HRW và gia đình Châu Văn Khảm kêu gọi tự do cho công dân Úc sau 3 năm bị giam giữ ở Việt Nam

HRW và gia đình Châu Văn Khảm kêu gọi tự do cho công dân Úc sau 3 năm bị giam giữ ở Việt Nam

31/01/2022


\"\"/

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch và gia đình ông Châu Văn Khảm kêu gọi trả tự do cho công dân Úc hiện đang thụ án tù ở Việt Nam trong 3 năm qua với cáo buộc “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Ông Khảm, một thợ làm bánh 72 tuổi ở Sydney, bị chính quyền Việt Nam kết án 12 năm tù vào tháng 11/2019 sau khi bị cáo buộc đã gây quỹ cho các hoạt động nhằm “chống phá nhà nước,” tham gia vào các cuộc biểu tình chống Việt Nam ở Úc và tuyển mộ thành viên cho Đảng Việt Tân, một tổ chức vì dân chủ có trụ sở ở Mỹ nhưng bị Hà Nội dán mác “khủng bố.” Công dân Úc gốc Việt bị bắt giữ khi tới Việt Nam vào tháng 1/2019 và bị kết án sau đó 10 tháng.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/1, giám đốc quốc gia Australia của HRW Elaine Pearson kêu gọi chính phủ Úc thúc giục cho việc thả tự do cho ông Khảm.

“Tháng này đánh dấu 3 năm ngày công dân Úc Châu Văn Khảm bị giam giữ tuỳ tiện ở Việt Nam,” bà Pearson nói khi đề cập đến việc giam giữ ông Khảm ở Việt Nam và cho biết vợ ông, bà Châu Quỳnh Trang, đã không được nói chuyện với chồng mình trong 3 năm qua.

“Bản án khắc nghiệt đối với ông Châu (Văn Khảm) về tội khủng bố là một sự bóp méo về công lý,” bà Pearson nói trong tuyên bố. “Chính phủ Việt Nam nên ân xá cho ông Châu để ông trở về với gia đình ở Úc.”

HRW và các tổ chức nhân quyền quốc tế khác như Amnesty International đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự thiếu công bằng và quy trình xét xử ông Khảm khi bị kết tội khủng bố trong một phiên toà kéo dài 4 tiếng rưỡi ngày 11/11/2019.

Tuy nhiên, ngay sau đó, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nói rằng phiên toà xét xử ông Khảm và hai người nữa cũng thuộc Đảng Việt Tân “đã diễn ra công khai, minh bạch, theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật Việt Nam, bảo đảm đầy đủ các quyền của các bị cáo.”

Lý giải cho việc xét xử ông Khảm tội “khủng bố” chống lại nhà nước Việt Nam, phó phát ngôn viên của BNG nói rằng Việt Tân “là tổ chức khủng bố, đã nhiều lần đưa người và vũ khí xâm nhập Việt Nam với mục đích phá hoại, gây bạo động, kích động hận thù dân tộc và gây bất ổ xã hội.”

Ông Khảm từng nhập ngũ và tham gia lực lượng Việt Nam Cộng hoà. Sau năm 1975, ông vượt biên sang trại tị nạn ở Malaysia trước khi sang định cư tại Úc năm 1983. Ông Khảm bị bắt khi vào Việt Nam từ Campuchia qua cửa khẩu Hà Tiên ở Kiên Giang. Công an Việt Nam cho rằng ông nhập cảnh vào Việt Nam một cách phi pháp để “huấn luyện” cho các thành viên của Việt Tân mà trước đó thuộc Hội Anh em Dân chủ.

Giám đốc quốc gia Australia của tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Mỹ cho biết HRW lo ngại về việc điều trị y tế không đầy đủ đối với ông Khảm và rằng ông đã không được gặp mặt đại diện lãnh sự Úc ở TPHCM kể từ tháng 4/2021.

“Chính phủ Úc cần ưu tiên trường hợp của ông (Khảm) trong các cuộc thương lượng với Việt Nam và mạnh mẽ thúc ép cho việc trả tự do cho ông ấy,” bà Pearson nói.

Nhân dịp 3 năm kể từ khi ông Khảm bị giam giữ ở Việt Nam, bà Trang cũng đưa ra một tuyên bố, trong đó nói gia đình bà lo sợ rằng họ có thể không bao giờ được gặp mặt ông Khảm nữa và kêu gọi chính phủ Úc can thiệp.

“Bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ từ gia đình chúng tôi, cộng đồng người Việt ở Úc, và các tổ chức trong và ngoài nước Úc nhằm cứu anh (Khảm) trong hơn 3 năm qua nhưng chồng tôi vẫn bị tù đày,” bà Trang viết trong bức thư được giáo đốc quốc gia Australia của HRW công bố hôm 23/1.

Tháng 12 năm ngoái, cộng đồng người Việt ở Sydney đã dựng một bảng hiệu lớn ở đây để kêu gọi chính phủ nước này gây áp lực hơn nữa nhằm buộc chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Khảm. Trước đó trong tháng, HRW cũng thúc giục chính phủ Úc gây sức ép với Việt Nam tại đối thoại nhân quyền thường niên giữa hai nước để phóng thích ông Khảm.

Chính phủ Việt Nam đã thả tự do cho nhiều tù nhân chính trị để ra nước ngoài sống lưu vong sau các sức ép từ các chính phủ phương Tây. Những người được thả tự do sau các cuộc thương lượng như vậy gồm có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay blogger Mẹ Nấm, và Nguyễn Văn Hải, hay blogger Điếu Cày, đều hiện đang sống lưu vong tại Mỹ; Luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện sống ở Đức, hay Đặng Xuân Diệu, hiện sống ở Pháp.

Bà Pearson cho rằng nếu các chính phủ như Mỹ, Pháp và Đức “có thể thuyết phục Việt Nam thả trước thời hạn các tù nhân chính trị, thì tại sao chính phủ Úc không thể thành công trong việc thương lượng việc trả tự do cho công dân Úc Châu Văn Khảm?”

Theo bà Trang, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã thảo luận trường hợp của chồng bà với chính phủ Việt Nam vào tháng 4/2021 và đã tổ chức một buổi gặp mặt giữa đại diện lãnh sự với ông Khảm. Tuy nhiên bà Trang cũng cho biết rằng kể từ đó bà không được biết đến bất kỳ một hành động nào nữa của chính phủ Úc nhằm “cứu” chồng bà khỏi nhà tù Việt Nam.

Thống kê của HRW tính tới tháng 12 năm ngoái cho thấy có ít nhất 146 người đang bị giam giữ sau song sắt ở Việt Nam vì thực thi các quyền cơ bản của họ. Tuy nhiên, Việt Nam luôn phủ nhận việc giam giữ các tù nhân lương tâm và nói rằng chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.

Bài Liên Quan

Leave a Comment