc Kinh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nêu nhận định với VOA:

“Điều này thể hiện rất rõ là chính sách của nước Mỹ là ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền của mình trước những đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là thông điệp rõ nhất.”

Tiến sĩ Hà Hoàng HợpNhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, cho biết thêm:

“Ngày 23/7/2020, có loạt tuyên bố rất rõ về quan điểm của Chính phủ Mỹ về Biển Đông, trong đó ủng hộ chủ quyền về quyền thềm lục địa của các nước trên Biển Đông. Hoa Kỳ có quan điểm nhất quán đề Biển Đông. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng công nhận chủ quyền này. Đó không phải là chủ quyền về đảo – vì hiện nay còn tranh chấp, mà là chủ quyền về tài nguyên, quyền đi lại gắn với thềm lục địa, và điều này phù hợp với luật pháp quốc tế.”

\"Ngoại
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Hà Nội, ngày 30/10/2020.

Trang The Hindu hôm 30/10 viết rằng trong các phát biểu ngắn mà các phóng viên nghe được, cả ông Mike Pompeo và ông Phúc đều không nhắc đến tên Trung Quốc, “nhưng việc ông Pompeo sử dụng từ “chủ quyền” đã trở thành quy tắc ám chỉ sự phản đối sự xâm lấn của Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Á.”

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện ISEAS–Yusof Ishak Singapore, viết trên trang The Diplomat hôm 29/10 rằng chặng dừng chân vào phút chót của ông Mike Pompeo tới Hà Nội được thiết kế để “củng cố những lợi ích chiến lược gần đây khi cả hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam đều nhận thấy một Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn.”

Trước đó, trong chuyến công du châu Á, Ngoại trưởng Pompeo, đã kêu gọi các nước Đông Nam Á đứng lên chống lại sự bắt nạt của Bắc Kinh và đánh giá lại các giao dịch kinh doanh với các công ty nhà nước của Trung Quốc.

Tại Sri Lanka hôm 28/10, ông Pompeo nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hoạt động như một “kẻ săn mồi”. Ở Ấn Độ một ngày trước đó, ông đã kêu gọi hợp tác để đối đầu với cái mà ông gọi là các mối đe dọa của Trung Quốc đối với an ninh và tự do trong khu vực.

Từ trước đến nay Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ nên dừng các cáo buộc và tấn công vô cớ.

Trong một tuyên bố đưa ra khi ông Pompeo đến Việt Nam hôm 29/10, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ ủng hộ một Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao gồm cả Biển Đông.

Tuyên bố viết: “Chúng tôi tôn trọng các quyền và lợi ích của Việt Nam, đồng thời tìm cách gìn giữ hòa bình và duy trì tự do trên biển theo cách thức phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment