Bắc Kinh chủ yếu phản ứng trước các vấn đề kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc bằng ngôn ngữ đầy tham vọng nhưng ít có giải pháp cụ thể.
Một người đàn ông làm việc tại công trường xây dựng một tòa nhà cao ốc ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 29/11/2016. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)
Milton Ezrati
Thứ ba, 16/4/2024
Sau tất cả những phiên họp, các bài diễn văn, và những lời lẽ lạc quan, giới lãnh đạo quốc gia này đã cung cấp rất ít giải pháp thực chất để giải quyết những thách thức kinh tế đa dạng và nghiêm trọng của Trung Quốc — một cuộc khủng hoảng địa ốc lan rộng, thiếu hụt xuất cảng, thất nghiệp ở thanh niên, mức độ tin cậy của người tiêu dùng sụt giảm, và thái độ miễn cưỡng đầu tư vào tương lai của các doanh nghiệp tư nhân.
Chính sách cụ thể mà Bắc Kinh đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng địa ốc chỉ có thể được mô tả là “vụn vặt.” Trong nhiều năm, chính quyền này đã bỏ qua hậu quả kinh tế và tài chính của cuộc khủng hoảng địa ốc, và khi cuối cùng có hành động, thì họ chỉ đưa ra hai cử chỉ nhỏ.
Một là lời hứa của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) về việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn mức hiện có. Điều kỳ lạ là ngay sau khi đưa ra lời hứa này tại kỳ họp lưỡng hội của ĐCSTQ, ngân hàng này, tại cuộc họp của chính họ, đã quyết định giữ lãi suất ổn định. Ngay cả khi tiến hành các đợt cắt giảm lãi suất trong những tháng tới, vẫn có nhiều lý do để nghi ngờ tính hiệu quả của biện pháp này.
Rốt cuộc, PBOC đã cắt giảm lãi suất năm lần trong 24 tháng qua, nhưng thị trường địa ốc vẫn tiếp tục suy giảm. Đáng chú ý, trong hai tháng đầu năm nay, doanh số bán nhà ở đã giảm 33% so với mức một năm trước và số lượng xây dựng mới giảm 30% so với mức của năm trước. Dựa trên hồ sơ như vậy, chỉ có lý khi đặt câu hỏi rằng liệu chính sách này có đáp ứng được tính bức thiết của vấn đề hay không.
Gần đây hơn, Bắc Kinh đã phát động một chương trình gọi là “danh sách trắng.” Chương trình này có nhiệm vụ ổn định thị trường địa ốc bằng cách yêu cầu chính quyền địa phương xác định các dự án phát triển địa ốc không thành công cần tài trợ để các ngân hàng quốc doanh cung cấp vốn sau khi họ xem xét đề nghị. Về nguyên tắc, đó không phải là một ý tưởng tồi. Biện pháp này có triển vọng hứa hẹn hơn là các đợt cắt giảm lãi suất nhỏ lẻ thêm nữa từ phía PBOC. Sẽ hiệu quả hơn nếu Bắc Kinh khai triển một chương trình như vậy cách đây hai năm, khi cuộc khủng hoảng lần đầu tiên xuất hiện, và chưa có thời gian làm suy yếu niềm tin vào tương lai của việc đầu tư vào địa ốc và các giao dịch tài chính nói chung. Biện pháp này vẫn có thể hữu ích nếu không được tiến hành ở quy mô nhỏ như vậy. Khoản tiền tương đương 17 tỷ USD dành cho “danh sách trắng” cho đến nay chỉ chiếm hơn 5% so với tổng số 300 tỷ USD nợ mà Evergrande đã công bố vào năm 2021 rằng họ không có khả năng chi trả, chứ chưa nói đến những vụ phá sản tiếp sau đó.
Ngoài những cử chỉ nhỏ này, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã chuyển sự chú ý của họ ra khỏi vấn đề địa ốc, ít nhất là nếu như những bình luận tại kỳ họp lưỡng hội là bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy điều đó. Đây là một điều đáng tiếc vì vấn đề địa ốc của quốc gia này là gốc rễ của những thách thức kinh tế nghiêm trọng khác. Những thất bại trong phát triển địa ốc không chỉ hạn chế nguồn tài chính của Trung Quốc, làm giảm doanh số bán nhà và xây dựng mà còn khiến giá trị địa ốc giảm xuống. Vì địa ốc là tài sản chính của hầu hết người dân Trung Quốc, nên việc mất giá trị trong lĩnh vực này đã ảnh hưởng sâu sắc đến tài sản của các gia đình và là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất niềm tin của người tiêu dùng và thái độ miễn cưỡng chi tiêu, những điều đã gây ra lực cản lớn cho nền kinh tế chung.
Thay vì thừa nhận những loại tương tác kinh tế này và đề ra chính sách vượt ra ngoài những cử chỉ nhỏ nêu trên, Bắc Kinh đã quyết định là chỉ đơn giản thay đổi chủ đề. Bỏ qua cuộc khủng hoảng địa ốc và những vấn đề của các gia đình Trung Quốc, các nhà lãnh đạo tại kỳ họp lưỡng hội của ĐCSTQ đã nói về việc thúc đẩy sản xuất. Họ khẳng định, lĩnh vực này là nơi Trung Quốc sẽ thực hiện cái mà họ gọi là “một bước nhảy vọt mới” — với “việc hiện đại hóa hệ thống công nghiệp” thông qua “khoa học và giáo dục.” Các diễn giả đã nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo, xe cộ sử dụng năng lượng mới, năng lượng hydro, sản xuất sinh học, chuyến bay thương mại vào vũ trụ, những vật liệu mới, và thuốc cải tiến.
Không có gì sai khi chú ý đến hiện đại hóa, nhưng dù sao thì vẫn có những vấn đề. Thứ nhất, nguồn lực được phân bổ cho nỗ lực hùng hổ này là không đủ để tạo ra nhiều khác biệt. Bắc Kinh đã phân bổ 10.4 tỷ nhân dân tệ (1.5 tỷ USD) cho việc hiện đại hóa và đào tạo, một con số quá nhỏ so với một nền kinh tế trị giá 18 ngàn tỷ USD.
Hơn nữa, Bắc Kinh đã không đề ra đường hướng cụ thể nào về cách thức thúc đẩy sự thay đổi này. Điển hình là nhận xét của Thủ tướng Lý Cường. Theo bản dịch chính thức về bài nói chuyện của ông, Trung Quốc sẽ “thúc đẩy đổi mới công nghiệp bằng cách thực hiện những đổi mới về khoa học và công nghệ.” Nhận xét này là vô nghĩa. Nhận xét của ông Lý Cường thực ra chỉ nói lên rằng quốc gia này sẽ đổi mới bằng cách đổi mới. Đó không phải là một kế hoạch. Đó là một lập luận theo logic vòng tròn.
Sự nhấn mạnh mới này cũng không xuất hiện trong đề nghị chính sách lớn duy nhất của Bắc Kinh: chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, biện pháp kích thích mặc định của Trung Quốc trong nhiều thập niên nay. Kế hoạch này kêu gọi 3.9 ngàn tỷ nhân dân tệ (541 tỷ USD) trái phiếu có mục đích đặc biệt để chính quyền địa phương tài trợ cho các dự án và thêm 1 ngàn tỷ nhân dân tệ (138.9 tỷ USD) trái phiếu do chính quyền Bắc Kinh phát hành để tài trợ cho các dự án khác.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa tiết lộ chi tiết cụ thể về các dự án sẽ sử dụng số tiền này. Thực tế về việc nguồn tài chính sẽ đến từ “trái phiếu siêu dài hạn” cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách không mong đợi biện pháp này sớm có hiệu quả. Một số gợi ý về những dự án lớn với quy mô phát triển kiểu Đập Tam Hiệp đã lộ diện. Dự án đó bắt đầu từ những năm 1990 và mãi đến năm 2015 mới đi vào hoạt động.
Liệu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng có liên quan đến thúc đẩy đổi mới hay không, thì một câu hỏi vẫn còn đó, là tất cả những hoạt động sản xuất đổi mới này rồi sẽ đi về đâu. Vì Bắc Kinh dường như quyết tâm tránh né giải quyết vấn đề tài chính gia đình và chi tiêu hạn chế của người tiêu dùng, do vậy lối thoát khả thi duy nhất sẽ là xuất cảng. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang phải đối diện với những nỗ lực đáng kể từ các doanh nghiệp Mỹ, Âu Châu, và Nhật Bản nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ra ngoài Trung Quốc, cũng như thái độ ác cảm ngày càng tăng đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn, Brussels, và Tokyo.
Từ tất cả những câu hỏi và kết cục mơ hồ này, ĐCSTQ đã không suy nghĩ được thấu đáo về kế hoạch của họ, không nhận ra rằng các bộ phận của nền kinh tế là có liên kết với nhau và rằng ngay cả một quốc gia tập trung quyền lực như Trung Quốc cộng sản cũng không thể phát triển một lĩnh vực mà không tham chiếu đến những phần còn lại của nền kinh tế. Thất bại này gần như bảo đảm rằng các vấn đề kinh tế và tài chính của Trung Quốc sẽ còn tồn tại trong một thời gian.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times