Hong Kong kết án người đầu tiên theo luật an ninh quốc gia

Hong Kong kết án người đầu tiên theo luật an ninh quốc gia

July 27, 2021

\"\"

Người đầu tiên bị cáo buộc theo luật an ninh quốc gia gây tranh cãi của Hong Kong vừa bị kết tội trong một phán quyết mang tính cột mốc hôm thứ Ba.

Tong Ying-kit bị kết tội xúi giục ly khai và khủng bố, sau khi đi xe máy lao vào cảnh sát và vẫy cờ kêu gọi “tự do” cho Hong Kong.

Hơn 100 người đã bị bắt giữ kể từ khi luật có hiệu lực vào năm 2019.

Luật này giảm bớt quyền tự trị của Hong Kong và khiến việc trừng phạt các nhà hoạt động trở nên dễ dàng hơn.

Bắc Kinh nói rằng luật này, vốn bị chỉ trích rộng rãi và có hiệu lực sau một loạt các cuộc biểu tình đòi dân chủ rộng khắp hồi năm 2019, là cần thiết để đem lại sự ổn định cho thành phố.

Phán quyết ra hôm thứ Ba, đỉnh điểm của phiên xử kéo dài 15 ngày, đồng nghĩa với việc Tong có thể phải đối diện án tù chung thân. Mức án sẽ được đưa ra vào cuối ngày hôm nay.

Tong bị kết án tại phiên xử không có bồi thẩm đoàn, khác với truyền thống xét xử của Hong Kong.

Nhóm luật sư biện hộ đòi có bồi thẩm đoàn, nhưng Bộ trưởng Tư pháp Hong Kong nói rằng các bồi thầm có thể bị đe dọa an toàn, xét trong bối cảnh bầu không khí chính trị nhạy cảm của thành phố.

“Tự do cho Hong Kong”

Người đàn ông 24 tuổi bị bắt hồi tháng Bảy năm ngoái sau khi lao xe máy vào một nhóm các nhân viên cảnh sát đang đứng trên đường phố. Khi đó, anh ta mang một lá cờ biểu tình màu đen, trên đó in dòng chữ “tự do cho Hong Kong, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta”.

Trong lúc kết án, thẩm phán Toh nói rằng dòng chữ trên cờ là nhằm xúi giục người khác ly khai, tờ báo địa phương HKFP tường thuật.

Thẩm phán Toh nói thêm rằng Tong hiểu rõ nội dung ly khai trên lá cờ, theo đó ám chỉ việc tách Hong Kong khỏi Trung Hoa lục địa.

Các thẩm phán cũng xác định rằng việc bị cáo không dừng lại tại vạch kiểm soát của cảnh sát, và cuối cùng đã đâm lao vào các nhân viên cảnh sát, là cố tình thách thức cảnh sát, các tường thuật ngữ địa phương nói.

“Bị cáo đã thực hiện những hành vi này với ý đồ nhằm hăm dọa công chúng để theo đuổi mục tiêu chính trị của mình,” thẩm phán Toh được dẫn lời nói.

Phóng viên BBC Grace Tsoi, người có mặt trong tòa án khi tòa đọc phán quyết, nói rằng có hàng chục phóng viên và người dân có mặt trong căn phòng nhỏ của tòa.

Trong phòng, bầu không khí “hoàn toàn lặng ngắt” khi phán quyết được đọc cho Tong, người tỏ ra rất bình tĩnh và đã vẫy tay về phía các ủng hộ viên trước khi bị đưa ra khỏi vành móng ngựa, phóng viên chúng tôi nói thêm.

Phán quyết đã thiết lập nên tiền lệ cho việc diễn giải các trường hợp bị quy tội theo luật này ra sao trong tương lai.

“Việc kết tội Tong Ying-kit là một thời khắc quan trọng và là điềm gở cho nhân quyền tại Hong Kong,” giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (International Amnesty), Yamini Mishra nói trong một thông cáo.

“Phán quyết ngày hôm nay cho thấy một thực tế khiến người ta thất kinh, đó là việc bày tỏ những quan điểm chính trị nhất định tại thành phố này nay chính thức đã trở thành một dạng tội phạm, mà có khả năng sẽ bị trừng phạt với mức án tù chung thân.”

Vì sao luật an ninh quốc gia gây tranh cãi?

Là cựu thuộc địa của Anh Quốc, Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc hồi năm 1997 theo nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”.

Nguyên tắc này nhằm đảm bảo vùng lãnh thổ này được duy trì một số quyền tự do nhất định, trong đó có quyền tự do hội họp và tự do biểu đạt, quyền có hệ thống tư pháp độc lập, và một số quyền dân chủ khác, điều mà Trung Hoa lục địa không có.

Các quyền tự do này đã được trịnh trọng quy định trong tiểu hiến pháp của Hong Kong – Đạo luật Căn bản, lẽ ra có hiệu lực cho tới năm 2047.

Nhưng hồi tháng Sáu năm ngoái, Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia, là luật mà các luật sư và chuyên gia pháp lý nói sẽ làm thay đổi căn bản hệ thống pháp lý ở vùng lãnh thổ này.

Ví dụ như theo luật an ninh quốc gia, các phiên tòa có thể được xử kín (Điều 41) và không cần có bồi thẩm đoàn (Điều 46). Các thẩm phán có thể được trưởng quan hành chính Hong Kong trực tiếp lựa chọn (Điều 44), mà vị quan chức này là người trực tiếp nhận chỉ đạo từ Bắc Kinh.

Kể từ khi luật có hiệu lực, đã có hơn 100 người, bao gồm người biểu tình, các chính trị gia thiên dân chủ, các phóng viên, đã bị bắt giữ theo các điều khoản của luật.

Theo BBC

Bài Liên Quan

Leave a Comment