Nga – Afghanistan: Taliban có thể trở thành đồng minh tình thế của Matxcơva ?

Hãng tin Tass hôm thứ Hai 27/05/2024 đưa tin Matxcơva đang chuẩn bị rút Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Một bước tiến mới trong việc xích lại gần nhau giữa nước Nga của Vladimir Putin và phong trào Hồi giáo cực đoan đã lên nắm quyền ở Afghanistan từ năm 2021.

Đăng ngày: 31/05/2024

Hình tư liệu : Zamir Kaboulov (hàng đầu bên phải), đại diện đặc biệt của Nga tại Afghanistan bên cạnh Amir Khan Muttaqi, phụ trách đối ngoại của chế độ Taliban tại Afghanistan, tại Kabul, ngày 24/03/2022.
Hình tư liệu : Zamir Kaboulov (hàng đầu bên phải), đại diện đặc biệt của Nga tại Afghanistan bên cạnh Amir Khan Muttaqi, phụ trách đối ngoại của chế độ Taliban tại Afghanistan, tại Kabul, ngày 24/03/2022. AFP – –

Anh Vũ

Bắt tay với Taliban, tại sao không ? Cử chỉ này chắc sẽ được Nga sớm thực hiện. Nước này đang có kế hoạch rút phong trào Hồi giáo cực đoan hiện nắm quyền ở Afghanistan ra khỏi danh sách các nhóm khủng bố.

“Các Bộ trưởng Tư pháp và Ngoại giao đã thông báo cho  tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Taliban có thể được đưa ra khỏi danh sách này”, Zamir Kabulov, đại diện đặc biệt của Nga tại Afghanistan thứ Hai (27/5) cho hãng thông tấn Nga Tass biết như trên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói thêm rằng ông coi Taliban là đại diện có “quyền lực thực sự” ở Afghanistan.

Tàn tích của một thế giới khác

Ông Intigam Mamedov, chuyên gia về chính sách đối ngoại và quan hệ của Nga với các nước Trung Á tại Đại học Northumbria (Anh Quốc), giải thích: “ Việc Nga rút Taliban khỏi danh sách các nhóm khủng trước hết có nghĩa là Matxcơva sẽ trao cho phong trào cực đoan này một quy chế tương thích với cách mà chính quyền Nga nhìn nhận Taliban giờ đây”.

Trên thực tế, việc đưa Taliban vào danh sách này là tàn tích của một thế giới rất khác. Natasha Lindstaedt chuyên gia chế độ chuyên quyền tại Đại học Essex giải thích : “ Đó là năm 2003, khi Vladimir Putin cho rằng một trong những mối đe dọa chính đối với quyền lực của ông đến từ Chechnya. Vào thời điểm đó, Taliban đã công nhận nền độc lập của Chechnya và do đó, thật hợp lý khi tổng thống Nga  theo cộng đồng quốc tế coi Taliban là một nhóm khủng bố”,

Nhưng kể từ đó đến nay, mối quan hệ giữa Nga và phong trào Hồi giáo cực đoan này đã ấm lên đáng kể. Đặc biệt là sau khi họ trở lại nắm quyền vào năm 2021 và chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn của Nga vào Ukraina được phát động vào năm 2022. Cùng với Trung Quốc, Nga là một trong số rất ít nước có nhân viên ngoại giao tại chỗ. Matxcơva cũng mời Taliban tham gia Diễn đàn kinh tế quốc tế ở Saint Petersburg sẽ được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 8/6 tới.

Lấy độc trị độc ?

Ý đồ rút Taliban khỏi danh sách đen cũng xuất hiện vào thời điểm mối đe dọa khủng bố Hồi giáo đang xuất hiện trở lại ở Nga với vụ tấn công đẫm máu ở Matxcơva hôm 25/3 do nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm. Washington sau đó đã chỉ rõ rằng đó là hành động của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Khorasan (IS-K), tức chi nhánh Afghanistan của tổ chức khủng bố này.

Do đó, với Matxcơva phải khẩn cấp giải quyết vấn đề này. Bởi vì nếu không, Điện Kremlin “khó có thể rêu rao rằng mối nguy hiểm chính đối với Nga đến từ phương Tây”, chuyên gia Natasha Lindstaedt nhấn mạnh.

Chính quyền Nga, gần đây đã thừa nhận trách nhiệm của Nhà nước Hồi Giáo trong vụ khủng bố tại Matxcơva, do đó họ rất quan tâm đến việc Taliban có thể lo giải quyết vấn đề IS-K một cách tích cực nhất có thể. Tuy nhiên, Intigam Mamedov nhận xét: “Có vẻ lạ khi Matxcơva đề nghị Taliban, về mặt chính thức vẫn bị coi là một nhóm khủng bố, lo xử lý một phong trào khủng bố khác”.

Ngoài IS-K, người Nga và Taliban còn có một kẻ thù chung khác là Washington. Intigam Mamedov khẳng định: “Việc xích lại gần nhau này phải được phân tích trong bối cảnh rộng hơn của cuộc xung đột giữa Matxcơva và phương Tây”. Chuyên gia này cho biết thêm: “Đó là việc áp dụng nguyên tắc cũ, theo đó kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta”.

Còn bà Natasha Lindstaedt thì giải thích: “Kể từ cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2012 với các cuộc biểu tình ở Nga, Vladimir Putin nghi ngờ phương Tây đóng một vai trò nào đó trong phong trào phản kháng này, đã tìm kiếm các đồng minh mới”. Sau cuộc xâm lược Ukraina, Nga bị cô lập ngoại giao đã khiến việc tìm kiếm đồng minh mới càng trở nên cấp bách hơn.

Afghanistan của Taliban có tất cả các lợi thế mà Nga mong đợi. Nước này nằm ở nơi mà Matxcơva coi là phạm vi ảnh hưởng lịch sử của mình, ở Trung Á. Chế độ Taliban cho thấy họ quan tâm đến các phát ngôn chống Mỹ của người Nga và quốc gia này chiếm giữ “một vị trí địa lý chiến lược đối với Nga”, chuyên gia  Natasha Lindstaedt phân tích.

Chuyên gia này giải thích thêm : Matxcơva “đang tìm kiếm các giải pháp thay thế kênh đào Suez để vận chuyển dầu của mình tới châu Á”. Một lối đi qua Afghanistan có thể sẽ là một giải pháp cho Nga. Vào đầu tháng 5, Taliban cũng đã công bố một dự án xây dựng một trung tâm vận tải hậu cần ở tỉnh Herat (miền tây Afghanistan) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển dầu của Nga.

Intigam Mamedov nhấn mạnh, kết bạn với Taliban cũng phục vụ « luận điểm của Nga muốn khẳng định mình là đồng minh của các nước đang phát triển và Nga là một giải pháp thay thế cho Hoa Kỳ”. Ở điểm này, Afghanistan có thể  sẽ là sự lựa chọn cho chính sách ngoại giao của Nga. Việc Taliban lên nắm quyền kéo theo việc rút toàn bộ quân đội phương Tây và Nga sẽ mơ ước có thể thể hiện mình là “cường quốc” sát cánh cùng Afghanistan.

Theo chuyên gia Intigam Mamedov, các nhà tuyên truyền Nga có thể lợi dụng điều này để nói với người dân Nga rằng sự xích lại gần nhau này là một “bằng chứng cho thấy Mỹ đã mất ảnh hưởng ở khu vực này trên thế giới”.

Matxcơva cũng có thể cố gắng lôi kéo Taliban vào cuộc chiến văn hóa chống lại phương Tây. Nga luôn tự coi mình là « người bảo vệ các giá trị truyền thống (đối lại sự suy đồi của phương Tây) và một trật tự đa cực, theo đó mỗi quốc gia sẽ có quyền theo đuổi mô hình phát triển phù hợp với mình. Cách diễn giải đó có thể làm hài lòng Taliban », Intigam Mamedov nhận xét.

Những đồng minh tình thế ?

Taliban cũng hoàn toàn có lợi ích trong việc tăng cường mối quan hệ với Nga. Thứ nhất bởi vì bất kỳ sự công nhận nào đều “mang lại tính chính đáng cho quyền lực của họ trong mắt dư luận quốc gia”, Intigam Mamedov nhấn mạnh. Theo các chuyên gia được France 24 phỏng vấn, mọi động thái, chẳng hạn như việc khả năng rút Taliban khỏi danh sách các nhóm khủng bố, đều là tốt cho một chế độ chưa được ai chính thức công nhận. Đây là một tấm gương có thể thúc đẩy các quốc gia khác làm theo. Đầu tiên là từ các quốc gia Trung Á, và có lẽ sau đó là Trung Quốc.

Nhưng việc rút Taliban ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố, vẫn chưa xảy ra, không có nghĩa là Matxcơva công nhận đầy đủ tính chính đáng của chế độ Taliban. “Đó mới chỉ là bước đầu tiên cần thiết” Intigam Mamedov nhận định và dự tính sự công nhận rất có thể sẽ đến ở giai đoạn sau.

Natasha Lindstaedt thì không tin chắc lắm. Đối với bà, Taliban và Nga chỉ là đồng minh tình thế. Theo bà, thực ra “ngoài những luận điệu mang tính chất truyền thống và chống phương Tây, vẫn  là hai cách nhìn về thế giới rất không tương thích với nhau,” . Chẳng hạn cách đối xử dành cho phụ nữ của Taliban chắc chắn sẽ tạo thái độ e ngại ở Nga, một trong nhưng quốc gia có tỷ lệ giáo dục dành cho phụ nữ cao nhất thế giới.

(Theo france24.com)

Bài Liên Quan

Leave a Comment