Chiến tranh Ukraina: Vì sao quân Nga cố chiếm thị trấn Soledar với ‘‘bất cứ giá nào’’?

Đăng ngày: 11/01/2023

\"\"
\"\"
Tại một đoạn hầm của mỏ muối ở Solodar, tỉnh Donetsk, dưới độ sâu 300 mét. Ảnh chụp một buổi biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng Donetsk Philharmonic năm 2007. ASSOCIATED PRESS – Anonymous

Trọng Thành

Từ nhiều ngày nay, quân đội Nga mở nhiều cuộc tấn công dữ dội nhắm vào thị trấn nhỏ Soledar, thuộc tỉnh Donetsk, miền đông Ukraina. Hôm nay, 11/01/2022, chỉ huy lực lượng Wagner Nga thông báo đã chiếm được thị trấn Soledar, Kiev ngay lập tức bác bỏ. Vì sao thị trấn, với chỉ 10.000 dân trước chiến tranh này, lại là mục tiêu quân sự quan trọng của quân Nga ?

Bàn đạp bao vây thị xã chiến lược Bakhmut

Đài France 24, hôm 10/01/2023, có bài tổng hợp một số lý do chính cho thấy ý nghĩa chiến lược của thị trấn Soledar đối với Nga. Điểm đầu tiên được các chuyên gia nhấn mạnh là vị trí chiến lược của Soledar cho phép làm bàn đạp tấn công các thành phố lớn của Ukraina thuộc tỉnh miền đông Donetsk. Nhà phân tích quân sự Sim Tack, thuộc Stratfor, công ty chuyên về tình báo địa chính trị, có trụ sở tại Mỹ, nhận định: ‘‘Tại miền đông Ukraina, tỉnh Luhansk đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga, nhưng tại tỉnh Donetsk, các thành phố lớn như Sloviansk và Kramatorsk (thuộc miền tây tỉnh Donetsk) hiện vẫn thuộc về Ukraina’’. Tình báo Anh cũng xác nhận việc chiếm được Soledar cho phép khép chặt vòng vây đối với thị xã chiến lược Bakhmut từ phía bắc, cắt một phần Bakhmut ra khỏi hậu phương Ukraina.

Donetsk là một trong bốn tỉnh của Ukraina, mà điện Kremlin tuyên bố sát nhập kể từ tháng 9/2022, sau các cuộc trưng cầu dân ý bị chính quyền Kiev và các đồng minh lên án. Đối với Matxcơva, việc kiểm soát Soledar trước hết cho phép củng cố được các vị trí của các lực lượng Nga xung quanh thị xã Bakhmut, cách Soledar khoảng 20 km về phía nam, nơi quân Nga đang cố chiếm lấy từ nhiều tháng nay.

Trên truyền hình Nga hôm qua, ngày 10/01, chỉ huy lực lượng ly khai thân Nga tỉnh Donetsk, Denis Pouchiline, khẳng định việc kiểm soát Soledar sẽ tạo ra được ‘‘viễn cảnh thuận lợi’’ để kiểm soát được Bakhmut, cũng như giúp cho việc tấn công chiếm lĩnh thị trấn Siversk, nằm chếch về phía bắc, cách Soledar khoảng 30 km, nơi quân Nga đã mở nhiều đợt tấn công từ tháng 7/2022 nhưng không thành công.

Hệ thống đường hầm 200 cây số

Soledar vừa có vị trí chiến lược về mặt địa lý và giao thông, nhưng cũng là đầu mối của một hệ thống đường hầm rộng lớn sâu trong lòng đất. Đây là ý nghĩa chiến lược quan trọng thứ hai của thị trấn nhỏ này. Truyền thông Hoa Kỳ dẫn lại nhận định bộ Quốc Phòng Anh đưa ra hôm qua, 10/01, cho hay mục tiêu của quân Nga là xâm nhập được vào ‘‘hệ thống đường hầm bỏ hoang của một mỏ muối, với chiều dài tổng cộng 200 km’’.

Hệ thống đường hầm 200 km này trải rộng khắp khu vực Bakhmut, cho phép bảo vệ an toàn cho nhiều đơn vị và thiết bị quân sự. Không chỉ là nơi ẩn náu của binh sĩ và phương tiện, hệ thống đường hầm trong các mỏ muối ở Soledar còn ‘‘cho phép luồn qua các chiến tuyến của đối phương’’, và có thể được sử dụng để tấn công tập hậu quân địch, theo tình báo Anh.

Trữ lượng khoáng sản lớn

Thị trấn Soledar còn có thêm một ý nghĩa chiến lược khác với phía Nga, theo viện tư vấn Mỹ Institute for the Study of War (ISW), có trụ sở tại Washington. Lực lượng tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào Soledar không phải là quân đội chính quy Nga, mà là các nhóm vũ trang thuộc công ty lính đánh thuê Wagner, Evgueni Prigojine. Theo ISW, cũng như hãng tin Anh Reuters, dẫn lại một nguồn tin từ Nhà Trắng, mục tiêu hàng đầu của ông chủ Wagner khi cố chiếm lĩnh khu vực xung quanh thị xã Bakhmut là nhằm kiểm soát được nhiều khoáng sản rất lớn ở đây. 

Thạch cao, đất sét, đá phấn, và đặc biệt muối, là các khoáng sản chính của Soledar. Trữ lượng muối ở đây được đánh giá đủ khai thác trong 2.000 năm. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ (ISW), đây có thể là lý do hàng đầu giải thích cho quyết tâm kiểm soát khu vực này bất chấp các nỗ lực kéo dài, cái giá phải trả là rất lớn.

Lợi ích tuyên truyền

Một động cơ quan trọng khác khiến Nga kiên quyết chiếm được thị trấn Soledar là về mặt truyền thông. Theo chuyên gia quân sự Sim Tack, Nga chắc chắn sẽ phô trương việc chiếm được Soledar như một ‘‘chiến thắng lớn’’. Kể từ tháng 9 đến nay, quân đội Nga liên tục gánh chịu nhiều thất bại lớn. Phải rút gần như hoàn toàn khỏi tỉnh Kharkiv ở đông bắc hồi tháng 9 và hồi tháng 11, phải rút khỏi Kherson, thủ phủ tỉnh Kherson, ở miền nam, tỉnh lỵ duy nhất mà Nga chiếm được của Ukraina kể từ đầu chiến tranh. Hiện tại, theo chuyên gia Sim Tack, Matxcơva ‘‘đang bị sa lầy trong một cuộc chiến dằng dai trên bộ, trong bối cảnh mùa đông bất lợi’’. Việc giành được thị trấn Soledar sẽ có ý nghĩa lớn với Nga cho việc tuyên truyền.

Đối với quân đội Ukraina thì sao ? Cuộc kháng cự tại thị trấn Soledar có thể là một cơ hội cho phép Ukraina kìm chân và tiêu hao binh lực của đối phương, buộc đối phương tung ra các lực lượng tinh nhuệ bậc nhất. Đài France 24 dẫn lại phát biểu của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, tối ngày 09/01: ‘‘Nhờ sự kháng cự của các binh sĩ của của chúng ta ở đó, ở Soledar, chúng ta đã có thêm được thời gian, và bảo tồn được các lực lượng của Ukraina’’.

Soledar, nơi kìm chân và tiêu hao quân Nga

Thông báo của lãnh đạo Ukraina được đưa ra đúng vào lúc lực lượng Wagner đang cố đẩy bật quân đội Ukraina khỏi Soledar. Tổn thất về phía Ukraina cũng rất lớn. Theo nguyên thủ Ukraina, ‘‘tất cả mọi thứ ở đây đều hoàn toàn bị phá hủy’’. Tuy nhiên, kẻ địch đã phải trả giá đắt : ‘‘Toàn bộ Soledar, tràn ngập xác quân thù, và khắp nơi là dấu vết bom đạn\’\’. Theo chuyên gia Sim Tack, kiểu tấn công mà quân Nga tiến hành nhắm vào Soledar tương tự với cuộc tấn công vào thị xã Popasna, tỉnh Luhansk, mà phía Nga kiểm soát được vào tháng 5 năm ngoái. Chiến dịch này đã khiến Nga phải trả giá đắt. Chuyên gia Sim Tack nhấn mạnh là các phương tiện được huy động tham chiến gần như ‘‘bị phá hủy hoàn toàn’’.

Nếu Soledar thất thủ thì sao ? Đài Pháp France Info, dẫn lại thông tin từ bộ Quốc Phòng Anh, theo đó, ngay cả trong trường hợp Soledar thất thủ, các hệ quả với thị xã chiến lược Bakhmut là hoàn toàn không có gì là chắc chắn trong tương lai gần. Theo bộ Quốc Phòng Anh, Bakhmut vẫn còn có thể trông cậy vào ‘‘nhiều tuyến phòng thủ sâu và ổn định’’ và các lực lượng Ukraina vẫn còn ‘‘kiểm soát được một số tuyến giao thông huyết mạch’’.

Kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraina, ngày 24/02/2022, quân đội hùng mạnh của điện Kremlin đã phải gánh chịu hàng loạt tổn thất trước sự kháng cự của quân Ukrainan, với sự hậu thuẫn về phương tiện quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu. Tại nhiều nơi, đặc biệt là tỉnh Donetsk, cuộc đọ sức quy mô đã biến thành một cuộc chiến tiêu hao, với tổn thất ngày càng chồng chất với quân đội Nga.

Trận chiến tại Soledar và Bakhmut, tỉnh Donetsk đang diễn ra là một trong các ví dụ tiêu biểu. Đài Europe 1 hôm qua dẫn lại chính phát biểu của ông chủ Wagner, Evguéni Prigojine, trên Telegram. Evgueni Prigojine thừa nhận, ‘‘cần phải nói thành thực là quân đội Ulkraina đã chiến đấu anh dũng’’.

Bài Liên Quan

Leave a Comment