Xử các vụ khủng bố năm 2015 ở Paris: Bắt đầu phiên tòa \”lịch sử\”

Xử các vụ khủng bố năm 2015 ở Paris: Bắt đầu phiên tòa \”lịch sử\”

Đăng ngày: 08/09/2021 – 12:01

\"Cung
Cung Công lý Paris trước khi bắt đầu phiên tòa xử về các vụ khủng bố ở Paris năm 2015. Paris, Pháp, ngày 08/09/2021. REUTERS – GONZALO FUENTES

Thu Hằng

Sáu năm sau loạt khủng bố gần như cùng lúc tại sân vận động Stade de France, nhiều quán cà phê và nhà hát Bataclan ở Paris, phiên tòa « lịch sử » mở ra lúc 12 giờ 30 ngày 08/09/2021 tại Cung Công lý Paris. Tại tòa, Salah Abdeslam, thành viên sống sót duy nhất của nhóm khủng bố, tự nhận là « chiến binh của (tổ chức) Nhà Nước Hồi Giáo » và khẳng định « không có vì thánh nào ngoài đấng tối cao và Mohamed là sứ giả ».

Tòa Đại hình đặc biệt sẽ xét xử tổng cộng 20 bị cáo, bị tình nghi có liên quan ở các cấp độ khác nhau vào quá trình chuẩn bị loạt tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Pháp ngày 13/11/2015 khiến 130 chết và 350 người bị thương.

Phiên xử dự trù kéo dài đến chín tháng (08/09/2021 – 25/05/2022). Hai ngày đầu của phiên tòa chủ yếu dành để gọi tên bên dân sự. Trả lời đài RTL sáng 08/09, cựu chưởng lý Paris François Molins kỳ vọng vào một phiên tòa giúp « các gia đình nạn nhân hiểu được chuyện gì đã xảy ra ». Còn luật sư Clémence Witt của một gia đình nạn nhân Tây Ban Nha cho RFI biết những trông đợi của các nạn nhân :

« Đối với các nạn nhân, phiên tòa như là một phương tiện chống lại sự quên lãng và tham gia vào công việc tưởng nhớ cá nhân và tập thể. Đồng thời, luật pháp ở đây là để thi hành công lý, chứ không phải là để viết lịch sử. Và đây là lý do, theo tôi, không được lệch theo hướng đây là một phiên tòa lịch sử.

Cần phải có một phiên tòa cho phép có được sự cân bằng giữa những trông đợi của các nạn nhân, quyền của những bị cáo và lợi ích của xã hội. Cần phải có một phiên tòa xứng đáng, giúp đưa ra sự thật. Đối với các nạn nhân, phiên tòa phải là một cách để hàn gắn, một phương tiện chống sự quên lãng. Nhưng đồng thời phiên tòa này không phải là để viết nên lịch sử ».

Cung Công lý trên đảo Cité ở Paris được bảo vệ nghiêm ngặt trong bối cảnh « có khả năng xảy ra nhiều nguy cơ quanh phiên tòa này », theo phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal trên đài truyền hình France 2.

Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérald Darmanin yêu cầu các giới chức phụ trách an ninh « tập trung cảnh giác cấp độ cao », đặc biệt quanh những khu vực được cho là nhạy cảm trên toàn nước Pháp trong suốt phiên xử loạt khủng bố 13/11, như các địa điểm tôn giáo, trường học, các cuộc tập hợp đông người… để tránh lặp lại sự kiện một nhà giáo bị thánh chiến sát hại năm 2020 khi tòa đang xét xử vụ khủng bố tòa báo trào phúng Charlies Hebdo.

Khủng bố Paris : Ngày « thứ Sáu 13 » đẫm máu

Loạt khủng bố tối 13/11/2015 đã xảy ra tại Paris và vùng ngoại ô Saint-Denis là sự kiện đẫm máu nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước Pháp.

Ba kẻ khủng bố tự sát đã kích nổ bên ngoài sân vận động Stade de France khi đang diễn ra trận đấu hữu nghị giữa hai đội tuyển Pháp và Đức. Sau đó ba quân thánh chiến vũ trang hùng hậu xả súng vào 6 quán cà phê, nhà hàng ở quận 10 và 11 Paris, trong đó một tên kích hoạt đai chất nổ. Cùng lúc đó, một toán ba tên khủng bố xâm nhập vào nhà hát Bataclan, nổ súng vào đám đông khán giả đang nghe nhạc.

Thủ đô nước Pháp bị tấn công tại 8 địa điểm khác nhau trong vòng khoảng 30 phút, 130 người đã thiệt mạng – riêng tại Bataclan là 90 người – và khoảng 350 người bị thương. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhận là thủ phạm các vụ khủng bố kinh hoàng nhất từ trước đến nay tại Pháp. Đầu sỏ của nhóm thánh chiến là Adbelhamid Abaaoud từ Bỉ sang, bị cảnh sát bắn chết nhiều ngày sau đó khi đang ẩn núp trong một căn hộ ở Saint-Denis, chỉ có một kẻ khủng bố sống sót là Salah Abdeslam.

Tâm trạng khủng hoảng bao trùm lên thủ đô Paris và toàn nước Pháp. Nếu sau vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, đông đảo dân chúng đổ ra đường tham gia cuộc biểu tình lịch sử hàng triệu người tại Paris chống khủng bố, thì lần này, chính phủ kêu gọi người dân nên ở trong nhà.

Ông Hugo Micheron, tác giả một cuốn sách về thánh chiến ở Pháp, tham dự phiên tòa với tư cách chuyên gia, nhận xét về bối cảnh lúc đó :

« Các vụ khủng bố ngày 13/11/2015 diễn ra trong lúc thánh chiến thế giới đang lên cao, cuộc khủng hoảng Syrie là biến thái của Mùa Xuân Ả Rập, trở thành một cuộc nội chiến tàn bạo từ 2011 và nhất là 2012.

Kể từ 2013 các nhóm thánh chiến trở nên lấn át trong phe nổi dậy Syria, trong đó có nhóm sẽ trở thành Daech, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Daech nhanh chóng lập ra một « vương quốc Hồi giá »o, thu hút hàng ngàn người từ châu Âu – khoảng 6.000 trong lúc cao điểm 2015.

Và khi đã đạt đỉnh điểm hàng ngàn người, tổ chức này tìm cách khủng bố các nước châu Âu, chủ yếu là Pháp. Như vậy các vụ tấn công ngày 13/11/2015 là hoàn hảo, theo nghĩa từ 09/11/2001 chỉ có vài vụ khủng bố lớn đánh vào phương Tây, nhưng hầu hết các âm mưu đều bị đập tan ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment