Gà trong tục ngữ, ca dao

Chuly sưu tầm

Gà trong tục ngữ, ca dao 
Written by Tuệ Chương Hoàng Long Hải

Tôi biết gà trong văn chương từ khi tôi còn nhỏ. Thật vậy, mấy ai khi còn nhỏ không biết câu ca dao “Con gà cục tác lá chanh…” trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư.

Năm 11 tuổi, khi người anh cả tôi bị bắt giam tại lao Thừa Thiên (sau nầy là trường Luật khoa Huế), tôi phải đi thăm nuôi một tuần hai lần, tiếp thể sữa, bánh mì, bánh kẹo, v.v… Nhà tôi ở thành phố Quảng Trị, nên tôi phải nghỉ học vào Huế, ở nhờ nhà bà con để đi thăm nuôi anh tôi. Ngoài những ngày thứ hai, thứ năm là ngày đi thăm, những ngày khác tôi chẳng làm gì cả, đi chơi lang thang theo lũ bạn trong xóm. Cũng tết năm đó, năm Quí Sửu, tôi không về nhà được.
Sau những ngày cúng giỗ hôm tết, xong xả đâu đó cả rồi, các bà cụ già trong xóm thường tụ họp ở một cái quán nước chè tươi bên bờ hồ Tàng Thơ trong thành nội Huế, chỗ nầy có mấy cây sung mọc gần nhau, có bóng mát, có mấy cái ghế gỗ dài.
Sau tết vài hôm thì các bà cụ tụ họp ở đó để đánh bài Tới. Bài Tới, thường đánh trong nhà, người đánh ngồi quanh một chiếc chiếu trên giường hay trên bộ ván ngựa. Khi các người đánh ngồi trên một cái chòi cao ngang đầu người thì gọi là bài chòi. Khi các cụ ngồi trên những cái ghế gỗ như ở đây thì gọi là bài ghế.
Bây giờ thì Tết qua đã vài tuần, các cụ không còn đánh bài ghế nên họ ngồi quanh một bà để nghe bà nầy đọc thơ. Có lẽ các cụ ít người biết chữ quốc ngữ. Người đọc thơ là một người đàn bà trẻ hơn một chút, có lẽ hồi trước có đi học tiểu học nên đọc quốc ngữ cũng thông, mà lại đọc thơ, bà biết đưa giọng lên bỗng xuống trầm nghe cũng hay lắm. Chuyện thơ các cụ thường nghe đọc ở đó là Hạnh Thục Ca hay còn gọi là thơ Thất Thủ Kinh Đô, (Có người đọc “Vè Thất Thủ Kinh Đô”, hơi giống Hạnh Thục Ca vậy), (1) Thoại Khanh Châu Tuấn, Bần Nữ Thán, Lục Vân Tiên, Nữ Tú tài, Nhị Thập Tứ Hiếu, Quan Âm Thị Kính, Phan Trần, Phạm Công Cúc Hoa, v.v… Các bà cụ tụ họp ở đó hằng ngày, nghe đọc thơ, uống nước chè tươi (chè xanh).
Tôi thường đi chơi lang tang, qua chỗ mấy cụ đó một mình, đôi khi cũng ngồi lại nghe và cũng xúc động vì những tình tiết đau đớn buồn bã trong thơ.
Quả thật, trước đó, tôi chưa từng biết xúc động vì tiếng gà gáy ban trưa, ban sáng bao giờ, mặc dù khi còn nhỏ lắm, tôi đã nhe bài hát về gà:

“Đêm đã sáng kia kìa, gà sè sẻ phất cạnh, rột rột, rạc rạc, chân trời rạng đông. Kìa sao mai đã mọc…” (2)

Tôi còn nhớ trước đó một năm, một hôm, khi mấy bà cô già của tôi từ quê ra dự đám giỗ ba tôi, không hiểu sao mấy bà cô già không ngủ được. Nửa đêm họ dậy uống nước trà, kể chuyện xưa. Trong khi đang ngủ mơ màng, tôi nghe một bà cô đọc câu thơ “Con gà nó gáy o o, Phải thuyền ông Trạng đưa cô tôi về cùng!” Có phải đó là hai câu thơ trong truyện Phạm Công Cúc Hoa, nói tới lúc Phạm Công thi đậu trạng nguyên mà Cúc Hoa thì đã qua đời.
Có lẽ câu thơ nghe nửa được nửa mất trong cơn ngủ ngon đã ám ảnh tôi, khiến tôi thấy được cái hay của tiếng gà trong thơ?
Cũng vì vậy, trong những ngày sau tết, tôi ghé lại quán nước chè của bà cụ già bên mấy gốc sung để nghe đọc thơ và cũng để nghe tiếng gà gáy trong thơ Phạm Công Cúc Hoa.
Bấy giờ Phạm Công đi đánh giặc xa, Cúc Hoa đã qua đời. Hai đứa con của Phạm Công và Cúc Hoa là Nghi Xuân và Tấn Lực ở với bà dì ghẻ là Tào Thị. Bà nầy nổi tiếng độc ác, đánh đuổi hai đứa con riêng của chồng ra khỏi nhà. Hai đứa nhỏ đi xin kiếm ăn. Tối lại chúng tìm ra mộ mẹ. Ba mẹ con ngồi ôm nhau than thở khóc lóc. Tới khi có tiếng gà gáy sáng, thì người mẹ phải về lại cõi âm (3). Cảnh mẹ con chia tay rất cảm động:

Còn đang than thở nỉ non
Xóm xa gà đã ồn ồn gáy lên
“Hai con ở lại cho yên
Mẹ về âm phủ cõi tiên đấy mà”

Cúc Hoa nước mắt ròng ròng
Nghe gà gáy giục mà lòng tái tê
Lấy khăn phủ mặt xưa kia
Viết thư để lại vân vi trách chồng”

Ở nước ta, khu nghĩa địa thường ở xa xóm nhà dân, nên trong thơ mới viết “Xóm xa”. Tiếng gà làm Cúc Hoa nghĩ tới việc xa con nên “nước mắt ròng ròng”. Bà lấy cái khăn người ta phủ mặt bà lúc bà chết để viết một bức thư gởi lại trách chồng.
Đâu có phải một mình Cúc Hoa “nước mắt ròng ròng” bởi vì khi đoạn thơ đó được đọc lên, các bà cụ già cũng lấy tay gạt nước mắt vậy. Sau nầy, mỗi khi nghe cơ quan tuyên truyền tán tụng về Mẹ Việt Nam, tôi không rõ bà Mẹ Việt Nam của bộ Thông Tin Chiêu Hồi như thế nào, nhưng với tôi, tôi thường nghĩ đến mẹ tôi và các bà cụ già nghe đọc thơ Phạm Công Cúc Hoa ở bên cạnh những gốc sung bên hồ Tàng Thơ nầy.
Gà cũng đóng một vai trò giống như “ngưu đầu mã diện” (đầu trâu, mặt ngựa) dưới âm phủ. Những người độc ác, như Tào Thị, khi chết xuống âm phủ cũng bị gà trừng phạt như trong truyện Phạm Công Cúc Hoa:

“Thấy cảnh hành tội ngoài sân
Chẻ đầu cưa đoạn róc dần thịt xương
Hóa ra là bọn cướp đường
Chết xuống phải tội ngục trường Diêm la
Đàng kia có một đàn gà
Mỏ dài cựa sắc lấy đà xông vô
Mổ lia lịa một bọn tù
Tứ chi gông chặt đầu u mặt bầm
Cõi trần tham lại còn thâm
Thấy trứng gà ấp liền cầm hết đi
Cho nên thác xuống âm ty
Bắt cho gà mổ thân thi đêm ngày

Rõ ràng dưới âm phủ có gà, Diêm Vương dùng gà để trừng phạt người ác. Nhưng chắc chi Diêm Vuơng không khoái thịt gà và lâu lâu bảo bồi bếp bắt gà làm thịt nấu cháo ăn chơi.
Còn trên Thiên Đình thì sao?
Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng có nuôi gà vậy!
Khi cóc dẫn một đoàn quân lên kiện Trời vì Trời lâu ngày không mưa làm cho trăm loài dưới dương gian khốn khổ. Vì những lời nói cứng cỏi của Cóc, Ngọc Hoàng Thượng Đế bực lắm, bèn sai gà của Trời ra mổ chết chú Cóc hỗn xược kia. Gà Trời tưởng dễ ăn, hung hăng xông tới thì Cóc ra lệnh cho Cáo. Cáo chồm tới cắn cổ gà tha đi mất. Mất gà, không biết Trời có ra lệnh cho vợ Trời là bà Tây Vương Mẫu xông ra chưởi cóc như Hồng Đào chưởi mất gà hay không, nhưng có điều Ngọc Hoàng Thượng Đế chắc phải nuôi con gà khác để có gà nấu cháo ăn chơi!

Gà không chỉ ở trong tình cảm, sinh hoạt ăn uống của người Việt mà còn nằm trong những ẩn dụ, ví von nói lên trí khôn của người Việt. Cái trí khôn đó, thường xuất hiện trong tục ngữ.
Ví dụ, khi tổ tiên chúng ta nói “Gà nhà bôi mặt đá nhau” là muốn nói tới tình nghĩa anh em, chị em, sự xáo trộn, tranh đấu, giành giật nhau giữa những người trong gia đình, họ hàng.
Khi còn nhỏ, cha mẹ còn mạnh khỏe, nuôi nấng các con thì không sao. Đến khi cha mẹ già, có ít nhiều tài sản để lại thì anh chị em tranh giành, thưa kiện nhau. Anh em ruột “muối mặt” đưa nhau ra tòa, giống như “Gà nhà bôi mặt đá nhau!” vậy. Muốn gà một sân đá nhau, phải lấy lọ nghẹ bôi mặt chúng, không biết nhau chúng mới chọi nhau. Người cùng một nhà đấu đá nhau, không cần bôi mặt! Người còn thua gà!!!

Ở lăng cụ Phan (bội Châu) trên đầu giốc Bến Ngự, cụ có dựng bia cho hai con chó của cụ. Cụ khen rằng “Thấy không phải chủ, thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ngon dẫn dụ, thiệt là trí đó.

Ý cụ Phan muốn phê phán những người theo Tây, không trung thành với đất nước. Họ còn thua… chó. Họ chính là những người tục ngữ gọi là “Cõng rắn cắn gà nhà”. Con gà cũng biết bảo vệ “giang sơn” của mình, không cho gà lạ đến cướp đoạt hay “khai thác” mảnh vườn của chúng. Vậy nên ông bà mới bảo rằng “Chó ỉ thế nhà, gà ỉ thế vườn.” Không phải ỉ thế, có thể thay tiếng ỉ bằng tiếng giữ. “Chó giữ nhà, gà giữ vườn.” Đó chỉ là một cách nói.
Những kẻ không biết phân biệt cái đúng cái sai thì gọi là “gà mờ”. Ngu ngốc làm không xong việc gì được cả thì gọi là “gà chết”. Đó cũng là một thứ “gà dịch, gà toi”.
Người Việt rất hiếu khách, khi có khách xa đến nhà thì lo làm vịt, làm gà đãi khách: “Khách đến nhà không gà thì vịt”. Bây giờ, văn minh hơn, và để tiện lợi hơn thì mời nhau ra nhà hàng.
Nguyễn Khuyến có khách đến nhà, nhưng không có gì đãi đằng khách được, bèn làm bài thơ “Bạn đến chơi nhà” để “tạ lỗi” rất khéo:
“Đã bấy lâu nay bác đến nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.
Việc ăn uống là điều dễ gây mất lòng. Tục ngữ bảo là “Miếng ăn là miếng tồi tàn, Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.” Huống gì bạn cụ Nguyễn đế thăm mà… không được mời ăn gì cả: Chợ thì xa, cá không lưới được, gà không bắt được. Bầu mướp cũng không. Thậm chí “Miếng trầu là đầu đầu câu chuyện” cũng không có nữa. Cụ chỉ có một tấm lòng với bạn. Đối với người Việt, “một tấm lòng” là đủ rồi.

Các cô, các bà thường hay ganh nhau, tranh cạnh nhau rằng “tao đẹp hơn nó, nó xấu hơn tao” thì cũng giống như “Gà ghét nhau tiếng gáy” (tục ngữ -tn). Những bà cô nào hay khoe khoang cái tôi thì bị gọi là “Gà múa mỏ” (tn). Tục xưa, khi hai bên ký kết điều gì, bán đất bán nhà… thì ký một tờ hợp đồng, “thuận mua vừa bán”, coi như ai cũng được lợi. Để mừng cái “thắng lợi” đó, người ta thường làm gà để “liên hoan”. Vì vậy mới có câu tục ngữ “bút sa, gà chết”. Trong nhà gia chủ thường nuôi gà, vịt, heo dê. Heo dê là súc, khác với gà vịt là cầm đã đành mà ngay gà vịt cũng khác nhau. Gà sống trên khô, vịt sống dưới nước. Vì vậy, nếu ông chủ bà chủ nói gì khác nhau thì tục ngữ bảo là “Ông nói gà, bà nói vịt.”
Tục ngữ có câu “Trông gà hóa quốc”. Chim quốc, còn gọi là chim cuốc (Ai xui con cuốc gọi vào hè – Nguyễn Khuyến), theo dã sử là hiện thân của Vua Thục Phán bị mất nước. Chim quốc giống nhưng nhỏ hơn gà, không thuần hóa để nuôi trong nhà được, thường xuất hiện ở bụi tre, bờ rào. Người ta dễ lầm với gà. Trong Phạm Công Cúc Hoa cũng có câu:
Phu nhân nén tiếng thở dài
Lắc đầu xẳng giọng nói ngay một hồi:
\”Rể ta đô đốc cao ngôi
Có đâu con nó cuộc đời lang thang
Tướng công suy ngẫm lằng nhằng
Trông gà hóa cuốc, nhìn thằng thành ông
Cho trẻ bát gạo là xong
Gọi là có chút tỏ lòng xót xa”.

Cũng giống như chim cu ấp trứng chim tu hú, đôi khi người ta cũng cho gà mái ấp trứng vịt. Khi trứng nở ra thành vịt, lội xuống nước, gà “mẹ” đi trên bờ kiếm mồi kêu “tục tục”. Vị con thấy thế cũng chạy lên với mẹ gà, trông cũng đầm ấm như mẹ con thật. Người thì khác. Mấy bà dì ghẻ thường ghét và rầy la con chồng, nên ca dao mới bảo “Mẹ gà con vịt chít chiu, Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng.” Vậy là người mà còn thua gà đấy nhé!
Khi ai nói một điều gì không đúng với sự thật, thì người ta bảo rằng “Bụt trên tòa gà nào mổ mắt!” Nhựng người con trai thiếu tài cán, không dám xông pha ra với đời, chỉ quanh quẩn trong nhà, sống nhờ cha mẹ, như anh chàng Thân trong tiẻu thuyết “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh thì đúng là “Gà què ăn quẫn cối xay.”
Diều hâu thường bát chim chích ăn thịt, cũng như khi gà mẹ thấy có diều hâu đảo lộn trên trời thì lo gọi gà con tới, núp dưới hai cánh gà mẹ đang xòe ra che cho gà con. Ca dao có câu đùa, nói ngược:

. . . . . . .
“Chim chích cán cổ diều hâu
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm,
Bong bóng thì chìm,
Gỗ lim thì nổi.

Khi gặp điều gì kinh sợ thì da thịt người nổi lên từng hột nhỏ như đầu hạt gạo, giống như da gà nên người ta gọi là “sợ nổi da gà”. Khi gặp việc lo lắng quá, quay quắt qúa thì người ta bảo là như “gà ăn bọ xít.” Vì con bọ xít khi bị tấn công, nó tiết ra một chất nước cay nồng.
Người nông dân Việt Nam thường nghèo khổ nên ổ trứng gà của họ là một gia tài lớn. Gà mẹ đẻ ra gà con. Gà con lớn lên đem bán thịt hay có gà mái để xây thêm một ổ gà nữa, chẳng bao lâu mà kiếm được một chút vốn. Vì vậy, theo phong tục người Việt ta ngày xưa, ăn trộm trứng gà là một tội lớn, bởi gà không có trứng thì còn gì sinh lợi. Trong ý nghĩa đó, trong ca dao, những việc sau đây bị lên án nặng nề, coi là thất đức:

“Thứ nhứt ăn trộm trứng gà
Thứ nhì thuế chợ, thứ ba đưa đò.

Lấy thuế chợ cũng là một tội lớn vì thuế thâu từ những người buôn bán nhỏ nhặt, lèo tèo ít lá rau, vài củ khoai, vài con cá, lợi ích chẳng bao nhiêu! Thu thuế họ thì tội nghiẹp quá!
Thế nhưng tại sao đưa đò sang sông cũng là một tội lớn nữa thì tôi chư tìm hiểu ra! Ai biết chỉ giùm.
Chăm sóc việc nội trợ, ăn uống, giặt giũ, nuôi gà nuôi lợn là việc của người vợ. Làm nhà, sửa nhà là việc lớn, là việc của người đàn ông. Tổ tiên phân tích rõ ràng “Gà đàn bà, nhà đàn ông”.
Về bệnh thì ngày xưa người ta đã có bệnh mồng gà. Đó là bệnh phong tình của người đàn bà, cũng không nguy hiểm lắm, chữa trị được. Mấy lâu nay, bỗng xảy ra bệnh “Cúm gà” khiến nhiều người chết.
Ngày trước, khi chuyển sang mùa thu, trời đổi gió, gà hay bị “mắc phong”, cũng chỉ là bệnh thường, một thứ cúm. Trị theo cách ngoại khoa thì lấy nước tỏi, xức vào miệng gà, chỗ bị lở đỏ, gà sẽ hết hay cho gà uống nước, pha chút nước tỏi, gà cũng hết bệnh. Có khi không trị được, gà chết hàng loạt thì gọi là dịch gà, toi gà, gà toi. Từ dịch gà sang dịch người, là “cúm gà”, cũng chết hàng loạt.
Khi vô trại cải tạo được vài tháng, trời trở lạnh, có gió, hàng loạt tù cải tạo chúng tôi cũng bị cúm, nhức đầu, sổ mũi. Cán bộ Việt Cộng tập trung chúng tôi lại, phát cho ít múi tỏi, biểu về giả nhỏ xức vào mũi, bệnh sẽ hết. Điều nầy lạ quá, có nghe nói như “chuyện đời xưa” chớ chưa áp dụng bao giờ. Mấy chục năm nay, thiếu gì thuốc tây tiện dụng mà phải dùng tỏi. Có người nói đùa, nghe cũng đau: “Người mà coi như gà!”

Về món ăn gà, bài trước tôi có nói cơm gà Hải Nàm. Ca dao thì nói rằng:

“Buồn ngủ buồn nghê
Buồn ăn cơm nếp cháo kê, thịt gà.”

Câu sau nói về từng món gia vị nấu hoặc ăn với các thứ thịt:

“Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.

Ca dao cũng có những câu trào phúng, vừa làm vui trẻ con mà cũng vừa dạy cho chúng những công việc trong đời sống nông thôn ở nước ta ngày xưa:

“Con qua tha lá lợp nhà
Con cua chẻ lạt, con gà dựng phên
Con gà cục tác
Chú lác cầm chèo
Con mèo cầm lái
Con nhái chạy buồm
Con tôm tát nước
Con giếc đòi ăn
Con thỏ chạy quanh
Xui cua đi kiện
Bà Huyện ăn tiền.
Con chó huyền đề
Con gà năm móng
Lấy về mà nuôi.

Chó huyền đề là loại chó mực (lông đen). Người dân quê tin rằng loại chó nầy trừ ma, làm ma sợ. Đi đêm dắt theo con chó huyền đề khỏi sợ bị ma nhát. Gà có bốn móng (ba trước, một sau). Gà năm bóng là loại gà có tướng quí, nuôi sẽ gặp may mắn.
Gà còn ở sắc đẹp của con gái: Tóc bỏ đuôi gà là cách cột tóc của mấy cô gái ngày xưa, nên “Một thương tóc bỏ đuôi gà, Hai thương ăn nói mạn mà có duyên…” Câu ca dao sau đây cũng bàn về đề tài ấy:

“Cổ tay em vừa trắng vừa tròn
Răng đen rưng rức, chồng con kém người
Khốn nạn thay nhạn ở với ruồi
Tiên ở với cú, người cười với ma
Con công ăn lẫn với gà
Rồng kia, rắn nọ coi đà sao nên
Nói nên mà ở chẳng nên
Quang rơm gánh đá sao bền hơn mây.”

Người đẹp như thế mà lấy anh chàng cù lần, giống như tiên với cú, gà với công. Lông công đẹp hơn lông gà, công múa cũng đẹp hơn.

Người xưa cũng đem ví gà với chuyện tình duyên:

“Con gà mái rỗ
Lót ổ trên cao
Có thương thì thương cho chắc
Nếu giục giạc thì lý không thương.
Giục ngựa buông cương
Lên đường thượng lộ
Tới ngã ba rồi
Không ai ngộ hơn em

Cũng có thể ví von cách khác:

Con chim kêu đồng nội
Con gà gáy tại cội Cầu Đôi
Hai ta duyên mãn tình hồi
Ai có điều chi phân đi nói lại
Kẻo duyên nợ xa rồi, hỡi anh!

Trong sinh hoạt nông thôn, nhiều nhà tập trung trai gái giả gạo trong sân vào những đêm trăng (để tiết kiệm dầu đèn). Họ chia hai phe hát đối đáp nhau cho quên bớt mệt nhọc. Trong những câu hát đố ấy, gà cũng là một đề tài:

“Con rắn không chưn nó đi năm rừng bảy rú
Con gà không vú, nuôi nỗi chín mười con
Phải chi nhan sắc em còn
Lăn vô chỗ đó chịu đòn cho cam.

Hai câu đầu thuộc thể ví: Lấy chuyện gian khổ của con gà con rắn để bắt cầu qua nói chuyện cô gái nếu còn đẹp để “lăn vô chỗ đó” – chỗ đó có lẽ là chuyện làm vợ lẻ người giàu có, hay người góa vợ:

“Con cò trắng bạch như vôi
Thằng Cam con Quít đẹp đôi chăng là
Thằng Cam thì ham chọi gà
Con Quít ở nhà ăn vụng cháo kê
Thằng Cam ở đâu chạy về
Giận đánh con Quít bò lê bò càng
Mẹ Quít ở đâu chạy sang
Mày phủ mày phàng mày đánh con tao
Con tao có cưới có cheo
Tự nhiên làm đĩ nó theo mầy về?

Coi như đây là câu chuyện vui: Vợ chồng trẻ tưởng là đẹp đôi, không ngờ té ra là hai vợ chồng bê bối chẳng chịu làm ăn, chỉ lo chơi.

Sau đây là những câu hát đố:

“Cái gì mà sắc hơn dao (nước)
Cái gì phơng phớt lòng đào hỡi anh? (trứng gà)

Đố:
Có chân mà chẳng có tay
Có hai con mắt ăn mày dương gian
Đáp:
Thưa anh chắc hẵn con gà
Gà thì có cánh nhưng mà không tay.
Có hai con mắt thơ ngây
Hình đây, nhìn đó suốt ngày kiếm ăn

Mũi kê gà ở Phan Thiết, ngó ra Hòn Khói là nơi làm muối. Gọi là Mũi Kê Gà vì nó có hình dạng như cái mỏ gà, nhưng người xưa đặt ten cũng lạ: đã Kê mà lại còn gà? Nhắm bộ Kê không phải là Gà hay sao hay muốn nhắc lại cho chắc? Có người nói Mũi Kê Gà nằm ở Đại Lãnh, nơí có một nhánh của TRường Sơn vươn ra biển, ngăn cách hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

Hồi nhỏ tôi có món đồ chơi ngày tết làm bằng đất sét, phơi khô, khung nung chín nhu con tu-huýt. Đồ chơi nầy sơn vôi trắng, mỏ vàng, mào đỏ như con gà trống, sau đít gà có cái kèn làm bằng ông tre nhỏ, có lưỡi gà làm bằng lá cọ, khi thôi lên phát ra tiếng kêu không giống tiếng gà gáy chút nào cả.
Các dân tộc sống chung quanh nước Việt Nam, như người Miên, người Lào, người Tầu thường nuôi gia cầm, trong đó có gà. Nhà nào gần ao hồ sông rạch thì nuôi thêm vịt.
Về việc người Tầu nuôi gà, có câu chuyện vợ Bá Lý Hề khá cảm động.
Truyện “Đông Châu Liệt Quốc” thuật rằng vợ Bá Lý Hề một hôm nói với chồng:
“Thiếp nghe nói làm trai phải lập chí, nay phu quân
không tìm công danh, cứ vướng bận gia đình, biết bao giờ làm lên đại sự. Phận thiếp tuy yếu đuối nhưng cũng có thể kiếm ăn được, xin phu quân đừng ngại.
“Nói xong, Ðỗ thị bắt con gà mái ấp làm thịt để tiễn chân Bá Lý hề.
“Nhà hết củi, Ðỗ-thị phải bẻ phên làm củi, nấu một nồi cơm gạo đỏ bưng cho Bá lý hề ăn.
“Bá lý hề ăn no, từ giã vợ con ra đi.
“Ðỗ thị tay ẵm con, tay níu áo chồng, trối:
– “Lúc phú quí xin chớ phụ nhau.
………………………………….

Con gà mái ấp là coi như tài sản quí, là cái vốn nuôi sống gia đình: Gà ấp trứng, sinh ra con, nuôi cho gà lớn lên, bán kiếm tiền. Con gà mái ấp bị giết thịt, coi như hết vốn. Về sau, nghe nói chồng làm quan to, vợ Bá Lý Hề đi tìm chồng:
“Đỗ thị nói :
– “Từ khi tôi lưu lạc đến đây, chưa hề cất tiếng hát bao giờ, nay tôi muốn xin lên nhà trên, hát hầu quan tể tướng một bài.
“Phường nhạc lên nói với Bá Lý Hề, Bá Lý Hề cho lên. Đỗ thị cúi đầu khép nép rồi cất tiếng hát. Hát rằng:
“Bá Lý Hề năm bộ da dê! Nhớ ngày nào càng nhau ly biệt: mổ con gà mái ấp, thối nổi cơm gạo vàng. Chừ thương thì thương…
“Ngày nay giàu sang, quên ta hay sao?
“Bá Lý Hề năm bộ da dê! Cha ăn thịt cá, con đói khóc dài; chồng mặc gấm vóc, vợ giặt thuê hoài! Chừ thương thì thương… Ngày nay giàu sang, quên ta hay sao?
Bá Lý Hề, năm bộ da dê! Nhớ ngày xưa tiễn chàng ra đi, thiếp tôi nưóc mắt chứa chan!
“Tới bây chừ, thấy chàng ngồi đó, thiếp tôi ruột đứt đòi cơn!
“Chừ thương thì thương… Ngày nay giàu sang, quên ta hay sao?”
“Bá Lý Hề nghe câu hát, lấy làm ngạc nhiên, gọi đến trước mặt mà hỏi chuyện thì hóa ra vợ mình khi trước, liền ôm lấy mà khóc òa lên một hồi lâu, rồi hỏi đến con. Đỗ thị nói:
– “Nó vẫn đi săn bắn ở trong xóm.”
Năm bội da dê: Tần mục-công sai người đem năm bộ da dê, biếu vua nước Sở để đổi lấy Bá lý hề, đem về cho làm quan to.

Thời Tam Quốc, Tào Tháo mang quân đánh nước Thục nhưng khi tới đất Hán Trung thì bị chặn lại bên bờ sông Hán Thủy. Khổng Minh dùng mẹo thắng Tháo nhiều trận, làm cho quân Tào mất nhuệ khí. Tào Tháo nao núng nhưng vì sĩ diện nên lưỡng lự chưa lui quân.
Đương lúc tình hình như thế thì Dương Tu vào bẩm xin mật khẩu gác ban đêm. Tào Tháo liền phán bừa hai chữ “gân gà”.
Vốn sợ Tào Tháo nên Dương Tu không dám phản bác nhưng ngầm bảo thuộc cấp sửa soạn lui quân bởi Tào ra mật khẩu bằng “gân gà”. Ăn thịt gà, nhằm cái gân, nhai thì không ra, bỏ đi thì tiếc. Đó là tâm lý cua Tháo bấy giờ. Tấn tới thì không thắng, lui quân thì tiếc cái công đã đem quân đi.
Thấy binh lính chuẩn bị rút lui, Tháo hỏi mới biết là do anh “mưu sĩ” Dương Tu. Dương Tu là người giỏi, nhiều lần đoán biết truớc ý của Tào, nhưng vì “Gà ghét nhau tiếng gáy” nên Tháo liền ra lệnh chém đầu Dương Tu. Người xưa nói “chết vì ba tấc lưỡi” chính là cái ý từ trong câu chuyện của Dương Tu vậy.

“Khôn chết, dại chết, biết sống” Câu của Không tử nói sao mà hay và thực dụng quá vậy!


Chú thích:

(1) Hạnh Thục Ca là một tác phẩm hữu danh, dài 1036 câu. Người viết là bà Nguyễn Nhược thị, tên thật là Nguyễn thị Bích. Bà là cung nữ đời Tự Đức mà cũng là thầy dạy hai ông vua Đồng Khánh và Kiến Phúc khi hai ông nầy còn nhỏ. Khi “thất thủ kinh đô” (1885), bà cùng Hoàng gia chạy ra Quảng Trị rồi trở lại Huế. Sau biến cố lịch sử trọng đại nầy, và viết “Hạnh Thục ca”, thuật lại lịch sử triều Nguyễn từ vua Gia Long đến khi vua Thành Thái bị đi đày. Hạnh Thục Ca được liệt kê thuộc tác phẩm văn học chữ nôm.
“Vè thất thủ kinh đô” là một tác phẩm vô danh, dài 1850 câu, kể sự việc từ khi Pháp đánh chiếm Thuận An (1885) đến khi vua Thành Thái bị đày (1907). Tác phẩm nầy được liệt kê vào những tác phẩm văn chương bình dân.

(2) Trong 50 năm âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy có nói đến bản nhạc sơ khai nầy của nền “Âm nhạc cải cách”. Tôi đã cố tìm lại nhưng không thấy.

(3) Theo đạo Phật, lúc chạng vạng, chuông chùa thường gióng lên 108 tiếng là để mở 108 cửa ngục cho hồn ma được lên dương thế. Đến khi hừng đông, chuông chùa lại gióng lên 108 tiếng để đóng cửa ngục lại. Các hồn ma phải về lại âm phủ trước khi chuông chùa đánh lên vào ban sáng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment