Ông Vương Nghị thăm Đông Nam Á, ‘tái khẳng định vị thế\’ trước thách thức từ Mỹ

  • Lâm Lê
  • BBC News Tiếng Việt

7 tháng 7 2022

\"Vương
Chụp lại hình ảnh,Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm 5 nước Đông Nam Á để tham dự cuộc họp Hợp tác Lan Thương-Mekong và Hội nghị thượng đỉnh các Ngoại trưởng G20

Chuyến công du 5 nước Đông Nam Á của Ngoại trưởng Vương Nghị được coi là cơ hội để Trung Quốc tái khẳng định vị thế của mình trong khu vực trước những \’lo lắng\’ về thách thức gần đây từ Hoa Kỳ.

Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến công du năm quốc gia Đông Nam Á từ ngày 3 – 14/7.

Điểm dừng chân đầu tiên là Myanmar, nơi ông tham dự cuộc họp cấp ngoại trưởng lần thứ 7 về cơ chế Hợp tác Lan Thương – Mekong. Đây cũng là lần đầu tiên một quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đến Myanmar, kể từ sau cuộc chính biến tại đất nước Đông Nam Á này hồi tháng 2/2021.

Sau đó, theo lịch trình, Ngoại trưởng Vương Nghị thăm Thái Lan 2 ngày trước khi đi Philippines và Malaysia.

Từ hợp tác Lan Thương-Mekong đến \’Vành đai, Con đường\’

Hợp tác Lan Thương – Mekong (LMC) là cuộc họp thường niên với sự tham dự của ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia, được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 11/2015.

Ngày 5/7, trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc tường thuật ngắn gọn nội dung cuộc họp LMC lần thứ 7, theo đó Ngoại trưởng Vương Nghị đánh giá LMC là một \”ví dụ vàng về hợp tác khu vực\”.

Sáu quốc gia dọc theo sông Lan Thương – Mekong sẽ tiếp tục duy trì khái niệm Lan Thương – Mekong về \”phát triển trên hết, bình đẳng, thiết thực và hiệu quả, cởi mở và hòa nhập\”, nội dung tường thuật có đoạn.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho rằng các nội dung của cuộc họp lần này \”thể hiện tinh thần, chiến lược của Trung Quốc là thắt chặt, làm rõ hơn kế hoạch lớn là \’Vành đai, Con đường\’ mà chính Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã thừa nhận vấn đề này\”.

\”Cụ thể nhất ở đây là Trung Quốc sẽ phải cố gắng làm sao để khoét sâu ảnh hưởng của mình tại khu vực này, đặc biệt là thông qua dự án \’Vành đai, Con đường\’,\” TS Nguyễn Tăng Nghị nói.

Phát biểu về chuyến đi lần này của ông Vương Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh hy vọng thúc đẩy liên lạc chiến lược, \”nỗ lực vì hợp tác sáng kiến \’Vành đai, Con đường\’ chất lượng cao, thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như duy trì hòa bình và yên ổn\”.

\"TS
Chụp lại hình ảnh,TS Nguyễn Tăng Nghị nhận bằng tiến sĩ Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc

Qua theo dõi thông tin trong nước Trung Quốc, TS Nguyễn Tăng Nghị cho biết ông chưa thấy có một báo cáo nào về việc Trung Quốc sẽ tiếp tục rót tiền vào dự án hợp tác Lan Thương – Mekong.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh sẽ có những viện trợ tài chính hoặc vaccine cho các nước ở hạ nguồn sông Mekong trong chuyến đi này của Ngoại trưởng Vương Nghị.

\”Đó cũng là một kế hoạch làm mềm hóa hình ảnh của Trung Quốc tại khu vực này và cải thiện mối quan hệ với khu vực này, khi mà những nước như Indonesia, Malaysia, Philippines có dấu hiệu, động thái thắt chặt quan hệ với Mỹ,\” TS Nguyễn Tăng Nghị đánh giá.

\”Chuyến thăm này cũng là một phần để Trung Quốc giải tỏa, đưa ra thông điệp và tìm kiếm cơ hội để rót tiền tiếp tục xây dựng chiến lược \’Vành đai, Con đường\’, cũng như ảnh hưởng của mình tại khu vực này.\”

\’Tái khẳng định vị thế của Trung Quốc\’

Theo lịch trình, sau khi tham dự cuộc họp LMC, ngoại trưởng Vương Nghị có chuyến thăm Thái Lan hai ngày.

Hai nước sắp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong năm nay. Do đó, chuyến thăm này được đánh giá nhằm mục đích tăng cường quan hệ Thái Lan – Trung Quốc.

Ngày 5/7/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai tại Bangkok.

Ông Vương mô tả mối quan hệ hai nước \”Trung Quốc và Thái Lan thân thiết như một gia đình\”, theo trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Hai nước thỏa thuận sớm thông tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào – Thái Lan, nhằm thông suốt luồng hàng hóa thuận lợi, thúc đẩy kinh tế, thương mại với dịch vụ hậu cần tốt hơn, thúc đẩy tăng trưởng các ngành có nền kinh tế và thương mại phát triển mạnh mẽ.

Ngày 6/7, ông Vương đã có mặt ở Manila để thăm chính thức Philippines.

Tại cuộc gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines, bà Clarita Carlos, Ngoại trưởng Vương Nghị đánh giá quan hệ hai nước đang bước sang \”thời kỳ hoàng kim mới\”.

Giới phân tích cho rằng ông Vương có thể sẽ gặp tân Ngoại trưởng Enrique Manalo, người được cho là có quan điểm ôn hòa, ủng hộ cách tiếp cận cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc.

Điểm đáng chú ý trong chuyến đi đến Philippines, ông Vương là quan chức cao cấp thứ hai của Trung Quốc đến thăm quốc gia này chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr hôm 30/6.

Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông đã dâng cao trong năm cuối nhiệm kỳ nắm quyền của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte.

Vì vậy, chuyến thăm Philippines của ngoại trưởng Trung Quốc được xem là cơ hội xoa dịu căng thẳng và củng cố quan hệ hai nước dưới thời kỳ mới của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

Không chỉ với Thái Lan và Philippines, giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng gay gắt.

\"Ngoại
Chụp lại hình ảnh,Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước cuộc họp bên lề Thượng đỉnh G20 tại Rome, Ý vào ngày 31/10/2021

Trước chuyến công du tới Đông Nam Á của ông Vương, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nói rằng các quốc gia ASEAN là \”đối tác quan trọng chia sẻ lợi ích chung rộng lớn và tìm kiếm sự phát triển chung\” với Trung Quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị đánh giá: \”Chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Vương Nghị là một phần trong chiến lược tái khẳng định, cũng như là tranh giành vị thế, ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực với Mỹ, nơi TQ luôn xem ASEAN như \’sân sau\’ của mình.\”

Trung Quốc \’lo lắng\’ thách thức từ Mỹ

Tháng 5/2022, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ – ASEAN được tổ chức tại Washington DC từ ngày 12-13.

Tại hội nghị, các lãnh đạo Hoa Kỳ và ASEAN đã ra một tuyên bố chung, cam kết nâng quan hệ giữa hai bên từ \”đối tác chiến lược\” lên \”đối tác chiến lược toàn diện\” vào tháng 11 tới.

Tổng thống Biden đánh giá cao quan hệ đối tác Mỹ – ASEAN và tuyên bố: \”Chúng ta sẽ khởi động một thời kỳ mới cho quan hệ Mỹ – ASEAN\”.

Trước khi thượng đỉnh Mỹ – ASEAN diễn ra, ngày 11/5, Hoàn Cầu Thời báo có bài viết chỉ trích Mỹ là \”tác nhân gây xáo trộn lớn nhất cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc – ASEAN\”.

Từ việc chính quyền Obama xoay trục sang châu Á, cho đến \”Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương\” của chính quyền Biden, rõ ràng là Mỹ vận động hành lang xung quanh ASEAN và cố gắng đưa khối này vào liên minh chống Trung Quốc của mình, vẫn theo bài báo.

\"Tổng
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN, từ ngày 12-13/5/2022

Ngày 25/5, một ngày sau cuộc họp của Bộ Tứ (QUAD) – gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ tại thủ đô Tokyo, các nhà lãnh đạo bốn nước đã đề ra khung hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trước đây, kết quả các cuộc họp của QUAD mới chỉ dừng lại ở các cam kết. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa chương trình hành động lần này của Bộ Tứ, theo Tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị, cũng làm cho \”Trung Quốc rất bất an\”.

\”Tức là thông qua hợp tác về kinh tế làm cho mối quan hệ của bốn nước thắt chặt hơn, khiến cho Trung Quốc cũng lo lắng,\” ông Nghị phân tích.

Về phía mình, Bắc Kinh luôn cho rằng QUAD được thành lập chỉ nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc.

Ông Nghị cũng chỉ ra những hoạt động khác gần đây của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương khiến Trung Quốc \”lo lắng\” về hình ảnh, vị thế và ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Cụ thể, ngày 28/6, sau khi kết thúc Hội nghị G7 tại Đức, nhóm này đã đưa ra thông cáo chung lên án hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thông cáo nói: \”Chúng tôi vẫn quan tâm nghiêm túc đến tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.\”

\”Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc làm gia tăng căng thẳng.\”

\”Chúng tôi nhấn mạnh rằng không có cơ sở pháp lý nào cho các tuyên bố chủ quyền trên biển ngày càng lan rộng của Trung Quốc tại Biển Đông. Về vấn đề này, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ đầy đủ phán quyết của trọng tài ngày 12 tháng 7 năm 2016 và tôn trọng các quyền và tự do hàng hải được ghi trong UNCLOS.\”

\”Chúng tôi nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải duy trì nguyên tắc của Hiến chương LHQ về giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh đe dọa, ép buộc, hoặc sử dụng vũ lực.\”

Đáng chú ý, G7 đã cam kết huy động 600 tỷ USD từ quỹ công và tư trong 5 năm để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, cạnh tranh với dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Mới đây nhất là cuộc tập trận Hải quân RIMPAC (Vành đai Thái Bình Dương) diễn ra tại quần đảo Hawai (Hoa Kỳ) và khu vực phía nam California từ ngày 29/06 đến ngày 04/08 với sự tham gia diễn tập của 26 quốc gia, trong đó có cả 5 nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines và Singapore.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gần đây giữa phương Tây với Trung Quốc và Nga cũng khiến chính quyền Bắc Kinh \”lo lắng\”.

\”Chính vì vậy, chuyến thăm Đông Nam Á lần này cũng một phần là để tìm kiếm tiếng nói của Trung Quốc, khi mà họ lo lắng rằng họ đã bị Mỹ và các nước đồng minh cũng như đối tác của Mỹ thách thức,\” TS Nguyễn Tăng Nghị kết luận.

Bài Liên Quan

Leave a Comment