Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi « giảm rủi ro » với Trung Quốc. Nhưng Pháp và Đức, hai đầu tầu của khối, đang hành động « cá lẻ » nâng tầm quan trọng của Bắc Kinh. Thủ tướng Đức Olaf Scholz dẫn đầu một phái đoàn doanh nhân hùng hậu công du Trung Quốc từ ngày 14-16/04/2024, chỉ ba tuần trước khi chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Pháp theo lời mời của tổng thống Emmanuel Macron vào đầu tháng 05.
Đăng ngày: 17/04/2024
Liên Hiệp Châu Âu nhất trí là cần đối thoại với Trung Quốc nhưng với tư cách « tập thể » để tạo đối trọng với cường quốc thứ hai, đang muốn vươn lên hàng thứ nhất thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc trở thành một trong những yếu tố chính tác động đến mối quan hệ Đức-Pháp, vốn bị mây đen bao phủ kể từ khi hai nhà lãnh đạo công khai bất đồng về hỗ trợ cho Ukraina.
Pháp, Đức « ăn mảnh » trong quan hệ với Trung Quốc
Ngay sau khi Nga phát động chiến tranh ở Ukraina, thủ tướng Olaf Scholz khẳng định trước Quốc Hội ngày 27/02/2022 rằng « chúng ta thay đổi thời đại ». Nhưng cuối cùng « thời đại » lại được chuyển từ phụ thuộc khí đốt của Nga sang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp. Các nhà công nghiệp Đức không có chung khái niệm về « rủi ro » mà Liên Hiệp Châu Âu nêu lên. Đối với họ, « rủi ro » chính, đó là chưa tập trung đủ vào nền kinh tế Trung Quốc.
Từ lâu, cường quốc thứ hai là nhà nhập khẩu lớn máy móc và sản phẩm công nghiệp của Đức nhưng hiện giờ Trung Quốc đã tự cung ứng trong rất nhiều lĩnh vực. Khoảng 5.000 doanh nghiệp Đức đang hoạt động ở Trung Quốc. Tập đoàn hóa chất BASF và nhà sản xuất ô tô BMW lần lượt thông báo đầu tư thêm 10 tỉ và 1,4 tỉ euro. Đức không thể cắt đứt với một trong những thị trường xuất khẩu chính của họ. Và thủ tướng Olaf Scholz không thể làm phật lòng Bắc Kinh vì dường như ông tiếp tục sách lược về kinh tế của người tiền nhiệm Angela Merkel.
Thủ tướng Đức kêu gọi Trung Quốc cạnh tranh « cởi mở và công bằng », nhưng theo nhận định của báo Le Monde ngày 17/04, có lẽ ông quên là Bắc Kinh chỉ biết dùng sức mạnh để chèn ép kẻ yếu. Ngành công nghiệp Trung Quốc được trợ cấp ồ ạt bởi vì ông Tập Cận Bình đặt cược để chinh phục những thị trường mới, bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế thỏa đáng trong bối cảnh nhu cầu trong nước chững lại.
Về phía Pháp, tổng thống Emmanuel Macron lại nhấn mạnh vào « mối quan hệ cá nhân thân mật » với nguyên thủ Trung Quốc. Điều này có thể thấy qua cuộc hội đàm hơn 7 tiếng với chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du Trung Quốc tháng 04/2023. Hai nhà lãnh đạo đề cập đến rất nhiều chủ đề từ biến đổi khí hậu, đa dạng sinh thái, giảm nợ cho các nước phương Nam và quy định về trí thông minh nhân tạo. Tổng thống Pháp có lẽ đã phần nào thuyết phục được đồng nhiệm Trung Quốc về chiến tranh Ukraina. Lần đầu tiên, ông Tập Cận Bình điện đàm với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Nhưng sau đó ít ngày, lãnh đạo Trung Quốc công du Nga.
Châu Âu cần tìm lại tinh thần « tập thể »
Không đạt được kết quả như mong đợi, tổng thống Pháp chuyển sang phát biểu cứng rắn hơn về thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế thứ hai thế giới không nhân nhượng, sẵn sàng « ăn miếng trả miếng ». Gần đây, Ủy Ban Châu Âu mở điều tra chống xe ô tô điện Trung Quốc để xem xét trừng phạt về giá, Bắc Kinh đáp trả bằng cuộc điều tra chống phá giá rượu mạnh nhập từ Liên Âu, trong đó có rượu Cognac. Nếu nhìn vào cán cân thương mại, Trung Quốc dường như ở thế mạnh vì xuất siêu sang Liên Hiệp Châu Âu 291 tỉ euro trong năm 2023 và giảm 3% khối lượng hàng nhập khẩu từ khối 27 nước.
Cách đây 5 năm, không chỉ có tổng thống Pháp tiếp chủ tịch Trung Quốc tại điện Elysée, mà còn có cả thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Jean-Claude Juncker. Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, « tinh thần đoàn kết » đó giờ không còn. Châu Âu có nguy cơ suy yếu nếu không hành động « tập thể ». Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Chính trị châu Á (Asia Policy Institute), giáo sư liên kết ở trường Essec, cho rằng thay vì cạnh tranh nhau, hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức cần củng cố một chính sách thống nhất đối với Trung Quốc. Trước một châu Âu bị chia rẽ, về lâu dài, ông Tập Cận Bình là người duy nhất thắng cuộc.