RFA
2024.05.07
Quang cảnh phiên họp UPR Việt Nam ngày 07/5/2024
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt nói Nhà nước Việt Nam ưu tiên ổn định xã hội và phát triển kinh tế khi phản hồi những quan ngại của quốc tế về hạn chế nhân quyền trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát hay Rà soát Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) cho Việt Nam lần thứ 4 tại Geneva (Thuỵ Sỹ) vào sáng 07/5.
Tại phiên họp diễn ra trong toà nhà của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, ông Việt dẫn đầu Phái đoàn Việt Nam để trả lời các câu hỏi của gần 140 quốc gia tham dự phiên họp để kiểm điểm thành tích nhân quyền của Việt Nam kể từ sau phiên kiểm điểm lần thứ 3 (tháng 1/2019).
Trong phiên họp này, đại diện của nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Ireland, Hà Lan, Italy, Anh, Phần Lan, Đan Mạch… đã bày tỏ sự quan ngại về thực tế vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong các lĩnh vực như quyền tự do biểu đạt, hội họp, tiếp cận thông tin, tôn giáo…
Phản ứng về quan ngại đàn áp tự do ngôn luận, hội họp, Thứ trưởng Việt phát biểu bằng tiếng Anh:
“Chúng tôi luôn hoan nghênh những lời chỉ trích mang tính xây dựng nhưng chúng tôi không tha thứ cho việc lan truyền thông tin sai lệch hoặc kích động có thể gây bất ổn hoặc xâm phạm an ninh quốc gia của chúng tôi.
Một trong những yếu tố đã giúp chúng tôi đạt được sự phát triển xã hội và kinh tế một cách ổn định là chúng tôi giữ được hoà bình và sự ổn định của đất nước. Và chúng tôi không cho phép bất cứ hành động hay sự kích động nào gây nguy hiểm cho sự ổn định đó.”
Vị quan chức dẫn đầu Phái đoàn Việt Nam khẳng định:
“Không một ai có thể vi phạm pháp luật dưới danh nghĩa thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp hoặc bất kỳ quyền tự do nào, và việc một người thực hiện quyền của mình không được ảnh hưởng đến người khác.”
Ông Việt cũng hàm ý nhắc nhở các quốc gia dân chủ không nên áp đặt tiêu chuẩn nhân quyền của họ lên Việt Nam vì cho rằng cần tôn trọng sự đa dạng và đặc thù của mỗi quốc gia.
“… Mặc dù nhân quyền mang tính phổ quát, sự đa dạng và đặc thù cũng cần được tôn trọng và không có một mô hình chung nào có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia trong việc theo đuổi nhân quyền vì lợi ích tốt nhất của người dân.”
Ông Việt và các thành viên khác của Phái đoàn Việt Nam không trả lời cụ thể về các khuyến nghị xoá bỏ các điều 117, 118, 331 của Bộ luật Hình sự của các quốc gia như Thuỵ Sỹ, Hoa Kỳ, Á0…
Nhiều quốc gia cũng khuyến nghị Việt Nam thành lập Uỷ ban quốc gia về nhân quyền. Về vấn đề này, ông Việt nói:
“Thực sự chúng tôi đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu, hội thảo và tham quan để học tập kinh nghiệm về mô hình xây dựng Uỷ ban nhân quyền quốc gia.
Một điều chúng tôi học được là mô hình cơ quan này rất đa dạng và do vậy chúng tôi thấy khó khăn trong việc bắt đầu từ đâu và thành lập mô hình nào thì thích hợp cho Việt Nam.”
Hàng chục quốc gia, trong đó có Estonia, Phần Lan, Ireland khuyến nghị Việt Nam xoá bỏ án tử hình và hoãn thi hành án tử hình. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng hiện tại, vì một số đặc điểm, Hà Nội chưa thể xoá bỏ án tử hình. Ông nói:
“Do một số hoàn cảnh, hiện tại không cho phép Việt Nam xoá bỏ án tử hình, tuy nhiên, qua nhiều lần cải cách luật pháp, số tội danh phải chịu án tử hình đã giảm đáng kể, giờ chỉ còn những tội danh nguy hiểm nhất.”
Bình luận về các phát biểu của các quốc gia và phản ứng của Việt Nam trong phiên kiểm định, một nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Tôi thấy phiên kiểm định rất hời hợt. Các quốc gia đưa ra khuyến nghị dường như đưa ra cho vui hoặc là qua loa. Có một vài nước đề cập một cách hời hợt tới các quyền tự do cơ bản như quyền tự do báo chí, hội họp, công đoàn, án tử hình.
Trong khi đó, báo cáo và phản hồi của phía Việt Nam cũng làm một cách chiếu lệ. Các định nghĩa nhân quyền của Hà Nội cũng chỉ là cái ăn cái mặc, chứ không đề cập sâu vào những thứ về quyền dân sự chính trị.”
Trong phái đoàn của Việt Nam có đại diện nhiều bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo Chính phủ…
Đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông minh hoạ cho quyền tiếp cận thông tin bằng sự tăng trưởng số lượng 78 triệu người dùng Internet và 25 triệu thuê bao di động trong khi đại diện của Bộ Công an bao biện cho việc hạn chế quyền tự do lập hội bằng số lượng 72.000 tổ chức xã hội hiện đang tồn tại.
Phản hồi về quan ngại không gian dân sự bị thu hẹp trong nhiều năm gần đây, ông Việt cho rằng quan ngại này không có cơ sở. Ông lấy ví dụ trong thời gian lấy ý kiến của xã hội về dự thảo Luật đất đai, quốc hội và cơ quan soạn thảo đã nhận được 12 triệu ý kiến cho dự luật này.
Chỉ vài giờ sau phiên họp, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đưa tin phiên rà soát UPR về Việt Nam được “các nước quan tâm cao với hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất. Các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.”
Tại phiên đối thoại, Việt Nam nhận được khoảng 300 khuyến nghị với nội dung đa dạng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực quyền con người. Sau phiên đối thoại, ngày 10/5, Nhóm công tác về UPR của Hội đồng Nhân quyền sẽ họp để xem xét thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam, trình Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc chính thức thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 vào tháng 9-10 năm nay.