Chiếc đèn Trung Thu

Chuly sưu tầm

Chiếc đèn Trung Thu
Written by Huy Phương

Chính nhà văn Balzac cũng đã nói: “Sự đau đớn thì vô cùng, sự vui mừng thì hữu hạn” (La douleur est infinie, la joie a ses limites).

Tuần qua, đang ngồi lơ mơ trên ghế hớt tóc, tôi nghe tiếng hai người đàn bà nói chuyện với nhau bên phía phòng uốn tóc phụ nữ:

– Trung Thu có gì vui không chị?

– Có gì vui! Mỗi lần Trung Thu đến tôi thấy buồn vô tả vì luôn luôn nhớ lại những chuyện buồn thuở nhỏ. Nhiều khi muốn quên đi mà quên không được. Nhà tôi quá nghèo, năm nào Trung Thu mấy đứa nhỏ con nhà giàu đầu xóm cũng có lồng đèn xách đi chơi ngoài đường. Tôi thèm quá, ra khỏi nhà, lẽo đẽo đi theo bọn nhỏ. Thấy cái tua đầy màu sắc của cái lồng đèn đứa nhỏ đi bên cạnh, tôi đưa tay cầm lấy, thằng nhỏ không bằng lòng giật mạnh khiến cái lồng đèn bốc cháy. Thằng nhỏ khóc ré lên và bà mẹ nó chạy ra, chụp lấy tay tôi, giữ chặt bắt tôi phải đền cái lồng đèn cho con bà, mặc dầu tôi khóc lóc van xin thế nào cũng không được. Má tôi nghe tin, vội vã chạy tới, việc làm đầu tiên là xáng cho tôi mấy cái tát tai. Sau khi móc túi đồng bạc đền cái lồng đèn bị cháy, má tôi tức tốc kéo tôi về nhà, giận dữ, với một cây củi, vừa khóc, vừa đánh cho tôi một trận nên thân vì cái tội “nghèo mà không giữ phận nghèo”. Tôi biết đồng bạc đối với má tôi là một món tiền không nhỏ.

– Tôi không ngờ chị nghèo đến như vậy!

– Chị biết, buổi sáng, trong khi mấy đứa con nhà giàu có tiền lên chợ ăn cháo đậu, còn tôi phải lục cơm nguội. Thời đó làm gì có “garde-manger”, nồi chảo, nắp vung thì móp méo, còn chút cơm trong nồi thì kiến đen vào bu dầy đặc. Tôi đem ra chỗ sáng, vừa lắc vừa gõ một lúc lâu mà bầy kiến cũng không chịu ra hết. Cuối cùng đói quá, đành rắc xì dầu vào, ăn cả cơm với kiến.

Một chuyện xảy ra đã lâu, đối với tuổi của người kể chuyện, cũng đã trên 50 năm rồi, cả một nửa thế kỷ trôi qua, mà bà còn nhớ rành mạch để kể lại cho người bạn nghe.

Người phụ nữ này chắc không bao giờ nhớ lại để kể cho bạn bè nghe những giờ phút sung sướng hạnh phúc trong cuộc đời của bà. Hạnh phúc, sung sướng thì có gì đáng nhớ, đáng nói, trong khi những niềm đau, nỗi khổ như những vết chém rỉ máu, dù ngày nay đã thành sẹo cũng khó quên. Trong đắng cay, xót xa của những kỷ niệm buồn, có lẽ người đàn bà này không oán trách gì người mẹ, mà oán trách phận nghèo, và người mẹ ngày xưa, cũng vì nghèo, đã đem bao nhiêu phiền muộn, khó khăn, bực dọc đổ lên đầu con.

Phần tôi, chỉ là người khách qua đường, tình cờ nghe được câu chuyện bà kể, tôi cũng hình dung ra được con đường đêm Trung Thu có bọn nhỏ “rước đèn đi chơi” hay cái xó bếp nhà nghèo tồi tàn của bà. Phải chăng tôi cũng đã trải qua những ngày ấu thơ nghèo khó như thế. Tôi không còn nhớ gì những ngày Trung Thu ở quê nhà hay những ngày đã sang Mỹ, khi mà mỗi năm có đến năm bảy hộp bánh Trung Thu đủ loại, ăn không hết, ngán ngẩm phải mang đi biếu lại người khác. Nhưng mỗi Trung Thu, nhìn những đứa con ngày nay đã trưởng thành, tôi vẫn còn nhớ những năm đói rách, có những năm đến lễ Trung Thu, tôi không có tiền mua nổi cho con một cái lồng đèn hay chiếc bánh Trung Thu, mà phải đợi đến một tuần sau khi trăng thu đã khuyết, người ta bắt đầu bán rẻ bánh cũ mới mua được một cái cho con.

Chúng ta có bao giờ nằm mơ thấy lại những bữa ăn thịnh soạn, những chuyến du lịch đến những thành phố tráng lệ, những tiện nghi trên một du thuyền, mà suốt đời chúng ta vẫn bị ám ảnh bởi những chuyện thiếu thốn, khổ đau, nghèo khó, tù đày hay bị sỉ nhục. Tôi biết có người ngày nay đã ổn định, giàu sang nhưng vẫn còn có những cơn ác mộng của những ngày vượt biển, mà sự chết chóc chỉ trong gang tấc, mà khổ đau xuống gần đến mấy tầng địa ngục. Chính nhà văn Balzac cũng đã nói: “Sự đau đớn thì vô cùng, sự vui mừng thì hữu hạn” (La douleur est infinie, la joie a ses limites).

Có bao giờ chúng ta nhớ nổi một khúc nhạc vui, một chuyện phim cười hay trong lòng chúng ta vẫn mang dư âm của những chuyện phim buồn, những tình sử dở dang của cuộc đời này. Những kiệt tác văn chương của mọi thế kỷ đều được dựng nên từ những mối tình ngang trái, nhưng nghịch cảnh xót xa của thân phận con người, hay từ những thảm cảnh của chiến tranh, ô nhục của kiếp tù đày. Những nguyên vẹn, sung mãn, lành lặn, vuông tròn thì có gì đáng nói, có gì đáng viết, đáng ghi lại cho cuộc đời này và có gì đáng nhớ. Trong văn chương Việt Nam, những Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Tỳ Bà Hành, và cả chuyện Kiều đều là những lời than khóc, đau đớn, ngậm ngùi của những phận người. Niềm vui thì qua mau mà nỗi buồn thì còn đó chưa đi.

Khổ đau vẫn nằm ở đâu đó, nó không hiện hữu, nhưng rất dễ khơi động chỉ với một lời nói, một cử chỉ, dù như cơn gió thoảng, cũng đủ làm vết thương chưa lành như bị xát muối, vậy thì không bao giờ nên nhắc nhở đến khổ đau của người khác, vô tình hay hữu ý. Nỗi đau thể xác bao giờ cũng dễ thấy, nhưng rồi cũng dễ lành, chẳng bao lâu sẽ kéo da non, rồi thành vết sẹo. Nỗi đau tinh thần không ai thấy, nhưng dai dẳng, đắng cay không hề phai nhạt.

Tôi cũng đã nhiều lần nghe đến hai chữ tự do, nhất là tự do tín ngưỡng, tự do bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình, nhưng tôi cũng thông cảm với nỗi đau khổ còn lại của những người của 90 quốc gia trên địa cầu này, đã có chồng, vợ, con cái hay người thân yêu của mình đã chết tức tưởi trong buổi sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001 ngay giữa trung tâm thành phố New York, Washington, DC, và Pennsylvania mà hôm nay, cũng nơi đó người ta muốn dựng lên một thánh đường Hồi Giáo. Phải chăng người Hồi Giáo vẫn có thói quen xây dựng giáo đường ở những nơi họ đã chiến thắng?

Những ai đã từng là nạn nhân của chế độ Cộng Sản hẳn thấy việc Trần Trường, nhiều năm về trước, treo cờ đỏ và dựng ảnh Hồ Chí Minh là một thách thức trên nỗi khổ đau của người khác.

Thực sự chúng ta ai cũng muốn quên, quên được thì cuộc đời đỡ khổ, đỡ dằn vặt biết bao nhiêu. Người tỵ nạn quên vì sao phải bỏ nước ra đi, thuyền nhân quên những ngày sóng gió trên biển Ðông, người thành công quên những ngày thất bại, người tự do quên những năm tháng tù đày, lúc no ấm quên những ngày đói rách. Phải chi chúng ta chỉ còn giữ lại được những niềm hạnh phúc, sung sướng ở đời, nhưng không nhớ được những gì khổ đau, phiền muộn trong quá khứ thì sao lớn được thành người để biết yêu thương, nghĩ đến những nỗi thống khổ của người khác. Có lẽ người không quên được đau khổ mới sớm trưởng thành và người làm chính trị mà không biết đến đau khổ làm sao cải tạo được xã hội, đem lại hạnh phúc cho quần chúng.

Tôi thực sự mong muốn người đàn bà trong câu chuyện của một Trung Thu buồn ở trên, có cơ hội nhìn thấy đôi mắt rực sáng đầy nỗi vui mừng của một đứa bé nghèo khó ở trên một vùng đất nào đó, khi bà có cơ hội trao cho em một chiếc lồng đèn Trung Thu, chiếc lồng đèn mà ngày xưa bà đã thường mơ ước, cũng như đã đem lại cho bà những kỷ niệm xót xa, mà cho đến giờ này, 50 năm sau, bà vẫn còn nhớ để kể lại, như câu chuyện này mới xảy ra hôm qua

Bài Liên Quan

Leave a Comment