Giàn khoan, chiến hạm, Đảo Rắn: Ukraina phản công Nga trên Biển Đen

Đăng ngày: 27/06/2022

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: Tổ hợp tên lửa di động của Hải Quân Đan Mạch có khả năng bắn tên lửa Harpoon để phòng thủ bờ biển. © Marinens Biblioteks Arkiv via Wikipedia

Trọng Nghĩa

Trong tuần qua, vùng Biển Đen nằm sát Ukraina đột nhiên dậy sóng với liên tiếp nhiều vụ tấn công nhắm vào các mục tiêu Nga được chính phía Ukraina loan báo, từ các cơ sở quân sự trên Đảo Rắn ngày 21/06/2022, cho đến một số giàn khoan ngoài khơi bán đảo Crimée trước đó một hôm. Theo giới quan sát, các diễn biến vừa kể nêu bật mong muốn của Kiev trong việc nới lỏng gọng kìm của Matxcơva trên các cảng Ukraina. 

Trong một bài phân tích về giá trị chiến lược, quân sự và kinh tế của Biển Đen hôm 23/06/2022, nhật báo Pháp Le Monde ghi nhận một thực tế là kể từ khi bắt đầu cuộc chiến do Vladimir Putin khởi xướng vào hạ tuần tháng Hai, quyền tiếp cận vùng biển phía nam Ukraina đã trở thành một vấn đề chiến lược đối với cả Kiev lẫn Matxcơva.  

Chính bằng đường biển mà Nga đã cố gắng nhưng hoài công tìm cách xâm lược vùng tây nam Ukraina trong những tuần lễ đầu tiên của cuộc chiến, và không ngần ngại cho Hạm Đội Hắc Hải của họ phong tỏa Biển Đen. Trong lúc đó thì cũng bằng đường biển, Ukraina hy vọng xuất khẩu được hàng triệu tấn ngũ cốc đang nằm trong các kho chứa, điều cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Các chiến dịch quân sự của Ukraina

Trong những ngày gần đây, Ukraina đã gia tăng tấn công vào các mục tiêu Nga trên Biển Đen, cho thấy quyết tâm của Kiev trong ý định phá vỡ vòng phong tỏa mà Matxcơva đang áp đặt trong khu vực.  

Đáng chú ý nhất trong tình hình chiến sự ở Biển Đen được giới quan sát ghi nhận là những cuộc tấn công đầu tiên của lực lượng Ukraina vào ba giàn khoan khí đốt của Nga nằm ngoài khơi Crimée hôm 20/06, làm một giàn khoan bốc cháy và khiến cho nhiều người mất tích hay bị thương. 

Chính quyền Nga đã lập tức tố cáo Ukraina tấn công vào các cơ sở dân sự, điều đã bị phía Ukraina bác bỏ, nhấn mạnh đến việc Matxcơva đã biến các giàn khoan đó thành cơ sở quân sự khi lắp đặt trên đó các hệ thống tác chiến điện tử để cản trở hoạt động của các máy bay không người lái Ukraina trên vùng Vịnh Odessa. 

Vào ngày 20/06, Ukraina cũng đã bắn vào Đảo Rắn bị quân đội Nga chiếm đóng kể từ ngày 24/02. Theo Matxcơva, 15 máy bay không người lái của Ukraina, cũng như các hệ thống pháo binh và pháo phản lực, đã tham gia cuộc tấn công này và Nga đã đẩy lùi nhờ giàn phòng không của họ trên đảo, điều không thể kiểm chứng.  

Radar do Matxcơva  lắp đặt cũng đã phát hiện trong cùng khu vực một máy bay không người lái quan sát RQ-4 Global Hawk của Mỹ, một dấu hiệu cho thấy Washington có thể đã can dự vào cuộc tấn công. 

Trước đó, hôm 17/06, lực lượng Kiev đã vô hiệu hóa một tàu Nga bị tình nghi cung cấp nhân sự và vật liệu cho Đảo Rắn, nơi mà hai bên tham chiến đang tranh giành. Bị Nga chiếm đóng ngay khi bắt đầu cuộc chiến, hòn đảo chỉ rộng khoảng 20 ha này nằm cách bờ biển Ukraina khoảng 30 km và kiểm soát đường ra vào các vịnh của sông Danube và Odessa, một chốt mang tính chiến lược đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa. 

Theo những hình ảnh do một máy bay không người lái quay được và phát trên mạng xã hội, tàu kéo của Nga Vasyl-Bekh (1.600 tấn), mà lực lượng Ukraina nghi là  mang theo hệ thống phòng không TOR, đã bị trúng hai tên lửa phóng đi từ bờ biển. Đây là cuộc tấn công thứ hai do Kiev thực hiện từ một khẩu đội ven biển, sau cuộc tấn công vào tuần dương hạm Moskva (12.500 tấn), soái hạm của hạm đội Nga ở Biển Đen, bị tên lửa Ukraina đánh chìm hôm 13/04.. 

Nêu bật sự cần thiết của vũ khí phương Tây

Chiến sự gia tăng trên Biển Đen, sau vài tuần tương đối bình lặng, phản ánh mong muốn của Ukraina là nới lỏng gọng kìm của Nga xung quanh các cảng của họ, chủ yếu là cảng Odessa, trong bối cảnh các cuộc đàm phán đã bắt đầu với Nga về việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraina có dấu hiệu không tiến triển. 

Trong những ngày gần đây, Ukraina được cho là đã triển khai một số khẩu đội pháo ven biển ở Vịnh Odessa, được trang bị tên lửa Harpoon của Mỹ do Đan Mạch cung cấp, hiệu quả hơn loại Neptune sản xuất trong nước. Tên lửa có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 300 km và rất khó đối phó, nhờ được gắn ra đa kèm theo. 

Joseph Henrotin, nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Phân Tích và Dự báo Rủi ro Quốc tế, cho rằng: “Với những hệ thống này, Ukraina có thể thực hiện ngăn chặn hải quân/ trên biển – interdiction navale, tức là ngăn chặn tàu Nga tiếp cận bờ biển của mình, ngay cả khi nước này không còn lực lượng hải quân”.  

Trong một thông cáo ngày 21/06, bộ Quốc phòng Anh cũng ghi nhận : \”Khả năng phòng thủ bờ biển của Ukraina đã vô hiệu hóa phần lớn khả năng Nga nắm quyền kiểm soát hàng hải và điều lực lượng của họ vào vùng biển tây bắc Biển Đen\”. 

Theo đài truyền hình Pháp France24, chuyên gia Mỹ Jeff Hawn phụ trách các vấn đề quân sự của Nga và là cộng tác viên của Viện New Lines, một trung tâm nghiên cứu địa chính trị của Mỹ, đã cho rằng các cuộc tấn công liên tiếp của Ukraina vào những mục tiêu Nga ngoài khơi Biển Đen còn nhằm chứng minh cho các nước phương Tây thấy rằng vũ khí giao cho họ đã được sử dụng tốt.  

Sim Tack, một chuyên gia phân tích khác làm việc cho hãng theo dõi các cuộc xung đột Force Analysis, cũng lập luận: \”Các kết quả mà phía Ukraina muốn khoe trong cuộc tấn công mới nhất của họ (vào Đảo Rắn) không phải là thiệt hại gây ra cho các mục tiêu bị bắn trúng, mà là tính chất quá dễ dàng của chiến dịch\”. 

Và điều đó có lẽ sẽ không thể xảy ra nếu không có thiết bị của phương Tây, vì Ukraina trong chiến dịch đó lần đầu tiên đã sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ vừa được chuyển giao cho nước này.

Khó nới lỏng được gọng kìm của Nga

Liệu Ukraina có thể nới lỏng gọng kìm của Nga xung quanh các cảng của họ, chủ yếu là cảng Odessa? Đối với giới quan sát, trước mắt khó có thể tưởng tượng ra việc các tàu thương mại ra vào cảng Odessa mà không được Nga cho phép.  

Trên báo Le Monde, một nguồn tin quân sự phương Tây xác nhận “không chủ tàu nào dám mạo hiểm như vậy”, nếu không được Matxcơva bật đèn xanh. Vào thời điểm hiện nay, quốc tế không thể lên kế hoạch thành lập một đoàn tàu chở ngũ cốc Ukraina, nếu không có thỏa thuận ngoại giao trước. 

Theo nguồn tin nói trên : “Nếu Nga quyết định không cho tàu đi qua thì nguy cơ xảy ra xung đột rất cao. Một thực tế nghiêm trọng trong bối cảnh không có tàu chiến phương Tây ở Biển Đen, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles khi chiến tranh Ukraina vừa nổ ra.

Bài Liên Quan

Leave a Comment