Ông Elon Musk cảnh báo về khoản chi tiêu thâm hụt lớn của chính phủ TT Biden

Ông Musk nói: ‘Chúng ta cần phải làm gì đó với khoản nợ quốc gia của mình, nếu không thì đồng USD sẽ chẳng có giá trị gì.’

Ông Elon Musk cảnh báo về khoản chi tiêu thâm hụt lớn của chính phủ TT Biden

Tổng thống Joe Biden (trái) tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 08/07/2022; Tổng giám đốc Tesla Elon Musk (phải) nói chuyện với giới báo chí gần Berlin hôm 03/09/2020. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images; Maja Hitij/Getty Images)

Tom Ozimek

Thứ hai, 06/5/2024

Tổng giám đốc Tesla Elon Musk đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khoản chi tiêu thâm hụt to lớn của chính phủ Tổng thống (TT) Biden, đồng thời cảnh báo rằng đồng USD sẽ trở nên vô giá trị, trừ phi thực hiện các bước để làm chậm tốc độ tăng nợ quốc gia của Hoa Kỳ.

Ông Musk nói trong một bài đăng trên X: “Chúng ta cần phải làm gì đó với khoản nợ quốc gia của mình, nếu không thì đồng USD sẽ chẳng có giá trị gì.”

Tỷ phú công nghệ này đang phản ứng với một bài đăng về Tướng H.R. McMaster cảnh báo rằng thế giới đang trên bờ vực của Đệ tam Thế chiến và kêu gọi tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng để chuẩn bị cho các mối đe dọa tiềm tàng.

Ông Musk đã nhiều lần vận động đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine nhằm chấm dứt thiệt hại về nhân mạng.

Ví dụ, trong cuộc trò chuyện hồi tháng Hai trên X với Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin), ông Musk nói rằng nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đại diện cho Wisconsin này đã “hoàn toàn đúng” khi nói rằng việc Hoa Kỳ viện trợ bổ sung cho Ukraine chỉ kéo dài thêm tình trạng bế tắc đẫm máu, và cách duy nhất để kết thúc chiến tranh là thông qua một giải pháp thương lượng.

Bên cạnh việc là người ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, ông Musk còn là người nhiều lần chỉ trích khoản chi tiêu thâm hụt to lớn của chính phủ Hoa Kỳ.

‘Việc bội chi phải dừng lại’

Ông Musk đã nhiều lần chỉ trích những khoản chi tiêu to lớn của chính phủ TT Biden.

Chẳng hạn như vào tháng 12/2021, ông đã bày tỏ lo ngại về mức thâm hụt liên bang “tồi tệ” và nói rằng ông sẽ “hủy bỏ” dự luật “Xây dựng Lại Tốt hơn” (Build Back Better) trị giá hơn 2 ngàn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden. Nhóm giám sát bất vụ lợi Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm ước tính dự luật này sẽ làm tăng thêm 160 tỷ USD thâm hụt trong 10 năm.

Gần đây hơn, ông Musk cảnh báo rằng cuối cùng sẽ có ngày khoản nợ quốc gia ngày một tăng lên của Hoa Kỳ phải được kết toán.

Ông Musk nói trong một bài đăng hôm 12/02, “Tăng trưởng nợ quốc gia của Hoa Kỳ là không bền vững.” Lúc đó ông đang phản ứng trước một bài đăng dự báo rằng chi phí lãi cho khoản nợ quốc gia trị giá 34 ngàn tỷ USD của Hoa Kỳ đã ở vào khoảng 1 ngàn tỷ USD một năm và dự kiến ​​​​sẽ tăng lên 3 ngàn tỷ USD một năm trong vòng chưa đầy 10 năm tới.

Hồi tháng Ba, ông Musk đã phản ứng với một bài đăng nêu rằng phải mất khoảng 63% tổng số thuế thu nhập cá nhân vào tháng 02/2024 chỉ để trả lãi cho khoản nợ quốc gia trị giá 34 ngàn tỷ USD của Hoa Kỳ.

Ông Musk đã đăng như sau vào thời điểm đó, “Việc bội chi phải dừng lại nếu không nước Mỹ sẽ phá sản.”

Doanh nhân Ed Krassenstein đã phản ứng với lời cảnh báo mới nhất hôm 04/05 của ông Musk về tính cấp bách của việc hạn chế chi tiêu thâm hụt ngoài tầm kiểm soát. Ông Krassenstein nói trong một bài đăng rằng không có chính quyền nào sẵn sàng giải quyết vấn đề nợ quốc gia vì “giải pháp dài hạn có khả năng gây tổn hại trong ngắn hạn cho nền kinh tế.”

Ông Musk trả lời: “Vâng, người ta buộc phải hy sinh điều gì đó thôi. Chí ít thì chúng ta cũng nên giảm tốc độ tăng nợ này.”

‘Thuế cao hơn có thể xảy ra’

Giống như ông Musk, nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett cũng đã cảnh báo về những “hậu quả quan trọng” của việc chi tiêu thâm hụt. Tuy nhiên, người sáng lập Berkshire Hathaway dự đoán rằng, khi gặp khó khăn, chính phủ sẽ chọn tăng thuế thay vì giảm chi tiêu.

“Tôi nghĩ mức thuế cao hơn có thể xảy ra,” ông Buffett nói hôm 04/05 tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway ở Omaha.

Ông nói, “Họ có thể quyết định rằng một ngày nào đó họ không muốn thâm hụt tài khóa lớn như vậy vì điều đó gây ra một số hậu quả quan trọng. Vì vậy, họ có thể không muốn giảm chi tiêu và họ có thể quyết định sẽ lấy đi một tỷ lệ phần trăm lớn hơn trong tài sản của chúng ta, và chúng ta sẽ trả số tiền đó.”

Ông Warren Buffett (giữa), Tổng giám đốc của Berkshire Hathaway, nói chuyện với giới báo chí khi ông đến cuộc họp cổ đông thường niên năm 2019 ở Omaha, Nebraska, ngày 04/05/2019. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)
Ông Warren Buffett (giữa), Tổng giám đốc của Berkshire Hathaway, nói chuyện với giới báo chí khi ông đến cuộc họp cổ đông thường niên năm 2019 ở Omaha, Nebraska, ngày 04/05/2019. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)

Theo một báo cáo gần đây từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), mức chi tiêu thâm hụt ở Hoa Kỳ là 1.7 ngàn tỷ USD vào năm 2023, tương đương với 6.3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cơ quan này ước tính rằng khoản chi tiêu thâm hụt này sẽ tăng lên 8.5% GDP vào năm 2054.

Đồng thời, CBO dự đoán tỷ lệ nợ trên GDP của Hoa Kỳ, vốn là khoảng 35% GDP trong những năm 1980, sẽ tăng lên 166% vào năm 2054, đồng thời cảnh báo rằng xu hướng này sẽ gây ra “rủi ro đáng kể” đối với triển vọng tài khóa và kinh tế của Hoa Kỳ.

Các nhà phân tích tại Đại học Pennsylvania ước tính rằng khi tỷ lệ nợ trên GDP đạt khoảng 200%, thì sẽ là quá muộn — không một khoản tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu nào trong tương lai có thể ngăn được sự vỡ nợ của chính phủ.

Họ giải thích: “Không giống như các vụ vỡ nợ kỹ thuật mà các khoản thanh toán chỉ bị trì hoãn, khoản vỡ nợ này sẽ lớn hơn nhiều và sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới.”

Theo kịch bản “trường hợp tốt nhất,” các nhà phân tích của Đại học Pennsylvania ước tính rằng Hoa Kỳ có khoảng 20 năm để thực hiện hành động khắc phục trước khi vòng xoáy nợ nần ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát.

Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon đã dự đoán rằng tỷ lệ nợ trên GDP của Hoa Kỳ sẽ “tăng như đồ thị hockey” vào một thời điểm nào đó, nghĩa là tăng mạnh và trở thành không bền vững sau một thời gian tăng tương đối dần dần.

Ông Dimon nói trên một hội thảo tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng ở Hoa Thịnh Đốn vào cuối tháng 01/2024, “Đó là một vách đá. Chúng ta đang thấy vách đá. Còn khoảng 10 năm nữa. Chúng ta đang đi với tốc độ 60 dặm một giờ.”

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lập trường tài khóa của chính phủ TT Biden, cảnh báo rằng chi tiêu thâm hụt lớn và nợ công ngày càng tăng có nguy cơ gây ra lạm phát và thậm chí có khả năng gây ra hỗn loạn tài chính.

Vân Du biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Bài Liên Quan

Leave a Comment