Tình báo Trung Quốc khai thác những điểm yếu của châu Âu

Ngày 23/04/2024, trợ lý của một nghị sĩ châu Âu bị bắt do bị nghi làm gián điệp cho Trung Quốc. Trước đó, ba công dân Đức bị nghi ngờ cung cấp cho Bắc Kinh một số « phát minh kỹ thuật có thể sử dụng vào mục tiêu quân sự ». Cũng trong tuần, Luân Đôn thông báo truy tố hai người về tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Bắc Kinh đang khai thác những « lỗ hổng của châu Âu » thu thập thông tin cần thiết cho một cuộc đối đầu với Mỹ. 

Đăng ngày: 25/04/2024

Ảnh minh họa : Cờ Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Luân Đôn, Anh, ngày 11/09/2023.
Ảnh minh họa : Cờ Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Luân Đôn, Anh, ngày 11/09/2023. AP – Kin Cheung

Thanh Hà

Hơn một tháng trước bầu cử, Nghị Viện Châu Âu lại vướng tai tiếng bị nước ngoài lũng đoạn. Nếu như trước đây một số nghị sĩ bị bắt quả tang nhận tiền của Qatar hay của Nga, thì lần này tai tiếng liên quan đến Trung Quốc.

Nghị viên Maximilian Krah, đứng đầu danh sách tranh cử của đảng cực hữu tại Đức, bất lực trước việc trợ lý của ông bị bắt do bị tình nghi là người của Bắc Kinh. Ông Quách Kiện (Jian Guo), cánh tay mặt của Krah từ 2019, bị bắt tại Dresden, Đông Đức. Nhân vật này bị cáo buộc là tai mắt của Bắc Kinh để theo dõi các nhà đối lập Trung Quốc lưu vong tại Đức, chia sẻ những thông tin liên quan đến Nghị Viện Châu Âu với các cơ quan tình báo Trung Quốc, vào lúc Liên Âu đang cố giảm bớt lệ thuộc vào hàng hóa và chuỗi cung ứng Trung Quốc. Về thương mại, Bruxelles tiến hành thủ tục điều tra Bắc Kinh trợ giá cho ô tô điện, pin mặt trời…, cạnh tranh bất bình đẳng với các nhà sản xuất của châu Âu.

Hôm đầu tuần, ba công dân Đức bị bắt tại Dusseldorf và Bad Homburg, do « trước tháng 6/2022 đã cung cấp cho mật vụ Trung Quốc nhiều thông tin, bao gồm cả những bí mật của Đức về công nghệ mới mà quân đội Trung Quốc có thể khai thác ».

Cái bóng của Trung Quốc cũng lởn vởn ở Nghị Viện Anh. Hai công dân Anh chính thức bị truy tố làm việc cho Trung Quốc. Christopher Cash và Christopher Bery đã « thu thập, cung cấp nhiều thông tin và tài liệu mật (…) có lợi một cách trực tiếp hay gián tiếp cho những quốc gia thù nghịch với Vương Quốc Anh ». Các giới chức đặc trách về an ninh và phản gián tại Anh Quốc cho biết đây là một vụ điều tra « vô cùng phức tạp, liên quan đến những cáo buộc hết sức nghiêm trọng ». Christopher Cash, với tư cách trợ lý của nghị viên Anh, đã trực tiếp liên hệ với những nhân vật có uy tín trong bộ An Ninh, trong ủy ban đặc trách về quan hệ giữa Luân Đôn với Bắc Kinh…

Về phía Pháp, Paris cũng đã là « mục tiêu hàng đầu bị gián điệp Trung Quốc dồn dập tấn công », như giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại GDSE Bernard Emié từng nhận định. Các chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trường Khoa Học Chính Trị Paris đã nhiều lần trong tầm ngắm. Jean Vincent Brisset, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, ghi nhận « Trung Quốc rất quan tâm đến các nước Liên Âu, vì chính sách của khối này, cũng như vì quan hệ giữa châu Âu với Mỹ ».

Bắc Kinh muốn nắm bắt thông tin về chính sách của châu Âu trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế… Chính vì thế mà nhiều công ty của Pháp, như Valeo, đã bị Trung Quốc cài người vào. Đó là chưa kể không ít các tập đoàn của Pháp, như Peugeot, đã tự ý mở cửa « mời » Trung Quốc tham gia vào các dự án « chiến lược » của mình. Vẫn ông Brisset ghi nhận, bề ngoài thì các hoạt động này có vẻ như chỉ phục vụ các mục tiêu « chiến tranh kinh tế », nhưng trong một số lĩnh vực, công nghệ mới có thể được sử dụng cho cả ngành quân sự. Đó mới là mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới.

“Các hoạt tình báo Trung Quốc nhắm vào châu Âu càng lúc càng nhiều, với những phương tiện và phương pháp ngày càng tinh vi”

Trả lời đài RFI Pháp ngữ hôm 24/04, Paul Charon, điều hành khoa chuyên về các hoạt động gián điệp và dự báo các mối đe dọa lưỡng hợp của học viện quân sự Pháp IRSEM, cho rằng các hoạt tình báo Trung Quốc nhắm vào châu Âu càng lúc càng nhiều, với những phương tiện và phương pháp ngày càng tinh vi. Đương nhiên là Bruxelles và Luân Đôn cũng đã đề cao cảnh giác và đã huy động thêm phương tiện để đối phó. Cơ quan phản gián của Liên Hiệp Châu Âu đã được tăng ngân sách và tuyển dụng thêm nhân viên, nhưng Bruxelles vấp phải một thực tế phũ phàng, đó là phương tiện và kể cả sự hiểu biết của châu Âu về mối đe dọa Trung Quốc chỉ có hạn. Ở góc đài bên kia, Bắc Kinh có cả một đội ngũ nhân viên tình báo « hùng hậu » và càng lúc càng năng động.

Liên Âu, một cỗ máy cồng kềnh, dễ xử lý

Về câu hỏi vì sao Trung Quốc đặc biệt « chiếu cố » đến châu Âu, giới quan sát nêu nhiều lý do. Trong trường hợp Anh Quốc, Bắc Kinh đã lợi dụng lúc Luân Đôn đang mất phương hướng sau khi ra khỏi Liên Âu, để đi thêm một số nước cờ. Còn về Liên Hiệp Châu Âu, khối này là một cỗ máy cồng kềnh với 27 thành viên, cho nên có « nhiều lỗ hổng » rất dễ cho nhân viên tình báo của Trung Quốc chen chân vào.

Trung Quốc cần theo dõi Liên Âu vì lý do sống còn của chế độ. Chuyên gia của học viện quân sự Pháp IRSEM Paul Charon trên RFI tiếng Pháp giải thích rõ hơn : Về chính trị, Trung Quốc theo dõi chính sách của Liên Âu đối với người Tây Tạng, cộng đồng Duy Ngô Nhĩ theo Đạo Hồi ở Tân Cương cũng đường lối của Bruxelles về Đài Loan… Ngoài ra, Liên Âu là một « khối công nghiệp tiên tiến, và đang đi tiên phong về những công nghệ mới ». Do vậy, « theo dõi và bòn rút công nghệ của châu Âu là một nhiệm vụ quan trọng giúp Trung Quốc vững mạnh hơn. Những phát minh của châu Âu là những công cụ quý giá giúp nền công nghiệp quân sự của Trung Quốc nâng cao năng lực, thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ ».

Trả lời báo Atlantico gần đây, chuyên gia của viện IRIS Jean Vincen Brisset xoáy vào trường hợp nước Pháp : « Về mặt quân sự, Paris không trực tiếp đối đầu với Bắc Kinh (…), nhưng nhiều tiến bộ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có được là nhờ các hoạt động do thám, đánh cắp công nghệ của các nước phương Tây (…) hiện tại, đa số trực thăng quân sự Trung Quốc sử dụng động cơ của Pháp… ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment