Tô Lâm lại sắp cưa ghế quan chức cao cấp

May 8, 2024

Nguyễn Công Minh, chủ tịch Công ty Cây Xanh Công Minh

Các tổng giám đốc sẽ là con dê đầu tiên bị ném vào lò để lần ra các cây đa cây đề bảo kê hay ăn chia với nó. Kinh nghiệm mới nhất của công an là vụ án Hậu Pháo, Thuận An mà kết quả là hai cái trụ của quốc gia gãy ngang không cần cưa kéo.

Bộ Công An vừa chỉ thị xuống các tỉnh Dak Lak, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Phước, cùng vài tỉnh khác yêu cầu báo cáo tổng hợp tài liệu liên quan đến các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị liên quan đến công ty Cây Xanh Công Minh (trụ sở tại Bình Phước) từ năm 2019 đến hết năm 2023, để cung cấp cho Bộ Công An.

Bộ Công An yêu cầu tổng kết mọi hợp đồng có liên quan đến công ty này và gửi trực tiếp về Cơ Quan Điều Tra Bộ Công An nhanh nhất có thể.

Công ty Cây Xanh Công Minh được biết là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Bình Phước từng nhận huân chương lao động Hạng Ba. Dưới sự điều hành của Chủ Tịch Nguyễn Công Minh, doanh nghiệp này có bước lớn mạnh nhanh chóng trong lĩnh vực cây xanh và sau này lan sang cả địa ốc và chính trang đô thị.

Theo thông tin trên “Cổng thông tin đấu thầu,” công ty Cây Xanh Công Minh đã tham gia đấu và trúng nhiều gói thầu bất thường ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Điển hình là công ty này đã tham gia 228 gói thầu, trong đó trúng 172 gói, trượt 37 gói, 14 gói chưa có kết quả và năm gói đã bị hủy.

Theo “Báo Mới” thì công ty này đã trúng những gói thầu rất lớn trên nhiều tỉnh thành gây nghi ngờ rằng có bàn tay của các quan chức đầu tỉnh nhúng vào cụ thể là Cà Mau với 15 gói thầu, Trà Vinh (14), Kiên Giang (13), Đồng Tháp (11), Bến Tre (11), Cần Thơ (6), Sóc Trăng (4), Bạc Liêu (4), Vĩnh Long (3), An Giang (3)… Kiểm tra các gói thầu tại Trà Vinh có nhiều bất ngờ bởi công ty trúng gói thầu tỷ lệ tiết kiệm rất thấp.

Tin tức lan truyền nhanh chóng cho thấy vụ việc đã được Bộ Công An có kế hoạch điều tra rất kỹ. Tuy nhiên các thông tin cụ thể vẫn chưa được thông báo. Như thường lệ, trước khi bắt ai, thủ tục đầu tiên là điều tra các công ty, rồi tới các món lợi tức so với thực tế kinh doanh của công ty nhằm lần tới các đồng tiền phi pháp.

Các tổng giám đốc sẽ là con dê đầu tiên bị ném vào lò để lần ra các cây đa cây đề bảo kê hay ăn chia với nó. Kinh nghiệm mới nhất của công an là vụ án Hậu Pháo, Thuận An mà kết quả là hai cái trụ của quốc gia gãy ngang không cần cưa kéo.

Như trước đây, dư luận được tung lên từ mạng xã hội nếu vụ án lớn có liên quan đến bí mật quốc gia. Lạ một điều là báo chí dòng chính chừng như không biết gì tới mà tin đồn toàn đến từ một hay hai nhân tố hải ngoại. Cái lạ thứ hai là những đồn đoán đó đều…trúng tới mức đáng kinh ngạc.

Tập đoàn Thuận An bị phanh phui vì có Phạm Thái Hà dính vào trong việc thúc đẩy gợi ý cho những gói thầu lớn mà trong tư cách trợ lý của Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, Hà đã làm thay cho ông này để đút túi hàng ngàn tỷ tiền hối lộ và kết quả là Huệ được về vườn mà không bị kỷ luật!

Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ bị xóa sổ vì những móc ngoặc kiếm tiền lớn lao đến từ các tập đoàn, công ty có mặt bằng kinh doanh dựa trên tài nguyên quốc gia hay trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị. Mấu chốt tham nhũng trong các đại án đều từ thượng tầng, vì chỉ có quyền lực tuyệt đối mới có thể nhúng tay vào các dự án thầu mang tính quốc gia với hàng ngàn tỷ tiền lại quả.

Bộ Công An chừng như chưa muốn ngừng lại sau những kết quả vượt mơ ước. Lần này là các vụ nhỏ hơn, trực tiếp dính tới những quan tham đầu tỉnh, những bí thư Tỉnh Ủy lần lượt bị nhắm tới làm người ta liên tưởng tới tay chân, quan hệ với những ủy viên Trung Ương Đảng. Cuộc thanh trừng lần này có dấu hiệu tàn sát nội bộ để giành lấy sức mạnh của lá phiếu cho đại hội đảng sắp tới mở ra. Mỗi một ủy viên trung ương là một sân sau màu mỡ, những tập đoàn này đã dùng tiền mua quan chức làm đòn bẩy kích thích tăng trưởng thì nay phải chấp nhận cuộc chơi quyền lực chỉ có ở các nước cộng sản.

Mới đây Đặng Trí Dũng, 57 tuổi, bí thư Thành Ủy Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, được ghi nhận đã vắng mặt “bất thường” tại nơi làm việc. Người ta tin rằng ông Dũng có lẽ đã bị bắt sau khi vụ án Sài Gòn-Đại Ninh, được cho là phá 257 hécta rừng ở Lâm Đồng và có 111 hécta đất rừng bị lấn chiếm, khiến một loạt quan chức vướng vòng lao lý, thậm chí thiệt mạng.

Nếu cho rằng đến bây giờ Bộ Công An mới biết thì e rằng hơi ngây thơ. Bộ Công An là nơi tập trung mọi nguồn tin tình báo có liên quan đến kinh tế thì không thể không biết bất cứ việc làm nào của các tập đoàn kinh tế. Có điều bắt ai và lúc nào mới bắt là chính sách của đảng chứ không riêng gì Bộ Công An.

Có thể một vài vụ công an dành riêng cho mình như một lá bài tẩy nhằm không chế kẻ chủ mưu sau này khi có dịp và hầu hết các vụ ăn chia này đều nằm trong ngăn kéo của bất cứ bộ trưởng Công An nào khi bắt đầu ngồi vào ghế.

Những vụ án này như quà tặng của bộ trưởng tiền nhiệm dành cho người mới nhậm chức, nhưng trong trường hợp của Bộ Trưởng Tô Lâm thì khác hẳn. Tô Lâm nắm Bộ Công An từ năm 2016 sau 30 năm hoạt động tại Tổng Cục An Ninh. Với số vốn tích lũy, Tô Lâm nắm mọi chuyển biến trong đảng hơn bất cứ ai khác vì nghiệp vụ yêu cầu và cũng vì chuẩn bị cho tư thế của một ủy viên Bộ Chính Trị đầy quyền lực. Từ vị trí này Tô Lâm biết rõ từng con ốc trong bộ máy chính trị và ông ta là người duy nhất trong đảng hiểu rõ từng ưu điểm cũng như sai phạm của từng đồng chí một.

Quan trọng hơn nữa là phía sau của những đồng chí ấy là ai và sức mạnh của họ nằm ở nơi nào. Các nhóm quyền lực có thể cạnh tranh với Tô Lâm dựa vào sức mạnh kinh tế cũng như thế lực bên ngoài là bài toán mà một bộ trưởng Công An như ông ta muốn độc chiếm quyền hành phải biết rõ. Ảnh hưởng nước ngoài rất quan trọng nhưng một khi bị lật lưng vì tham ô kinh tế thì có dựa vào Tập Cận Bình cũng kể như bỏ đi. Vào nhà đá kêu gào phương Tây hay phương Bắc đều không kết quả và đây là đòn hiểm mà Tô Lâm đang sử dụng rất hiệu quả.

Kim Ngữ/Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment