Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Nhật Bản được cải tổ để đối phó với Trung Quốc

Đăng ngày: 11/01/2023

\"\"
\"\"
Sân bay trong căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ Futenma tại Okinawa (Nhật Bản). Ảnh tư liệu chụp ngày 24/03/2018. REUTERS – ISSEI KATO

Minh Anh

Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và Nhật gặp nhau hôm nay, 11/01/2023 tại Washington, Mỹ, để thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác an ninh, quốc phòng. Trong khuôn khổ cuộc họp « 2+2 » này, hai bên thống nhất điều chỉnh quan điểm phòng thủ chung mà không làm tăng sự hiện diện quân số Mỹ trên đảo Okinawa.

Theo AP, nhiều thỏa thuận mới sẽ được ký kết trước khi diễn ra cuộc gặp giữa thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào thứ Sáu 13/01.  

Theo chuẩn tướng Pat Ryder, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, « Trung Quốc sẽ là một trong số các chủ đề thảo luận với đồng minh Nhật Bản trong các cuộc họp tham vấn tuần này » nhưng ông từ chối cung cấp chi tiết về thỏa thuận mới.  

Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ tiết lộ Trung đoàn thủy quân lục chiến 12, hiện đang trú đóng tại căn cứ quân sự Okinawa, Nhật Bản, sẽ được chuyển đổi thành một đơn vị nhỏ hơn – Trung đoàn Duyên hải số 12, với 2000 binh sĩ, bao gồm một đơn vị chiến đấu được trang bị tên lửa chống hạm, một tiểu đoàn hậu cần và một tiểu đoàn phòng không. 

Đây là trung đoàn duyên hải thứ hai của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trước đó, Hoa Kỳ đã có một trung đoàn tương tự ở Hawai. Theo dự kiến, một trung đoàn thứ ba sẽ được thành lập, có thể là ở đảo Guam. 

Hãng tin Anh Reuters còn cho biết thêm là Hoa Kỳ cũng sẽ triển khai một đại đội riêng gồm khoảng 300 binh sĩ và 13 tầu chiến vào mùa xuân này giúp vận chuyển quân và thiết bị của Mỹ và Nhật Bản cho phép phân tán lực lượng nhanh chóng. 

Theo tướng David Berger, tư lệnh Thủy quân lục chiến, sự thay đổi quy mô các đơn vị này nhằm tăng cường khả năng tác chiến và chiến đấu tốt hơn tại những khu vực đang có tranh chấp, nhất là trong phạm vi tấn công của kẻ thù. Đây là một yếu tố quan trọng tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, khu vực mà hàng nghìn lính Mỹ và đồng minh dễ dàng nằm trong tầm bắn tên lửa của cả Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. 

Luân Đôn và Tokyo ký kết « thỏa thuận tiếp cận hỗ tương » 

Cũng trong lĩnh vực quốc phòng, thủ tướng Anh Rishi Sunak và đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay, 11/01/2023, đã ký kết « thỏa thuận tiếp cận hỗ tương » cho phép quân đội mỗi nước được phép triển khai trên lãnh thổ đối tác.  

AFP dẫn thông cáo phủ thủ tướng Anh khẳng định, đây là kết quả sau « nhiều năm đàm phán ». Thỏa thuận này xác nhận « cam kết của Anh Quốc trong việc bảo đảm an ninh vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương ». Với văn bản này, Vương Quốc Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên đúc kết một thỏa thuận như thế với Nhật Bản nhờ vào một hiệp ước quốc phòng, hiệp ước quan trọng nhất được ký kết giữa hai nước từ năm 1902, hình thành một liên minh Anh – Nhật để chống Nga. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment