Chỉ số Tự do Báo chí năm 2024: Trung Quốc vẫn là nhà ngục lớn nhất thế giới đối với các ký giả

Tình hình tự do báo chí ở Trung Quốc tiếp tục trở nên tệ hại hơn dưới thời ĐCSTQ. Hoàn cảnh của các ký giả công dân tại Trung Quốc là vô cùng khốc liệt.

Chỉ số Tự do Báo chí năm 2024: Trung Quốc vẫn là nhà ngục lớn nhất thế giới đối với các ký giả

Một viên công an che ống kính camera để ngăn các ký giả ghi lại quang cảnh bên ngoài Tòa án Nhân dân Quận mới Phố Đông Thượng Hải, nơi ký giả công dân Trương Triển (Zhang Zhan) bị xét xử ở Thượng Hải, ngày 28/12/2020. (Ảnh: Leo Ramirez/AFP qua Getty Images)

Alex Wu

Thứ năm, 09/5/2024

Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới (03/05), Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đã công bố Chỉ số Tự do Báo chí năm 2024.

Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 172 trong số 180 quốc gia và khu vực trong bảng xếp hạng, đồng thời vẫn duy trì danh hiệu nhà ngục lớn nhất thế giới đối với các ký giả.

RSF là tổ chức bất vụ lợi quốc tế có trụ sở tại Paris chuyên bảo vệ quyền tự do thông tin. Tổ chức này cho biết trong bản báo cáo rằng “ngoài việc bắt giữ nhiều ký giả hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới,” chính quyền cộng sản Trung Quốc “tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với các kênh thông tin, thực thi các chính sách kiểm duyệt và giám sát để chỉnh lý nội dung trực tuyến và hạn chế lan truyền thông tin được xem là nhạy cảm và trái với đường lối của đảng.”

RSF cũng nêu ra trong báo cáo rằng “Trung Quốc là nhà ngục lớn nhất thế giới đối với các ký giả, với hơn 100 người hiện đang bị giam giữ.”

So với thứ hạng năm ngoái là 179, vị trí thứ hai từ dưới lên, thứ hạng của Trung Quốc năm nay đã tăng lên. Dẫu vậy, báo cáo cho thấy nguyên nhân duy nhất khiến cho thứ hạng tăng nhẹ là do hoàn cảnh tại các quốc gia và khu vực khác trở nên tệ hơn, chẳng hạn như tình hình tại Afghanistan do Taliban kiểm soát, chứ không phải do hoàn cảnh tại Trung Quốc có cải biến.

Thứ hạng tự do báo chí năm nay của Hồng Kông — nơi bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát — cũng tăng nhẹ lên vị trí thứ 135, cao hơn vị trí thứ 140 của năm 2023. Tuy nhiên, điểm số tự do của Hồng Kông đã tụt 1.8 điểm so với điểm số 44.86 của năm 2023. Theo báo cáo, đây là “do tăng cường đàn áp ký giả theo luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt vào năm 2020.” RSF giải thích rằng, “Thứ hạng của một số quốc gia tăng lên mặc dù điểm số giảm xuống, là bởi vì điểm số của một số quốc gia trước đây có thứ hạng cao hơn họ bị tụt xuống.”

Hơn 100 tác giả người Trung Quốc bị cầm tù

Trong khi đó, Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) đã công bố Chỉ số Tự do Viết lách năm 2023.

Báo cáo công bố hôm 01/05 cho biết Trung Quốc vẫn là nhà ngục hàng đầu thế giới đối với các nhà văn và trí thức công dân. “Năm 2023, Trung Quốc tăng vọt lên hơn 100 trường hợp, cầm tù 6 nhà văn trên tổng số 107 người trong năm, với 9 người trong số đó là nữ.”

Trong số 107 nhà văn bị cầm tù, có 50 người là bình luận viên trên mạng, đăng tải quan điểm của họ về nhiều chủ đề xã hội, chính trị, kinh tế lên các nền tảng truyền thông xã hội. Báo cáo cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng cáo buộc chung chung là “gây mất trật tự và gây rối” để bắt giữ và cầm tù họ.

Cảnh sát chống bạo động xịt hơi cay vào các ký giả vào dịp kỷ niệm 23 năm Anh quốc chuyển giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc, khi những người biểu tình tụ họp để biểu tình phản đối chống Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông, ngày 01/07/2020. (Ảnh: Dale De La Rey/AFP qua Getty Images)
Cảnh sát bạo động xịt hơi cay vào các ký giả vào dịp kỷ niệm 23 năm Anh quốc chuyển giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc, khi những người biểu tình tụ họp để biểu tình phản đối chống Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông, ngày 01/07/2020. (Ảnh: Dale De La Rey/AFP qua Getty Images)

Hôm 04/05, ký giả kiêm nhà văn Thịnh Tuyết (Sheng Xue) nói với The Epoch Times rằng con số mà các tổ chức quốc tế này công bố chỉ là một số trường hợp ít ỏi bị rò rỉ ra thế giới bên ngoài dưới sự kiểm duyệt thông tin chặt chẽ của ĐCSTQ.

“Không ai biết có bao nhiêu ký giả ở Trung Quốc thiệt mạng do bị bức hại, bao nhiêu người bị bắt giữ, kết án, bức hại, và tra tấn trong bí mật,” bà Thịnh cho biết. “Toàn bộ hệ thống ĐCSTQ là một chính quyền nhà nước khủng bố, nghĩa là không chỉ Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ là một hệ thống độc tài chuyên chế, mà hết thảy các cấp quyền lực của đảng này đều hoạt động như một chế độ độc tài chuyên chế. Vì vậy, thế giới bên ngoài không cách nào biết được rất nhiều sự tình. Thu thập số liệu là việc rất khó. Thành thật thì, ngay cả ông Tập Cận Bình cũng không biết.”

“Tôi tin rằng Trung Quốc chắc chắn là quốc gia đàn áp quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận nghiêm trọng nhất trên thế giới,” bà Thịnh nói thêm. “Chính hệ thống chính trị đã khiến cho sự đàn áp đạt đến mức độ như vậy.”

Hôm 04/05, ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một luật sư nhân quyền Trung Quốc hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Trung Quốc, bao gồm cả ở Hồng Kông, thực ra đang suy giảm và biến mất.

“Lý do khiến ĐCSTQ tiếp tục thắt chặt kiểm soát ngôn luận chủ yếu là vì họ đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc và chưa từng có về chính trị, xã hội, và kinh tế. Vị thế cầm quyền của họ đang bị đe dọa, và họ muốn duy trì chế độ độc đảng một người độc tài. Vì vậy, họ không ngừng tăng cường kiểm soát mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Do đó việc [đàn áp] quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là những ưu tiên hàng đầu của ĐCSTQ và là khía cạnh quan trọng nhất của đời sống xã hội mà họ cần kiểm soát.”

Các ký giả công dân Trung Quốc

Các ký giả công dân Trung Quốc cũng đã trở thành mục tiêu cho sự áp bức và đàn áp của chính quyền Trung Quốc.

Ký giả công dân Trung Quốc Trương Triển (Zhang Zhan) đã bị kết án bốn năm tù do đưa tin về sự thật đợt bùng phát COVID-19 tại Vũ Hán vào năm 2020. Bản án này sẽ mãn hạn vào ngày 13/05. Trong một thông cáo báo chí hồi tháng 04/2024, RSF kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế và gây áp lực lên Bắc Kinh để cô Trương có thể có được tự do hoàn toàn. Cô Trương là người đạt Giải thưởng cho Lòng dũng cảm năm 2021 của RSF.

Một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ giương cao tấm biển kêu gọi chính quyền Trung Quốc thả ký giả công dân Trương Triển cùng 12 người Hồng Kông bị giam giữ bên ngoài văn phòng liên lạc của chính quyền trung ương Trung Quốc, tại Hồng Kông, ngày 28/12/2020. (Ảnh: Kin Cheung/AP Photo)
Một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ giương cao tấm biển kêu gọi chính quyền Trung Quốc thả ký giả công dân Trương Triển cùng 12 người Hồng Kông bị giam giữ bên ngoài văn phòng liên lạc của chính quyền trung ương Trung Quốc, tại Hồng Kông, ngày 28/12/2020. (Ảnh: Kin Cheung/AP Photo)

Ký giả công dân Vũ Hán Phương Bân (Fang Bin) đã được tại ngoại sau một năm, tuy nhiên ông vẫn liên tục bị chính quyền ĐCSTQ sách nhiễu. Hiện tại, ông phải đối mặt với việc bị trục xuất, đồng thời nơi ở bị cắt hết điện nước do cảnh sát Vũ Hán gây áp lực với chủ nhà. Có thể ông sẽ sớm bị buộc phải sống trên đường phố.

Trong thời gian COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 02/2020, ông Phương Bân đã đăng tải một đoạn video đưa tin lên truyền thông xã hội trong đó tiết lộ một số lượng lớn người tử vong vào thời điểm đó. Video đã thu hút sự chú ý rộng rãi của quốc tế. Sau đó, ông đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ và kết án ba năm tù vì tội “gây mất trật tự và gây rối.”

Ký giả công dân Trung Quốc Phương Bân trong một video YouTube đăng ngày 02/04/2020 đưa tin về những trường hợp tử vong ở Vũ Hán trong đợt bùng phát COVID-19. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)
Ký giả công dân Trung Quốc Phương Bân trong một video YouTube đăng ngày 02/04/2020 đưa tin về những trường hợp tử vong ở Vũ Hán trong đợt bùng phát COVID-19. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)

Ông Lại cho biết: “Các ký giả công dân là mắt xích căn bản trong toàn bộ [hệ sinh thái] tự do báo chí. Không chỉ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của các cơ quan truyền thông chính thức và các ký giả làm việc cho các cơ quan này bị đàn áp, mà quyền của cả các ký giả công dân cũng bị đàn áp, và thậm chí còn bị đàn áp nghiêm trọng hơn.”

Ông nói thêm: “Có ngày càng ít lĩnh vực mà họ có thể đưa tin và can thiệp, và gần như không có chỗ đứng cho họ. Bởi vì ĐCSTQ muốn độc quyền nắm trong tay toàn bộ hệ thống diễn ngôn và quyền diễn ngôn, vì vậy các ký giả công dân cơ bản là không cách nào sống sót.”

Bà Thịnh nói rằng vào thời điểm này, “không còn ký giả công dân nào ở Trung Quốc nữa. Khi chúng ta bàn đến tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do truyền thông, v.v… ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho chúng ta câu trả lời rõ ràng nhất rồi: Họ đã tuyên bố rằng truyền thông là cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ.”

Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Phương Hiểu

Tuệ Chân lược dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Bài Liên Quan

Leave a Comment