Vũ Quang Việt: Việt Nam mượn của Trung Quốc bao nhiêu?

\"\"

++

Việt Nam mượn của Trung Quốc bao nhiêu?

 

Vũ Quang Việt

Việt Nam hiện nợ Trung Quốc bao nhiêu là câu hỏi đáng hỏi, bởi vì chính Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam đã cảnh báo về các điều kiện không ưu đãi khi vay “tín dụng ưu đãi” của Trung Quốc.  Báo cáo với tên “Cập nhật định hướng thu hút, và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2021-2025” (3/8/2018) đã viết như sau (trích nguyên văn):
“…tín dụng ưu đãi của Trung Quốc tương tự như các khoản tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam. Lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0.5%, phí quản lý 0.5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm….Tuy nhiên, một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc cũng thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư, v.v. ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Do đó, định hướng trong thời gian tới đối với việc vay nguồn  tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc.”
Lãi suất vay từ Trung Quốc như vậy là rất cao so với lãi suất 0% của Đan Mạch; 0.2% của Tây Ban Nha, 0.6-1.2% của Nhật; 1.04% của Pháp, 0.75% của Đức, 1.75% của Ấn v.v. Còn với các tổ chức quốc tế, lãi suất là 0.9% (LIBOR 6 tháng + 0.4-0.9%) tức là hiện nay vào khoảng 1.3-1.8%/năm và với thời hạn vay rất dài có thể tới 30 năm, thời gian ân hạn ít nhất là 5 năm.
Như vậy, câu hỏi quan trọng vẫn là cho đến nay số nợ của Việt Nam với Trung Quốc là bao nhiêu? Kế hoạch ba đặc khu có dựa vào việc vay Trung Quốc không? Tại sao Việt Nam tiếp tục mượn TQ để phải nhập công nghệ phế thải với điều kiện rất không ưu đãi? Và tình hình chính trị sẽ ra sao nếu công ty Việt Nam vay mượn tiền TQ phải chấp  chuyển giao sở hữu công trình cho ngân hàng chủ nợ của họ, một giải pháp bình thường trong thương mại, khi không trả được nợ?
Mặc dù số nợ TQ cần theo dõi, nhưng rất tiếc không thể tìm thấy câu trả lời trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói đến ở trên. Bản báo cáo chỉ nói đến số tiền vay ODA từ Trung Quốc là 250 triệu US, tức là chỉ khoảng 3,7% so với tổng số vay ưu đãi của Việt Nam là 6,781 triệu trong thời gian 2016-2017.
Số liệu trên cũng hơi khó tin. Theo thông tin của báo VNeconmy trong nước, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Trung Quốc tổng thầu, và cho vay, với đầu tư ban đầu 552 triệu USD (tương đương 8,770 tỷ đồng) nhưng đã đội giá trên 40% lên tới 891.92 triệu USD (tương đương 18,792 tỷ đồng). Vậy số tiền đội giá thêm 339.1 triệu USD trên vay từ đâu, cao hơn 250 triệu US ở trên nhiều,  trừ khi tiền vay này đã được ghi vào năm 2016?
Phải nói kể từ năm 2011, Bộ Tài chính chỉ công bố tổng số nợ nước ngoài và đã chấm dứt việc công bố nợ từng nước. Bản Tin nợ nước ngoài số 7 công bố năm 2011 cho thấy tổng số nợ của chính phủ Việt Nam với Trung Quốc tính đến hết năm 2010 lên đến 552 triệu US và khoản nợ do chính phủ bảo lãnh là 1,121 triệu US. Như vậy tổng số nợ TQ tính đến cuối năm 2010 mà chính phủ trách nhiệm là 1,643 triệu US.
Theo một nghiên cứu chi tiết về các khoản nợ của các nước trong đó có Việt Nam với Trung Quốc, thì tổng số nợ của Việt Nam với Trung Quốc (bao gồm cả chính phủ, DNNN, doanh nghiệp tư) có thể đã lên tới 4 tỷ US, rất tiếc chỉ có thể tính đến hết năm 2013 (xem biểu 1 đính kèm). Số liệu trên rất tiếc chưa thể tính trừ đi khoản nợ gốc đã trả.
Biểu 1. Các khoản nợ của Việt Nam với Trung Quốc, 2000-2013

Các khoản vay TQ Loại Triệu US
2000 Công ty phân đạm Hà Bắc Vay  21.5
2000 Công ty phân đạm Hà Bắc Viện trợ  10.7
2000 Công ty gang thép Thái Nguyên Viện trợ  21.4
2002 Nhà máy điện Cao Ngạn Vay  85.5
2003 Đường sắt phía bắc Vay  64.0
2003 Mỏ Đồng Lào Cai Vay  40.5
2004 Đạm Ninh Bình Vay  250,0
2004 Đóng tàu Dũng Quất Vay  99.8
2005 Cát Linh-Hà Đông Vay  419.0
2005 Phân bón Hà Bắc Vay  32.0
2006 Nhà máy điện Cẩm Phả Vay  225.0
2006 Xe lửa VN, hệ thống tín hiệu từ Vinh vào TPHCM Vay  61.0
2006 Tập đoàn Than Khoáng sản Vay  147.0
2009 Nhà máy điện Uông Bí Vay  178.5
2010 Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 Vay  300.0
2011 Các dự án khác nhau Vay  200.0
2011 Thép Thanh Hóa Vay  46.0
2011 Nhiệt điện An Khánh Vay  143.0
2011 Xây dựng nhà rẻ tiền Vay  1500.0
2013 Đường cao tốc Hà Nội Lạng Sơn Vay  300.0
2000-2013 Tổng số vay và viện trợ  4,144.9
Tổng số vay  4.112,7

Tuy thế, nếu dựa vào số liệu nợ Trung Quốc là 4.1 tỷ US năm 2013, tính ra bằng 6.3% tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam (kể cả nợ của doanh nghiệp) là 63.5 tỷ US vào năm 2013. Dựa trên cùng tỷ lệ trên, và với số nợ nước ngoài hiện nay ước là 100 tỷ US, có thể ước nợ Trung Quốc vào năm 2018 đã trên 6 tỷ US. Ngân hàng Thế giới tính số nợ nước ngoài của Việt Nam là 86.9 tỷ vào cuối năm 2016.
Kể từ năm 2017, Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước nghèo được ưu tiên nhận vốn ưu đãi từ tổ chức quốc tế, do đó cần thay đổi chính sách phát triển dựa vào vốn nước ngoài, thay vì dựa vào mình là chính, có thể đưa VN đến bẫy nợ TQ. Do đó, để có theo dõi kinh tế Việt Nam nhằm có chính sách đúng đắn, Bộ Tài chính cần theo dõi sát sao và công bố nợ nước ngoài của Việt Nam, nhất là với Trung Quốc, dù là nợ của chính phủ hay của doanh nghiệp. Nếu không tự nguyện, Quốc hội nên có nghị quyết yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện việc làm trên.
Sri Lanka đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc khi không thể trả nợ tiền mượn xây dựng cảng nên đã phải nhượng cảng nước sâu Hambantoba cho TQ trong 99 năm. Hiện nay, Thủ tướng mới Mahathir của Mã Lai vừa qua đã phải yêu cầu TQ xóa bỏ các công trình đầu tư chung cùng TQ 99 năm, từ làm xe lửa cao tốc, nới biển xây khu vực công nghệ, cảng, và dự án nhà ở cho người TQ. Mahathir lấy lý do không muốn phải rơi vào thế nhượng địa khi mất khả năng chi trả (NYT, 20/8/2018).
Vũ Quang Việt
Nguồn: Blog Huỳnh Ngọc Chênh

Liên Quan

Leave a Comment